Danh lam
Bí ẩn ngôi chùa Trinh Tiết và mỏm đá “tự lớn”
28/08/2013 21:55 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Người dân đã đặt tên chùa Trinh Tiết để tưởng nhớ đến nàng công chúa Bạch Hoa hy sinh tuổi xuân giúp đỡ dân làng.
Là một phần của quần thể di tích Kẽm Trống (Hà Nam), ngôi chùa Trinh Tiết nằm ẩn khuất trên đỉnh núi Bồ Đà. Từ xưa đến nay, người dân nơi đây coi chùa là một hình tượng tiêu biểu cho sự trinh trắng của người con gái. Xung quanh ngôi chùa lạ này, có nhiều câu chuyện, giai thoại và những sự kỳ lạ không thể lý giải được. Những câu chuyện ấy cứ truyền từ đời này sang đời khác, tuy nhiên, thực hư ra sao thì vẫn là một điều bí ẩn.

Chùa Trinh Tiết với cơ ngơi khang trang trên đỉnh núi Bồ Đà.

Giai thoại tình yêu là sự "thêu dệt" của người dân

Để “mục sở thị" về ngôi chùa và những giai thoại ly kỳ gắn liền với hai chữ “trinh tiết”, chúng tôi đã tìm về thôn Động Xuyên, xã Thanh Hải (Thanh Liêm, Hà Nam). Chùa Trinh Tiết nằm trên đỉnh ngọn núi Bồ Đà, ở dưới là con sông Đáy thơ mộng. Tiếp chúng tôi là Đại đức Thích Thanh Hưng, trụ trì chùa Trinh Tiết. Nhấp một ngụm trà, Đại đức cho biết: “Thực ra tên xuất xứ của chùa là "Phật tích tự" chứ không phải chùa “Trinh Tiết" như hiện nay mọi người hay gọi. Sở dĩ đặt tên chùa là “Phật tích tự" bởi ngày xưa công chúa Trần Thị Bạch Hoa đã "thác tích" về cõi Phật ở chốn này. Theo lịch sử để lại, khi ấy, công chúa Bạch Hoa mới chỉ 17 tuổi. Tuy nhiên, ngôi chùa có từ khi nào thì không ai biết chắc”.

Để tiếc thương và đền đáp công ơn của công chúa Bạch Hoa, người dân sinh sống ở gần đó đã đổi tên thành chùa Trinh Tiết. Đại đức Thích Thanh Hưng cho biết: Vì trong khoảng thời gian sống và tu hành trên núi Bồ Đà, công chúa Bạch Hoa đã giúp đỡ rất nhiều người dân tại địa phương nên được họ yêu mến. Sau khi công chúa qua đời, mọi người đều tỏ ra thương tiếc. Để tôn vinh công lao to lớn ấy, người dân trong vùng quyết định đưa "sự trinh trắng" của người con gái thành hình tượng. Họ quan niệm rằng, công chúa đã hi sinh tuổi xuân của mình để dành tất cả thời gian cho việc giúp đỡ nhân dân. Đến khi "thác tích" về cõi Phật, cô vẫn còn giữ được "sự trinh nguyên" của mình. Sau đó, cái tên "Phật Tích tự" được thay bằng "Trinh Sơn tự" với chữ "Trinh" nằm trong từ "Trinh tiết". Đại đức Thích Thanh Hưng còn cho biết thêm, có thời gian người ta còn gọi ngôi chùa này là chùa Bà Hoá.

Được biết, ngôi chùa ngoài biểu tượng của một người con gái thì ý nghĩa và tên của nó còn có sự "đóng góp" về giai thoại tình yêu hết sức ly kỳ. Được biết, chùa Trinh Tiết gắn liền với một câu chuyện tình của đôi nam nữ tên Hùng và Thụỵ Vân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng đau lòng thay, kết cục của chuyện tình này quá bi thảm. Người đàn ông đã hy sinh ngoài chiến trường, còn cô gái tên Thụỵ Vân quyết giữ sự trinh nguyên để đợi người yêu trở về. Đợi mãi, thông tin về người yêu vẫn chỉ dừng lại ở con số không nên Thụỵ Vân thẫn thờ đến bên chân núi Bồ Đà tự vẫn. Sự thực về câu chuyện tình đẫm nước mắt này không biết thực hư thế nào nhưng khiến người dân quanh vùng tò mò về đây tìm hiểu. Từ đó, ngôi chùa Trinh Tiết đã khoác lên mình thêm sự huyền bí mà không ai giải thích được.
Để tìm hiểu rõ hơn về giai thoại tình yêu đang gắn liền với chùa Trinh Tiết, PV đã tìm đến những người được coi là có công hàng đầu trong việc xây dựng, tu tạo và bảo vệ chùa. Đó là ông Trần Ngọc Kim (SN 1936) và ông Đặng Viết Hợi (SN 1942), hai người này cùng trú tại thôn Động Xuyên (xã Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam). Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Kim cho biết: Tôi và người dân đều nghe đến câu chuyện tình trên”. Tuy nhiên, tình yêu của đôi trai gái tên Hùng và Thụỵ Vân chỉ là giai thoại. Có lẽ, nó là sản phẩm của sự "thêu dệt" từ những lời đồn thổi của người dân.

Ông Đặng Viết Hợi đứng trước "Mẹ đá".
“Mẹ đá” có khả năng tự lớn?
Theo lời ông Đặng Viết Hợi (SN 1942), ngoài những giai thoại tình yêu, chùa Trinh Tiết còn gắn liền Lăng Quy tượng và "Mẹ đá" (tượng Bụt Mọc). Dẫn PV thực địa tại Lăng Quy tượng, ông Hợi cho biết: “Đây là mộ phần của toàn bộ tượng trong chùa thời kỳ trước. Vì lý do những bức tượng này bị hỏng, nên ông và ông Kim đã cùng người dân nơi đây xây mộ phần để "chôn". Và cũng từ đó, mộ phần này được đặt tên là Lăng Quy Tượng”.

Một minh chứng nữa không thể thiếu trong những câu chuyện huyền bí xung quanh ngôi chùa Trinh Tiết là "Mẹ đá". Theo chân ông Hợi và ông Kim, chúng tôi đã được "mục sở thị" "Mẹ đá". Theo quan sát, "Mẹ đá" tọa lạc trên đỉnh cao nhất của núi Bồ Đà. Mỏm đá này cao khoảng 1,5m, bán kính 0,75cm và có hình mũi chông nhọn hướng lên trời. Bên dưới là hàng loạt nhũ đá tai mèo tạo thành một tấm thảm đá trải rộng. Nhìn tổng thể, cả "Mẹ đá" và tấm thảm đá giống hình một bông hoa sen. Tuy nhiên, dưới góc nhìn từ sau thì mỏm đá huyền bí trên lại giống hình ông Bụt. Có lẽ vì thế mà người dân còn gọi là tượng Bụt Mọc.

Theo ông Kim cho biết, "Mẹ đá" đã có mặt tại nơi đây từ trước khi ông sinh ra. Điều đặc biệt là người dân đang đồn thổi "Mẹ đá" có khả năng lớn dần lên theo thời gian. Bởi vì, ngày xưa mỏm đá này chỉ cao ngang lưng người nhưng bây giờ đã cao đến ngang vai. Tuy nhiên, theo ông Kim, nếu giả sử khả năng "tự lớn" là có thì cũng không hẳn là lạ, vì bản chất "Mẹ đá" là do thiên nhiên tạo ra. Do có sự vận động liên tục của trái đất, sự dịch chuyển của địa chất phía dưới mặt đất sẽ góp phần làm thay đổi hình dáng "Mẹ đá". “Hiện nay còn có thông tin cho rằng "Mẹ đá" phát ra âm thanh kỳ lạ nhưng tôi khẳng định đây chỉ là sự thêu dệt hoặc tưởng tượng. Bởi vì, khi người ta lấy hai hòn đá đập vào nhau bình thường cũng phát ra âm thanh. Việc lắng nghe âm thanh thế nào là tùy ở mỗi người. Có người coi đó là lạ, có người lại coi là bình thường. Điều mà chúng tôi đang tìm hiểu đó là các cụ kể lại rằng dưới chân "Mẹ đá" có một cái hang ăn sâu xuống tận "thảo am", nơi nghỉ của công chúa Trần Thị Bạch Hoa”, ông Kim cho biết.

Hiện nay, chùa Trinh Tiết đang nằm trong Quần thể Di tích Lịch sử Kẽm Trống (Di tích lịch sử cấp Quốc gia). Hai năm nay, ngôi chùa này có trụ trì mới là Đại đức Thích Thanh Hưng. Trước đó, chùa Trinh Tiết do ông Trần Ngọc Kim và ông Đặng Viết Hợi trực tiếp trông nom, quản lý. Ông Kim cho biết, khi Đại đức chưa về, chùa Trinh Tiết gần như bỏ hoang. Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, chủ yếu là do công sức, tiền bạc của gia đình ông, ông Hợi và các con nhang, đệ tử gần xa công đức. Để bảo tồn khu di tích chùa Trinh Tiết, mới đây Đại đức Thích Thanh Hưng đã có đề xuất gửi UBND tỉnh Hà Nam, sở VH-TT-DL xin xây dựng lầu chuông nằm trong khuôn viên của chùa.
Theo Người Đưa Tin

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch