GN - Phật giáo có mặt tại nước Anh vào thế kỷ XIX
thông qua các bản dịch kinh điển từ các trường đại học.
Vào năm 1879, tác giả
Sir Edwin Arnold đã biên soạn một tập sách diễn tả cuộc đời Đức Phật dưới thể
thơ có tựa đề Ánh sáng Á châu (The Light of Asia). Tập sách này đã trở
thành một tác phẩm kinh điển và vẫn còn được xuất bản cho đến ngày nay.
Với số lượng ấn bản hạn chế trong
những năm đầu, Ánh sáng Á châu vẫn đủ sức truyền cảm hứng cho một số ít
người để họ bắt đầu thực hành Phật pháp như một cách sống. Một trong số đó là
anh Allan Bennett, đã đến Sri Lanka vào năm 1898 để xuất gia tu học với pháp
danh Ananda Metteyya, trở thành người Anh đầu tiên xuất gia tu học và thọ giới
Tỳ-kheo theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, sau đó trở lại Anh quốc để
hành đạo.
Phật tử tu học tại trung tâm Phật giáo ở London
Năm 1907, một số người đã cùng
nhau thành lập Hội Phật giáo Vương quốc Anh và Ireland. Năm 1924, Christmas
Humphreys thành lập Hiệp hội Phật giáo London.
Đây quả thực là một tổ chức thành công đầu tiên ở Anh, xây dựng nền tảng cho
tất cả các trường phái và các truyền thống Phật giáo. Hiệp hội này đã tồn tại
đơn lập trong gần 50 năm như là tiêu điểm cho Phật tử ở Anh.
Thập niên sáu mươi của thế kỷ XX,
người Anh đã đem tôn giáo phương Đông vào trong lĩnh vực thời trang, trong đó
có cả Phật giáo. Vào năm 1959, nhiều vị Lama người Tây Tạng đã đi đến các nước
phương Tây định cư và hành đạo. Hai yếu tố này đã dẫn đến việc các nhóm Phật
giáo mới mọc lên rất nhiều. Chính vì vậy mà ngày nay hầu như tất cả các truyền
thống Phật giáo đều có mặt ở Anh.
Theo điều tra dân số năm 2001, ở
Anh có 151.816 Phật tử. Tuy nhiên, đấy là chưa kể những người tự coi mình là
Phật tử. Ngoài ra còn có những người không dám khai mình Phật tử. Cho nên, con
số chính xác về số lượng người Phật tử ở Anh vẫn chưa biết chính xác, nhưng
chắc chắn là càng ngày càng tăng lên.
Sự khác biệt nhiều nhất giữa Phật
giáo ở Anh so với các nước phương Đông là về phương diện văn hóa.
Một số ngôi
chùa ở Anh hầu như được mô phỏng hoàn toàn từ những ngôi chùa phương Đông. Nếu
đến chùa Wat Buddhapadipa ở Wimbledon, London,
chúng ta sẽ thấy nó không khác biệt gì mấy so với một ngôi chùa ở Thái Lan về mặt kiến trúc,
nhưng ở đó có sự khác biệt về văn hóa. Chẳng hạn, không như chư Tăng thuộc
truyền thống Phật giáo Nguyên thủy ở các nước Đông Nam Á hay Sri Lanka mỗi ngày
ôm bình bát đi bộ khất thực, nếu ở Anh mà làm như vậy thì sẽ nhận được những
phản ứng bất ngờ từ người đi đường và chắc gì có người đặt bát cho chư Tăng như
phong tục ở phương Đông.
Tại Anh, thực phẩm được tín đồ Phật tử đem đến chùa
dâng cúng hoặc được nấu tại chùa.
Dù theo truyền thống Phật giáo nào
đi nữa, tại Anh quốc, việc giảng dạy vẫn được giữ gìn đúng theo nguồn gốc của
nó. Cho nên có thể nói rằng, cốt tủy của đạo Phật, những pháp tu và những giáo
lý mà Đức Phật dạy vẫn được thực tập ở Anh cũng như ở phương Đông.
Về lễ hội, có nhiều lễ hội Phật
giáo được tổ chức quanh năm trong các chùa và các tu viện ở Anh. Vào các dịp
ấy, thức ăn được chuẩn bị trong chùa hoặc được các Phật tử đem đến. Hàng Phật
tử còn cúng dường tịnh tài đến chư Tăng và cúng dường thực phẩm cho nhà chùa.
Đại lễ Vesak không chỉ là dịp đặc
biệt để cử hành nghi thức tụng niệm và giảng dạy mà còn là dịp để mọi người
quây quần hàn huyên tâm sự như cách mà người ta đón mừng Giáng sinh hay lễ Phục
sinh.
Ở Anh quốc, các chùa, các tu viện
và các trung tâm có nguồn gốc từ nhiều quốc gia khác nhau, như Sri Lanka, Trung
Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á và Tây Tạng. Có một số trung tâm
Phật giáo được thành lập để phục vụ cộng đồng dân tộc của họ, tuy nhiên chúng
vẫn được mở cửa cho tất cả mọi người. Chư Tăng Ni ở Anh tham gia vào các nghi
lễ và các pháp tu hàng ngày, giảng dạy giáo lý, cầu an và cử hành các nghi lễ
cho tín đồ Phật tử.
Phật giáo ở Anh khá đa dạng, có
những trung tâm, những chùa chuyên thực hành theo một pháp tu hay một tông
phái, bên cạnh đó cũng có các trung tâm giới thiệu đến Phật tử sự hiểu biết căn
bản về tất cả các trường phái, các truyền thống Phật giáo trên thế giới.
Hiện nay, ở Anh chưa có một nhóm
hay một hội Phật giáo chính thức nào cả. Chưa có một tổ chức nào có thể đại
diện cho tín đồ Phật giáo ở Anh để nói lên tiếng nói của họ. Tuy nhiên, tín đồ
Phật giáo ở Anh đang nỗ lực để thành lập một tổ chức như thế.
Minh Nguyên (Theo BBC)