Thiền
viện Trúc Lâm tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, cạnh hồ Tuyền Lâm, phường
3, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Từ trung tâm thành phố Đà Lạt đi
đến giữa đèo Prenn, có con đường bên phải dẫn vào Thiền viện, lộ trình
khoảng 10km. ĐT: 063.827565, 063.830558. Thiền viện thuộc hệ phái Bắc
tông.
Thiền
viện được Hòa thượng Thích Thanh Từ cho tạo dựng vào năm 1993 trên một
khu đất rộng khoảng 24 hecta, gồm 22 hecta vườn chùa và 2 hecta xây
dựng các công trình của hai khu nội viện và ngoại viện.
Lễ
đặt đá xây dựng Thiền viện được tổ chức trọng thể vào ngày 28–5–1993 (8
– 4 năm Quý Dậu)(1). Phát biểu tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Từ
cho biết ba mục đích của công trình khôi phục Thiền tông đời Trần là:
1. Tạo cảnh quan xinh đẹp mang sắc thái văn hóa dân tộc; 2. Khôi phục
Thiền tông đời Trần; 3. Tạo điều kiện thuận lợi cho Tăng Ni, Phật tử
chuyên tu thiền.
Khu
nội viện chia làm hai: Nội viện Tăng và nội viện Ni. Mỗi nội viện đều
có thiền đường, tăng đường, trai đường… Nội viện là nơi tu thiền của
chư Tăng, Ni theo tinh thần Thiền tông đời Trần, nhấn mạnh ở sự tu tập
nội tâm và nỗ lực rèn luyện ba đức tính: Tính cần tu tập hướng đến giác
ngộ giải thoát, kiên quyết vượt mọi khó khăn chướng ngại, và sống đời
đạm bạc, giản dị, không thụ hưởng xa hoa.
Trong khu nội viện còn có khu tịnh thất của Hòa
thượng Viện trưởng.
Khu
ngoại viện ở khu đất rộng phẳng. Sau tam quan là ngôi chánh điện uy
nghi với diện tích 192 m2, bên trong tôn trí tượng đức Bổn sư Thích Ca
ngồi trên tòa sen thuyết pháp, hai bên có hai bức tranh Bồ tát Văn Thù
Sư Lợi và Bồ tát Phổ Hiền. Theo sách Thâm ý qua hình tượng Phật, Bồ tát
(Thích Thanh Từ, 2001) thì Bồ tát Văn Thù là hiện thân của căn bản trí,
tay mặt cầm kiếm là biểu thị trí đức, tay trái cầm hoa sen xanh là biểu
thị đoạn đức, mặc giáp nhẫn nhục, mình ngồi trên lưng sư tử xanh. Con
sư tử là biểu thị công năng của trí tuệ. Bồ tát Phổ Hiền tượng trưng
cho chân lý, ngồi trên lưng voi trắng sáu ngà để biểu thị hạnh nguyện
rộng lớn. Sáu ngà tượng trưng cho lục độ. Chèo thuyền lục độ, Bồ tát
cứu vớt chúng sanh đang chìm đắm trong bể khổ. Đức Phật dùng chân trí
thâm đạt chân lý, vì thế biểu thị hai vị Bồ tát phụ tá hai bên. Hoặc
đức Phật Bi, Trí viên mãn, nên hai ngài thường có mặt bên trái, bên
phải đức Phật.
Chung
quanh tường phía trên chánh điện có các tấm phù điêu minh họa sự tích
đức Phật Thích Ca: Đản sanh, Xuất gia, Thành đạo, Chuyển pháp luân,
Nhập niết bàn… Bức hoành phi phía trước bằng gỗ chạm bốn chữ Từ Bi Trí
Tuệ. Bức phù điêu lớn mặt sau chánh điện chạm hình Tổ Đạt Ma quảy một
chiếc dép về Tây.
