Phật giáo Việt Nam
Phật giáo với bảo vệ môi trường ở Việt Nam
27/12/2021 15:33 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trên cơ sở triết lý Duyên khởi, Phật giáo cho rằng, những hiểm họa về môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu, vấn nạn nghèo đói,... mà nhân loại ngày nay đang đối mặt là chính từ hậu quả của tư duy và hành động “Tham, Sân, Si” của con người đối với thế giới tự nhiên. Vì vậy, để bảo vệ môi trường sống trong điều kiện hiện nay, theo Phật giáo, cần phải hoạch định được phương thức giáo dục và định hướng sống “thiện” với tự nhiên, giúp tín đồ hình thành thói quen có ý thức tự giác cao với những hệ quả của hành vi bản thân đối với môi trường. Bài viết này góp phần làm rõ giá trị của Phật giáo với bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

1.Dẫn nhập

Ngày nay, toàn cầu hóa trở thành xu thế tất yếu của mọi quốc gia trong quá trình phát triển. Trong quá trình đó, các vùng miền, quốc gia, dân tộc vốn có truyền thống độc lập, tách rời đang trở thành gắn bó, liên quan với nhau, mở rộng khả năng hợp tác và phát triển. Thực tế đó đã đem lại nhiều cơ hội và lợi ích cho các quốc gia. Tuy nhiên, nó cũng đã và đang đặt ra cho các quốc gia một số thách thức không nhỏ.

Vấn nạn của toàn cầu hóa đối với các nước nghèo và các nước đang phát triển có tính thách thức lớn hơn: Đó là sự xung đột giữa xu hướng vọng ngoại và ý thức độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia mà gắn liền với nó là bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; là khả năng cân bằng giữa thu hút đầu tư, kích thíchkinh tế phát triển, đa dạng về cơ hội học hỏi, việc làm, xóa đói giảm nghèo với việc đảm bảo giữ gìn và phát huy được các giá trị tốt đẹp của truyền thống, đánh thức tiềm năng con người, tạo môi trường cho con người được rèn luyện, phát triển toàn diện, mở mang dân trí, phát triển nhân tài. Đây được coi là những liều thuốc thử đối với bản năng tự vệ của mỗi dân tộc khi hội nhập quốc tế.

Về phương diện đạo đức, điều nhức nhối nhất hiện nay là sự xuất hiện lối sống cá nhân, vị kỷ, thực dụng, vô cảm, xa rời đạo đức truyền thống, thậm chí “bất chấp cả đạo lý, tình nghĩa, sự lấn át của đồng tiền có sức vùi dập, bóp chết cả những gì thuộc về tinh thần, giá trị tinh thần”(1) . Điều đó làm suy thoái đạo đức xã hội và lối sống con người hiện nay. Đặc biệt, vì lợi nhuận, một số tổ chức, cá nhân làm giàu bằng mọi giá, gây ô nhiễm môi trường, môi sinh, đe dọa trực tiếp đến đời sống con người và vấn đềsinh tồn của nhân loại.

2. Một số thách thức về môi trường trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay

Ngày nay, nhân loại đang đứng trước những thách thức mang tính sống còn về ô nhiễm môi trường. Nguồn nước, đất đai, khí quyển... có nguy cơ hủy hoại cân bằng của sự sống. Sự mất cân bằng giữa cuộc sống con người và môi trường đang đẩy các nước đang phát triển và các nước nghèo, trong đó có Việt Nam, vào những thảm họa của thiên nhiên. Các vấn nạn về môi trường trong bối cảnh toàn cầu hóa thể hiện trên một số mặt chủ yếu sau:

Thứ nhất, ô nhiễm môi trường và mất cân bằng sinh thái:

Trong một thời gian dài, trên quan điểm “phát triển”, “tăng trưởng hằng năm về thu nhập quốc dân”, “xóa đói giảm nghèo”, nhiều quốc gia đã đẩy mạnh khai thác tài nguyên, sản xuất hàng hóa, tăng tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa. Vì vậy, nhu cầu về nguyên liệu và chất đốt tăng vọt. Thiên nhiên trở thành nguồn nguyên vật liệu bị khai thác với tốc độ chưa từng có, là nơi tiếp quản chất thải độc hại trong quá trình sản xuất. Đó là nguyên nhân làm cho sự suy thoái môi trường sống ngày càng khốc liệt hơn bao giờ hết. Sự thiếu hiểu biết cộng thêm lòng ích kỷ, thèm khát chiếm dụng tự nhiên, chỉ nhìn thấy những lợi ích trước mắt mà quên đi những lợi ích lâu dài đã khiến con người xa rời với thiên nhiên, phá hoại chính những nhân tố giúp con người sinh tồn và phát triển bền vững, gây ra những hiểm họa khôn lường. Riêng “Tại Việt Nam, hằng năm rừng bị mất khoảng 200.000 ha, trong đó khoảng 50.000 ha do khai hoang để trồng trọt”(2). Rừng mất, kéo theo lớp thảm mục điều hòa dòng chảy bị mất, lũ lụt và những thảm họa do nó gây ra ngày càng gia tăng. Nhìn rộng hơn, “Theo tốc độ phá rừng hiện nay, với 11 triệu ha mỗi năm, đến năm 2040 thế giới sẽ mất đi từ 17% đến 35% loài trong số 10 triệu. Vào năm 2040, hằng ngày sẽ có 20-70 loài bị tuyệt chủng”(3) . Cùng với nạn phá rừng, tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp diễn ra nhanh, làm cho thiên nhiên ở nước ta bị khai thác kiệt quệ. Chỉ tính trong 5 năm (2001-2005), “tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước bị thu hồi cho mục đích khác nhau là khoảng 366.400 ha, tức chiếm 3,89% tổng diện tích đất nông nghiệp đang bị sử dụng. Nếu tính bình quân thì mỗi năm trong khoảng thời gian nói trên có tới 73.288 ha đất canh tác nông nghiệp bị thu hồi”(4), trong đó “đất trồng lúa giảm trong 5 năm là 7,6%”(5) và phần nhiều là đất tốt. Mặt khác, nền sản xuất công nghiệp “phát triển nóng” thiếu cơ chế kiểm soát, thải ra môi trường nhiều chất độc hại làm ô nhiễmnguồn nước, đất, không khí, thực phẩm... biến nhiều nơi trở thành bãi rác công nghiệp, tiếp nhận chất thải loại độc hại, tạo ra sự hoang mạc hóa đất đai, làm biến đổi cảnh quan và các hệ sinh thái, đe dọasự tồn vong và phát triển của sự sống.

Thứ hai, biến đổi khí hậu toàn cầu:

Chính sự tăng trưởng kinh tế “bất chấp mọi giá”, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa và tiêu dùng, kéo theo sự tăng cường sử dụng các nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, gia tăng chăn nuôi đại gia súc, phá rừng để trồng trọt, khai thác, tàn phá các hệ sinh thái ngập mặn,... đã làm giảm nhanh không gian xanh, đồng thời tạo ra nhiều khí thải CO2 (riêng sản xuất xi măng tạo ra 2,5% CO2 toàn cầu), CH4 , NO... trong sinh quyển, là nguyên nhân chính làm nhiệt độ trái đất nóng dần lên, tạo nên hiệu ứng nhà kính ở các đô thị. Hậu quả của sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã khiến tan chảy băng ở Bắc cực, mực nước biển dâng cao xâm nhập làm mất đất sinh hoạt, đất sản xuất và làm nhiễm mặn các vùng ven biển, trong đó Việt Nam là một trong 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Biến đổi khí hậu còn làm tăng nguy cơ bão lụt, hạn hán, xói mòn và bạc màu đất canh tác, làm suy giảm các nguồn lợi tự nhiên từ khai thác, đánh bắt, trồng trọt, tàn phá thiên nhiên với tốc độ không thể phục hồi.

Thứ ba, vấn nạn đói nghèo và sức khỏe cộng đồng:

Hệ quả trực tiếp của tốc độ phát triển công nhiệp và đô thị hóa quá nhanh, bất chấp lối sống thân thiệnvới môi trường tự nhiên là sự đói nghèo, suy dinh dưỡng, đe dọa sức khỏe cộng đồng và cuộc sống của con người, nhất là cư dân nông nghiệp, nông thôn.

Trước những vấn nạn nêu trên, vấn đề đặt ra đối với “bảo vệ môi trường” không chỉ là chống ô nhiễmđất đai, sông suối, bảo vệ đa dạng sinh học, mà còn phải làm cho môi trường sống phong phú, trả lại sự trong sạch của thiên nhiên. Đời sống con người muốn “phát triển bền vững” phải gắn liền với sự trong sạch, thân thiện của môi trường. Để “bảo vệ môi trường” cần thực hiện hàng loạt những giải pháp đồng bộ như: ổn định dân số, tiết kiệm nguồn nguyên liệu, tăng hiệu năng sử dụng năng lượng, ổn định hệ sinh thái và xử lí tốt ô nhiễm môi trường. Song, ô nhiễm môi trường chủ yếu do các việc làm thiếu hiểu biết và lòng tham muốn chiếm dụng khai thác tự nhiên bất chấp quy luật tự nhiên, cho nên cần đặc biệtxây dựng và giáo dục phổ cập ý thức tự giác về bảo vệ môi sinh, môi trường, coi đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân, là phẩm chất đạo đức của con người trong thời đại ngày nay.

