Trong lịch sử Việt Nam, triều đại Tây Sơn tồn tại trong một thời gian tương đối ngắn, nếu tính từ khi nhà Tây Sơn khởi nghĩa chống chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong năm 1771, đến thời điểm kết thúc vào năm 1802, nhà Tây Sơn chỉ hiện hữu trong vòng 30 năm. Tuy có thời gian tồn tại ngắn ngủi nhưng vương triều này đã để lại một sự nghiệp sáng ngời trong lịch sử dân tộc, đặc biệt là những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống quân Xiêm (1785), quân Thanh (1789). Vùng đất Phú Xuân – Thừa Thiên Huế từng là chốn đô thành của triều Tây Sơn.
Do binh hỏa nhiều năm, nên những tư liệu, hiện vật liên quan đến thời Tây Sơn còn bảo lưu cho đến ngày nay thật quá hiếm. Trong quá trình điền dã, nghiên cứu hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn làng Lại Thế (nay thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), chúng tôi nhận thấy tại chùa Giác Thế vẫn còn bảo lưu nhiều cổ vật quý, đặc biệt trong đó có một số hiện vật gốc có niên đại dưới triều đại Tây Sơn.
LÀNG LẠI THẾ: CHỐN DANH HƯƠNG VĂN VẬT
Ngôi làng Lại Thế có lịch sử hình thành và phát triển cách đây gần 500 năm. Theo sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An chép từ thời nhà Mạc năm 1553 đã nhắc đến làng Lại Thế là một trong 69 làng của huyện Tư Vinh, thuộc phủ Triệu Phong, Thuận Hóa, về sau Đoan quận công Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) đổi huyện Tư Vinh thành huyện Phú Vinh, tức huyện Phú Vang ngày nay. Chính sự cộng cư giữa binh lính và người dân đã hình thành nên những xóm làng trù phú. Đồng thời, với địa thế vùng đất Lại Thế không chỉ lý tưởng về mặt phong thủy mà nơi đây rất thuận lợi cho việc giao thương trao đổi hàng hóa, đi lại giữa các vùng, miền. Sách “Ô Châu cận lục” cũng đã ghi chép ở Lại Thế: “Nha thự, nhà cửa như sao xếp, bàn cờ bày. Đồng ruộng đất tốt, xóm làng dân đông. Sông nước tiện cho lưu thông đường thủy, dăm con đường bằng phẳng tiện việc đi lại. Hàng rong quán xá, thu hút bán buôn. Của báu vật lạ tụ hội nơi đây. Gà gáy đã tranh nhau dậy, đến trưa thì chợ vẫn đông. Hàng quán dựng đông tây, đình chợ mở ra dài ngắn. Cờ xanh giậu biếc, mối lái đón khách sang. Tơ bạc gấm lụa, gồm đủ đồ hàng Nam Bắc. Đây là một cảnh đẹp của Châu Ô” [1]. Ở ngôi làng này, đời nào cũng có người đỗ đạt “làm quan không dứt” [2]. Quả thật là một ngôi làng danh hương văn vật.
Vào khoảng giai đoạn đầu triều vua Gia Long (1802 – 1820), sau đợt tổng lập địa bạ trên toàn quốc, tổng diện tích đất đai của làng là 228 mẫu, 2 sào, 2 thước, 7 tấc; trong đó diện tích công điền là 155 mẫu, 8 thước, 11 tấc, 7 thước; công thổ: 2 mẫu, 2 sào, 12 thước, 3 tấc. Riêng đất dành cho quan thổ: 3 mẫu, 9 sào, 8 tấc, 9 thước; tư thổ: 12 mẫu, 1 sào, 1 tấc, 3 thước; viên cư thổ: 16 mẫu, 9 sào, 10 tấc, 6 thước; thần từ thổ: 8 sào; mộ địa: 8 sào, 2 thước và hoang nhàn: 35 mẫu, 4 sào. Về tứ cận ranh giới, phía Đông của làng giáp với xã Đường Hoa, có cột mốc đá làm giới, phía Tây giáp sông, phía Nam giáp xã Đường Hoa và sông, phía Bắc giáp với xã Đường Hoa, có cột đá làm giới [3]. Làng Lại Thế có ba họ khai canh: Họ Châu, Trần và họ Nguyễn; dưới triều Nguyễn các Ngài khai canh đều được nhà vua ân ban sắc phong thần vì đã có công lao to lớn trong việc mở đất, khai lập xã hiệu. Trải qua thời gian, các thế hệ dân cư của làng Lại Thế đã tiếp nối truyền thống ông cha lao động sáng tạo xây dựng cho mình một làng quê tươi đẹp với những nét văn hóa cổ kính, như cảnh quan kiến trúc của làng, văn hóa làng nghề, dòng họ và đặc biệt là hệ thống đình, chùa, miếu,…
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA CHÙA GIÁC THẾ
Chùa làng là một thiết chế văn hóa mang dấu ấn của người Việt khi định cư trên vùng đất mới. Người Việt quan niệm “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Vị trí xây dựng chùa luôn được cộng đồng ưu tiên lựa chọn nơi có thế đất tốt. Vì người xưa tin rằng sự yên ổn của chùa có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân trong làng. Có thể nói, “duyên khởi để lập nên các chùa làng, thường thường là các bậc danh thần, lương tướng hoặc văn nho trong làng khởi xướng, rồi dân làng đồng lòng chung góp tịnh tài, nhân lực, vật lực để xây dựng nên ngôi chùa làng” [4]. Ngày trước, đình làng là nơi hội họp, gặp gỡ bàn luận những công việc trọng đại trong làng và chỉ dành cho nam giới, còn chùa là nơi luôn mở rộng cửa đón nhận tất cả mọi người. Căn cứ vào dòng chữ Hán khắc trên liên ba chánh giữa của chùa Giác Thế: “景盛六年歲次戊午十二月初十日己亥丑牌上樑 – Cảnh Thịnh lục niên tuế thứ Mậu Ngọ thập nhị nguyệt sơ thập nhật Kỷ Hợi, Sửu bài thượng lương” (Giờ Sửu, ngày Kỷ Hợi 10 tháng 12 năm Mậu Ngọ niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 6 – tức ngày 14/1/1799 làm bảng thượng lương) [5], chúng tôi đoán định thời điểm xây dựng chùa muộn nhất cũng phải vào năm 1799, dưới triều vua Cảnh Thịnh (1792 – 1801).
Với lịch sử hình thành lâu đời, qua thời gian, khí hậu khắc nghiệt, chùa Giác Thế đã bị xuống cấp, hư hỏng, qua các lần trùng tu nhưng vẫn giữ được diện mạo kiến trúc cảnh quan của một ngôi cổ tự. Chùa Giác Thế được xây dựng theo lối kiến trúc nhà rường gỗ, kiểu 1 gian 4 chái mở rộng về bốn phía, được bố trí theo chiều dọc đã tạo nên chiều sâu tâm linh, tạo ra không gian rộng lớn cho ngôi chùa. Tuy trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo nhưng chùa vẫn còn mang những dấu ấn nghệ thuật kiến trúc truyền thống. Các đề tài trang trí trong kết cấu gỗ của chùa được chạm trổ tinh xảo. Cũng trên cây xà ngang của gian giữa chánh điện có khắc các dòng chữ: “啓定辛酉九月二十四日庚申己牌改造上樑的舊坐甲向東 – Khải Định Tân Dậu cửu nguyệt nhị thập tứ nhật Canh Thân kỷ bài cải tạo thượng lương đích cựu tọa giáp hướng đông” (Giờ Canh Thân, ngày 24 tháng 9 năm Tân Dậu niên hiệu Khải Định – 1921 khắc bản mộc ngày trùng tu thượng lương, y theo trước tọa giáp hướng đông). “佛 曆 二 千 五 百五 年 辛丑陸月貳拾陸日辰牌上樑本社奉炤從前大行修造坐向依舊恭 錄 – Phật lịch nhị thiên ngũ bách ngũ niên tân sửu lục nguyệt nhị thập lục nhật Thìn bài thượng lương bổn xã phụng chiếu tòng tiền đại hành tu tạo toạ hướng y cựu cung lục” (Giờ Thìn, ngày 26 tháng 6 năm Tân Sửu – 1961 Phật lịch 2505 khắc ngày thượng lương. Bổn xã phụng theo trước đại trùng tu tọa hướng theo như cũ nay cung kính khắc lại).
Qua những dòng chữ Hán ấy đã cho chúng ta biết được các lần trùng tu, tôn tạo chùa Giác Thế trong lịch sử. Lần thứ nhất vào ngày 24/9/1921, giờ Thân (15 – 17h). Lần thứ hai vào ngày 26/6/1961, giờ Thìn (7 – 9h). Một điều thú vị là các dòng chữ Hán đó không chỉ cho chúng ta biết rõ ngày, tháng, năm mà cả giờ tốt để làm lễ thượng lương. Đây là một trường hợp độc đáo, rất hiếm gặp trong các ngôi chùa ở Huế nói riêng và ở nước ta nói chung, chứng tỏ ngôi chùa thực sự là một công trình văn hóa tâm linh được dân làng giữ gìn qua các thời kỳ lịch sử.
Từ bao đời nay, chùa làng Giác Thế là nơi dân làng thành tâm đến lễ Phật vào những ngày lễ, tết và cũng là chốn vãn cảnh của du khách. Chùa Giác Thế cũng góp phần trong nét đẹp điểm tô văn hóa làng Lại Thế và là điểm đến không thể thiếu của những người con xa xứ mỗi khi có dịp trở về thăm quê. Việc thờ tự ở chùa Giác Thế cũng có nét độc đáo riêng, không chỉ thờ Phật mà chùa còn thờ cả Thánh mẫu và Quan công. Ở đây cũng thờ Ngài Bổn thổ đô đại thành hoàng, các vị thủy tổ khai canh của làng: Đặc tấn Phụ quốc Thượng tướng quân Hoa Hồ bá Châu tướng công trứ phong Dực bảo Trung hưng Linh phò gia tặng Đoan túc tôn thần; Đặc tấn Phụ quốc Thượng tướng quân Tán Lý hầu Trần tướng công trứ phong Dực bảo Trung hưng Linh phò gia tặng Đoan túc tôn thần và Bổn thổ khai canh Nguyễn đại lang tôn thần trứ phong Dực bảo Trung hưng Linh phò gia tặng Đoan túc tôn thần. Hệ thống thờ tự tại chùa Giác Thế cho thấy, khi những đoàn người rời cố hương vào định cư sinh sống trên vùng đất Lại Thế còn hoang sơ hoặc điêu tàn sau chiến tranh loạn lạc, họ chung sức tạo lập một ngôi chùa phụng thờ Phật, Thánh, Thần linh để mong được phù hộ, độ trì cho cuộc sống của họ được bình an, ấm no, sung túc trên vùng đất mới. Trong khuôn viên yên bình của ngôi chùa làng Giác Thế hôm nay vẫn hiện diện các miếu thờ với những kiến trúc rất đặc trưng, đó là miếu thờ thần ngũ hành và các vị thủy tổ khai canh khai khẩn của làng nói trên. Tất cả tạo nên sự gần gũi hài hòa nơi chốn thiền môn của làng quê. Ngôi chùa Giác Thế đã in dấu trong tâm trí của bao thế hệ với tiếng chuông chùa sớm chiều vang lên trong không gian làng quê yên bình, dường như nhắc nhở mọi người hãy sống thuận hòa, biết chăm lo làm ăn để có cuộc sống no ấm, sung túc.
NHỮNG PHÁP KHÍ, BẢO VẬT VÀ DI VẬT HIỆN TỒN
Chùa Giác Thế còn giữ gìn nhiều tượng thờ quý hiếm. Các tượng thờ tại chùa có ý nghĩa “vừa gợi ý đi vào tâm đạo, vừa gây ý thức trang nghiêm sùng kính… nói về những lẽ đạo, đồng thời là những bài học dạy làm người theo tư tưởng Phật giáo” [6]. Chánh điện chùa Giác Thế được thiết trí như sau: Bàn thờ chính giữa có hai tầng, tầng thứ nhất thờ tượng Đức Phật Thích Ca ngự trên tòa sen, tay bắt ấn Tam muội, tầng trên cùng có khám thờ tôn trí các pho tượng Tam Thế Phật. Tức là ba vị Phật bao gồm “Hoành Tam Thế” còn được gọi là Tam phương Phật (Đông Phương Lưu Ly Quang thế giới Dược Sư Phật, Trung tâm Thích Ca Mâu Ni Phật, Tây phương A Di Đà Phật) và “Thụ Tam Thế” trên phương diện thời gian (Quá khứ Ca Diếp Phật, Hiện tại Thích Ca Mâu Ni Phật, Vị lai Di Lặc Phật). Ba pho tượng Tam Thế Phật được tạc bằng gỗ quý sơn son thếp vàng từ xưa truyền lại. Bộ tượng Tam Thế ngồi trong tư thế kiết già, có chiều cao tương tự nhau. Phong thái ba pho tượng không đồng nhất. Trong khi pho tượng chính giữa ngồi theo tư thế kiết già, hai tay bắt “định ấn” đặt trên hai chân, thì hai pho tượng hai bên lại ngồi kiết già nhưng tay trái bắt ấn đưa lên cao ngang vai, còn tay phải cầm bảo vật đặt ở hai bàn chân. Phía sau bức tượng chính giữa là hình chiếc lá bồ đề có nhiều họa tiết khắc hoa văn tinh xảo. Với tất cả những đặc điểm riêng biệt nói trên, cả về vóc dáng, nhân diện, kỹ thuật và nghệ thuật tạo tượng đã phần nào giúp chúng ta có một cái nhìn rõ hơn về đặc trưng của bộ Tam Thế Phật ở chùa Giác Thế khi đối chiếu với các bộ tượng Tam Thế của các chùa còn lại ở Huế.
Phía trên liên ba, gian chính giữa chánh điện chùa Giác Thế có treo bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng, đường viền xung quanh chạm khắc hình rồng dây lá cách điệu, bên trong chạm nổi 5 chữ Hán “敕賜覺世寺 – Sắc Tứ Giác Thế Tự”. Dòng lạc khoản viết: “皇朝明命庚寅吉日造 – Hoàng triều Minh Mạng Canh Dần cát nguyệt nhật tạo” (Tạo dựng vào ngày tháng tốt năm Canh Dần – 1830, niên hiệu Minh Mạng).
Hai bên tả hữu chánh điện có hai bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ tát và Quan Thánh Đế Quân nhằm nói đến sự dung hòa giữa đạo và đời. Tượng Địa Tạng Bồ Tát có dáng một vị cao Tăng đầu đội mũ thất Phật (trên mũ có hình 7 vị Phật), mặc áo cà sa đỏ, tay phải cầm gậy tích trượng có 12 khoen, tay trái cầm ngọc minh châu, cưỡi trên lưng con Đế Thính. Tượng Ngài làm bằng thạch cao, cao khoảng 1m. Địa Tạng là vị Bồ tát phát nguyện cứu độ hết thảy chúng sanh trong ba ác đạo mới chịu thành Phật. Tượng Quan Thánh Đế Quân tạc bằng gỗ quý, đứng hầu hai bên là tượng Quan Bình và Châu Xương. Bộ tượng Quan Thánh thể hiện những nét đặc trưng trong kỹ thuật tạo tác, tượng tròn tinh xảo với nhân diện mày ngài mắt phượng và cân đai giáp trụ cầu kỳ.
Từ hàng cột nhất, gian giữa phía trong chánh điện trở về sau chùa được thiết kế một vách ngăn bằng gỗ tạo thành hậu điện và trổ hai lối ra vào chánh điện với phía sau. Ở đây có thiết trí án thờ tượng Đức Phật Di Đà ngồi trên tòa sen. Tượng Phật Di Đà làm bằng thạch cao, chiều cao 60cm. Khuôn mặt của tượng trông rất hiền hòa, giản dị đậm chất Việt. Hai bàn tay xếp lên nhau mềm mại, hai ngón cái khẽ chạm, thế bắt ấn thiền định, đặt trên chân trong tư thế kiết già. Nhìn trên tổng thể, từ tỉ lệ về hình thể cũng như nét cụ thể từng chi tiết, trông thật hài hòa và mộc mạc không chút cường điệu, dễ dàng nhận ra một hình tượng đậm nét thuần Việt. Phía trên gian giữa hậu điện có treo bức hoành phi: “光前 Quang Tiền” (Sáng ở phía trước), dòng lạc khoản ghi “景盛六年恭錄 – Cảnh Thịnh lục niên cung lục” (Niên hiệu Cảnh Thịnh năm thứ 6 kính ghi). Bức hoành phi này còn lưu giữ được cho đến ngày nay thực sự là di sản quý báu của ông cha, là một cổ vật vô giá.
MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH
Từ những hiện vật hiện còn bảo lưu tại chùa có thể nhận thấy chùa Giác Thế đã trải qua hàng trăm năm với biết bao biến thiên của lịch sử nhưng nhờ tinh thần bảo tồn cổ vật và ý thức lưu niệm về kỷ vật thời Tây Sơn của nhiều thế hệ chủ tự ngôi chùa Giác Thế, nay mới còn giữ nguyên giá trị. Tuy triều Tây Sơn tồn tại trong một thời gian rất ngắn, song một số hiện vật hiện lưu giữ tại chùa Giác Thế đã góp phần nghiên cứu về di sản văn hóa thời Tây Sơn ở Huế. Đây là nguồn tư liệu quý cần được chỉnh lý, nghiên cứu và giới thiệu rộng rãi [7].
Chùa Giác Thế được xây dựng vào thời nhà Tây Sơn thực thi những chính sách mạnh mẽ đối với Phật giáo như không được lập chùa riêng, tháo dỡ các chùa nhỏ ở các làng, đem gỗ gạch làm mỗi phủ mỗi huyện một cái chùa lớn, sát hạch Tăng đồ – người có chí nguyện tu hành thì ở lại chùa, người lợi dụng chùa để miễn phu dịch, trốn thuế thì phải hoàn tục để góp sức với đời. Qua một số hiện vật còn bảo quản tại chùa Giác Thế cũng như việc đúc chuông chùa La Chử, chùa Hạ Lang, trùng tu chùa Thiền Tôn [8] … dưới triều Tây Sơn là minh chứng điển hình rõ nét, sống động phản ánh dưới thời Tây Sơn vẫn có nhiều chùa chiền được xây dựng, trùng tu, chuông đồng vẫn được đúc cúng dường Tam bảo, là những bằng chứng về chính sách khá cởi mở đối với Phật giáo dưới triều Tây Sơn. Điều này tương phản với những trình thuật nhà Tây Sơn buộc các Sư sãi hoàn tục, chuông chùa bị tịch thu đúc súng đạn, chùa chiền bị trưng dụng… Chúng ta để ý sẽ thấy những chùa chiền bị triệt giải, tàn phá hoặc trưng dụng dưới thời Tây Sơn ở Huế như: Chùa Thiên Mụ “bị sập nát, nền chùa bị san phẳng để lập thành đàn cúng tế” [9], chùa Thiền Lâm bị “Thái sư Bùi Đắc Tuyên chiếm ở” [10], chùa Báo Quốc “làm kho chứa diêm tiêu”[11],… đều có mối liên hệ mật thiết với tôn thất phủ chúa nhà Nguyễn, đặc biệt chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) sau khi xưng vương, “ông đã truy tôn bảy đời chúa trước lên Vương hiệu và chạm thần vị đem thờ ở chùa Thiên Mụ như là một nơi từ đường của dòng họ ông” [12]. Những việc làm đó đối với các chùa chiền nêu trên của triều Tây Sơn có lẽ muốn cắt đứt long mạch nhà Nguyễn để vượng khí bị mất mãi mãi.
Nhiều quan điểm cho rằng hầu hết những di sản văn hóa triều Tây Sơn bị huỷ hoại bởi chính sách thù địch của nhà Nguyễn. Tuy nhiên nhìn lại chùa Giác Thế, nơi bảo lưu một số hiện vật có liên quan đến triều đại Tây Sơn nhưng các hiện vật ấy vẫn còn gìn giữ khá nguyên vẹn, đặc biệt ngôi chùa này vẫn được ban “sắc tứ” dưới triều vua Minh Mạng (1820 – 1840). Qua đây, chúng ta cần xem xét lại kết luận đối với triều Nguyễn đã tiến hành thanh trừng các di sản triều đại Tây Sơn một cách khắc nghiệt trong lịch sử.
Có thể nói, chùa Giác Thế là nơi lưu giữ nhiều cổ vật quý ít người biết đến. Những bức tượng thờ là những cổ vật có giá trị đóng góp quan trọng cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về loại hình tượng thờ được tạo tác trong lịch sử. Qua việc phát hiện một số hiện vật dưới thời Tây Sơn ở chùa Giác Thế cho chúng ta thấy một điều rằng: Những ngôi chùa làng ở Huế vẫn còn chứa đựng biết bao nhiêu điều bí ẩn, hấp dẫn, cung cấp nhiều thông tin quý giá về văn hóa, lịch sử Huế, đặc biệt là giai đoạn triều Tây Sơn cần được các nhà nghiên cứu quan tâm chú ý tìm hiểu, khám phá.
Chú thích:
* Tiến sĩ Trần Văn Dũng, Phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế
[1] Dương Văn An (2015), Ô Châu cận lục, Bản dịch Trần Đại Vinh, Nxb Thuận Hóa – Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình, tr.87.
[2] Dương Văn An (2015), Sđd, 71.
[3] Nguyễn Đình Đầu (1997), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – Thừa Thiên, Nxb Tp Hồ Chí Minh, tr.240.
[4] Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn hóa Sài Gòn, Tp Hồ Chí Minh, tr.690.
[5] Năm Mậu Ngọ, niên hiệu Cảnh Thịnh 6 tương đương với năm 1798, nhưng tính ngày tháng chính xác thì đã qua năm 1799.
[6] Trần Lâm Biền (2003), Đồ thờ trong di tích của người Việt, Nxb Văn hóa Thông tin,, Hà Nội, tr.52.
[7] Để xác định một cách chắc chắn các tượng thờ tại chùa Giác Thế có phải được chế tác dưới triều Tây Sơn hay không cần phải tiếp tục nghiên cứu và tiến hành giám định cổ vật.
[8] Thích Kiên Định (2013), Lịch sử chùa Thiền Tôn và Tổ Liễu Quán truyền thừa, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.51.
[9] Hà Xuân Liêm (2007), Những chùa tháp Phật giáo ở Huế, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.36.
[10] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam nhất thống chí, bản dịch của Hoàng Văn Lâu, Nxb Lao Động – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr.134.
[11] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam nhất thống chí, bản dịch của Hoàng Văn Lâu, Nxb Lao Động – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr.133.
[12] Hà Xuân Liêm (2007), Những chùa tháp Phật giáo ở Huế, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.35.