Có thể nói, trong thời Mạt pháp chúng ta còn chút may mắn
được chiêm bái các thánh tích Phật giáo, còn được tận mắt chứng kiến
những bước đường mà hơn 2500 năm về trước đức Thế Tôn đã từng kinh
qua. Và chỉ khi nào trải qua điều này chúng ta mới thật sự cảm nhận
được lòng tôn kính Phật của mình, cảm nhận sự thật về một đức Phật
lịch sử, con người vĩ đại trong tiến trình phát triển văn minh và văn
hóa nhân loại, đặc biệt nhất là văn hóa tâm linh.
Bốn mươi lăm năm bằng đôi chân trần, đức Thế Tôn đã vân du hoằng
hóa độ sanh hầu hết các quốc gia có mặt trên xứ Ấn Độ cổ đại. Tất cả
những đoạn đường tưởng chừng như mênh mông bất tận ấy, chúng ta chỉ
mất khoảng 15 ngày là kết thúc cuộc tìm cầu lần theo dấu chân Phật tổ
nhờ vào những phương tiện hiện đại của thời đại văn minh đạt đến
đỉnh cao. Những đoạn đường đi giữa các thánh tích hôm nay phần lớn đã
được tráng nhựa, khách tham quan có nhiều phương tiện để đi như xe
hơi, tàu hỏa hoặc thậm chí đi bằng máy bay ở một vài nơi thuận tiện,
bởi vì có những khoảng cách đức Phật phải đi bộ gần 300 km. Cũng từ
đó chúng ta mới thấy được khoảng cách xa vời vợi giữa ta và đức Phật
hay các thánh đệ tử của Ngài. Các đỉnh núi, nơi đức Phật từng ngự
thuyết kinh hoặc những động đá cheo leo, nơi mà các vị thánh tăng
từng tu tập hoặc kết tập kinh điển, nay đều được thiết kế những con
đường đi bằng bậc tam cấp hay bằng cáp treo (chairlift), vậy mà chúng
ta vẫn cảm thấy mệt mỏi, ngán ngẫm, than dài thở ngắn khi phải lên
những đỉnh núi cao hay qua những đoạn đường gồ ghề!
Phần lớn các thánh tích Phật giáo đều điêu tàn, chỉ còn trơ lại
những nền gạch cũ mục, rêu phong bởi năm tháng thời gian, cát bụi lấp
vùi và sự phá hủy không thương tiếc của những đế chế đối nghịch Phật
giáo, nhưng đó cũng là một quy luật sanh diệt của mọi sự vật trên
cuộc đời; vì theo tiến trình lịch sử hình thành trái đất và con
người, chúng ta thấy có cái gì tồn tại mãi trên thế gian này đâu?
Những thành phố cổ đại nằm yên trong lòng đất hay lòng biển hàng mấy
nghìn năm đã được con người hôm nay khám phá; bao đế chế bạo tàn tên
tuổi vang dội Đông Tây, nay cũng chỉ là nắm xương tàn mục nát được
biết đến như một danh xưng im lìm trong những pho sách cổ... Chỉ có
giá trị đạo đức, văn hóa tâm linh mới đem lại đời sống minh triết cho
nhân loại, dù thời cuộc nào nó vẫn có lí do để tồn tại và được ứng
dụng một cách hữu hiệu trong đời sống hàng ngày của con người. Phật
giáo là sản phẩm của loại văn minh này. Những lời dạy của đức Phật là
một chân lý, là bức thông điệp ban vui cứu khổ đem lại hạnh phúc,
hòa bình cho con người trên khắp hành tinh. Vì vậy, không một ai trên
cõi đời này có thể làm băng hoại đi một chân lý, không thể nào làm
mất đi tất cả những gì liên quan đến đạo Phật dù là đôi tay của những
kẻ bạo tàn. Chỉ khi nào lòng người quá ác, con người không còn phước
duyên để thụ hưởng những chuỗi ngày bình yên, hạnh phúc nữa, lúc ấy
sẽ không còn một đạo Phật trên thế gian.
Tham quan các thánh tích Phật giáo là một cách thưởng thức văn hóa
tâm linh lành mạnh, nhằm nâng cao hiểu biết về một đạo Phật giàu
lòng từ bi, bác ái, cảm nhận sâu sắc về nhân cách và tâm hồn vị tha
của một con người lịch sử như Đức Thích Ca Mâu Ni. Bất cứ ai đã có
lần dừng chân nơi đất Phật ngắm nhìn hay đảnh lễ các thánh tích đều
là những con người có nhân duyên thù thắng đối với Phật giáo, là
quyến thuộc nhiều đời trong dòng họ Thích Ca.
Hôm nay những thánh địa quan trọng này dù chỉ là những tảng đá trơ vơ
hay những nền gạch cũ thì nó vẫn là những minh chứng hữu hiệu nhất
về một đức Phật lịch sử, vẫn có giá trị gấp trăm ngàn lần so với
những đền đài nguy nga tráng lệ, tôn thờ con người huyền thoại được
dựng lên từ những chế độ độc tài, chinh phục thiên hạ bằng thanh gươm
và vũ khí đạn dược. Một điều đáng mừng trên cuộc đời cái ác không
thể nào thắng nổi cái thiện, cái thiện vẫn là điểm son đáng quý nơi
mỗi con người, là tài sản cho mọi gia đình, là báu vật của mỗi quốc
gia. Chính vì vậy các thánh tích Phật giáo đã và đang được phục hồi
bởi người con Phật trên khắp năm châu, những người biết nhìn nhận sự
thật, biết trân quí cái thiện và làm đẹp cuộc đời bằng lý tưởng thẩm
mỹ của chính mình hay đó là cái Chân Thiện Mỹ của Phật giáo,
là tiêu chuẩn đạo đức, là ánh sáng văn minh soi sáng lối về, đắp xây
hạnh phúc chân thật cho nhân loại trong mọi thời đại hay thực tế hơn
là xã hội loài người trong thế kỷ XXI này.