3. Đạo đức Phật giáo với ý thức và hành động bảo vệ môi trường

Trên cơ sở triết lý Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, Nghiệp báo và Nhân quả, Phật giáo đã xây dựngnên những chuẩn mực đạo đức như từ bi, bất sát, tạo nghiệp thiện… rất có ý nghĩa trong ứng xử “thiện” với thế giới tự nhiên, với môi trường. Các chuẩn mực tu học và thực hành của Phật giáo đối với môi trường tự nhiên rất gần với các chuẩn mực đạo đức môi trường và đáp ứng yêu cầu xây dựng ý thức tự giác về bảo vệ môi trường của đạo đức môi trường hiện nay.

Nhất quán với triết lý Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã,... Phật giáo luôn đặt con người trong mối quan hệ phổ biến với thế giới. Thuyết Duyên khởi cho rằng, Ngô Văn Trân. Phật giáo với bảo vệ mô trường… 15 15 sự hình thành và phát triển của con người cũng là sự kết hợp nhân duyên của điều kiện tự nhiên, xã hội, tâm lý, sinh lý. Đó là sự kết hợp của các yếu tố vật chất (tứ đại: Đất, Nước, Lửa, Khí) và các yếu tố tinh thần (Thọ, Tưởng, Hành, Thức). Do vậy, từ góc độ tự nhiên, con người và giới tự nhiên vốn có mối quan hệ hữu cơ, bền chặt. Con người không thể tồn tại được nếu không có thiên nhiên, môi trường. Môi trường là điều kiện cho sự sống của con người. Khi môi trường bị phá hoại thì sự sống của con ngườicũng bị tổn thương, bị đe dọa.

Phật giáo ý thức rằng, con người phải đối xử với giới tự nhiên theo nguyên tắc trung đạo, phải sống dựa vào tự nhiên, bảo tồn tự nhiên để tồn tại. Giáo lý nhà Phật khuyên con người phải sống từ bi, tránh Tham, Sân, Si, không tạo nghiệp ác, dưỡng nghiệp thiện, tránh sát sinh, tức là phải sống thân thiện với môi trường. “Giới không sát là giới thứ nhất trong ngũ giới và thập thiện. Lối sống ăn chay không ăn thịtcủa nhà Phật còn có cơ sở từ thuyết Nghiệp và Nhân quả” (6) rất có ý nghĩa đối với ý thức và hành động về môi trường. Theo Phật giáo, muốn thoát khổ, chấm dứt vòng luân hồi, con người phải tạo nghiệp thiện, mà trước hết là không được sát hại sinh linh, cũng như không khuyến khích sát hại sinh linh. Đó chính là ý thức về môi trường sống thiện, mang tính nhân bản, rất có ý nghĩa giáo dục về môi trường trong cuộc sống của chúng ta ngày nay.

Trên tinh thần tôn trọng thiên nhiên, yêu sự sống, từ thời kỳ nguyên thủy, Phật giáo đã đề cao sự bình đẳng giữa các loài. Chẳng hạn, khi đề cập đến đạo đức, Phật giáo thường quan niệm có ba khía cạnh: “1/ Đạo đức phổ quát, một vấn đề chung của toàn thể loài người; 2/ Đạo đức là bình đẳng thế hệ; 3/ Đạo đức vượt qua ranh giới loài người, phải tính đến muôn loài”(7). Ba khía cạnh này rất có ý nghĩa đối với vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay. Đạo đức mang tính phổ quát và không bị giới hạn bởi địa lý là giá trịđạo đức mang tính nhân loại. Chẳng hạn, thảm họa về sự nóng lên của trái đất, ô nhiễm môi sinh, biến đổi khí hậu ngày nay do các nước công nghiệp gây ra trong quá khứ cũng như hiện tại, nhưng không phải chỉ có họ mà cả thế giới đều phải chịu trách nhiệm và chịu hậu quả. Mặt khác, Phật giáo luôn đề cao sự bền vững của môi trường sống, coi sự thiếu tôn trọng đối với môi trường như là chưa đạt tới Phật tính của mỗi người. Đức Phật luôn khuyên răn Phật tử nên “sống giản dị”, “vui với đời giản dị”, “thiểu dục tri thúc”, nghĩa là xây dựng cuộc sống giản dị, biết giới hạn nhu cầu của mình trong một chừng mực cần thiết, biết tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, góp phần làm giảm sức ép lên môi trường và hệ sinh thái tự nhiên, đó là tính đến muôn loài. Giảm sự vô độ và xa hoa trong tiêu dùng chính là giảm bớt nguyên nhân làm cho tài nguyên thiên nhiên bị khai thác bừa bãi và kiệt quệ, giảm thiểu những tác hại mà các thế hệ sau phải gánh chịu do phá vỡ môi trường sinh thái, đó là bình đẳng thế hệ.

Phật giáo đề cao ý nghĩa nhân đạo đối với môi trường, tôn trọng sự sống của cả con người lẫn loài vật Tục ăn chay và giới cấm sát sinh và làm hại thú vật là một trong những giới cấm căn bản thể hiệnnguyên tắc bình đẳng của Phật tử đối với sự sống của muôn loài. Việc tôn trọng sự sống không chỉ vì từ bi, vì niềm tin vào luân hồi, nghiệp báo mà còn theo tinh thần “bình đẳng” và “tính đến muôn loài”, nên ý thức mọi loài đều được sống, môi trường sống là của muôn loài chứ không phải chỉ dành cho con người. Con người còn cần từ bỏ quan điểm xem mình là sinh loài có quyền định đoạt được sự sống của tất cả các loài khác. Kinh Từ Bi đã thể hiện lý tưởng bình đẳng về sự sống: “Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh ra và những loài sắp sinh. Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn”(8) .

Lối ăn chay, không sát sinh trong truyền thống Phật giáo không chỉ như hành động tu dưỡng để kiểm soát Tham, Sân, Si (xét theo mức độ: Thân, Khẩu, Ý) của bản thân trong quá trình đạt tới giải thóat, giác ngộ, mà còn được quy thành “tính thiện” tự giác, từ bi, vị tha của các Phật tử. Tinh thần ăn chay, “bất sát” của Phật giáo rất gần tới ý thức về đạo đức môi trường hiện đại khi chuẩn hóa lối sống ứng xử thân thiện với môi trường thành giá trị đạo đức của con người giác ngộ.

Trong điều kiện cụ thể hiện nay ở Việt Nam, phù hợp với những chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường vì phát triển bền vững, lối sống thân thiện với môi trường của Phật giáo đã góp phần tạo ra những nhận thức mới nơi cộng đồng về quan niệm sống có trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái một cách tự giác. Phật giáo chỉ rõ, sự khủng hoảng sinh thái, ô nhiễm môi trường là hệ quả của việc con người làm giàu bằng mọi giá, phi đạo đức, và điều đó sẽ đưa xã hội con người đến chỗ suy thoái toàn diện.

Với tư cách là một tôn giáo truyền thống của người Việt Nam, Phật giáo đã đóng vai trò tích cực trong việc hình thành nếp sống và ý thức tham gia bảo vệ môi trường hiện nay bằng nhiều cách, thể hiện cụ thể trên các mặt sau:

• Một là, lối sống giản dị, tiết kiệm, cân bằng, “thiểu dục tri túc” của Phật tử sẽ góp phần làm giảm sứcép vào môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.

• Hai là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục Phật tử nhận thức mối liên hệ mật thiết giữa con người với thế giới tự nhiên qua giáo lí duyên khởi và vô ngã, từ đó gây dựngniềm tin về một đạo đức ứng xử “thiện” với tự nhiên, môi trường nhằm tiến tới một thế giới chung an bình, tốt đẹp. Nhân ngày Phật đản năm 2011, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi đi thông điệp về vấn nạn môi trường và lời kêu gọi bảo vệ môi trường đối với tất cả Phật tử: “Thế giới nói chung và đất nước ta nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn tác hại do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, nhiệt độ trái đất gia tăng, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, sóng thần, động đất, nước biển dâng,… đang là những thảm họa đe dọa đến sự an nguy của sự sống con người. Hơn lúc nào hết, tôi kêu gọi mỗi Tăng ni, Phật tử chúng tacần phải hiểu rõ bản chất của giáo lí Phật Đà về luật vô thường, về tôn trọng sự sống và mối liên hệ hữu cơ giữa con người và thiên nhiên, để chung tay với cộng đồng xã hội bảo vệ môi trường xã hội và sự an nguy của trái đất, đó là việc làm thiết thực để kính dâng ngày đản sinh Đức Từ Phụ của chúng ta”(9) .

• Ba là, Phật giáo có truyền thống quan tâm bảo vệ môi trường, đặc biệt là chú trọng kiến tạo những không gian xanh, thanh tịnh ở những nơi thờ tự. Chính cảnh quan thanh lịch, “non nước hữu tình” của các tự viện đang trở thành khu văn hóa tâm linh góp phần tích cực gắn kết con người với môi trường tự nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Những ngôi chùa với khu “rừng thiền” cây cối xanh tươi, ao hồ sạch đẹp, không khí trong lành và nếp sống an bình là cảnh quan có thể kết hợp du lịch “xanh” với du lịch tâm linh, tạo môi trường cho khách thập phương tìm đến để thanh thản tâm hồn và hòa mình trong sự trong lành của thiên nhiên. Có thể nói, “rừng thiền” của chùa Phật giáo là một mô hình bảo vệ môi trường trong sạch cho cuộc sống khá hấp dẫn trong thời đại quá nhiều ô nhiễm hiện nay(10) .

Tiếp nối lời kêu gọi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Phật tử xây dựng phong trào “trồng cây phúc đức”, “trồng cây trí đức” hằng năm vào các dịp lễ hội Phật giáo, lễ tết dân tộc, thay cho tục lệ “hái lộc”, “bẻ lộc”; kêu gọi chuyển đổi hình thức đóng góp tiền từ thiện cho việc xây dựng “chùa lâm viên” thay cho hình thức bố thí tiền gạo hoặc phóng sinh chim cá; kêu gọi xây dựng một lối sống thân thiện với môi trường ngay trong cộng đồng dân cư như “sạch và đẹp từ bàn thờ, trong nhà, ra ngoài sân, đến đường đi và cùng khắp đất nước”(11) .

Nhân loại đang đứng trước những thách thức về môi trường, để lại những mầm mống hiểm họa trên toàn cầu. Những tiếng kêu cứu: “phải đặt lại vấn đề phát triển”, “phải bảo vệ thiên nhiên”, “phải thay đổi thói quen tiêu dùng”,… đều từ mối lo về sự tồn vong của loài người. Theo cách nhìn của Phật giáo, cuộc khủng hoảng “sinh thái” ngày nay thực chất là khủng hoảng “văn hóa và tâm linh” phát ra từ Tham, Sân, Si của con người. Theo Lê Văn Tâm, nguồn gốc của “khủng hoảng sinh thái” hiện nay thực chất là khủng hoảng “văn hóa và tâm linh” phát sinh từ Tham, Sân, Si của con người. Vũ khí để ứng phó với những hiện tượng này chính là Bi, Trí, Dũng mà Đức Phật đã trao tặng cho loài người (12).

Tuy nhiên, để làm được điều đó, Phật giáo phải hoạch định được phương thức giáo dục và giúp Phật tửhình thành thói quen tự giác với những hệ quả của hành vi bản thân đối với môi trường, coi đó như là cách thức để tích nghiệp “thiện”. Tiếng nói đạo đức về môi trường của giới Phật giáo Việt Nam sẽ góp phần lay chuyển tâm thức của tín đồ và quần chúng tín đồ Phật giáo theo hướng tích cực, phù hợp với đạo đức môi trường trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Song cũng cần phải có sự kết hợp giữa các giải pháp chế tài về mặt nhà nước, giải pháp khoa học kỹ thuật với nguyên tắc đạo đức Phật giáothì mới có thể nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường thành hành vi đạo đức cụ thể của mọi người dân. Đồng thời, việc phát huy hơn nữa khả năng dự báo và ngăn chặn xâm phạm môi trường bằng các giải pháp khoa học kỹ thuật và hệ thống hành lang pháp lý sẽ giúp cho mọi công dân tự giác thực hiện đạo đức môi trường như một việc thiện cho bản thân và cho cộng đồng. Có thể thấy, Phật giáo có truyền thống gắn bó, chia sẻ nhiều mặt với dân tộc, tham gia cùng Nhà nước và các tổ chức xã hội khác, bảo vệ và giám sát bảo vệ môi trường. Tín đồ Phật giáo là những nhân tố tích cực khi sống “thân thiện với môi trường”. Lối sống đó hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tiễn của đất nước và phù hợp với tinh thần của đạo đức môi trường hiện đại./.

thuvienhoasen.com

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch