TP. HỒ CHÍ MINH
CHÙA GIÁC LÂM
Vị trí bề thế, nhưng quy mô lại khiêm tốn, chùa Giác Lâm là một trong
những ngôi chùa cổ nhất của thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Văn hóa ra quyết
định số 1288 VH/QĐ ngày 16 - 11 - 1988 công nhận là một di tích lịch sử - văn
hóa. Chùa tọa lạc ở số 118 đường lạc Long Quân, phường 23, quận Tân Bình, trong
vùng Phú Thọ Hòa.
Chùa vốn ở trên gò Cẩm Sơn, còn gọi là Cẩm Đệm và Sơn Can, do ông Lý
Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền của xây dựng vào mùa xuân năm Giáp Tý
(1744), đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh
Hoài Đức miêu tả khu vực này như sau : rộng ba dăm, cây cao như rừng, hoa nở
tựa gấm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà có nhã thú.
Thi nhân du khách, mỗi dịp tết Thanh minh, Trùng cửu rảnh rỗi, kết bầy năm ba
người đến mở tiệc thưởng hoa, chuốc chén ngâm vịnh, ngó xuống chợ búa rộn ràng
xa cách ra ngoài tầm mắt…"
Năm 1772, Hòa thượng Viên Quang thuộc dòng Lâm tế tới trụ trì, từ đó mới
đổi tên là Giác Lâm.
Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu. Lần thứ nhất, vào khoảng năm 1799 -
1804, Hòa thượng Viên Quang cho xây lại ngôi chùa. Đến năm 1906 - 1909, Hòa
thượng Hồng Hưng với sự giúp sức của Hòa thượng Như Phòng, đã cho tôn tạo lại
ngôi chùa một lần nữa. Các sự kiện này được ghi lại trong đôi liễn mừng lạc
thành, nay còn treo ở chánh điện.
Khuôn viên chùa khá rông, nằm lọt giữa phố phường đông đúc, chung quanh
là những bức tường xây. Qua cổng chùa, ngay giữa sân có dựng tượng Bồ - tát
Quan Thế Âm dưới bóng cây bồ đề tán lá xanh tốt. Đây là cây bồ đề do Đại đức
Narada mang từ SriLanca sang trồng ngày 18-6-1953. Nhân dịp này Ngài cũng cúng
cho chùa Xá-Lợi Phật Thích-ca.
Ngày 17 tháng 6 năm 1994, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ
khánh thánh Bảo tháp Xá-lợi và cung nghinh Xá-lợi Phật từ chùa Long Vân, Bình
Thạnh về chùa Giác Lâm, tôn trí tại Bảo tháp (nguyên từ năm 1953, Xá-lợi Phật
được đưa về tôn trí tại chính điện chùa Long Vân). Bảo tháp gồm 7 tầng, hình
lục giác, mỗi tầng đều có mái ngói, cửa ra vào. Tháp được xây từ năm 1970 theo
đồ án của kiến trúc sư Vĩnh Hoằng, đến năm 1975 thì tạm ngưng cho đến năm 1993
mới được tiếp tục. Tháp cao 32m, mặt hướng Đông, là một trong những bảo tháp
lớn và nổi triếng nhất thành phố.
Ngôi chùa có hình chữ nhật, dài 65m, rộng 22m, gồm 3 lớp nhà chính:
chánh điện, giảng đường và nhà trai, không kể các dãy nhà phụ. Chùa có tất cả
98 cột. Trên cột có khắc 86 câu đối dính liền, chữ thếp vàng, khung viền chung
quanh được trạm trổ rất công phu. Các đầu kèo đều tạc hình đầu rồng. Các bàn
thờ trong chánh điện đều được làm bằng gỗ quý nên rất chắc chắn. Gian giữa có
ba tấm bao lam hình Tứ quí (mai, lan, cúc, trúc), Tứ linh (long, lân, qui,
phụng) và Cửu Long.
Chùa có 113 pho tượng cổ, chủ yêu bằng danh mộc (gỗ mít nài) được sơn
son thếp vàng. Ngoài ra có 7 pho tượng đồng. Toàn bộ tượng, bao lam, ghế bàn,
bảo tháp đều được chạm khắc cực kỳ tinh xảo. Pho tượng Phật cổ nhất ở chùa là
tượng đức Phật Thích-ca Mâu-ni ngồi trên tòa sen, bằng gỗ, cao 0,65m ; bề ngang
hai gối 0,38m, được tôn trí ở giảng đường, có niên đại vào khoảng thế kỷ XVIII.
Toà Cửu Long diễn tả sự tích đức Phật Thích-ca đản sinh, được đúc bằng đồng,
tôn trí ở bàn thờ chánh điện. Khá đặc sắc về nghệ thuật tạc tượng là hai bộ
Thập bát La-hán. Bộ La-hán nhỏ, mỗi pho tượng cao khoảng 0,57m (tượng cao 0.50m
và đế cao 0.07m) được tạo tác vào đầu thế kỷ XIX ; bộ La-hán lớn, mỗi pho tượng
cao khoảng 0.95m (tượng cao 0.80m và đế cao 0.15m) được tạo tác vào những năm
đầu thế kỷ XX, đặt hai bên điện Phật ở chánh điện.
Bên trái khuôn viên chùa có khu mộ tháp của các vị Tổ đã trụ trì ở đây:
Viên Quang, Hải Tịnh, Minh Vi, Minh Khiêm, Như Lợi, Như Phòng … Ở đây còn có cả
tháp của Tổ Phật Ý, thầy của Tổ Viên Quang, trụ trì Sắc tứ Từ Ân, được dời về
chùa Giác Lâm vào năm 1923.
CHÙA ẤN
QUANG
Tổ đình Ấn Quang được xây dựng cách nay không lâu, nhưng lại giữ một vị
trí rất đặc biệt trong lịch sử Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Nơi đây đã từng chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong những bước
thăng trầm và phát triển của đạo Phật ở miền Nam. Chùa Ấn Quang đã là nơi đặt
trụ sở của Phật học đường Nam Việt, Giáo hội Tăng già Nam Việt (1959-1963), văn
phòng Viện Hóa Đạo và Viện Tăng Thống (1976 - 1980), nay là trụ sở Ban Trị sự
Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (từ
năm 1982).
Chùa Ấn Quang hiện tọa lạc tại 243 Sư Vạn Hạnh, Quận 10, thành phố Hồ
Chí Minh. Chùa được Hòa thượng Thích Trí Hữu từ chùa Linh Ứng ở Ngũ Hành Sơn,
Đà nẵng vào lập nên vào năm 1948. Lúc đầu đây chỉ là một ngôi Phật tự nhỏ bằng
cây lợp lá, mang tên là Ứng Quang Tự.
Năm 1950, Hòa thượng Thích Thiện Hòa (1907 - 1978), thuộc dòng thiền Lâm
Tế đời thứ 43, sau 10 năm tu học về đạo pháp và giới luật tại Tây Thiên Phật
học đường, Báo Quốc Phật học đường và chùa Quán Sứ, trở về Sài Gòn. Ngài được
Hòa thuợng Thích Trí Hữu giao cho quyền quản lý chùa Ứng Quang để hoằng dương
Phật pháp. Với tư cách là Viện chủ, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã cho xây dựng
ngôi chánh điện theo kiểu chùa Từ Đàm ở Huế. Từ đó trong suốt hơn một phần tư
thế kỷ, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã hiến trọn tâm trí và công đức để tôn tạo
ngôi chùa và thành lập trường Phật học để giáo dục và hoằng pháp.
Đầu năm 1951, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã vận động các trường Phật học
Liên Hải, Mai Sơn, Sùng Đức và Ứng Quang hiệp nhất thành Phật học đường Nam
Việt. Chùa Ứng Quang được đổi tên thành Ấn Quang và được chọn làm trụ sở của
Phật học đường. Hòa thượng Thích Thiện Hòa được bầu làm Tổng giám đốc.
Năm 1955, chùa xây dựng thêm dãy lẫu nhà tổ và trai đưởng. Liên tục hai
năm sau đó, xây nhà in Sen Vàng, xưởng nhang Bổ Đè, thư viên, nhà xuất bản, nhà
phát hành Hương đạo. Năm 1959, xây lại dãy lầu giảng đường. Đến năm 1966, chánh
điện được tôn tạo; năm sau lầu tăng xá, nhà trai được tái thiết. Kiến trúc chùa
được xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện. Bên trong chùa
ngoài tượng đức Bổn Sư Thích-ca và tượng các vị Phật được tôn trí trang nghiêm
tại chánh điện, còn có tượng Tổ Sư Đạt ma (tạc bằng gỗ) và bộ tranh sơn mài
Quan Âm, Văn-thù, Phổ Hiền do nghệ nhân Trương Văn Thanh (tức Đại đức Minh
Tịnh) thực hiện.
Từ năm 1974, do Hòa thượng Thích Thiện Hòa lâm bệnh nặng, một Hội đồng
Quản trị Tổ đình Ấn Quang gồm chín vị, do Hòa thượng Thích Huệ Hưng làm Tổng
lý, đã được bầu ra để đảm đương Phật sự. Hòa thương Thích Thiện Hòa viên tịch
năm 1978. Tên tuổi Hòa thương gắn liền không chỉ với sự nghiệp mở mang chùa Ấn
Quang và còn với sự nghiệp đào tạo hàng trăm giảng sư và hàng nghìn Tăng Ni
sinh làm sứ giả của Như Lai đi bổ xứ trụ trì các chùa ở các tỉnh miền Nam.
CHÙA XÁ
LỢI
Chùa Xá Lợi nằm trên một khuôn viên rộng 2500m2, giữa một khu
phố khá yên tĩnh, cổng chính nhìn ra đường Bà Huyện Thanh Quan, cổng phụ nhìn
ra đường Sư Thiện Chiếu. Chùa được khởi công xây dựng vào ngày 5-8-1956 dưới sự
quản đốc công trường của hai kỹ sư Dư Ngọc Ánh và Hà Tố Thuận, thi công theo
họa đồ của hai kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh. Chủa được khách thành
vào các ngày 2-3-4 tháng 5 năm 1958. Có được kết quả này là nhờ vào sự đóng góp
của Phật tử 21 tỉnh miền Nam lúc đó, dưới sự tổ chức xây dựng của Hội Phật học
Việt Nam.
Tương truyền rằng trong quá trình xây cất, ở đây có biển đề "Công
trình Chùa thờ Xá-lợi Phật". Do đó, nhân dân quen gọi là chùa Xá Lợi. Đến
khi khánh thành, theo ý kiến Hòa thượng Khánh Anh, chùa đã lấy tên này như cách
gọi của nhân dân.
Cấu trúc ngôi chùa gồm có : chánh điện, giảng đường, thư viện, văn
phòng, phòng hội đồng, phòng họp, phòng khách, phòng tăng và vãn sinh đường.
Chánh điện ở lầu một, dài 31m, rộng 15m. Trong lễ đường chỉ tôn trí một vị Phật
là đức Thích-ca Mâu-ni. Tượng này do Trường Mỹ nghệ Biên Hòa thực hiện năm1958
bằng bột đá mầu hồng. Trên tường chánh điện có những bức tranh minh họa đời
sống đức Phật Thích-ca từ lúc đản sinh cho đến khi nhập niết bàn. Các tác phẩm
này do họa sĩ Nguyễn Văn Long thực hiện vào các năm 1959-1960.
Phía bên trái tam quan chùa trên đường Bà Huyện Thanh Quan có một tháp
chuông cao 7 tầng, được khởi công xây dựng vào ngày 15-12-1960 và khánh thánh
vào ngày 23-12-1961. Đại hồng chung đã phải đúc hai lần mới thành công và được
đem lên tháp ngày 17-10-1961 với sự chứng minh của Đại lão Hòa thượng Thích
Tịnh Khiết.
Nếu chùa Ấn Quang gắn liền với sự ra đời và hoạt động của Phật học đường
Nam Việt, thì chùa Xá Lợi lại có quan hệ mật thiết với lịch sử của Hội Phật học
Nam Việt. Hội này thành lập năm 1951 tại Sài Gòn, do bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe,
thầy Quảng Minh và cụ Chánh Trí Mai thọ Truyền lần lượt làm Hội trưởng. Hội đã
từng có chi nhánh ở hầu hết các tỉnh miền Nam trước đây với cơ quan ngôn luận
là tạp chí Từ Quang. Chùa Xá Lợi từng được chọn làm trụ sở của Ủy ban Liên phái
bảo vệ Phật giáo năm 1963 và là nơi tổ chức thành lập Giáo hội Phật giáo Việt
Nam Thống Nhất họp từ ngày 30-12-1963 đến ngày 01-01-1964. Chùa cũng là nơi tổ
chức lễ tiếp nhận và phát hành hai tập kinh đầu tiên Đại Tạng Kinh Việt Nam vào
ngày 31-8-1991.
Từ năm 1981 đấn tháng 5 năm 1993, chùa đặt trụ sở Văn phòng II Giáo hội
Phật giáo Việt Nam tại phía Nam. Kể từ rằm tháng tư năm Quí Dâu - 1993, Văn
phòng II được dời về Thiền Viện Quảng Đức ở 294 nam Kỳ khởi Nghĩa, Quận 3.
Do vị trí quan trọng và sự đóng góp lớn lao của chùa trong việc hoằng
dương chánh pháp, chùa Xá Lợi đã nhiều lần đón các vị khách quốc tế và là nơi
thường xuyên có nhiều du khách, Phật tử đến tham quan, chiêm bái.
Chùa
VĨNH NGHIÊM
Từ phi trường Tân Sơn Nhất đi về trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, trên
đường Nam Kỳ Khở Nghĩa, qua khỏi cầu Công Lý, du khách sẽ thấy hiện lên sừng
sững ngọn tháp của chùa Vĩnh Nghiêm.
Có thể nói đây là ngôi chùa có kiến trúc bề thế vào bậc nhất nước ta
hiện nay. Chùa mang tên Vĩnh Nghiêm, một trung tâm Phật giáo thời Trần ở tỉnh
Bắc Giang cũ, nay là Hà Bắc. Vĩnh Nghiêm còn là tên tôn xưng Sư tổ Thanh Hanh
(1838 - 1936), một cao tăng được tấn tôn Thiền gia Pháp chủ Giáo hội Phật giáo
Bắc Kỳ. Trước năm 1975, Tăng Ni Phật tử miền Bắc sinh sống tại miền Nam tụ tập
thành miền Vĩnh Nghiêm, mà trung tâm chính là ngôi chùa này.
Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1964 và khánh thành năm 1971 do kiến
trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế với sự cộng tác của hai kiến trúc sư Lê Tấn
Chuyên và Cổ Văn Hậu. Chùa làm theo kiểu chữ "Công" hai lớp mái chồng
diêm, mang dáng dấp kiến trúc cổ kính Á Đông.
Chùa gồm một tầng trệt và một tầng lầu. Tầng trệt có phòng đọc sách,
giảng đường, văn phòng, phòng tăng chúng. Tầng lầu có sân thượng rộng khoảng
10m, bên trái là tháp Quan Âm với 7 tầng mái, bên phải có tháp chuông treo quả
đại hồng chung do Giáo hội Phật giáo Nhật Bản hiến cúng. Bái điện là một tòa
phạm vũ nguy nga, bề rộng 22m, dài 35m. Những công trình chạm khắc gỗ ở đây có
bao hàm tứ linh, bao lam Cửu Long. Đặc biệt có phù điêu trên hương án chạm các
ngôi chùa danh tiếng trong nước và các nước châu Á.