Bên
phải chánh điện là lầu chuông. Lầu chuông lợp ngói men, góc mái uốn
cong, có lan can, chung quanh gắn nhiều tấm phù điêu mang ý nghĩa sâu
sắc: Tổ Đạt Ma quay mặt vào vách, bên ngoài tuyết đóng băng giá, ngài
Huệ Khả chặt tay cầu pháp; Tổ Đạt Ma quảy một chiếc dép về Tây; ngài
Huệ Năng đeo đá giã gạo, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn xuống khai thị; Sơ tổ Trúc
Lâm Đại Đầu Đà giảng đạo cho Nhị tổ Pháp Loa và Tam tổ Huyền Quang
trong rừng trúc. Bên trong treo quả đại hồng chung nặng 1100kg, có khắc
quanh thân chuông những bài kệ của chư Tổ Thiền tông.
Đối diện với lầu chuông là lầu trống. Mặt trống có
đường kính khoảng 80cm.
Trước tam quan có hồ Tĩnh Tâm. Bên dưới lưng đồi là
nhà khách nữ vãng lai, đến xin tập tu ngắn hạn tại Thiền viện.
Bên
trái chánh điện, cạnh lầu chuông là Tham vấn đường có diện tích 90m2.
Tăng Ni, Phật tử các nơi về đây nghe thuyết pháp và ngồi thiền vào ngày
14 và 29 âm lịch mỗi tháng.
Bên
phải chánh điện là nhà khách hai tầng, diện tích khoảng 235 m2. Tầng
dưới dành tiếp khách, tầng trên là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của khách
Tăng hay Phật tử nam các nơi đến Thiền viện tập tu.
Trước nhà khách là một vườn hoa tuyệt đẹp!
Sau
chánh điện có vườn Tổ, nền trải thảm cỏ xanh dưới rừng thông xanh mát
với nhiều hòn non bộ và cây cảnh. Giữa là tượng điêu khắc gỗ Tổ Bồ Đề
Đạt Ma nhất hài quy Tây. Ở đây còn có hai đài sen đặt các cây hóa đá
rất quý.
Cạnh
vườn Tổ là Thư viện, ngôi nhà hai tầng, diện tích 112 m2. Tầng trên là
thiền đường dành cho Phật tử nam đến tập tu tọa thiền. Phía dưới là Thư
viện có nhiều kinh sách, báo chí phục vụ quý Tăng Ni, Phật tử và du
khách.
Đối
diện Thư viện là nhà Trưng bày với diện tích 142 m2. Căn nhà này cũng
xây hai tầng. Tầng trên là phòng làm việc của ban Thư ký chùa. Phía
dưới là nơi trưng bày những hình ảnh phong cảnh, sinh hoạt của Thiền
viện cùng những quà tặng của Thiền viện. Nơi đây có phòng phát hành
kinh sách, bưu ảnh … dành cho du khách.
Về
kiến trúc ngôi Thiền viện từ năm 1993, Giáo sư kiến trúc sư Ngô Viết
Thụ vẽ sơ phác họa đồ tổng thể, cùng với sự đóng góp thực hiện các bản
vẽ từng hạng mục công trình của các kiến trúc sư Tô Ngọc Ẩn (Vũng Tàu),
Vũ Xuân Hùng (Đà Lạt) và Viện Thiết kế Quy hoạch Tổng hợp (Đà Lạt).
Trưởng công trình là kỹ sư Nguyễn Tín, với sự chỉ đạo trực tiếp của Hòa
thượng Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm.
Đã
có hơn một vạn người từ nhiều tỉnh, thành phố về dự lễ khánh thành
Thiền viện Trúc Lâm ngày 19 – 3 – 1994 (8 – 2 năm Giáp Tuất). Cũng từ
đấy, Thiền viện trở thành điểm tham quan quen thuộc của du khách, Phật
tử gần xa khi đến thăm thành phố Đà Lạt hoa đào, để tận hưởng cái
khoáng đạt của phong cảnh thiên nhiên, những phút giây tĩnh lặng, thư
thái trong tâm hồn và chiêm ngưỡng vẻ đẹp sáng tạo của các công trình
kiến trúc mới mẻ nhưng mang đậm tính dân tộc.
(TS. Võ Văn Tường, Chùa Việt Nam Xưa và Nay, NXB
Giáo Dục, 2007)