Trước khi “Sư Chú Pháp Tín”
nguyện dâng đời mình cho Ðạo Phật, người chuyên viên điện toán tốt
nghiệp Ðại Học Cornell này, có cuộc sống thiếu hạnh phúc. Ông Wayt, năm
nay 35 tuổi, nói, “Khi bắt đầu viết lập trình tôi chưa từng giao tiếp
với xã hội.”
Với một văn bằng tốt nghiệp từ trường
Cornell University, Sư Chú Tín vẫn không tìm thấy hạnh phúc với nghề
thảo chương điện toán của mình.
Sư Chú Pháp Tín còn là một nhà hoạt động
bảo vệ môi sinh nên cảm thấy khó lòng mà chứng kiến tình trạng ô nhiễm.
Với ông công việc tái sinh vẫn chưa đủ. Wayt giải thích, “Tôi muốn
diễn đạt về nhân tính... Tôi chưa giải quyết được vấn đề, những vấn đề
cần được giải quyết rốt ráo tận căn nguyên.”
Ông Wayt gia nhập tăng đoàn, tham gia nhiều tuần ở một tu viện của người
Hoa, rồi cuối cùng thì ghé lại Làng Mai, một tu viện của Thiền Sư Thích
Nhất Hạnh ở Pháp.
Ðược hỏi tại sao ông chọn để trở thành
một nhà sư nơi một tu viện của người Việt, thì Sư Chú Pháp Tín mỉm cười
đáp, “Thầy nổi trội trên tất cả... Thầy quan tâm đến những gì đang
xảy ra trên thế gian. Thầy thông hiểu về sự chuyển hóa xã hội và cả về
việc giáo huấn.”
Sư cô Hiền Hải, 82 tuổi, còn được gọi
là “Sư Ngoại.” Bà là nhà tu lớn tuổi nhất trong số 28 tăng ni ở Tu Viện
Lộc Uyển. Sư Ngoại không biết tiếng Anh nên bà chỉ luôn mỉm cười với
các tăng sĩ ngoại quốc. Mọi người ở tu viện đều phải làm việc, công việc
hàng ngày của Sư Ngoại là quét lá và thay nước.
“Thầy” là chữ các môn đệ trong Tu viện
Lộc Uyển gọi Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Ông Wayt không phải là người Tây
phương duy nhất tu học trong tu viện Lộc Uyển. Tọa lạc tại một thung
lũng thiên nhiên ở Escondido gần San Diego, do Thiền Sư Nhất Hạnh thành
lập năm 2000, Tu viện Lộc Uyển có 28 tăng sinh ở đây. Trong đó, có 6
người ngoại quốc.
Và trong số 6 người ngoại quốc đó, có một người mà Thiền Sư Nhất Hạnh
gọi là “Sư Huynh.” Người đó là nhà sư Pháp Ðệ. Thầy Pháp Ðệ được gọi là
“Sư Huynh” vì trước đây, “người ta quen gọi tôi là Cha Adrian.”
Thầy Pháp Ðệ là một cựu linh mục Công Giáo, vào trường dòng từ năm 15
tuổi. Cha mẹ vị cựu linh mục này người gốc Ðức và Ireland ở Minnesota.
Thầy Pháp Ðệ nay đã 76, hồi tưởng lại, “Tôi thấy chỉ trở thành linh
mục mới là hướng đi của đời tôi.”
Nhưng sau 10 năm xả thân với giáo hội, thầy Pháp Ðệ không thỏa mãn với
tôn giáo của mình, thầy từ bỏ giáo hội và trở thành một người mua bán cổ
phiếu. Dù lợi tức kiếm được cả trăm ngàn nhưng thầy vẫn thấy như thiêu
thiếu cái gì đó. Người đàn ông hiền dịu này nói, “Tôi không tìm được
sự thiếu thốn này nơi đạo Công Giáo và rồi tôi kiếm được thật nhiều
tiền.”
Một bạn đồng nghiệp cùng mua bán cổ phiếu nói chuyện về Thiền Sư Nhất
Hạnh. Qua đôi mắt xanh nhìn xuyên thấu lòng người, nhà sư này mỉm cười
nói, “Tôi đọc cuốn 'Going Home: Jesus and Buddha as Brothers,' và
bắt đầu hiểu về Chúa Jesus hơn. Tôi cảm nhận rằng tôi đã đánh mất nhiều
chừng nào... Lời dạy của Thầy bao hàm những gì đã thiếu sót đó.”
Năm 2003, thầy Pháp Ðệ từ bỏ cổ phiếu, nhà cửa, trương mục ngân hàng, kể
cả xe cộ. Mỗi ngày thầy thức dậy lúc 4 giờ 15 sáng. Ðốt một nén nhang
và tịch tĩnh thiền định cùng với thầy Pháp Hộ trước khi bắt đầu một ngày
mới.
Thầy Pháp Hộ là nhà sư người Thụy Ðiển duy nhất ở Tu viện Lộc Uyển.
Jerker Fredrikssom ra đời và lớn lên ở Stockholm, xuất thân trong một
gia đình lao động. “Tôi là đứa con đầu tiên trong gia đình tốt
nghiệp đại học... nhưng thật ra tôi chưa hề tìm thấy được điều mình mong
cầu trong cuộc sống.”
Thầy Pháp Hộ có văn bằng luật khoa và từng làm việc ở nhiều công ty
khác nhau.
Thầy Pháp Hộ có lẽ khoảng ngoài 30, nhưng với đầu tóc cạo nhẵn, ăn
trường trai và vẽ mặt buông xả khiến ông trông như mới 20. Ông nhớ lại
tình huống vô vọng khi làm việc về luật gia đình. “Một phụ nữ có 3
con muốn được ly dị và nói rằng chồng bà là kẻ chồng chúa vợ tôi.”
Trong khi ấy người chồng lại cho hay rằng, người phụ nữ này có bệnh tâm
thần.
Thầy Pháp Hộ nói, “Cả hai bên đều muốn trả thù lẫn nhau. Tôi muốn
dàn xếp trường hợp của họ theo một đường lối ôn hòa hơn.”
Thầy Pháp Hộ được biết về Thiền Sư Nhất Hạnh nhân một chuyến du lịch
sang Ấn. Ðược hỏi vì sao thầy chọn theo học khóa tu của thầy Thích Nhất
Hạnh, và rằng thầy có còn thèm thịt không, thì thầy Pháp Hộ đáp, “Những
thứ ấy đều xa rời khỏi tôi một cách tự nhiên. Tôi xả bỏ chúng để đổi
lấy một lối sống thích hợp với mình hơn.” Thầy Pháp Hộ thí pháp qui
y vào năm 2003.
Sư cô Ðẳng Nghiêm, 42 tuổi, trông thanh thoát khi khoan thai bước trong
chiếc áo nâu sồng, chung quanh là rừng sồi ở Lộc Uyển. Người đàn bà hai
dòng máu Việt-Mỹ này trở thành ni cô từ 10 năm nay. Bà tốt nghiệp y khoa
từ đại học UC San Francisco.
Ra đời ở Quảng Ngãi với tục danh Hương Huynh, bà sống ở Sài Gòn cho đến
khi mẹ đột ngột biến mất khi sư cô Ðẳng Nghiêm mới được 12. Năm 1985, bà
cùng anh trai sang định cư ở Mỹ và sống qua hết nhà nuôi dưỡng này đến
nhà nuôi dưỡng khác. Tuy học hành xuất sắc nhưng tâm trí vẫn đè nặng nỗi
ám ảnh về mẹ mình và chuyện buồn ở Việt Nam.
Sư cô ắt phải có một sự nghiệp xán lạn trong cương vị một bác sĩ, nhưng
với bà chừng ấy vẫn chưa đủ. Bà giải thích, “Tôi muốn giúp đỡ mọi
người. Nhưng thấy sầu não khi thấy mình không giúp được bệnh nhân gì
hơn, họ vẫn trở lại với đủ mọi triệu chứng.”
Tôi nhớ có một người đàn ông tìm đến với một áp-xe nơi cánh tay do chích
xì-ke. Các bác sĩ phải cạo tận xương để lấy ra hết các mô bị nhiễm
trùng. Sau khi bác sĩ làm tan hết mủ rồi thì ông ta ra về. “Nhưng
sau đó người này quay lại với một áp-xe khác trên ngực.” Theo sư cô
Ðẳng Nghiêm, một bác sĩ chỉ giúp được người ta trên bề mặt mà thôi, bà
nói, “Vì sao ông ta ghiền xì-ke? Tôi muốn giúp người ta tận căn
nguyên của vấn đề.”
Trong số 28 tăng ni ở Tu viện Lộc Uyển, 6 là người ngoại quốc, còn lại
đều là người Việt. Lộc Uyển tọa lạc tại một thung lũng thiên nhiên ở
Escondido, do thầy Nhất Hạnh thành lập vào năm 2000.
Vào Chủ Nhật 5 Tháng Sáu, Tu viện Lộc Uyển tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày
thành lập, và ngày 6 là ngày Phật Ðản Sanh (Vesak), trong ngày này mọi
người trong tu viện, kể cả những người trước đây là Công Giáo và Tin
Lành đều cùng tham dự lễ tắm Phật truyền thống.
Theo: Người Việt