Cổng tam quan Thiền Viện Trúc Lâm
Thiền viện Trúc Lâm được khởi công xây dựng ngày mùng 8 tháng 4 năm
Quý Dậu (28/05/1993), khánh thành ngày mùng 8 tháng 2 năm Giáp Tuất
(19/02/1994, tức năm 2538 Phật lịch).
Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, đi xuống đèo Prenn độ hơn 4km, du
khách có thể rẽ phải theo con đường nhựa ngoằn ngoèo ôm sườn núi lên
đến đỉnh đồi là sân chùa. Những nét xưa, nay, kim, cổ hòa quyện vào
nhau, cùng đồng hành trong không khí thiền môn lãng đãng như một chốn
thanh tao cho lòng người ấm lại. Cái đẹp của Thiền Viện chính là cảnh
quang thiên nhiên thanh thoát với mây trời non nước bao la, với rừng
thông reo và kiến trúc cổ kính.
Thiền viện được chia ra làm 4 khu vực: khu vực ngoại
viện, khu tịnh thất hòa thượng, hòa thượng viện trưởng, khu nội viện
tăng và khu nội viện ni. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo bên
cạnh hồ Tuyền Lâm. Đi lên từ phía Hồ Tuyền Lâm là một con đường dốc có
140 bậc thang bằng đá, hai bên là những rặng thông cao vút dẫn qua 3
cổng tam quan để vào chính điện.
Khu ngoại viện gồm có: chánh điện, lầu chuông, tham
vấn đường, nhà khách, ba cổng tam quan, hồ Tĩnh Tâm, đồi Thanh Lương.
Bên cạnh khu ngoại viện là khu nội viện. Chính điện có diện tích 192m²,
bên trong thờ tự đơn giản, nhưng mang đầy ý nghĩa của nhà Phật. Từ sân
trước chánh điện, du khách nhìn thấy dãy núi Voi với đỉnh Pin Hatt cao
1.691m. Những đồi thông xanh, mặt nước hồ Tuyền Lâm thấp thoáng qua
hàng cây.
Giữa điện thờ tượng đức phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni cao khoảng 2m,
tay phải cầm cành hoa sen đưa lên. Bên phải đức phật là Bồ Tát cưỡi sư
tử. Bên trái là Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà. Chung quanh phía
trên chính điện là các bức phù điêu chạm khắc 8 tướng thị hiện của đức
phật và các bao lam, án thờ bằng gỗ được chạm khắc rất công phu. Hành
lang phía trước chính điện là hàng cột gồm bốn cột tròn giả gỗ. Trần
được lợp bằng ngói tráng men sáng loáng, mái ngói uốn nhẹ toát lên nét
khiêm cung của người Việt, nét thanh thoát của nhà thiền. Phía bên phải
của chính điện là lầu chuông được chạm khắc phù điêu mang ý nghĩa sâu
sắc của Phật giáo rất tinh xảo và đẹp mắt. Bên trong là quả đại hồng
chung nặng khoảng 1,1 tấn, trên mình khắc chạm những bài kệ có ý nghĩa
thanh thoát mang đầy đạo lý Từ trên chính điện nhìn xuống là hồ Tĩnh
Tâm, phong cảnh ở đây rất đẹp, hồ nước trong xanh in bóng rặng thông
bên đồi Thanh Lương. Bên dưới lưng chừng đồi, gần hồ Tĩnh Tâm là nhà
khách 2 tầng nằm gọn trên một ngọn đồi có khu vườn xanh mát. Đây là nơi
những phụ nữ đến xin tập tu ngắn hạn tại thiền viện. Phía trước nhà là
rừng trúc xanh tươi. Đặc điểm nổi bật của thiền viện còn là những ngôi
nhà tròn đơn sơ ẩn mình trong đồi thông, tạo nên một vẻ nên thơ hoang
dã.
Ngoài thời gian tu học, kế tục phái thiền Trúc Lâm thời Trần, các
thiền sinh còn chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, quản lý và bảo vệ trên 22ha
rừng thông, trồng cây gây rừng, tạo cảnh quan xinh đẹp mang sắc thái
văn hóa dân tộc.
Theo:
NTO