Đức Phật & Thánh chúng
Sự tích Đức Bản tôn Quán Thế Âm Bồ Tát
Tâm Minh St
29/07/2013 07:33 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tiếng Phạn là Avalokitesvara, dịch sang tiếng Hán là Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại.
Ngài vốn không phải là tướng nữ, nhưng vì thường cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh (mà phụ nữ nhiều khổ nạn hơn nam giới) cho nên giới phụ nữ đặc biệt tín ngưỡng Ngài, vì thế mới kêu cầu đến Ngài luôn luôn, nên chúng sinh mới tưởng tượng ra Ngài có tướng nữ để tiện hóa độ cho phụ nữ. Vả lại, chúng sinh ở Sa Bà này được nhờ ơn Ngài cứu độ


Theo kinh Bi Hoa, thì ở vào thời quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng Như Lai. Thời đó, có vua Chuyển Luân Thánh Vương là Vô Chánh Niệm. Vua đó có quan đại thần là Bảo Hải (phụ thân của đức Bảo Tạng khi chưa xuất gia). Do được Ngài Bảo Hải khuyến tiến, nên vua Chuyển Luân xuất gia, đối trước đức Bảo Tạng phát ra 48 đại nguyện. Do đó, đức Bảo Tạng thụ ký cho vua. (Khi đó đã là Pháp Tạng tỷ khiêu). Sau này thành Phật hiệu là A Di Đà ở thế giới Cực Lạc. Vua Chuyển Luân có nhiều con. Con cả là Thái tử Bất Huyễn, cũng do Ngài Bảo Hải khuyến tiến, Thái tử cũng đi xuất gia theo cha và đối trước đức Bảo Tạng Như Lai phát ra bản nguyện đại bi thương xót cứu độ tất cả các loài chúng sinh bị khổ não. Vì vậy, đức Bảo Tạng thụ ký cho Thái tử thành Bồ tát, hiệu là Quán Thế Âm. Còn Ngài Bảo Hải là tiên thân của Thích Ca Mâu Ni, đức Bảo Tạng thụ ký cho Thái tử rằng: “Vì lòng đại từ bi, ông muốn quán niệm tất cả chúng sinh cho được cùng về cõi An lạc (Cực Lạc), vậy từ nay đặt tên cho ông là Quán Thế Âm”.

Sau khi Phật A Di Đà vào Niết bàn rồi, thì cõi nước của Phật A Di Đà đổi tên là “Nhất thiết trân bảo sở thành tựu Thế giới” (Thế giới tất cả trân bảo tạo thành). Và bấy giờ ông thành Phật hiệu là “Biến xuất Nhất Thiết Quang Minh Công đức Vương Như Lai”, (Như Lai vua công đức quang minh ra tất cả).

Do đó, Bồ tát Quán Thế Âm tức là một vị Phật tương lai sẽ bổ vào ngôi của đức A Di Đà. Hiện tại thì Ngài cùng với đức Đại Thế Chí (kiếp xưa làm em Ngài, con thứ vua Chuyển Luân, cũng cùng Ngài đồng thời xuất gia và cùng được đức Bảo Tạng thụ ký) giúp việc giáo hóa độ sinh cho đức A Di Đà và Ngài cũng ứng thân xuống Sa Bà trợ giáo cho đức Thích Ca Mâu Ni.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm chép lời Ngài bạch với đức Thế Tôn (đức Thích Ca) rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Con nhớ cách đây vô số hằng hà sa kiếp về trước có đức Phật ra đời hiệu là Quán Thế Âm, từ đức Phật kia, con phát tâm Bồ đề, đức Phật kia dạy con, do nghe, nghĩ và tu mà vào tam-ma-đề”. Do đó nên biết: Ngài đã phát tâm Bồ đề từ đời đức Phật Quán Thế Âm trong vô số hằng hà sa kiếp về trước, do nghe Phật thuyết Pháp, Ngài đã nhận định phép tu viên thông về nhĩ căn là hơn tất cả, do Ngài khéo chứng viên thông ở nhĩ căn nên được đức Phật Quán Thế Âm, thụ ký cho Ngài danh hiệu Quán Thế Âm, một danh hiệu mà chúng sinh ở mười phương cung kính chấp trì trong những lúc nguy hiểm, đau khổ.

Lại kinh Quán Âm Tam-muội nói: “Xưa kia [Ngài Quán Thế Âm] đã thành Phật hiệu là Chính Pháp Minh Như Lai (tiền thân của đức Thích Ca hồi ấy) đã từng ở dưới Pháp tòa, sung vào trong số đệ tử khổ hạnh để gần gũi”. Ngày nay đức Thích Ca thành Phật, thời Ngài trở lại làm đệ tử gần gũi lại. Đó là: “Một đức Phật ra đời thì hàng ngàn đức Phật phù trì”.

Kinh Đại Bi Tâm Đà-la-ni thì chép lời Ngài bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Con nhớ vô lượng ức kiếp về trước có đức Phật ra đời hiệu là Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Như Lai, đức Phật ấy vì nghĩ thương đến con và tất cả chúng sinh nên nói ra môn Đại Bi Tâm Đà-la-ni, Ngài lại dùng cánh tay sắc vàng xoa đầu con mà bảo: “Thiện nam tử! Ông nên thụ trì tâm chú này và vì khắp tất cả chúng sinh trong cõi trược ở đời vị lai, mà làm cho họ được sự ích lợi yên vui lớn!”. Lúc đó, con mới ở ngôi Sơ địa vừa nghe xong thần chú này liền vượt lên chứng đệ Bát địa”.

Mật tông thì theo trong kinh Đại Bản Như Ý nói có 8 vị đại Quán Âm là:

1. Viên Mãn Ý Nguyệt Minh Vương Bồ Tát

2. Bạch Y Tự Tại

3. Cát La Sát Nữ

4. Tứ Diện Quán Âm

5. Mã Đầu La Sát

6. Tỳ Câu Chi

7. Đại Thế Chí

8. Đà La Quán Âm (Quán Âm Chuẩn Đề).

Ngài có sức uy thần công đức và lòng từ bi rất lớn. Ngài vốn không phải là tướng nữ, nhưng vì thường cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh (mà phụ nữ nhiều khổ nạn hơn nam giới) cho nên giới phụ nữ đặc biệt tín ngưỡng Ngài, vì thế mới kêu cầu đến Ngài luôn luôn, nên chúng sinh mới tưởng tượng ra Ngài có tướng nữ để tiện hóa độ cho phụ nữ. Vả lại, chúng sinh ở Sa Bà này được nhờ ơn Ngài cứu độ, che trở nhiều nên thảy đều coi Ngài như Mẹ hiền, vì vậy mới tưởng Ngài có tướng nữ (vì mẹ là tượng trưng cho lòng thương) nên gọi Ngài là Phật Bà. Chùa Hương Tích có thờ Ngài. Truyện Quán Âm quốc văn có câu:

Rằng trong cõi nước Nam ta,

Chùa Hương Tích có đức Phật Bà Quan Âm

Truyền thuyết nói Ngài hóa thân tu hành ở đó. Không những Ngài cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh trong lúc sống, mà còn tiếp độ cho chúng sinh sau khi mất nữa. Nếu chúng sinh nào có chí nguyện cầu Tịnh độ mà niệm đến danh hiệu Ngài thì khi mệnh chung Ngài sẽ tiếp dẫn về Tịnh độ.

Kinh nói: đức Phật A Di Đà cùng với cá Thánh chúng là Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí, v.v… hiện thân tiếp dẫn những người tu Tịnh Độ lúc lâm chung về Cực Lạc là thế!

Xem thế thì đủ biết công đức của đức Quán Thế Âm đối với chúng sinh nói chung và đối với chúng sinh ở Sa Bà nói riêng, to lớn biết dường nào! Cho nên Phật tử chúng ta, dù tu theo môn gì đi nữa, cũng phải thường xuyên niệm hồng danh của Ngài, trì chân ngôn của Ngài để cầu Ngài hộ niệm và gia bị cho, mới mong tránh khỏi được những khổ ách, tai nạn, và sự nghiệp tu hành mới mau chóng có kết quả, bản nguyện mới mau chóng được thành tựu.

Theo: chuahungkhanh.com

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch