Đức Phật & Thánh chúng
Tác giả: Thích Chúc Hòa
Ambedkar và phong trào chấn hưng Phật giáo Ấn Độ
Đã cập nhật: 0 phút
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong hồi ký Ambedkar viết: “Sẽ không thoát khỏi sự bóc lột của giai cấp trên khi trở thành phật tử hoặc Arya Samajist vì thế không có ý nghĩa gì để đi theo con đường này. Để thành công trong việc chống đối với những người Hindu chúng ta nên theo Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo nhằm thực hiện việc xóa bỏ giai cấp tiện dân”

Tiểu sử hành trạng của Ambedkar

Bhim Rao Ambedkar sinh ngày 14 – 04 – 1891. Cha là Ramji Maloji Sakpal, mẹ là Bhimabai; cha ông đi lính, mẹ ông thuộc giai cấp thấp, ông là người con thứ 14 và cũng là con út trong gia đình. Ông được cha mẹ cho đi học đến nơi đến chốn, học rất giỏi, ông được đi học trước tuổi. Lúc nhỏ ông học trường thiếu sinh quân, lúc ông sinh ra, đất nước vẫn còn là thuộc địa của Anh, năm 1947 Ấn Độ mới được trao quyền độc lập. Tuy được đi học nhưng ông không được vào lớp học, phải ngồi dưới đất ở phía ngoài cửa ngó vào, thậm chí nộp bài thầy cũng không thèm chấm. Anh em ông khát nước cũng không được uống chung, khi uống được phải được người ta đổ nước vào tay, ông mới có nước uống. Dù vậy hai anh em vẫn rất cố gắng đi học, lớn lên cuộc đời ông rất cực. Năm 1894, cha ông nghỉ hưu dời nhà, không lâu sau mẹ mất.

Ông học rất giỏi, nên được vị Bà La Môn cấp tiến là thầy giáo Mahadeva Amberdker đổi họ ông thành Amberdkar (họ lúc còn nhỏ của ông là Bhim Rao Sakpal Ambavadevar). Sau khi đổi họ, ông được vào trường chính phủ học. Năm 1906, ông lấy vợ, lúc đó ông 15 tuổi. Vợ hiền, nhưng con nhà hạ cấp. Phải tổ chức lễ cưới trong đêm khuya tại chợ cá. Năm 1907, thi đậu trường đại học Mumbai, ông là đứa trẻ giai cấp thấp đầu tiên thi vào trường trung học của nhà nước, chỉ một năm sau ông thi đỗ vào đại học; được thầy tặng cho cuốn sách viết về lịch sử đức Phật.

“Năm 1912, tốt nghiệp trung học, được học bổng về khoa học, chính trị, kinh tế, lấy được bằng cấp đại học, ông vẫn tiếp tục học.

Năm 1913, cha mất cũng trong năm đó vợ sinh hai đứa con đầu.

Năm 1915 ông tốt nghiệp thạc sĩ.

Năm 1916, trình luận án tiến sĩ về chính trị, xã hội học, lịch sử, triết học, nhân chủng học, ông được học bổng đi Anh quốc, học tại trường đại học kinh tế London. Trên đường trở về mang rất nhiều sách, nhưng do hải quân Đức bắn thủng tàu, sách chìm xuống đại dương.

Năm 1918, ông thành giáo sư trường đại học, ông dạy giỏi được học trò thích, nhưng vẫn bị phân biệt giai cấp, không cho uống nước chung.

Năm 1920, ông lập đảng chính trị đấu tranh cho người giai cấp thấp.

Năm 1935, ông làm Hiệu tưởng trường Đại học Luật quốc gia.

Năm 1936, ông thành lập Đảng Lao động Độc lập.

Năm 1947, sau khi Anh trao trả nền độc lập, ông làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch Hội đồng soạn thảo bộ Hiến pháp của Ấn Độ.

Ông là một Luật gia, một lãnh đạo chính trị, một “triết gia, nhà tư tưởng, nhà nhân chủng, nhà nghiên cứu lịch sử, diễn thuyết, nhà văn, nhà kinh tế, là học giả, nhà biên tập”.

Có một lần, vợ ông vào chùa và bị đuổi ra, ông nói bà đừng buồn nữa, mai mốt sẽ xây riêng cho bà ngôi chùa. Khi vào đền thần bà cũng bị đuổi, ông cũng đã chỉ rõ, đó không phải là thần. Ông nói: Bất hạnh cho tôi sinh ra làm một người Hindu, nhưng chắc chắn rằng khi chết đi tôi không phải là một người Hindu. Ông viết nhiều sách phỉ báng vấn đề phân chia giai cấp. Năm 1948, ông nộp luận án với tựa đề: “Nguồn gốc của người giai cấp thấp”. Ông lên án gay gắt đạo Bà La Môn. Năm 1956, ông thọ Tam quy Ngũ giới tại Nagpur. Sau đó, 500.000 người quy y theo ông”[1]. Khẩu hiệu ông để lại cho thế hệ sau là: “Giáo dục – Tổ chức – Tranh luận”.

Nhân duyên đến với Phật giáo

Trong hồi ký Ambedkar viết: “Sẽ không thoát khỏi sự bóc lột của giai cấp trên khi trở thành phật tử hoặc Arya Samajist vì thế không có ý nghĩa gì để đi theo con đường này. Để thành công trong việc chống đối với những người Hindu chúng ta nên theo Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo nhằm thực hiện việc xóa bỏ giai cấp tiện dân”[2]. Có người cho rằng, duyên ông theo Phật giáo là lúc còn học trung học ông được tặng quyển sách về cuộc đời của đức Phật vào năm 1908. Nhưng vấn đề đưa ra tại sao ông không theo Phật giáo một vài năm sau đó mà phải mất rất nhiều năm sau nữa? Có thể nói con đường đến với Phật giáo của Ambedkar do ảnh hưởng “phong trào Phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ” diễn ra một cách mạnh mẽ, được khởi xướng bởi Ngài Dhammapala qua hội Mahabodhi Society. Ông tìm hiểu kỹ đến lịch sử Ấn Độ và những bài kinh Phật giáo, đóng vai trò quan trọng cho sự chọn lựa của ông, năm 1950, ông đã chính thức quay về với Phật giáo.

Phong trào chấn hưng Phật giáo của Ambedkar

Ông tiếp tục đấu tranh với người Bà La Môn, có lần họ đã đánh ông gục bên bờ ruộng muối, không vì thế mà ông nản lòng, cho nên ông nghĩ phải từ bỏ Bà La Môn giáo. Khi ông lên tiếng từ bỏ Bà La Môn giáo thì các tôn giáo khác khuyên ông theo họ, như đạo Hồi, đạo Sikkis (họ còn khuyến khích bằng tiền nếu ông theo đạo Sikkis, ông sẽ có số tiền có thể cất được một ngôi trường đại học). Trong khi đó, có một vị người Ý ở bên Anh khi phục vụ quân đội đã theo Phật giáo và đã gửi thư cho Ambedkar và phân tích rằng, chỉ có Phật giáo mới có thể thay đổi cuộc đời ông, thay đổi về sự bất công về giai cấp trong xã hội. Ông không theo Phật giáo ngay thời điểm đó, nhưng ông đã tích cực tham gia các Hội nghị Phật giáo, ông viết sách về Phật giáo, đến Miến Điện dự Hội nghị Phật giáo.

Sau đó, “đến năm 1956 tại Nagpur trước bàn thờ Phật và 4 thầy người Miến Điện ông đã chính thức Quy y theo Phật giáo”[3]. Khi ông Quy y theo Phật giáo, đã có 500,000 người cùng phát nguyện quy y cùng với ông, đây là lần quy y lớn nhất từ trước đến thời điểm đó tại Ấn Độ.

Ông đưa ra 22 điều luật để cho những người theo ông, phải giữ 5 giới cấm, hạnh ba la mật, không thờ các vị thần Bà La Môn, không mời các thầy Bà La Môn đến lễ, không bao giờ coi đức Phật là thần của Bà La Môn, yêu thương cuộc sống và động vật, tin tưởng lời dạy của đức Phật về bình đẳng giữa con người và con người. Ông là Bộ trưởng “Bộ Tư pháp đầu tiên của Ấn Độ, khi Ấn Độ độc lập”[4].

Ông là kiến trúc sư xây dựng nên hiến pháp Ấn Độ, ông là Chủ tịch Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp, là “cha đẻ của Hiến pháp Ấn Độ”, ông chủ trì các cuộc họp để hoàn thành hiến pháp của Ấn Độ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Dong gop cua cu si Ambedkar cho su hoi sinh PG An Do 2

Sau đó, khi ông ốm bệnh, có một người nữ bác sĩ chăm sóc cho ông đem lòng thương ông, lấy ông làm chồng, gia đình cô này phản đối vì ông là người thuộc dòng giai cấp hạ cấp, nhưng cô thấy ông là một người đàn ông lý tưởng.

Ông đã tuyên bố từ bỏ đạo Bà La Môn và soạn ra 22 lời nguyện. Đó là:

1. Tôi không tin vào thần Phạm Thiên, thần Visnu và Siva, tôi cũng không tôn thờ họ.
2. Tôi không tin vào thần Rama và Krishna, những ông thần được tin tưởng là hóa thân của Đấng tối cao.
3. Tôi không tin vào các nữ thần Gauri và Ganapati, các nữ thần khác của người Hindu, tôi cũng không thờ họ
4. Tôi không tin vào hóa thân của Đấng tối cao.
5. Tôi không bao giờ tin đức Phật là hóa thân của thần Visnu. Tôi tin rằng điều này là một điều khùng điên.
6. Tôi không bao giờ tổ chức lễ để các thầy Bà La Môn cúng.
7. Tôi sẽ không thực hành theo phong tục, tập quán nào vi phạm những nguyên tắc và lời dạy của đức Phật.
8. Tôi sẽ tin vào sự bình đẳng của con người.
9. Tôi sẽ cố gắng thiết lập sự bình đẳng.
10. Tôi sẽ đi theo Bát chánh đạo cao quý của đức Phật.
11. Tôi sẽ đi theo 10 pháp Ba la mật mà đức Phật đã dạy.
12. Tôi nuôi dưỡng lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh và bảo vệ chúng.
13. Tôi không ăn cắp.
14. Tôi không nói láo.
15. Tôi không tà dâm.
16. Tôi không sử dụng các thứ làm say sưa như rượu, ma túy.
17. Tôi sẽ không phạm những điều tội lỗi.
18. Tôi sẽ cố gắng đi theo Bát Chính đạo cao quý, thực hành lòng từ bi và nhân ái trong cuộc sống hằng ngày.
19. Tôi từ bỏ Ấn Độ giáo, vì tôn giáo đó được căn cứ vào sự bất bình đẳng, khủng bố, cản trở sự tiến bộ và phát triển của nhân loại. Tôi chấp nhận Phật giáo là tôn giáo của tôi.
20. Tôi kiên quyết tin tưởng vào pháp của đức Phật là tôn giáo chân chính duy nhất.
21. Tôi nhận thấy rằng tôi có một đời sống mới.
22. Tôi dõng dạc tuyên bố từ đây về sau tôi sẽ sống theo giáo pháp của đức Phật.”[5]

Ông được xem là sơ tổ của Phật giáo nhập thế (Engaged Buddhism). Người đã tạo nguồn cảm hứng cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại các nước trên thế giới. Sau nay, ở Việt Nam có Tỳ kheo Thích Quảng Đức đã dấn thân nhập thế đấu tranh cho hòa bình và tự chủ dân tộc, Hòa thượng Nhất Hạnh cũng đã từng chia sẻ: “Trong lúc chúng tôi đang ngồi thiền ở trong chùa thì tiếng bom rơi ở bên ngoài, đất nước chúng tôi đang có chiến tranh, chúng tôi không thể ngồi yên thiền định, mà phải ra ngoài cứu giúp dân chúng, cứu giúp đời, đó là Phật giáo nhập thế”.

Kết quả phong trào chấn hưng Phật giáo

Ở Mumbai, năm 1950 ông thành lập học viện Siddhartha College, cũng trong năm đó ông tiếp tục hành lập Đại học Melind Maha Vidyalty… đây là những trường đại học giáo dục giáo lý Phật giáo. Những nỗ lực của ông đã làm xuất hiện tầng lớp tín đồ Phật giáo mới tại Ấn Độ trải dài từ Mumbai, Patna, …Hiệp hội Ma Ha Bồ Đề lấy Tỳ khưu xuất gia làm trung tâm, áp dụng hình thức theo Phật giáo Thượng tọa bộ ở Tích Lan, Hiệp hội Phật giáo Ấn Độ về cơ bản cho đến ngày nay vẫn chủ trương giáo nghĩa của hệ Phật giáo Thượng tọa bộ, lấy người tại gia cư sĩ làm trung tâm và phát triển Phật giáo theo khuynh hướng Đại thừa.

Thời gian về sau, Hiệp hội Phật giáo Ấn Độ có liên hệ rất mật thiết với đoàn thể chính trị của Đảng Cộng Hòa (Republican Party).”[6] Về sau các phong trào hạ cấp theo ông không dừng lại, họ phát triển, dù bị chính phủ ngăn chặn không cho tiến về thủ đô, nhưng họ vẫn tràn về tuy không được đông như dự định, họ tạc tượng đài của ông với đôi tay ôm cuốn sách Hiến Pháp Ấn Độ. Bức tượng có một tay chỉ vào tòa nhà quốc hội, nghĩa là muốn dành lại quyền bình đẳng thì phải vào tòa nhà quốc hội làm việc. Sách vở viết về ông nhiều hơn về ông Mohan Das Gandhi (cha đẻ của công cuộc giành độc lập của Ấn Độ).

Hai con người đấu tranh không mệt mỏi cho các hoạt động xã hội và bình đẳng tại Ấn Độ, giúp phát triển “phong trào phục hưng Phật giáo Ấn Độ”.

Sau ba mươi năm nghiên cứu Phật học, ông đã hoàn thành bộ sách có tựa đề “Đức Thích Ca và Tôn giáo của Ngài”, ngày 24 tháng 11 năm 1968 tại Hội nghị Phật giáo Toàn Ấn, quyển sách được xem như thánh điển của Phật giáo đồ Ấn Độ”[7]. Qua đó, chúng ta thấy được công cuộc phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ và công lao của Cư sĩ Ambedkar.

Kết luận

Xuất thân từ giai cấp thấp bé nhất, ông đã trở thành trung tâm của các diễn đàn tại nhiều hội nghị ở Ấn Độ và quốc tế, truyền lại cho thế hệ sau ngọn lửa của sự nhiệt huyết, dấn thân hoạt động, vì bình đẳng xã hội, quyền sống và mưu cầu hạnh phúc cho tất cả mọi người. Ông đã đến với Phật giáo một cách không do dự, làm sáng lại con đường Phật giáo mà lâu nay đã tàn lụi bởi nhiều nguyên nhân lịch sử, trong đó có sự xâm chiếm và hủy diệt Phật giáo của Hồi giáo. Ông đã dành 12 năm dốc sức, nhập cuộc mở ra phong trào chấn hưng giữa sự hoang mang và hỗn độn ấy đã tạo ra Ambedkar một phiên bản mới trong phong trào chấn hưng và phát triển Phật giáo ở Ấn Độ nói riêng và trên thế giới nói chung.

Tác giả: Thích Chúc Hòa

——————-

CHÚ THÍCH

[1] Thích Chơn Minh, bài giảng: “Lịch sử Phật giáo Ấn độ”, K. XII”.
[2]Trích: Thứ bảy, 25/05/2019, 07:18 AM
Nguồn: https://phatgiao.org.vn/phat-tu-br-ambedkar-va-su-cong-hien-cho-cuoc-doi-
[3] Hán dịch: Thích Đạt Hòa, Việt Dịch: Thích Hạnh Bình, Phương Anh, “Khái luận lịch sử Phật giáo Ấn độ”, tr.158.
[4] Thích Minh Thành, bài giảng:“Phật giáo ứng dụng” trên lớp thạc sĩ K.III
[5] Biên dịch: Kim Kha, “Hướng dẫn Hành hương về xứ Phật”, NXB. Phương đông, tr. 86-87.
[6] Hán dịch: Thích Đạt Hòa, Việt Dịch: Thích Hạnh Bình, Phương Anh, “Khái luận lịch sử Phật giáo Ấn độ”, tr. 159.
[7] Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, “Lịch sử Phật giáo Ấn độ”, NXB. Phương đông, 2013, tr. 532-533.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Hán dịch: Thích Đạt Hòa, Việt Dịch: Thích Hạnh Bình, Phương Anh, Khái luận lịch sử Phật giáo Ấn độ, NXB. 2017.
2. Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, Lịch sử Phật giáo Ấn độ, NXB. Phương đông, 2013.
3. Biên dịch: Kim Kha, Hướng dẫn Hành hương về xứ Phật, NXB. Phương đông, 2011.
4. Thích Minh Thành, bài giảng: Phật giáo ứng dụng, thạc sĩ K. III.
5. Thích Chơn Minh, bài giảng: Lịch sử Phật giáo Ấn độ, K. XII.
6. Trích: Thứ bảy, 25/05/2019, 07:18 AM
Nguồn: https://phatgiao.org.vn/phat-tu-br-ambedkar-va-su-cong-hien-cho-cuoc-doi-

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch