Cần nhìn nhận việc cải đạo chỉ là một đe dọa nhỏ của Phật
giáo. Đe dọa lớn hơn là sự phát triển tự thân của Phật giáo, đặc biệt
là việc hoằng dương Phật pháp tới những người mới chỉ có tín ngưỡng thờ
cúng ông bà, tổ tiên. Đây mới là vấn đề đáng quan tâm.
Phải nhắc lại rằng: Đạo Phật là Đạo giác ngộ. Thế nên, khi nói đến
vấn đề cải Đạo tín đồ Phật Giáo thì có hai khía cạnh cần quan tâm, đó
là người đã theo đạo Phật có qui Y Tam bảo, giữ Ngũ giơí sinh hoạt
thường xuyên, có học hỏi giáo lý Phật Đà; hai là tín ngưỡng dân gian,
thờ ông bà tổ tiên.
Vì sao tôi nói đến điều này, vì cần có 2 cách nhìn. Một là, Phật tử
tự giác ngộ tìm đến Đạo Phật, là tìm cho mình ngọn đèn chân lý, dẫn dắt
tu học đến bờ giải thoát. Giải thoát điều gì? Giải thoát luân hồi sinh
tử, hiểu sâu nhân quả, nhận chân lẽ vô thường.
Hai là tín ngưỡng dân gian, vì dân tộc Việt Nam có truyền thống lâu
đời là thờ ông bà tổ tiên, một bình hoa, oản chuối chưa đủ gọi là Phật
tử, mặc dù mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông.
Bấy lâu hình như ta hay bao gồm cả việc giác ngộ và nếp sống của tổ
tông là người Phật tử. Cần phân biệt rõ ràng cải Đạo tín đồ trong đó
gồm thành phần nào? Theo tôi có hai thành phần:
- Những người trong gia đình theo Đạo Phật khi lập gia đình thì theo
chồng hoặc vợ bỏ Đạo hay theo Đạo khác.
- Hai là gia đình có ông bà, cha mẹ là Phật tử nhưng bản thân họ
không qui y khi lập gia đình thì theo tôn giáo của chồng hoặc vợ.
Phải phân tích như vậy vì tôi muốn làm rõ vấn đề âm mưu cải Đạo tín
đồ Phật giáo. Họ đang nhắm vào thành phần nào trong Đạo Phật, hay ở đây
có sự nhầm lẫn giữa sự tranh thủ tín đồ.
Mà họ là ai? Là những người chưa biết gì về một chữ Đạo Phật hay châm
ngôn của người Phât tử là giác ngộ giải thoát. Như vậy thì không thể
gọi là cải Đạo, mà ta cần làm cho Đạo Phật toả sáng giúp họ hiểu biết và
thu hút họ tìm cuộc sống thanh cao hơn trong Đạo Phật.
Chúng ta muốn thỉnh nguyện chư tôn giáo phẩm quan tâm đến vấn đề cải
đạo, nhưng cần có những đề án, có lập luận rõ ràng. Theo đề xuất thì
cần có nội dung, địa điểm, họ tên thật, sự việc thật.
Mà tôi nhận
thấy phản hồi thì xa vời, lạc lõng với chủ đề chúng ta cần đề xuất quá.
Chỉ là lời khen tặng hay vui mừng tôi thấy chưa đủ tập trung ý kiến.
Tôi xin nêu những suy nghĩ của mình cùng quí đạo hữu rồi cùng nhau
trao đổi tìm ra hướng đi chung cho việc đề xuất lên lãnh đạo. Theo tôi
nhận thấy không chỉ có vấn đề cải đạo tín đồ là quan trọng nhất, mà còn
những vấn đề đã được nêu ra, cần nhắc lại như:
- Thiếu đoàn kết nội bộ, còn phân biệt tông môn hệ phái
- Sự lợi dưỡng ngày càng gia tăng, Tăng ni còn ngại khó, ngại khổ
không dám về vùng sâu vùng xa nên ánh sáng Phật Pháp chưa lan toả
- Đạo Phật ở một số vùng ngày càng biến tướng thành mê tín, tà kiến,
thiếu sự giác ngộ theo chân lý Đức Phật đã dạy (nhân quả, công bằng)
- Thế hệ tăng ni trẻ chưa có chỗ đứng trong giới lãnh đạo, chưa có
tiếng nói riêng.
- Lễ hội còn hạn hẹp trong khuôn khổ, chưa đủ sức thu hút quần chúng.
- Vùng sâu vùng xa hoạt động chưa mạnh vì thiếu người hướng dẫn , vì
tăng ni chưa học được ngôn ngữ đồng bào dân tộc ít người cho nên khó
hoằng pháp, khó gần gũi, chính quyền vùng sâu vùng xa chưa hiểu được vai
trò của đạo Phật trong việc giữ gìn độc lập và thống nhất của tổ quốc.
- Lớp trẻ không mấy mặn mà với Đạo Phật vì họ chỉ nhận thấy lễ nghi
và thờ cúng không mang tính xã hội hoá.
- Phật tử các vùng miền tự cô lập mình chưa đoàn kết, chưa có mối
liên hệ chung. Chính phật tử cũng phân biệt tông môn hệ phái thì lấy
đâu sự đoàn kết, lấy đâu sức mạnh chung .
- Chùa to Phật lớn nhưng Phật tử đến chỉ chỉ để cầu nguyện van xin
thiếu học hỏi giáo lý Phật Đà.
- Con vua lại làm vua còn (đệ tử của vị trụ trì về trụ trì tiếp)
trong khi nhiều người có năng lực hơn thì ngồi chơi xơi nước.
Như vậy, cần nhìn nhận việc cải đạo chỉ là một đe dọa nhỏ của Phật
giáo. Đe dọa lớn hơn là sự phát triển tự thân của Phật giáo, đặc biệt là
việc hoằng dương Phật pháp tới những người mới chỉ có tín ngưỡng thờ
cúng ông bà, tổ tiên. Đây mới là vấn đề đáng quan tâm.
Lý Chơn Ngộ
Theo phattuvietnam