Danh lam
Hang động Ajanta của Ấn Độ
17/06/2010 00:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đạo Phật ra đời ở Ấn Độ cách đây khoảng 2.500 năm và được xem là cuộc cách mạng trong xã hội Ấn Độ vốn có sự phân chia giai cấp sâu sắc. Phật giáo thể hiện tính bình đẳng vì bất kỳ ai cũng có thể đạt được sự giác ngộ nếu thành tâm. Vì vậy, đạo Phật nhanh chóng được truyền bá và được tiếp nhận tại rất nhiều nơi ở châu Á.


Lưu vực sông Hằng thuộc Đông Bắc Ấn Độ là cái nôi của nhiều tôn giáo quan trọng, đồng thời là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa lâu đời của người Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ III TCN, nơi đây được xem là cứ điểm của đạo Phật trước khi dòng tôn giáo này được phổ biến khắp Ấn Độ.

Quần thể hang động Ajanta là di tích quý giá đại diện cho thời kỳ hưng thịnh của phật giáo tại Ấn Độ. Đạo Phật chi phối từ lưu vực sông Hằng, kéo dài đến phía nam cao nguyên Deccan. Nằm ẩn mình trong khu rừng rậm hoang vu của cao nguyên Deccan, hang động Ajanta đã bị lãng quên trong một thời gian dài. Vào năm 1819, một nhóm người Anh đi săn cọp trong khu vực này đã tình cờ phát hiện hệ thống hang động Ajanta. Hang động được bố trí theo dạng hình móng ngựa, khoét sâu vào bên trong vách núi đá thẳng đứng cao 76m.

Ajanta tọa lạc ở lưng chừng núi, bên dưới hang động là lòng vực cùng dòng sông Waghora uốn khúc. Ngày nay, tại Ấn Độ, số lượng tín đồ đạo Hindu rất đông, Phật giáo có phần ít phát triển tại nơi mà nó được khai sinh. Tuy nhiên, hang động Ajanta đã trở thành một trong những di tích quan trọng nhất của Ấn Độ, đại diện cho thời kỳ Phật giáo đạt đỉnh cao. Năm 1983, UNESCO đã công nhận quần thể hang động Ajanta là Di sản văn hóa thế giới.

Quần thể hang động không được tạo dựng trong một thời kỳ liên tục. Nhóm hang đầu tiên được kiến thiết vào thế kỷ II TCN, sau đó công việc ngưng lại. Việc hoàn tất hang động Ajanta kéo dài trong gần 800 năm.

Di tích hang động Ajanta có tất cả 30 hang, bao gồm Thánh đường Phật giáo và các khu phụ cận. Các nhà khảo cổ đã đánh dấu các hang theo số thứ tự. Họ phân chia các hang động theo từng thời kỳ xây dựng, gồm hai phần: cụm hang được tạo dựng vào giai đoạn đầu và cụm hang được xây sau này.

Hang số 12 được đẽo trong thời kỳ đầu và được gọi là Tăng viện; đây là nơi sinh sống của những thầy tu ngày xưa. Họ sinh hoạt và tu hành trong không gian chật hẹp. Các thầy tu dùng bệ đá làm giường ngủ, họ luôn tuân thủ trong quá trình tu hành khổ hạnh theo cách như thế. Hang số 9 cũng được tạo dựng trong thời kỳ đầu. Khác với hang động dành cho các nhà tu hành, hang số 9 có tên gọi là Tháp viện, là một căn phòng dùng làm nơi cầu nguyện. Tháp viện mang ý nghĩa rất linh thiêng, là nơi tôn thờ thánh tích của Đức Phật. Thời kỳ này hoàn toàn không có sự hiện diện của các tượng Phật. Vì vậy Tháp Phật được xem là một biểu tượng linh thiêng để tôn thờ và phụng sự.
Thời kỳ đầu kéo dài đến khoảng 300 năm. Nhóm hang động thứ hai được tạo dựng vào thế kỷ thứ V, được gọi là thời kỳ sau. Hang số 26 là một điện Phật được xây dựng vào thời kỳ sau với trình độ kỹ thuật cao, các bức tượng chạm khắc đều rất lớn và hầu như tất cả đều còn nguyên vẹn.

Trong hang số 26, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp những hình ảnh của Phật giáo thuộc phái Mật tông. Khác với các tượng Phật ở Nhật Bản, hình dáng của tượng Phật trong hang là mô hình tượng Phật phổ biến tại rất nhiều nước ở châu Á.

Khác với thời kỳ đầu, trong nhóm hang động thứ 2, tượng Phật hiện diện khắp nơi. Có tượng phật ngồi thể hiện rằng đã đạt được sự giác ngộ dưới cội bồ đề, xung quanh là sự cám dỗ của quỷ ma. Trước khi giác ngộ, Đức Phật đã trải qua nhiều giai đoạn tu luyện, tất cả đều được thể hiện qua hàng loạt tác phẩm điêu khắc trong hang. Những hình ảnh Phật giáo sống động trong nhóm hang thứ 2 đã phản ảnh sự hưng thịnh của đạo Phật lúc bấy giờ. Trong các hang động này, hình ảnh của phật Như Lai luôn là tâm điểm chi phối mọi vật xung quanh.

Nhờ sự hậu thuẫn của triều đình cùng giới quý tộc và thương nhân lúc bấy giờ nên nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ đạt tới trình độ phát triển rực rỡ nhất.

Dòng chảy Phật giáo dần lan rộng và phát triển ra một khu vực rộng lớn. Vào thời đó, Ấn Độ được xem là vùng đất của đạo Phật, nơi hành hương quan trọng đối với những tín đồ sùng đạo. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, Phật giáo cũng được phân chia thành nhiều trường phái khác nhau. Từ đó, tính chất thuần nhất của đạo Phật cũng không còn nguyên vẹn. Ngoài các bức tượng và hình ảnh có liên quan đến Phật giáo được chạm khắc trên đá, hang động Ajanta còn sở hữu một kho tàng nghệ thuật phong phú và tinh xảo không kém.

Từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ VII là giai đoạn phát triển của nghệ thuật Phật giáo tại hang động Ajanta. Đó là những bức bích họa được vẽ trên tường trong hang động.

Có thể nói, nghệ thuật hội họa của người Ấn Độ cổ đại đã đạt đến chất lượng hoàn hảo về màu sắc cũng như bố cục. Các tác phẩm này đã qua cuộc thử nghiệm thành công của thời gian.

Có được các tác phẩm tượng Phật đạt đến vẻ đẹp đỉnh cao như thế là nhờ vào các họa sĩ và nhà điêu khắc đã thấm nhuần Phật pháp. Chính họ đã gốp phần rất lớn tạo nên giá trị cho quần thể hang động Ajanta.

Thanh Tâm (Theo THVL)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch