Kiến thức thế gian chỉ hữu ích cho cứu cánh ngoài đời. Với
kiến thức này, nhân loại học cách xử dụng những tài nguyên trên trái đất
để nâng cao mức sống, sản xuất nhiều thực phẩm, phát sanh điện lực dùng
chạy các nhà máy, thắp sáng phố xá, nhà cửa, điều động xí nghiệp và
thương mại, chữa bệnh, xây phòng ốc và cầu cống, nấu các món ăn ngoại
lai, vân vân....
Kiến thức thế gian cũng được xử dụng vào những mục tiêu tác hại như
làm các hỏa tiễn với đầu đạn nguyên tử, vận động thị trường hối đoái,
lừa đảo 'công khai', và châm ngòi lửa sợ hãi lo âu và hận thù bằng chính
trị.
Mặc dù sự bành trướng nhanh chóng, kiến thức thế gian nhất là ở thế
kỷ thứ 20, nhân loại vẫn không tiến gần đến việc giải quyết những vấn đề
tinh thần và bất toại nguyện lan tràn. Có thể có nhiều khả năng nhưng
nó sẽ chẳng bao giờ giải quyết những vấn đề chung quát của con người và
mang lại hòa bình và hạnh phúc bởi do những tiền đề mà trên đó những
kiến thức, khám phá và phát minh này được xây dựng.
Trong khi mang lại sự hiểu biết tốt đẹp là làm sao sống một cuộc đời
lương hảo ngoài đời, Đạo Phật vẫn đặt trọng tâm là làm sao đạt được giải
thoát qua sự trau dồi trí tuệ và rèn luyện tinh thần.
Đối với những con người bình thường việc theo đuổi kiến thức thế gian
sẽ không bao giờ có dứt điểm, nhưng cuối cùng, xét kỹ ra thì thực sự
chẳng quan trọng gì.
Chừng nào mà chúng ta hãy còn chưa hiểu Pháp thì chúng ta vẫn bị mắc
bẫy trong vòng luân hồi. Theo Đức Phật: Đã lâu đời rồi, bạn đã từng đau
khổ vì cái chết của người mẹ, cái chết của người cha, cái chết của đứa
con trai, của đứa con gái, của anh, của chị, đã lâu đời rồi bạn đã từng
bị mất của cải, đã lâu đời rồi bạn đã từng bị bệnh khổ.
Vì lẽ bạn đã từng kinh nghiệm về cái chết của người mẹ, của người
cha, của người con trai, của người con gái, của anh của chị, kinh nghiệm
về sự mất mát của cải, kinh nghiệm về sự đau đớn vì bệnh tật, đau khổ
bởi những điều bất hạnh, bạn đã nhỏ biết bao nhiêu nước mắt trên con
đường dài ấy - hết từ sinh đến tử, rồi từ tử đến sinh - nước mắt này con
nhiều hơn nước ở bốn biển.(Kinh Anguttara Nikaya). Nơi đây Đức Phật
diễn tả cái Khổ Đau triền miên sinh tử trên thế gian. Ngài chỉ chú trọng
đến một điều đơn giản: chỉ cho con người con Đường thoát khỏi Khổ đau.
Tại sao Đức Phật lại nói cho các đệ tử của Ngài với thái độ như vậy. Tại
sao Ngài không cố gắng giải quyết vấn đề cho biết thế giới bất diệt hay
không bất diệt, nó hữu hạn hay không hữu hạn? Những vấn đề này có thể
hào hứng và phấn khích những kẻ tò mò. Nhưng những vấn đề này không giúp
gì cho con nguời thoát được khổ đau. Đó là tại sao Ngài đã dẹp những
vấn đề này sang một bên vì nó vô ích, hiểu biết những việc đó không đem
lại hạnh phúc cho con người.
Đức Phật nhận thấy nói về những điều không có một giá trị thực tiễn,
ngoài tầm hiểu biết chỉ phí phạm thời giờ và năng lực. Ngài nhìn thấy
nếu triển khai các giả thuyết vế các vấn đề đó chỉ làm phân tâm trở ngại
đến việc phát triển tinh thần.
Kiến thức thế gian và việc nghiên cứu khoa học phải được bổ khuyết bởi
những giá trị tôn giáo và tinh thần. Nếu không, kiến thức ngoài đời
không thể đóng góp được gì cho việc phát triển một đời sống thanh tịnh,
đạo hạnh. Con người đã tới một giai đoạn mà tâm trí bị đầu độc bởi những
dụng cụ và thành quả của kỹ nghệ cấp tiến, bị ám ảnh bởi những ô trược
như ích kỷ, tham đắm quyền thế, và ham muốn của cải vật chất.
Thiếu giá trị đạo lý thì kiến thức thế gian và sự tiến bộ kỹ nghệ có
thể dẫn con người đến suy tàn và tiêu diệt. Chúng chỉ khơi dậy lòng tham
dục và phát triển nó theo những chiều huớng mới đáng sợ hơn. Mặt khác,
khi kiến thức thế gian đưọc khai thác cho những cứu cánh đạo đức, nó sẽ
mang đến cho nhân loại lợi lạc và hạnh phúc tối đa.
Thích Tâm Quang (dịch)