Thiền sư là người ra đi không để lại dấu vết, chính điều đó
nói lên tinh thần thiền tông ( bất lập văn tự ), khiêm hạ, ẩn danh, vô
ngã. Tuy nhiên có điều bất lợi so với cách luôn ghi chép từng biến cố
nhỏ lớn, từng sự kiện nhỏ to, trong đời mình cũng như trong xã hội mình
đang sống như người phương tây, nên phật giáo Việt Nam chúng ta tư liệu
thật nghèo thiếu, một phần nữa là do ngoại nhân đưa về Kim Lăng đốt để
huỷ diệt văn hoá, chính điều đó khiến tiểu sử các vị thiền sư lại càng
sơ sài, ngắn gọn. Một vài trường hợp quá ngắn như tiểu sử thiền sư Pháp
Thuận .
Thiền uyển tập anh còn ghi lại tiểu sử Ngài tóm tắt như sau :
Pháp Thuận thiền sư ( 915-990 ) họ Đỗ,
không rõ tên thật và quê quán, thuộc thế hệ thứ mười dòng thiền nam
phương. Xuất gia từ nhỏ, thờ thiền sư Phù Trì chùa Long Thọ làm thầy.
Đắc pháp, nói ra lời nào cũng hợp với sấm ngữ. Sư học rộng có tài, hiểu
rõ việc nước, đang lúc nhà Tiền Lê mới dựng nghiệp, giúp vua trù kế
hoạch, định sách lược. đến khi thiên hạ thái bình, sư không nhận phong
thưởng. Vua Lê Đại Hành kính trọng, chỉ gọi là Đỗ Pháp Sư, không gọi
tên, đem mọi việc văn thư giao phó. Cùng với Sư Khuông Việt, Pháp Thuận
là cố vấn của triều đình , có lần cùng với Sư Khuông Việt, được cử tiếp
đón sứ thần nhà Tống là Lý Giác. Tài ứng đối làm Lý Giác ngạc nhiên kính
phục. Vua Lê Đại Hành thường đem vận mệnh nước nhà hỏi Sư .
Hồi tưởng lại đất nước chúng ta trong
triều đại Đinh, Lê , Lý Trần, chúng ta đã thấy được các triều đại đó hết
sức nhân bản, khoan dung và tôn trọng hiền tài. Vua thì quyền uy tột
đỉnh, nắm sinh mạng quốc gia và sinh mạng thần dân trăm họ trong tay,
trọn quyền sinh sát, vậy mà vì sự tồn tại của vận nước , vẫn khiêm hạ
mời các vị Sư tài đức về triều đình tham vấn chính sự quốc gia, có khi
đến cả Am Viện của các thiền sư tham vấn những trăn trở ưu tư về nhiều
vấn đề thời cuộc mà chính Vua còn phân vân do dự, chưa quyết đoán được.
Vua Lê Đại Hành đã thấy được hiền tài là nguyên khí của quốc gia, có
được những con người uyên bác tài giỏi giúp cho những kế sách , ý kiến
hay sẽ đưa quốc gia đến chỗ thịnh trị, thái hoà. Vua Lê Đại Hành mới lên
chấp chính, thù trong giặc ngoài. Hậu duệ nhà Đinh còn đó, những con
người trung thành với Nhà Đinh vẫn còn ấm ức về một vương triều đã sang
tay kẻ khác. Bên ngoài thì tướng của nhà Tống là Hầu Nhân Bảo đang tiến
quân vào nước ta , đó là mùa xuân tháng 03 năm Tân Tỵ ( 981).
Lúc bấy giờ vận mệnh tổ quốc nghiêng
ngữa, lòng dân chao đảo, nếu không có những thiền sư tu chứng , nhiều
tuệ giác làm cố vấn cho triều đình, đưa ra kế sách hay, động viên tinh
thần của vua, của triều đình và của dân chúng, đất nước dễ rơi vào tay
ngoại bang, dân tình sẽ lầm than thống khổ biết chừng nào. Chúng ta đã
thấy được tinh thần nhập thế của các thiền sư và hành động phụng sự vô
vi của các ngài, qua hành động dấn thân đóng góp cho dân tộc .
Bài thơ Nga nga lưỡng nga nga, không
phải là của ngài. Hai câu đầu là của Lý Giác, hai câu sau ngài hoạ theo,
do Ngài học rộng hiểu nhiều lấy từ điển cố văn học của Trung Quốc. Bài
thơ nga nga lưỡng nga nga là của Lạc Tân Vương, là một tuyệt phẩm mà các
bực thức giả khen là " thi trung hữu hoạ" trong thơ có hoạ, thơ vẽ nên
một hoạ phẩm. Học nhiều hiểu rộng, am hiểu độn số, biết việc gì sẽ xảy
ra trong tương lai, nhưng Ngài để lại cho chúng ta hôm nay còn vỏn vẹn
một bài thơ duy nhất, và cũng là câu trả lời về vận nước của vua Lê Đại
Hành hỏi Sư, đó là bài :
Quốc Tộ --- Việc nước
Quốc tộ như đằng lạc --- Vận nước như mây quấn
Nam thiên lý thái bình --- Trời nam mở thái bình
Vô vi cư điện các --- Vô vi trên điện các
Xứ xứ tức đao binh --- Xứ xứ hết đao binh .
Vua
Lê Đại Hành hỏi về vận nước, làm thế nào để cho vận mệnh quốc gia được
dài lâu ? Thiền sư trả lời : Vận nước như mây quấn . Ta phải giữ gìn đất
nước nầy như thế quấn của dây mây, một sợi mây tuy có dẻo dai nhưng vẫn
dễ đứt, dễ gãy nếu ta biết cách bẻ, còn nhiều dây mây quấn lại thành bó
khó có sức mạnh nào bẻ gãy. Trăm họ hướng về Vua với một lòng tôn kính,
vua lấy ý nguyện của dân làm ý nguyện của mình, thương dân như thương
con ruột của mình, nỗi khổ của dân cũng là nỗi khổ của mình. Tìm cách
hoá giải những xung đột nội bộ, giải thích cho những người nội thù rằng :
Quốc gia làm trọng, tổ quốc trên hết, quyền lợi của một cá nhân cũng
như của một dòng tộc là nhỏ so với sinh mệnh mất còn của một quốc gia.
Liên kết nhân tâm lại với nhau như những dây mây riêng lẻ thành một bó
mây, thì không có một thế lực nào có thể xô ngã đè bẹp chúng ta. Và như
vậy thì đất nước sẽ thái bình, nền độc lập dân tộc sẽ vững bền mãi mãi.
" Vô vi trên điện các - xứ xứ hết đao binh ".
Thiền sư nói : Muốn cho đất nước được
yên bình, khắp nơi khắp chốn không có chiến tranh, những người lãnh đạo,
cụ thể là Vua phải biết cách áp dụng phương pháp, hay là nguyên lý tu
dưỡng vô vi nơi triều đình của mình. Đạo Lão ở Trung Quốc cũng có khái
niệm vô vi, Lão Tử chỉ dạy cho môn đệ của mình nên sống theo tự nhiên,
thuận theo tự nhiên, không làm gì để can thiệp vào tự nhiên. Lão Tử chủ
trương người cầm quyền trong nước nếu thực hiện được đạo lý vô vi thì
đất nước sẽ thịnh trị. Còn khái niệm vô vi trong Phật giáo thì có khác
hơn. Vô vi dịch từ chữ asamskrta của tiếng phạn, có nghĩa là không tạo
tác, chỉ cho pháp lành thường trụ không do nhân duyên tạo tác, không có
sinh diệt biến hoại, khác với pháp hữu vi là pháp do nhân duyên tạo tác,
có sinh diệt biến hoại, nên pháp vô vi chính là một tên khác của Niết
Bàn. Trong Lục Độ Tập Kinh, truyện 81 của Phật giáo định nghĩa từ vô vi
như sau : " Cẩn thận không kiêu ngạo, là hạnh của học sĩ, bỏ lòng dơ ân
ái, không lấm bụi bặm của sáu tình, không để các ái nhỏ như tóc tơ che
dấu trong lòng mình thì các niệm lắng diệt, đó là vô vi".
Vua là thiên tử - con trời - theo quan
niệm phong kiến. Vua tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh của một thể
chế, đế chế. Vua là tối tôn đứng trên thầy và cả người cha sinh ra mình
Quân-Sư-Phụ, vậy mà kinh Phật nhắc nhở cẩn thận không kiêu ngạo. Vua thì
không biết bao nhiêu cung phi mỹ nữ, ăn uống thì sơn hào hải vị, nem
công chả phượng, thuốc bổ quý hiếm trong nhân gian, vậy mà kinh Phật
nhắc bỏ lòng dơ ân ái, không để đắm nhiễm ái dục dù nhỏ như sợi tóc. Một
chúng dân thực hiện hạnh vô vi thấy đã khó rồi, huống nữa là đấng quân
vương, nhưng mà đấng quân vương nào thực hiện được đạo lý vô vi như lời
kinh Phật, như lời thiền sư Pháp Thuận nhắc nhở vua Lê Đại Hành, thì vận
nước sao không vững bền được ? Sao mà trăm họ không âu ca thái bình
được ? Lời thơ " vô vi cư điện các" hơn một ngàn năm qua vẫn còn giá
trị, và ngàn năm sau nữa chắc chắn vẫn còn giá trị. Vui mừng thay kho
tàng văn học Việt Nam vẫn còn lưu gĩư được những bài thơ chứa đựng được
tư tưởng chính trị của Phật giáo Việt Nam như bài Quốc Tộ.
Thích Giác Tâm
( Viết để chia sẻ cho quý huynh đệ tham dự khoá an cư tại chùa Bửu Nghiêm,
văn phòng Ban trị sự tỉnh hội Phật giáo Gia Lai - PL. 2552.DL. 2008 )