Trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, đức Phật nói về bốn tiền thân, với bốn đại nguyện của ngài Địa Tạng như sau.
1.
Trong vô lượng kiếp về trước, ngài Địa Tạng là một vị Trưởng giả, nhờ
phước duyên được chiêm ngưỡng, đảnh lễ và được sự chỉ dạy của đức Phật
Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, vị Trưởng giả này đã phát đại
nguyện: “Từ nay đến tận đời vị lai, tôi vì những chúng sanh tội khổ
trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng nó được
giải thoát hết cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật quả.”
2. Vào thời quá khứ vô số kiếp trước, thuở đức Phật Giác Hoa Định Tự
Tại Vương Như Lai, tiền thân của Ngài là một người nữ dòng dõi
Bà-la-môn có nhiều phước đức và oai lực; nhưng mẹ của cô không tin vào
nhân quả tội phước, tạo rất nhiều ác nghiệp, sau khi chết bị đọa vào
địa ngục. Là người con chí hiếu, cô rất thương nhớ mẹ, và đã làm vô
lượng điều lành, đem công đức ấy hồi hướng cho mẹ, và cầu nguyện đức
Phật cứu giúp. Nhờ các công đức chí thành ấy, đức Phật Giác Hoa Định Tự
Tại đã cho cô biết là mẹ của Cô đã được thoát khỏi cảnh địa ngục và
vãng sanh về cõi trời. Vô cùng hoan hỉ trước tin ấy, cô đã đối trước
đức Phật Giác Hoa phát nguyện: “Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai
những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước
làm cho chúng đó được giải thoát.”
3. Trong hằng hà sa số kiếp về trước, thuở đức Phật Nhất Thiết Trí
Thành Tựu Như Lai, ngài Địa Tạng là một vị vua rất Từ bi, thương dân
như con … nhưng chúng sanh lúc ấy tạo rất nhiều ác nghiệp, vị vua hiền
đức này đã phát nguyện: “Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ làm
cho đều đặng an vui chứng quả Bồ Ðề, thời tôi nguyện chưa chịu thành
Phật.”
4. Vô lượng kiếp về thuở quá khứ, thời đức Phật Liên Hoa Mục Như Lai,
ngài Địa Tạng là một hiếu nữ tên Quang Mục có nhiều phước đức. Nhưng mẹ
của Quang Mục lại là người rất ác, tạo vô số ác nghiệp. Khi mạng chung,
bà bị đọa vào địa ngục. Quang Mục tạo nhiều công đức hồi hướng cho mẹ,
và nhờ phước duyên cúng dường một vị A-la-hán, vị Thánh này đã cho biết
rằng, mẹ của cô đã thoát khỏi cảnh địa ngục sanh vào cõi người, nhưng
vẫn còn chịu quả báo sinh vào nhà nghèo hèn, hạ tiện, lại bị chết yểu…
vì lòng thương mẹ và chúng sanh, Quang Mục đã đối trước đức Phật Liên
Hoa Mục Như Lai phát nguyện: “Từ ngày nay nhẫn về sau đến trăm nghìn
muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà các hàng chúng sanh bị tội
khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng sanh đó làm
cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sanh và ngạ quỉ,
v.v... Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi
mới thành bậc Chánh Giác.”
Ngoài những sự tích trong kinh nêu trên lại còn một sự tích Lịch sử Phật giáo Hàn Quốc ghi rằng :
Ngài Địa Tạng Bồ tát tục danh Kim Kiều Giác (Kim Kyo-gak), sanh vào
thế kỷ thứ VII, năm 696 TL, tại nước Tân La (Silla), hiện nay là Hán
Thành, thuộc Nam Hàn.
Ngài vốn là một Hoàng tử, sống trong lầu son nhung lụa, ở cung vàng
điện ngọc, thế nhưng tính Ngài lại thích đạm bạc, không bị ảnh hưởng
bởi nếp sống vương giả phong lưu đài các, mà chỉ chăm lo học hỏi và ham
đọc Thánh hiền.
Đức tướng trang nghiêm, lòng Từ bi thuần hậu của Ngài thì khó có ai sánh kịp.
Vào năm Vĩnh Huy đời Đường Cao Tông, sau khi tham khảo hết Tam giáo,
Cửu lưu và Bách gia chư tử thì Ngài bèn buông lời cảm thán: “So với Lục
kinh của Nho gia, Đạo thuật của Tiên gia, thì lý Đệ nhất Nghĩa đế của
nhà Phật là thù thắng hơn hết, rất hợp với chí nguyện của ta.” Sau đó
lập chí xuất gia vào lúc 24 tuổi.
Sau khi xuất gia, Ngài ưa đến chỗ vắng vẻ tu tập Tham thiền nhập
định, nhân đây bèn nghĩ đến việc hành cước, tìm một nơi thanh vắng để
tĩnh tu. Ngài chuẩn bị thuyền bè, đem theo một ít hành trang và lương
thực, đồng thời dắt theo con Bạch khuyển (chó trắng) tên Thiện Thính,
đã theo Ngài từ lúc xuất gia.
Ngài một mình tự lái thuyền rời bến Nhân Xuyên (Incheon), trương
buồm ra khơi, tùy theo hướng gió mà đi, sau nhiều ngày lênh đênh trên
biển, đến cửa sông Dương Tử (Trung Hoa).
Thuyền bị mắc cạn trên bãi cát, Ngài bèn bỏ thuyền đi bộ lên bờ,
tiếp tục cuộc hành trình. Sau nhiều ngày lang thang, ngài đến chân núi
Cửu Tử ở huyện Thanh Dương, tỉnh An Huy.
Thấy phong cảnh nơi đây hùng vĩ, sơn xuyên tú lệ, ngài bèn quyết
định ở lại. Ngài đi dọc theo triền núi lên phía trên cao để khảo sát,
phát giác khoảng giữa các ngọn núi là một vùng đất bằng phẳng, cảnh trí
nên thơ vô cùng tịch mịch, bèn trèo lên mỏm đá bên cạnh một khe nước
suối trong và thong dong tự tại với năm tháng mà ngồi tĩnh tọa.
Một hôm, đang lúc tĩnh tọa, bổng có một con rắn độc nhỏ đến cắn vào
đùi, nhưng ngài vẫn an nhiên bất động. Giây lát sau, một người đàn bà
tuyệt đẹp từ trên vách núi bay xuống, đến bên cúi lạy, đưa thuốc cho
ngài và nói: “Đứa bé trong nhà rắn mắt, xúc phạm tôn nhan. Thiếp xin tạo một con suối mới để đền đáp lỗi lầm của cháu nhỏ.”
Nói xong biến mất. Chưa đầy một sát na, trong vách núi phụt ra một
dòng suối cuồn cuộn chảy xuống. Từ đó, ngài không còn phải lao nhọc đi
xa gánh nước về. (Đây là dòng suối Long Nữ Tuyền nổi danh ở núi Cửu
Hoa).
Tương truyền, dưới chân núi có vị Trưởng giả tên Mẫn Công (Văn Các
lão nhân), là người thích bố thí cúng dường chư tăng. Ông thường tổ
chức cúng dường trai tăng hàng trăm vị. Thế nhưng, mỗi lần như thế, đều
thiếu một vị Tăng. Vì vậy, mỗi lần tổ chức ông đều tự thân lên núi mời
Ngài. Nếu không, công đức cúng dường không được viên thành.
Không bao lâu sau, vì muốn mở rộng đạo trường để quảng độ chúng
sanh, ngài Địa Tạng bèn đến xin Mẫn Công (Văn Các lão nhân) cúng dường
một mảnh đất. Mẫn Công nói: “Tùy ngài muốn bao nhiêu con xin cúng bấy nhiêu.”
Ngài Địa Tạng nghe thế, tung tấm Cà sa lên không. Tấm Cà sa tỏa rộng
bao trùm toàn núi Cửu Hoa. Mẫn Công (Văn Các lão nhân) thấy thế bèn vô
cùng hoan hỷ, đem toàn bộ núi Cửu Hoa cúng dường.
Mẫn Công (Văn Các lão nhân) có một người con trai, ngưỡng mộ đức
hạnh của ngài, bèn đến xuất gia, hiệu là Đạo Minh. Sau đó, Mẫn Công(Văn
Các lão nhân), vì muốn thuận tiện trong việc nghe pháp, bèn lễ bái Đạo
Minh làm thầy. Việc này trở thành một giai thoại nổi tiếng trong chốn
Thiền môn.
Hiện nay, trong các chùa ở Hàn Quốc thờ tượng đức Điạ Tạng, phần lớn
đều có tượng của cha con (Văn Các lão nhân), Mẫn Công (một nhà sư trẻ
và một ông lão) đứng hầu hai bên.
Ngài Địa Tạng thường Tham thiền nhập định. Ngoài việc giảng kinh
thuyết pháp, ngài thường mướn người sao chép bốn bộ kinh lớn của Đại
thừa Liễu nghĩa, đem đi bố thí khắp nơi.
Năm Chí Đức thứ nhất (TL 765), có danh sĩ Gia Cát Tiết, ngụ tại một
làng dưới chân núi, hương dẫn các kỳ lão trong làng, lên núi thưởng
ngoạn. Đến vùng đất bằng trên núi, thấy những áng mây trôi lững lờ trên
bầu trời xanh với ánh nắng chan hòa ấm áp, tiếng suối reo từ khe núi
chảy ra nghe róc rách, tiếng chim hót líu lo khiến cho mọi người bị
phong cảnh tú lệ làm mê hoặc, đi dần vào rừng sâu, chợt thấy có một vị
Thiền sư Tọa thiền trên mõm đá bên cạnh dòng suối, đang nhắm mắt nhập
định. Bên cạnh là một cái đảnh cổ gảy một chân, trong đó có một ít gạo
trộn lẫn đất trắng.
Một lát sau, vị Thiền sư xuất định, lấy gạo đất nấu chín rồi ăn. Ăn
xong, ngài lại tiếp tục tĩnh tọa Tham thiền. Những người trong nhóm
thấy thế, vô cùng cảm động bèn đến thưa với ngài: “Thưa! Ngài tu khổ hạnh như vầy, đây là lỗi của dân làng chúng con!”
Chẳng bao lâu, mọi người trong làng cùng nhau xây cất một ngôi Thiền
đường rộng lớn hơn nữa, quanh năm đều cúng dường thực phẩm không hề
gián đoạn.
Năm Kiến Trung thứ nhất (TL. 780), vị Quận thú Trương Nghiêm, nhân
vì kính ngưỡng đạo hạnh cao quý sùng kính công nghiệp hoằng pháp của
ngài, bèn tâu lên Đức Tông Hoàng Đế, ban sắc dụ chính thức kiến tạo Tự
viện. Bấy giờ Đạo tràng của Ngài Địa Tạng mới thực sự hùng vĩ trang
nghiêm.
Lúc ấy, các vị tăng nước Tân La (Silla) nghe danh, có đến vài trăm
người tìm đến thân cận tu học với Ngài. Dần dần, số người càng lúc càng
đông, thực phẩm trở nên thiếu thốn. Một hôm, ngài ra phía ngoài chùa,
cho đào rất nhiều đất trắng nhuyễn như bột, dự định bổ túc vào phần ăn.
Mọi người trong chùa, cảm mến bởi đức hạnh của Ngài, đều cùng nhau lên tiếng: “Nguyện dùng pháphỷ thực và Thiền duyệt thực nuôi sống tuệ mạng, không dùng vật thực nuôi sống thân mạng”.
Điều này chứng tỏ mọi người trong chùa không lấy thân mạng làm
trọng. Thời đó, mọi giới trong Phật giáo đều tỏ lời khen ngợi, ca tụng
họ là “Nam mô Các Vị Tăng Gầy Ốm phương Nam”.
Một hôm vào mùa hạ, năm Trinh Nguyên thứ mười (TL. 795), Ngài triệu
tập Tăng chúng vào Chánh điện để từ giã. Mọi người cảm thấy hoang mang
không rõ lý do gì. Lúc ấy, các ngọn núi phát ra tiếng khóc gào thét
thảm thiết của muôn thú, những tảng đá lớn ầm ầm rơi xuống vực sâu,
khắp rừng cây cỏ đều ngẩn ngơ sầu, mây che phủ kín trời đất đều rung
chuyển và mây che phủ kín, mùi hương tỏa khắp núi rừng. Ngài an tọa
kiết già Thị tịch. Hưởng thọ 99 Xuân.
Sau khi Viên tịch, nhục thân của ngài được đặt trong một động đá. Ba
năm sau, Tăng chúng mở động ra, thấy nhục thân vẫn còn nguyên vẹn,
tướng mạo giống hệt như lúc sanh tiền.
Đại chúng đem nhục thân đến Bảo tháp trên ngọn Thần Quang Lãnh. Dọc
đường, nghe văng vẳng như có tiếng tích trượng vàng khua động theo nhịp
chân của mọi người. Kinh dạy: “Bồ tát bị nạn, hình hài vang động ”. Đây là một dữ kiện chân chánh, không chút hoài nghi, chứng minh sự ứng hóa của ngài Bồ Tát Địa Tạng.
Hơn nữa, nếu như cung kính lễ bái nhục thân của ngài Kim Địa Tạng, thì sẽ được lợi ích giống như Kinh Địa Tạng đã nói.
Từ đó đến nay trải qua hàng thiên niên kỷ, Phật tử và mọi người khắp
nơi trên thế giới đều không ngại gian lao, đều phát tâm đến Thánh tích
Cửu Hoa Sơn, Trung Quốc để cùng chiêm bái nhục thân của ngài Địa Tạng
Bồ Tát.
Đặc biệt, mỗi năm vào ngày vía của Ngài vào ba mươi tháng bảy AL,
tại Thánh địa Cửu Hoa Sơn, trong vòng mấy mươi dặm, dầy đặc những Phật
giáo đồ, nam nữ lão ấu, đến tham dự nhất bộ nhất chiêm (một bước một
xá) hoặc nhất bộ nhất bái (một bước một lạy), đủ chứng tỏ Bồ tát đã kết
duyên Bồ đề rộng rãi, sức Từ bi cảm hóa sâu dày !
Đến đầu thế kỷ thứ VIII, nhân gian truyền nhau rằng: Bồ tát Địa Tạng
thị hiện thành Thái tử Triều Tiên tục danh Kim Kiều Giác (Kim Kyo-gak),
xuất gia tu Phật, rồi vân du sang Trung Quốc, tại núi Cửu Hoa, hóa hiện
thần lực nhiếp độ quần sanh.
Và từ đó về sau, Cửu Hoa Sơn trở thành đạo tràng của Bồ tát Địa
Tạng. Từ khi Bồ tát Địa Tạng ứng hiện tại Cửu Hoa Sơn, niềm tin về sự
cứu độ của Ngài trong lòng Phật tử ngày càng sâu rộng. Khách từ phương
xa hành hương đến, chiêm bái và cầu nguyện tại Cửu Hoa Sơn ngày càng
đông.
Rồi theo thời gian, vì nhu cầu tu tập của Tăng Ni cũng như Phật tử,
hàng trăm Tự viện được xây dựng trên dãy núi kỳ vĩ này. Cửu Hoa Sơn
hưng thịnh nhất vào đầu và giữa triều đại nhà Thanh và suy giảm từ cuối
nhà Thanh trở về sau...
Ngày nay, dù không còn hưng thịnh như xưa, nhưng Cửu Hoa Sơn vẫn là
một trong Tứ đại Danh Sơn linh thiêng bậc nhất của Phật Giáo Trung Hoa,
và là điểm thu hút du khách cả nước và du khách Quốc tế.
Từ Trung Quốc, Phật giáo truyền đến Triều Tiên. Qua ngõ Triều Tiên,
Phật giáo truyền vào Nhật Bản đầu thế kỷ thứ VI TL. Trước khi Phật giáo
truyền đến Nhật Bản, người dân nơi đây phần lớn tin theo Thần đạo. Họ
tôn thờ nhiều vị thần linh.
Khi Phật giáo du nhập và phát triển, dân chúng Nhật Bản đã lưu
truyền nhiều câu chuyện về Bồ tát Địa Tạng như là hiện thân của vị Bồ
tát chăm lo và cứu giúp những người bất hạnh và khổ đau. Họ tin rằng,
Ngài luôn bảo hộ những lữ khách đi đường, phụ nữ có thai, người lính
cứu hỏa… đặc biệt trẻ em bất hạnh.
Ngài luôn hiện thân để bảo vệ trẻ em bị ngược đãi, bạo hành trong
gia đình và xã hội. Với những trẻ thơ bất hạnh yểu mạng, Ngài thường
đến bên bờ sông Nại Hà, dòng sông mà tín ngưỡng dân gian Á Đông tin là
linh hồn phải đi qua trước khi vào điện Diêm La nghe Diêm vương phán
xét tội hình, an ủi và che chở các em.
Nhiều người tin rằng, những trẻ em yểu mạng, vì thương nhớ cha mẹ và
người thân, linh hồn các em thường ở lại bên bờ Nại Hà nhặt những viên
đá cuội xây lâu đài và thành quách để tưởng đến người thân. Các em rất
khổ sở vì nhớ cha, nhớ mẹ và nhớ anh chị, Bồ tát Địa Tạng thường đến
bên các em vỗ về, an ủi và cùng các em nhặt đá xây thành, giúp các em
tích tạo công đức, và đưa các em qua sông Nại Hà.
Nhiều người khác lại tin rằng, các em có tội bất hiếu vì khiến cha
mẹ và người thân đau buồn, nên các em bị hình phạt bên bờ Nại Hà, bị
qủy dữ hiếp đáp, và Bồ-tát Địa Tạng thường hiện thân cứu giúp các em,
đưa các em qua dòng sông Nại Hà.
Vì tôn thờ Bồ tát Địa Tạng là vị Bồ tát bảo vệ trẻ em, nên phần lớn
tranh tượng của Ngài thường biểu hiện giống và liên quan đến trẻ thơ.
Có tranh tượng, khuôn mặt Ngài trông giống trẻ em, rất ngây thơ, hồn
nhiên. Có tranh tượng, trên tay Ngài bồng một em bé, dưới chân lại có
vài ba em bé khác đang níu kéo Tăng bào và thiền trượng của Ngài. Và
tượng Ngài thường được tôn thờ bên những dòng sông, con suối.
Hằng năm, người dân Nhật Bản thường tổ chức lễ tưởng nhớ công ơn của
Ngài dành cho trẻ thơ vào ngày 24 tháng 7 AL. Ngày nay, tín ngưỡng
Bồ-tát Địa Tạng đã trở thành tín ngưỡng chung của Phật giáo và dân
gian. Và sau Lễ Vu Lan rằm tháng 7 AL thì các Chùa thường khai kinh Địa
Tạng tụng cho đến ngày cúng vía Ngài vào cuối tháng 7 tức ngày 30.
Việt Nam ta chưa có lưu hành và thọ trì Địa Tạng Sám pháp kinh,
trong khi Hàn Quốc thì Kinh này rất thông dụng cho các chùa thường tổ
chức cho quý Phật tử thọ trì Địa Tạng Sám pháp kinh.
Mong rằng gương hạnh Đại Nguyện Vương Bồ tát mãi thắp sáng trong tâm
thức của nhân thế trần gian và nhất là những người cầm cân nãy mực điều
hành đất nước khắp nơi trên thế giới để cùng nhau một Đại nguyện góp
phần khắc phục những xung đột chiến tranh, hậu quả thiên tai dịch họa,
xứng với câu kinh Phật : "TÂM BÌNH, THẾ GIỚI BÌNH AN" nói chung và
riêng thịnh trị thái bình của mỗi quốc độ. . .