Bàn thờ Phật được thiết kế rất trang nghiêm. Ở bảo điện : chính giữa thờ
dức Phật Thích-ca, hai bên là Bồ-tát Phổ Hiền tượng trưng cho đạo hạnh và
Bồ-tát Văn-thù tượng trưng cho trí tuệ.
Tại chánh điện đât 6 bức phù điêu La-hán : Khuyến Học La-hán, Thuyết
Pháp Văn Pháp La-hán, Đạo Sơn Địa Ngục Tiếp Hóa La-hán, Cúng Dàng La-hán, Cúng
Dàng Bố Thí La-hán, Đại Hàn Địa Ngục Tiếp Hóa La-hán. Đó là những tác phẩm chạm
khắc gỗ dựa vào bản chính của phái Tịnh độ Nhật Bản. Ở hàng hiên, trước lối vào
chánh điện mỗi bên có một pho tượng Kim Cương lớn.
Các mái chùa đều uốn cong theo kiểu chùa miền Bắc, mái trước chồng diêm.
Giữa đỉnh nóc có bánh xe pháp luân và các góc chạm hình đầu phượng.
Nói đến chùa Vĩnh Nghiêm, ngoài tháp chuông, không thể quên hai ngôi
tháp đặc sắc là tháp Quan Âm và tháp Xá Lợi Cộng Đồng. Tháp Quan Âm dựng ở bên
trái sân thượng trên một diện tích 200m2 . Tháp có 7 tầng mái, từ
mặt đất lên đến đỉnh tháp cao 35m. Tháp xây hình vuông, mỗi cạnh ở tầng một dài
7m. hai bên cửa ra vào có hai pho tượng Kim Cương đắp nổi, cao 1,48m, ngang 0,74m.
Ở 7 tầng của tháp, trên vách đắp nổi 25 tượng Thất Phật Thế Tôn và các vị Tổ,
mỗi tượng có khung vuông, cạnh 1,05m.
Tháp Xá Lợi Cộng Đồng xây ở phía sau chùa về bên phải, khởi công năm
1982 và hoàn thành năm 1984. Tháp có 4 tầng, cao 25m, mang nét đặc trưng của
kiến trúc Việt Nam. Tháp là nơi đặt thờ tro hài cốt của những người do gia đình
ký gởi, trong đó có những văn nhân thi sĩ tên tuổi như Chế Lan Viên, Vũ Hoàng
Chương …
Chùa Vĩnh Nghiêm hiện là nơi đặt trụ sở của trường Cơ bản Phật học thành
phố Hồ Chí Minh.
Tịnh xá
TRUNG TÂM
Tịnh xá Trung Tâm tọa lạc tại số 7 đường Nguyễn Trung Trực, quận Bình
Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là ngôi tịnh xá thuộc hệ phái Tăng già Khất
sĩ Việt Nam. Hệ phái này do Tổ sư Minh Đăng Quang, thế danh là Nguyễn Thành
Đạt, người làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, sáng
lập từ năm 1944 với hạnh nguyện mà cũng là danh nghĩa để sau này trở thành
truyền thống :
"Nối truyền Thích-ca chánh pháp
Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam"
Ngài lập phương châm hành đạo với chủ trương : "Nên tập sống chung
tu học" trong giới tăng đồ. Ngài cũng khuyến khích mọi người cùng chung
xây dựng một cõi đời hạnh phúc, nhân đạo tại trần gian bằng cách :
Mỗi người phải biết chữ,
Mỗi người phải thuộc giới,
Mỗi người phải tránh ác,
Mỗi người phải (học đạo) làm thiện.
Ngài phát tâm thể hiện chí nguyện đi theo và tái tạo con đường phạm hạnh
sa môn khất sĩ của chư Phật - Tăng xưa bằng hình ảnh :
Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Dục cùng sanh tử lộ
Khất hóa dộ xuân thu
Nghĩa là :
Một bát cơm ngàn nhà
Thân đi muôn dặm xa
Muốn thoát đường sinh tử
Xin độ tháng ngày qua
Tịnh xá được bắt đầu xây dựng vào tháng 4 năm 1965 và kéo dài suốt 10
năm, trong một khuôn viên rộng 5490m2 do Bà Phán Nguyễn Văn Chà,
pháp danh Diệu Kiến phát tâm cúng dường. Lúc đầu Tịnh xá bao gồm tòa chánh
điện, nhà thờ Cửu huyền thất tổ, hai dãy nhà tăng và các cốc của chư tăng. Nơi
đây trở thành trụ sở của Trung ương Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam từ năm
1966 đến năm 1980.
Từ tháng 11 năm 1980, Thượng tọa Giác Toàn (trụ trì) và Thượng tọa Giác
Phúc (giáo phẩm hệ phái) đã tổ chức trùng tu Tịnh xá bao gồm tầng trệt và tầng
lầu. Chánh điện xây pháp tháp kiểu bát giác, theo họa đồ của kiến trúc sư
Nguyễn Hữu Thiện. Phần tháp cao 4,40m, mỗi cạnh 2,25m. Ở nóc tháp có 13 tầng,
tượng trưng cho 13 tầng nấc tiến hóa của chúng sinh (lục phàm, tứ thánh, tam
tôn). Tháp được làm bằng gỗ giáng hương, chung quanh chạm nổi hình hoa sen.
Phần trên là 12 bức chạm nổi minh họa cuộc đời đức Phật Thích-ca. Toàn bộ cấu
trúc của tháp do ông Thiện Ngộ và nhóm thợ Trường Mỹ nghệ Long An thực hiện từ
năm 1982 đến năm 1984.
Bên trong pháp tháp chánh điện tôn trí bảo tượng đức Phật Thích-ca.
Chung quanh vách tường có 8 bức phù điêu, mỗi bức cao 2,20m, dài 4,50m, giới
thiệu cuộc đời đức Phật. Đây là công trình của các điêu khắc gia Minh Dung và
Hai Long.
Phía sau chánh điện là nơi thờ Cửu huyền thất tổ, giữa có tháp thờ
Bồ-tát Địa Tạng. Ngoài sân trước có pho tượng Bồ-tát Quan Thế Âm cao 9m, đứng
trên tòa sen cao 3m.
Trước năm1975, trên toàn miền Nam. Giáo hội Tăng già Khất sĩ có khoảng
300 tịnh xá, mà văn phòng trung ương là Tịnh xá Trung Tâm. Hội đồng lãnh đạo
Giáo hội do ngài Trưởng lão Giác Chánh làm Tăng chủ và Thượng tọa Giác Nhiên
làm Tổng trị sự trưởng tức Viện trưởng Viện Hành Đạo. Theo gương của Tôn sư
Minh Đăng Quang, các đệ tử của Ngài đã thành lập nhiều đoàn du tăng khất sĩ,
gồm 6 giáo đoàn chư tăng và 3 giáo đoàn ni giới. Với bộ y vàng, không nón mũ,
giày dép, tay bưng bát, các nhà sư khất sĩ đã dấn bước trên khắp các thành phố
và làng mạc miền Nam. Đi đến đâu họ cũng tổ chức thuyết pháp, xây cất tịnh xá,
tích cực tham gia quyên góp cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến tranh và thiên tai.
Trên những nẻo đường hành đạo, nhà thơ Trần Quê Hương đã cảm tác thành những
dòng thơ in trong tập Suối về Hoa Nghiêm :
Mỹ Tho thành phố quê hương mẹ
Gót trải đầu tiên bước nhịp nhàng
Bình bát ngàn nhà cơm gạo tẻ
Nhớ tình phụ mẫu, nhớ mang mang.
…
An Đức già lam dừng bước nghỉ
Bên con sông nhỏ nước êm đềm
Khi đêm dìu dịu hương lan lý
Say ngất mùi thiền, vượt cõi thiên.
Mỹ Tho cũng chính là nơi mà năm 1946, Tôn sư Đăng Minh Quang, sau một
thời gian hơn 2 năm tu trì tại chùa Linh Bửu, đã bắt đầu dẫn đoàn du tăng đi
hành đạo. Từ 1976 đến nay, những đệ tử của Ngài đã tiếp nối bước chân hoằng hóa
bằng cách tĩnh tu và hành đạo tại những ngôi tịnh xá của hệ phái, dưới ánh sáng
những lời giáo huấn và sự chứng giám của chân dung Tổ sư được tôn trí thờ phụng
tại Tịnh xá Ngọc Viên (Tổ đình), Tịnh xá Trung Tâm và tịnh xá các nơi.
Thiền viện VẠN HẠNH
Tại thành phố Hồ Chí Minh, trên đường từ Phú Nhuận đi Gò Vấp, đến số 716
đường Nguyễn Kiệm, du khách sẽ thấy hiện ra cổng tam quan bề thế của Thiền viện
Vạn Hạnh.
Trước năm 1975 nơi đây là Phân khoa Khoa học ứng dụng thuộc Viện Đại học
Vạn Hạnh do Hòa thượng Thích Minh Châu làm Viện trưởng. Năm 1976, Hòa thượng đã
tạo lập thiền viện này làm nơi tu trì và nghiên cứu Phật học.
Thiền viện tọa lạc trên một diện tích khoảng 1 hecta, bao gồm ngôi chánh
điện ; một nhà tổ ; các dãy nhà làm trụ sở trường Cao cấp Phật học Việt Nam,
văn phòng Viện nghiên cứu Phật học, văn phòng Hội đồng phiên dịch Đại Tạng Kinh
Việt Nam ; dãy nhà tăng và trai đường.
Cổng thiền viện được xây dựng năm 1990 theo kiểu kiến trúc cổ Phật giáo
ở Huế do Đại đức Tâm Đoan và Đại đức Tịnh Quang đảm trách. Ngôi chánh điện gồm
hai tầng. Ở tầng trệt, gian giữa thờ tượng đức Phật Thích-ca màu trắng ngà ngồi
trên tòa sen, vẻ mặt đầy bao dung. Nơi đây bài trí đơn sơ nhưng rất nghiêm cẩn.
Hai bên là phòng đọc sách của thư viện với nhiều sách quý. Tầng lầu là phòng
khách và phòng làm việc của Hòa thượng Viện chủ.
Ngôi nhà Tổ cũng có hai tầng. Tầng lầu thờ Phật và thờ Tổ. Trên bàn thờ
Tổ có chân dung cố Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Tăng thống Giáo hội
Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước đây. Tầng trệt là giảng đường, nơi thường
tổ chức các buổi giảng kinh, thuyết pháp, nói chuyện chuyên đề, biểu diễn văn
nghệ…
Thiền viện Vạn Hạnh giữ một vị trí rất quan trọng trong việc nghiên cứu
và hoằng dương Phật pháp. Đây là nơi làm việc của Viện nghiên cứu Phật học Việt
Nam do Hòa thượng Thích Minh Châu, Tiến sĩ Triết học và Phật học, làm Viện
trưởng. Cơ cấu của Viện gồm có : Ban Phật giáo Việt Nam, Ban Phật giáo quốc tế,
Ban Phật giáo chuyên môn, Ban in ấn và xuất bản. Ngoài ra, ở đây còn đặt văn
phòng Hội đồng phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam do Hòa thượng Thích Minh Châu
làm Chủ tịch. Trong bốn năm qua, Viện đã xuất bản nhiều bộ kinh trong Tam Tạng
kinh điển như : Kinh Trường Bộ (2 tập), Kinh Trung Bộ (3 tập), Kinh Tương Ưng
(5 bộ) … được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ nguyên bản Pali ra tiếng Việt
; Kinh Trường A Hàm (2 tập), Trung A Hàm (3 tập), Tạp A Hàm (2 tập) … được các
vị Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Thích Trị Siêu … dịch từ bản Hán tạng ra tiếng
Việt. Đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng như
trong đời sống văn hóa dân tộc.
Thiền viện Vạn Hạnh còn là một trung tâm đào tạo tăng tài cho các tỉnh
phía Nam. Nơi đây đặt trường Cao cấp Phật học Việt Nam. Ban Giám hiệu của
Trường hiện nay (khóa III, nhiệm kỳ III, 1993 - 1997) gồm có :
Hiệu trưởng : Hòa thượng Thích Minh Châu
Phó Hiệu trưởng : Hòa thượng Thích Thiện Siêu
Phó Hiệu trưởng : Thượng tọa Thích Giác Toàn
Phó Hiệu trưởng : Cư sĩ Tống Hồ Cầm
Tổng Thư ký : Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn
Chánh văn phòng : Đại đức Thích Đạt Đạo
Trường đào tạo theo phương thức tập trung thông qua một kỳ thi tuyển,
mỗi khóa học kéo dài 4 năm, với văn bằng tương đương trình độ đại học. Từ năm
1984 đến nay, Trường đã mở được 3 khóa, đào tạo hơn 400 Tăng Ni sinh. Chương
trình giảng dạy gồm phần nội điển do chư tôn túc giảng sư của Giáo hội phụ
trách và phần ngoại điển do các giáo sư, giảng viên các trường Đại học đảm
nhiệm.
Ngoài các trách vụ lãnh đạo Viện nghiên cứu Phật học và trường Cao cấp
Phật học, Hòa thượng Thích Minh Châu còn đảm đương nhiệm vụ Phó Chủ tịch kiêm
Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng ban Phật
giáo quốc tế, Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ABCP), Chủ tịch
Trung tâm ABCP Việt Nam. Hòa thượng đã nhiều lần tham gia các diễn đàn, hội
thảo, hội nghị về văn hóa Phật giáo ở nước ngoài.
Thiền viện Vạn Hạnh thường xuyên được vinh dự đón tiếp các đoàn đại biểu
các Giáo hội Phật giáo trên thế giới và nhiều đoàn khách quốc tế đến làm việc,
thăm viếng, cùng đông đảo du khách, Phật tử đến lễ bái, sinh hoạt, nhất là vào
ngày lễ Phật đản, Vu lan …
ĐỒNG NAI
Chùa BỬU PHONG
Chùa Bửu Phong là một danh lam thắng cảnh không chỉ của tỉnh Đồng Nai mà
còn của cả miền Nam. Chùa tọa lạc trên núi Bửu Long thuộc thôn Bình Điện, xã
Tân Bửu, cách thành phố Biên Hòa 4km. Do địa danh ấy nên còn có tên là chùa
Bình Điện.
Chùa được Hòa thượng Bửu Phong dựng vào khoảng thế kỷ XVII, lúc đầu chỉ
là một am tranh nhỏ thờ Phật. Sách Đại Nam nhất thống chí viết rằng : "Núi
Bửu Phong ở phía Nam huyện Phước Chánh 13 dặm, phía Tây trông xuống sông lớn,
phía sau làm hộ vệ cho núi Long Ẩn. Trên núi có chùa Bửu Phong khói mây man
mác, cây cối um tùm là thắng cảnh thứ nhất trên tỉnh hạt. Xưa có nhà sư là Hòa
thượng Bửu Phong lập chùa trên núi, cho nên thường gọi tên là núi Bửu
Phong".
Vào cuối thế kỷ XVIII, số người Hoa đến vùng đất này sinh sống ngày càng
đông, trong đó có những người mộ đạo Phật đã xây cất lại ngôi chùa bằng gạch
ngói. Họ đã mời Thiền sư Thành Trí, pháp danh Pháp Thông - Thiện Hỉ, thuộc
Thiền phái Tào Động thế hệ thứ 36, đến trụ trì và tôn làm vị Tổ đầu tiên của
chùa. Thiền sư Pháp Thông cũng là người có công khai sơn chùa Long Ẩn dựng trên
núi Long Ẩn phía trước núi Bửu Long. Ngày nay tại chùa này còn tháp của Tổ sư
Pháp Thông xây theo hình khối lục giác.
Theo tài liệu của ông Nguyễn Hiền Đức in trong sách Thiền sư Việt Nam
của Hòa thượng Thích Thanh Từ, thì Hòa thượng Pháp Thông không có đệ tử thay
thế, nên Thiền sư Viên Quang là người Minh Hương thuộc Thiền phái Lâm Tế đời
thứ 36 được cử về trụ trì chùa Bửu Phong. Năm 1760, Thiền sư Viên Quang đã
trùng tu chùa này.
Đến năm Ký Sửu (1829) chùa được xây cất lại và mở rộng do Tham tướng
Nguyễn Văn Hiệp và Hương bảo Nguyễn Văn Tâm pháp nguyện hiến cúng. Ngoài ra
chùa còn được sửa chữa nhiều lần vào cuối thế kỷ XIX và những năm gần đây.
Đến thăm chùa Bửu Phong, sau khi leo lên 100 bậc cấp, du khách có ấn
tượng sâu sắc khi đứng trước tòa kiến trúc này. Mặt tiền có ba cửa vòng cung
lớn, hai bên lại có bốn ô cửa vòng cung nhỏ.
Bên trên mặt tiền trang trí các hoa văn đắp nổi bằng mảnh sành, mảnh sứ
rất công phu và độc đáo. Trước chùa có tượng Bồ-tát Quan Thế Âm do Yết-ma Thiện
Giáo dựng vào năm 1963. Hai câu đối ở hai cột chính nói lên ý nghĩa của tên
chùa :
Bửu nhạc phối đề y Thứu Lĩnh
Phong sơn qún mỹ tự Kỳ Viên
Nghĩa là :
Bửu nhạc dịu dàng như Thứu Lĩnh
Phong sơn đẹp đẽ tựa Ký Viên
(Giản Chi dịch)
Bên trong chánh điện có tượng Phật Di-đà cổ. Điện Phật được trang hoàng
rực rỡ. Xá-lợi Phật được tôn trí ở ngôi bảo tháp sau chánh điện.
Hiện nay vùng núi Bửu Long đã trở thành một quần thể di tích thắng cảnh
du lịch của tỉnh Đồng Nai. Du khách đến Đồng Nai không thể không viếng chùa Bủu
Phong nằm trong toàn cảnh núi Bửu Long hay núi Bình Điện và sông Trường Giang,
tức sông Đồng Nai :
Phía sau Bình Điện ngăn phong lãnh
Mé trước Trường Giang nước chảy quanh
Chung quanh khu vực này còn có các ngôi tháp cổ và những pho tượng lộ
thiên khá lớn như tượng đức Phật đản sinh, tượng đức Phật thiền định, tượng đức
Phật nhập niết bàn
SÔNG BÉ
Chùa HỘI KHÁNH
Chùa Hội Khánh được Thiền sư Đại Ngạn (thuộc dòng Lâm Tế) khai sơn năm
Cảnh Hưng thứ 2, đời Lê Hiển Tông, tức năm Tân Dậu (1741). Lúc đầu chùa được
xây trên một ngọn đồi cao, nhưng đến năm thứ 14 đời Tự Đức, tức năm Tân Dậu
(1861), chiến tranh đã thiêu hủy toàn bộ ngôi chùa. Bảy năm sau (1868), chùa
được Hòa thượng Chánh Đắc cho xây dựng lại dưới chân đồi, cách vị trí chùa cũ
khoảng 100m về phía Nam. Địa chỉ của chùa hiện nay là 35 đường Yersin, phường
Phú Cường, thị xã Thủ Đầu Một, tỉnh Sông Bé, cách thành phố Hồ Chí Minh 25km về
phía Nam.
Chùa nằm cách đường lộ 150m. Sau cổng tam quan cổ kính có chạm trổ rồng
phượng là khuôn viên chùa yên tĩnh, với nhiều cây cao bóng cả, trong đó đặc
biệt có bốn cây dầu cao chót vót , cành lá sum suê, được trồng lúc chùa mới bắt
đầu xây dựng, nay tuổi cây đã trên một thế kỷ.
Chùa đã được tôn tạo và trùng tu nhiều lần , nhưng vẫn giữ được kiến
trúc cổ mang màu sắc dân tộc. Giảng đường và Đông lang được xây lại năm 1917,
Tây lang được xây lại năm 1984. Ngôi chánh điện được xây dựng trong hai năm
1990-1991. Và gần đây nhất , ngày 29-2-1992, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh
Sông Bé đã tổ chức lễ lã==ạc thành trùng tu di tích chùa Hội Khánh.
Trong chùa, toàn bộ diện tích chánh điện, giảng đường, Đông lang và Tây
lang rộng đến 700 m2. Ở chánh điện, các pho tượng Phật Thích-ca, Địa
Tạng, Chuẩn Đề … đều được tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Ba tấm bao lam chạm
khắc Tứ linh, Tứ quí, Cửu long và Thập bát La-hán rất tinh vi, có giá trị nghệ
thuật cao. Hai bên tường của chánh điện có bộ tượng Thập điện Minh Vương và bộ
Thập bát La-hán. Các tác phẩm chạm khắc gỗ này được tạc vào những năm cuối thế
kỷ XIX đầu thế kỷ XX do nhóm thợ điêu khắc nổi tiếng ở Thủ Dầu Một lúc đó thực
hiện.
Hơn 250 năm nay, chùa Hội Khánh lưu truyền kế vị đến 10 đời, trong đó có
9 vị đã viên tịch là : Đại Ngạn, Chân Kính, Chánh Đắc, Trí Tập, Thiện Quới, Từ
Văn, Ấn Bửu - Thiện Quới, Thiện Hương, Quảng Viên. Trước sân chùa có những ngôi
tháp của các vị trụ trì đã viên tịch. Hiện nay trụ trì chùa là Đại đức Thích
Huệ Thông, Chánh Thư ký Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé.
Chùa Hội Khánh là trung tâm Phật giáo Cổ truyền của cả vùng đất Bình An
xưa kia. Đây cũng là trung tâm đào tạo tầng lớp sĩ phu của đất Bình An và đất
Thủ Dầu Một sau này. Các nhà sư cũng chính là người dạy học chữ Hán. Chùa Hội
Khánh đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ tu sĩ để trụ trì các chùa khác trong
vùng. Một trong những danh tăng xuất thân từ chùa là Hòa thượng Thích Từ Văn
được xem là Tăng thống Phật giáo Nam Kỳ và được mời sang Marseille (Pháp) làm
lễ cầu siêu và thuyết pháp vào năm 1920. Chính Ngài đã thỉnh tượng Phật và đưa
thợ thủ công sang Pháp để xây dựng chùa Hội Khánh bên đó.
TRong những năm 1923 - 1926, ở chùa Hội Khánh có lập Hội Danh dự Yêu
nước gồm các sĩ phu tham gia chữa bệnh, dạy học để truyền bá đạo lý. Cụ Nguyễn
Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã sống và hoạt động tại chùa trong
thời gian này.
Sau năm 1945, chùa Hội Khánh là nơi qui tụ các Tăng Ni của 40 ngôi chùa
khác trong tỉnh Thủ Dầu Một, lập ra Hội Phật giáo Cứu quốc do Thượng tọa Thích
Minh Tịnh làm Chủ tịch.
Do bề dày lịch sử của chùa Hội Khánh, ngày nay nơi đây đã vinh dự được
chọn đặt trụ sở Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé và được Bộ Văn hóa
công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
TIỀN GIANG
Chùa VĨNH TRÀNG
Du khách đến Mỹ Tho mà không thăm chùa Vĩnh Tràng là một điều thiếu sót.
Đây là ngôi chùa cổ danh tiếng và là một công trình kiến trúc tiêu biểu ở Nam
Bộ. Chùa tọa lạc trên mảnh vườn cây ăn trái rộng gần 2 hecta, thuộc làng Mỹ
Hóa, nay là xã Mỹ Phong, bên con rạch Bảo Định hiền hòa nước ngọt quanh năm.
Vào nửa đầu thế kỷ XIX, chùa vốn là một thảo am do ông Tri Huyện Bùi
Công Đạt phát nguyện xây cất để di dưỡng tinh thần sau khi về hưu. Ông thỉnh
Hòa thượng Từ Lâm ở chùa Bửu Lâm về trụ trì. Sau khi ông Bùi Công Đạt qua đời,
Hòa thượng Huệ Đăng dã vận động tín đồ xây dựng thành ngôi đại tự với tên Vĩnh
Tran2g, hoàn thành vào mùa hè năm Canh Tuất (1850).
Khi thực dân Pháp đánh chiếm Định Tường, chùa Vĩnh Tràng bị hư hại khá
nặng. Người kế vị Hòa thượng Huệ Đăng là Hòa thượng Thiện Đề, sư đệ của Ngài,
nối tiếp công việc trùng tu ngôi chùa. Sau khi Hòa thượng Thiện Đề viên tịch,
chùa Vĩnh Tràng hương tàn khói lạnh. Năm 1890 tín đồ đã đến chùa Sắc tứ Linh
Thứu thỉnh Hòa thượng Trà Chánh Hậu về trụ trì. Ngài quê ổ Mỹ Tho, là đệ tử Hòa
thượng Minh Phước gốc Tổ đình Bửu Lâm. Năm 1895 Hòa thượng Chánh Hậu cùng bổn
đạo trùng tu toàn bộ ngôi chùa. Đến năm 1904, do một trận bão lớn, chùa lại bị
tàn phá, vì vậy mà 3 năm sau (1907), chùa Vĩnh Tràng được trùng tu một lần nữa.
Hòa thượng Chánh Hậu trụ trì 33 năm (1890 - 1923) thì qua đời, Kế tục sự nghiệp
của Ngài , Hòa thượng Minh Đàn, pháp danh Tâm Liễu, cho xây dựng cổng tam quan,
mặt tiền, chánh điện và nhà thờ tổ.
Trước cửa chùa có tam quan tráng lệ do tốp thợ người Huế thực hiện năm
1933, với sự tài trợ về kinh phí của hai ông Huỳnh Trí Phú và Lý Văn Quang.
Chiếc cổng giữa bằng sắt lâu nay vẫn đóng kín. Hai cổng bên bằng bê-tông cốt
thép vươn cao như hai tòa lâu đài cổ. Nét độc đáo của tam quan chùa Vĩnh Tràng
thể hiện ở nghệ thuật ghép mảnh sành, mảnh sứ để tạo nên những bức tranh với
màu sắc hài hòa, minh họa những sự tích nhà Phật, những truyện tích dân gian và
những đề tài Tứ quí, Tứ linh, hoa lá … Tầng lầu thượng của cổng tam quan có vòm
cửa rộng, bên phải đặt tượng Hòa thượng Chánh Hậu, bên trái đặt tượng Hòa
thượng Minh Đàn. Cả hai tượng này đều đắp bằng xi măng giống như người thật, do
điêu khắc gia Nguyễn Phi Hoanh thực hiện.
Mặt tiền chùa Vĩnh Tràng trang trí theo kiểu kết hợp đặc điểm kiến trúc
cả Á lẫn Âu. Ở đây có những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng, vòm cửa theo kiểu
La Mã, bông sắt của Pháp, gạch men của Nhật Bản … Chữ Hán viết theo lối chữ
triện cổ kính , còn chữ quốc ngữ lại viết theo lối chữ gô-tích. Từ xa trông
vào, du khách có thể hình dung ngôi chùa như đền Ăng-co có năm tháp. Theo lời
truyền tụng của nhân dân địa phương, thì Hòa thượng Minh Đàn và ông Huỳnh Trí
Phú đã từng du lịch sang xứ Chùa Tháp nên tiếp thu được cái đẹp trong kiến trúc
ngôi chùa bên đó, kết hợp với kiến trúc phương Tây.
Ở chánh điện có các bao lam được chạm trổ công phu, trong đó có bộ phù
điêu Bát Tiên cỡi thú do các nghệ nhân tại địa phương thực hiện vào khoảng năm
1907 - 1908. Trên bàn thờ có nhiều pho tượng Phật như A-di-đà, Thích-ca, La-hán
và tượng các vị Bồ-tát. Hai bên bàn thờ là tượng chân dung Hòa thượng Chánh Hậu
và người kế pháp là Hòa thượng Minh Đàn. Các Hòa thượng Huệ Đăng, Chánh Hậu,
Minh Đàn đều thuộc Thiền phái Lâm Tế.
Bộ tượng cổ nhất ở chùa Vĩnh Tràng là bộ Tam Tôn (Di-đà, Quan Âm, Thế
Chí) bằng đồng. Tiếc rằng tượng Quan Âm đã bị thất lạc từ lâu. Sau này Hòa
thượng Chánh Hậu phải thuê thợ làm tượng khác bằng gỗ thế vào cho đủ bộ. Tượng
Ngọc Hoàng cũng bằng đồng, to gần bằng người thật, cùng phong cách với tượng
Già Lam, Đạt-ma ở chùa Bửu Lâm. Khác với thông lệ xưa nay, Ngọc Hoàng ở đây
không có Nam Tào, Bắc Đẩu cầm sổ sinh tử đứng hầu hai bên. Thay vào chỗ đó là
Ông Thiện và Ông Ác.
Hai bên tường chánh điện là bàn thờ Thập điện Minh Vương. Đặc biệt ở đây
có bộ Thập bát La-hán là những tác phẩm chạm khắc gỗ độc đáo mà một số nghệ
nhân ở Nam Bộ đã tạc vào năm 1907 theo sự chỉ đạo của Hòa thượng Chánh Hậu. Bộ
tượng này bằng danh mộc, mỗi tượng cao khoảng 0,80m, bề ngang 0,58m, được đặt
hai bên điện Phật gọi là sáu căn : mắt, tai, lưỡi, mũi, thân và ý ; ở ba thời :
quá khứ, hiện tại và vị lai. Các tượng La-hán này được tạo hình cân đối, sinh
động, cỡi trên các con thú như trâu, bò, ngựa, lạc đà, hà mã, tê giác v.v…
Trong khuôn viên chùa Vĩnh Tràng có nhiều chậu cây cảnh, hòn non bộ được
chăm sóc thường xuyên. Dưới bóng cây, tháp Hòa thượng Chánh Hậu và gia đình
được xây dựng bề thế có tường rào bao bọc.
Nhìn chung, vẻ đẹp của chùa Vĩnh Tràng tập trung ở nghệ thuật tạo hình.
Có ý kiến cho rằng có thể xem chùa Vĩnh Tràng là một bản tổng kết lịch sử mỹ
thuật của đất Tiền Giang.
Hiện chùa Vĩnh Tràng l2 nơi đặt văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo
và trường Cơ bản Phật học tỉnh Tiền Giang. Chùa đã trở thành điểm du lịch và
hành hương của tỉnh, thu hút du khách và Phật tử hàng ngày. Tết Tân Dậu (1982)
nhà thơ Xuân Thủy đã đến viếng chùa và viết tặng một bài thơ :
Đức Phật giàu tình thương
Nên chùa tên Vĩnh Tràng
Nhà sư vốn yên nước
Lòng như sông Tiền Giang
SÓC TRĂNG
Chùa KH’LEANG
Thị xã Sóc Trăng có khá nhiều ngôi chùa, trong đó Kh’Leang là ngôi chùa
cổ nhất. Bên cạnh những ngôi chùa Việt mà chúng ta thường thấy, đây là một công
trình kiến trúc khá độc đáo mang đậm dấu ấn của văn hóa Khmer.
Tọa lạc trên một khuôn viên rộng 3,5 hecta với nhiều cây cao bóng cả,
lúc đầu đây chỉ là một ngôi chùa làm bằng gỗ lợp la, sau mới sửa lại bằng gỗ
lợp ngói. Từ khi xây dựng (năm 1533) đến nay, chùa đã được trùng tu nhiều lần,
lần trùng tu gần nhất cách nay cũng đã trên 80 năm. Tính từ vị tổ đầu tiên là
Đại đức Thạch Sóc cho đến Đại đức Tăng Nô trụ trì hiện nay, chùa Kh’Leang đã
trải qua 21 đời truyền thừa.
Có hai lối đi vào chùa : cổng chính ở số 71 đường Mậu Thân, cổng phụ ở
đường Nguyễn Chí Thanh. Nền chùa cao hơn mặt đường khoảng 1m có ba bậc sân, mỗi
bậc được bao bọc bởi một tường rào xây bằng gạch. Có bốn cửa ra vào mở theo
theo bốn hướng. Cữ==ửa ngoài cùng xây rất công phu, gần như cổng chính.
Ở trung tâm nền chùa, ngôi chánh điện vươn cao lên nền trời, với diện
tích gần 200 m2 (chiều rộng (,20m, chiều dài 20,80m). Bộ khung mái
gồm ba cấp, chia thành 9 nếp, làm toàn bằng gỗ. Mái được đỡ bằng 12 cây cột to,
xây theo kiểu corinthien của Hy Lạp, có chu vi tới 1,10m, phủ sơn đen bóng và
có vẽ hình rồng, hình cá uốn lượn màu vàng lộng lẫy. Trước bàn thờ có một tấm
bao lam cao tới mái, được sơn son thếp vàng. Ở chính giữa tôn trí pho tượng đức
Phật Thích-ca chiều cao 6,80m, phần tượng cao 2,70m. Tấm bia bằng chữ Khmer
phía sau pho tượng cho biết L "Đại đức Liêu Đuông, đời truyền thừa thứ 17,
đã đứng ra lập tượng Phật vào năm Phật lịch 2460 với sự cúng dường của gia đình
ông Lum Sum".
Nói đến kiến trúc đặc biệt của chùa Kh’Leang, cần lưu ý các khái niệm và
hình tượng có liên quan đến văn hóa Khmer sau đây :
- Hô Cheang là tên gọi hai đầu hồi được các nghệ nhân Khmer chạm trổ rất
công phu với các họa tiết trang trí và theo phép đối xứng.
- Krud hay Garuda là hình tượng một loại chim thần có mình người ; đầu,
chân và hai cánh của chim, mỏ ngậm một viên hồng ngọc. Loài chim này là kẻ thù
truyền kiếp của rắn. Cho nên, nếu hình tượng khúc đuôi rắn dài và cong vút được
đắp trên đầu các góc mái chùa, thì hình tượng Krud được án ngữ ở chỗ tiếp giáp
đầu cột với đuôi mái chùa.
- Yeak (Chằn) trong các chuyện cổ Khmer là nhân vật tượng trưng cho cái
Ác, thường gieo điều dữ cho con người. Hình tượng Yeakcó dáng vẻ của một người
mang bộ mặt dữ tợn, miệng to, răng nanh dài, mắt lồi, lông mày xếch. Mình Yeak
mặc áo giáp, đầu đội mũ nhọn và tay cầm cái chày dài. Trong nghệ thuật trang
trí chùa Khmer, Yeak đã được đức Phật cải hóa và đặt đứng hai bên bậc thềm ở
phía trước chánh điện nhằm mục đích bảo vệ ngôi chùa.
- Reach Cha Sei là con vật mà Tiên nữ và Yeak đứng trên đó khi giao đấu
với nhau. Hình tượng này được chạm trổ trên hai cánh cửa ra vào chánh điện.
- Teahu là hình tượng người có bộ mặt hung dữ, hai tay bưng mặt trời hay
mặt trăng chuẩn bị nuốt vào bụng. Hình tượng này cũng được trang trí tren khung
cửa ra vào.
- Sala là dãy nhà sàn rộng rãi, thông thoáng được xây bên cạnh chánh
điện, dùng làm chỗ cử hành lễ dâng cơm cho sư sãi và nơi hội họp của các Phật
tử trong các ngày lễ hội.
Trong khuôn viên chùa có sáu tháp để cốt của các sư sãi và Phật tử đã
qua đời. Chùa Kh’Leang đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử - văn
hóa ngày 27-4-1990. Đợt trùng tu mới nhất của chùa được hoàn thành vào cuối năm
1994.
AN GIANG
Chùa TÂY AN
Chùa Tây An là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Nam bộ, có giá
trị về mặt lịch sử và kiến trúc. Chùa do Tổng đốc tỉnh An Giang là Doãn Uẩn xây
dựng năm 1847, tọa lạc ở ngã ba Núi Sam, cách thị xã Châu Đốc 5km. Sách Đại Nam
nhất thống chí đã giới thiệu: "Chùa ở định phận thôn Vĩnh Tế, huyện Tây
Xuyên, nguyên Tổng đốc mưu lược tướng Trung Tĩnh Tử Doãn Uẩn kiến trúc năm
Thiệu Trị thứ 7 (1847). Chùa đứng trên núi, mặt trước trông ra tỉnh thành, phía
sau dựa theo vòm núi, tiếng người lặng vắng , cổ thụ âm u, cũng một thắng cảnh
thiền lâm vậy".
Gần 150 năm qua, chùa Tây An đã được sữa chữa nhiều lần. Hai lần sửa
chữa lớn nhất là: Năm 1861, Hòa thượng Nhất Thừa trùng tu lại chánh điện và hậu
tổ. Đến năm 1958, Hòa thượng Bửu Thọ đứng ra vận động dân góp tiền của, công
sức xây dựng ba ngôi lầu cổ, mặt chính của chùa và sữa chữa ngôi chính điện.
Kiến trúc chùa mang phong cách nghệ thuật Ấn Độ và Hồi giáo kết hợp với kiến
trúc cổ dân tộc.
Nơi cổng tam quan có bức tượng Quan Âm Thị Kính bế con Thị Mầu. Trước
thềm chùa có hai con voi - một con màu đen hai ngà, một con màu trắng sáu ngà -
đứng chầu. Bên trong chánh điện có khoảng 200 pho tượng Phật, Bồ-tát, La-hán,
Thần và Tiên… đa số bằng danh mộc, mang ý nghĩa triết lý Phật giáo và có giá
trị nghệ thuật cao. Sinh động nhất là bộ tượng Tứ Thiên Vương (Đông Thiên
Vương, Tây Thiên Vương, Nam Thiên Vương, Bắc Thiên Vương) và bộ tượng Bát bộ
Kim Cương.
Chùa còn có nhiều câu đối và hoành phi trạm trổ rất công phu. Tất cả
công trình được tạo tác bởi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân An Giang, Đồng
Tháp vào thế kỷ XIX.
Phía sau chùa có nhiều tháp mộ, Trong đó đáng chú ý nhất là mộ Phật Thầy
Tây An. Thầy tên là Đoàn Minh Huyên quê ở Tòng Sơn (Sa Đéc), sinh năm Đinh Mão
(1807), mất năm Bính Thìn (1856). Là người có tinh thần cải cách tôn giáo, Từ
năm 1849, Thầy đã đi truyền đạo nhiều nơi và chữa bệnh cho nhiều người nên có
uy tín lớn trong nhân dân. Sau đó Thầy về tu tại chùa Tây An. Nhân dân kính
trọng tài năng và đức độ của thầy nên đã tôn xưng là Phật Thầy Tây an.
Hằng năm, chùa Tây An có các ngày lễ chính: rằm tháng giêng (thượng
nguyên), rằm tháng mười (hạ nguyên) và 12 tháng 8 âm lịch (giỗ thầy Tây An).
Vào các ngày lễ ấy và các tháng lễ hội núi Sam, Châu Đốc (từ tháng 1 đến hết
tháng 4 âm lịch hàng năm), khách hàng hương các nơi đến chùa chiêm bái rất
đông.
KIÊN GIANG
Chùa SẮC TỨ TAM BẢO
Tỉnh Kiên Giang có hai ngôi chùa nổi tiếng đều tên là Tam Bảo : một chùa
ở Rạch Giá, một chùa ở Hà Tiên. Chùa Tam Bảo ở Rạch Giá vốn là nơi tu hành của
bà Dương Thị Cán tục gọi là bà Hoặng. Bà là ân nhân đã giúp đỡ Nguyễn Ánh lúc
còn bôn ba, nên sau khi vua Gia Long lên ngôi, chùa này được Vua sắc tứ để tạ
ơn.
Chùa tọa lạc tại số 6 đường Thích Thiện Ân, thị xã Rạch Giá . Từ trên
đường Nguyễn Trung Trực, du khách đã thấy tấm bản đề "Sắc tứ Tam Bảo
Tự". Ngôi chánh điện của chùa kiến trúc theo kiểu thượng lầu hạ hiên. Ở
mặt tiền bên trên hàng hiên là ngọn bảo tháp ba tầng tượng trưng Cửu phẩm Liên
hoa. Chánh điện có chiều ngang 14,50m, chiều dọc 22m. Năm bao lam ở các bàn thờ
được chạm trổ công phu, thếp vàng rực rỡ. Các tượng Phật Di-đà, Thích-ca và các
vị Bồ-tát được bài trí trang nghiêm.
Đông lang được dùng làm phòng khách và phòng làm việc của Hòa thượng trụ
trì. Tây lang và giảng đường của chùa được dùng làm Tuệ Tĩnh đường, nơi chữa
bệnh miễn phí cho đồng bào.
Lịch sử chùa Sắc tứ Tam Bảo gắn liền với tên tuổi Hòa thượng Thích Trí
Thiền, thế danh là Nguyễn Văn Đồng, sinh năm 1882, tịch năm 1943. Chính Ngài đã
chăm lo việc trùng kiến ngôi chùa như ta thấy hiện nay vào năm 1917. Hòa thượng
Trí Thiền cũng là người có công sáng lập Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học vào năm
1931. Hội này đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn, số 149 đường Douaumont (nay là Cô
Giang), Saigon. Hội xuất bản tạp chí Từ Bi Âm để truyền bá giáo lý, lập Pháp
Bảo phường, thỉnh Tam Tạng Kinh làm tài liệu nghiên cứu.
Sau đó Hòa thượng Trí Thiền và sư Thiện Chiếu trở về Rạch Giá lập Phật
giáo Kiêm Tế Hội, chủ trương vừa truyền bá giáo lý nhà Phật, vừa vận động tín
đồ làm công tác xã hội. Sau Nam Kỳ khởi nghĩa, một số cán bộ mượn chùa Tam Bảo
làm nơi chế tạc đạn, chuẩn bị nổi dậy chống Pháp. Nhưng công việc bị phát hiện,
Hòa thượng Trí Thiền can đảm nhận trách nhiệm nên bị thực dân Pháp bắt đầy ra
Côn Đảo và hi sinh tại đó năm 1943. Một đệ tử của Ngài là nhà sư trẻ Thiện Ân,
lúc bị địch bắt, đã dũng cảm hi sinh bằng cách cho tạc đạn nổ để tiêu diệt bọn
mật thám. Tấm lòng ưu dân ái quốc của các vị sư ở chùa Tam Bảo đã được Hòa
thượng Thích Bổn Châu, nhắc tới trong tập thơ Việt Nam anh kiệt.
Ngày nay, chùa đặt văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang .
Chùa đã được Bộ Văn Hóa ra quyết định công nhận di tích lịch sử - văn hóa vào
ngày 23-3-1988.
VŨNG TÀU
THÍCH CA PHẬT ĐÀI
Du khách đến thăm thành phố biển Vũng Tàu đừng quên viếng Thích Ca Phật
đài, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng nằm ở Tây Bắc sườn núi Lớn. Đây là công
trình do hệ phái Phật giáo Nam tông xây dựng năm 1961 và hoàn thành năm 1963.
Khu vực này rộng khoảng 5 hecta, gồm Thiền Lâm Tự phía dưới và Thích-ca
Phật đài phía trên. Thiền Lâm Tự vốn là một ngôi chùa nhỏ bằng gạch do một công
chức hồi hưu quê quán ở Vũng Tàu xây dựng từ năm 1957. Đến năm 1961, Giáo hội
Phật giáo Nguyên thủy đã tổ chức trùng tu ngôi chùa bên dưới và xây cất
Thích-ca Phật đài trên núi. Cạnh đó còn xây một nhà tạm trú dành cho Phật tử từ
xa đến hành hương.
Đến Vũng Tàu, từ chợ Bến Đình rẽ trái đi hơn 1km là tới chân núi Lớn.
Tại đây, sát bên đường đi xuất hiện một cổng tam quan khá to với 4 cây cột vươn
lên vững chắc nhưng thanh thoát. Qua khỏi tam quan, bước trên từng bậc đá men
sườn núi, du khách sẽ đi dần lên núi theo một con đường khá đẹp : một bên vách
núi nhẵn nhụi như tường thành, một bên là vũng sâu soải dài ra phía
biển. Gần đến đỉnh, du khách như bước vào một khu rừng thưa, có tiếng chim ríu
rít trong các tàn cây.
Theo con đường làm bằng những bậc đá, rải rác trên sườn núi, du khách sẽ
chiêm ngưỡng các pho tượng minh họa sự tích đức Phật : Thích-ca đản
sinh,Thích-ca xuất gia, Thích-ca thành đạo, Thích-ca chuyển pháp luân, Thích-ca
nhập niết bàn, voi và khỉ dâng quả. Bên cạnh đó là một khu vườn với nhiều chậu
cảnh, hoa nở suốt bốn mùa, bao quanh một ngôi nhà hình bát giác, tượng trưng
vườn Lộc (vườn Nai), nơi đức Phật giảng kinh cho năm đệ tử đầu tiên của Ngài là
chư tôn giả Kiều Trần NHư, Ác-bệ, Bà-phả, Ma-ha-nam, Bạc-đề. Trên đường lên núi
còn có một cây bồ đề xanh tươi do ngài Trưởng lão Narada Maha Thera cung thỉnh
một nhánh của cây bồ đề từ Tích Lan trồng tại đây ngày 2-11-1960. Đường lên
Thích-ca Phật đài được nối dài bằng hệ thống bậc thang lớn, hai bên có 6 con
rồng uốn mình. Trên cao, ở phía đuôi rồng là hai con sư tử lớn, tượng trưng cho
Đại Hùng và Đại Lực. Kế đó là một cái sân rộng lát đá, ở giữa xây tháp Xá Lợi
hình bát giác cao 19m bốn phía đặt bốn đỉnh lớn. Các đỉnh này chứa dất mang về
từ bốn Thánh địa ở Ấn Độ là vườn Lâm-tỳ-ni, nơi đức Phật đản sinh; Bồ-đề Đạo
tràng, nơi dức Phật thành đạo ; vườn Lộc Uyển, nơi đức Phật chuyển pháp luân và
rừng Sala Song Thọ tại Kusinara, nơi đức Phật nhập diệt.
Nhìn về bên phải , du khách sẽ thấy hiện ra tượng đức Phật Thích-ca ngồi
kiết guià trên một tòa sen. Tượng này cao 10,20m, đường kính bệ dài 6m, khánh
thành ngày 10-3-1963. Tượng Phật Thích-ca và tháp Xá-lợi đều màu trắng nổi bật
trên màu xanh của nền trời và lá cây.
Từ vị trí của Thích-ca Phật đài, nhìn chung quanh sườn núi lớn, biển
hiện ra ở cả 3 phía. Từ đây có thể thu vào tầm mắt mũi Cần Giờ, đảo Long Sơn và
tổ hợp giàn khoan dầu khí ngoài khơi xa. Do địa thế thiên nhiên và cảnh quan
hùng vĩ, khu vực Thích-ca Phật đài đã trở thành điểm du lịch - văn hóa nổi
tiếng có sức thu hút đông đảo du khách đến tham quan Vũng Tàu.