Phật giáo trong nước
Những quan niệm sai lầm về vãng sanh
Châu Thanh Thùy - Vườn hoa phật giáo
16/11/2016 11:19 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong tám muôn bốn nghìn pháp môn tu tập như: Tịnh độ tông, thiền tông, pháp hoa tông, mật tông, diệu pháp tông,…thì tu tịnh độ (niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà) được nhiều tín đồ Phật giáo lựa chọn và đó cũng là lời dạy của Đức Phật trong kinh Đại Tập: “Thời mạt pháp ức ức người tu hành, hiếm có người đắc đạo duy nhờ pháp niệm Phật mới thoát sanh tử”.


 
Vì sao ngày nay nên tu tịnh độ?

Tu tịnh độ là pháp môn niệm hồng danh đức Phật A Di Đà ( Nam mô A Di Đà Phật hoặc A Di Đà Phật) để cầu mong được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, thoát khỏi sanh tử. Niệm Phật là phương pháp tu nhanh và dễ nhất, phù hợp cho những người bận rộn hay những người lớn tuổi không có thời gian tu thiền hay mật tông,…Đây là pháp môn tu phù hợp với thời hiện đại ngày nay.

Tu tịnh độ vãng sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc

Trong kinh A Di Đà có ghi lại “Xá- Lợi- Phất! Lại trong cõi Cực Lạc, những chúng sanh vãng sanh vào đó đều là bậc bất thối chuyển, có rất nhiều vị bực nhất sanh bổ xứ, các bậc Thượng thiện nhơn”.

Cõi Phật A Di Đà là nơi hội tụ của những vị bất thối chuyển, nghĩa là những người đã tu chứng được tam quả và không còn phải rơi vào vòng sanh tử. Là nơi hội tụ của những bậc nhất sanh bổ xứ, nghĩa là những vị Bồ Tát còn tu một kiếp nữa sẽ thành Phật. Là nơi của những bậc thượng thiện nhơn nghĩa là những vị đã gây tạo công đức lớn, siêng năng tu hành tinh tấn và làm những việc thiện.

Vì thế, nếu muốn vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, niệm Phật thôi vẫn chưa đủ mà còn phải tinh tấn tu hành, tạo nhiều việc thiện lớn mới đủ nghiệp duyên vãng sanh về cõi Phật .

Xá- Lợi- Phất! Chẳng có thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhơn duyên mà được sanh về cõi đó

Được vãng sinh về cõi Tây Phương khi mất đi là khát khao của những người tu hành chân chính, những tín đồ của Tịnh Độ Tông. Tuy nhiên, nhiều người đã và đang lầm tưởng rằng:

Trước khi mất chỉ cần nhờ ban hộ niệm đến niệm Phật từ 8 – 12 tiếng sẽ được vãng sanh. Có đúng như vậy không?

Niệm Phật là nghĩ nhớ đến hình ảnh và công hạnh của Đức Phật mọi lúc mọi nơi, kiên trì công phu mỗi ngày để thân tâm thanh tịnh hoàn toàn. Thế nhưng đó vẫn chưa đủ phước đức nhơn duyên để vãng sanh về cõi Đức Phật A Di Đà. Phước đức cần phải được chính người đó tạo dựng thêm từ những hành động thiện, giúp đỡ người, hộ trì chánh pháp.

Ngày nay, nhiều người đã lợi dụng pháp môn Tịnh Độ làm lệch lạc ý nghĩa của việc niệm Phật, gieo rắc niềm tin mê tín vào Phật Tử rằng: Chỉ cần sau khi mất nhờ ban hộ niệm sẽ giúp người mất vãng sanh.

Kinh kể hôm nọ Phật ở trong rừng với đệ tử, một số thầy Bà-la-môn đến hỏi Phật:

– Thưa ngài Cù-đàm, đệ tử Ngài chết Ngài cầu cho họ sanh về cõi lành được không?

Phật không trả lời mà chỉ hỏi lại:

– Đệ tử các ông chết các ông cầu cho họ sanh về cõi lành được không?

Các vị Bà-la-môn đáp:

– Được.

Lúc đó Phật nói thí dụ:

– Như nơi một giếng sâu, có người ôm cục đá bỏ xuống giếng rồi nhờ các ngài cầu cho nó nổi, đừng chìm được không?

Các vị Bà-la-môn đều lắc đầu, Phật hỏi tiếp:

– Có người cầm chai dầu đổ xuống giếng, rồi nhờ các ngài cầu cho dầu chìm xuống đáy giếng được không?

Các vị Bà-la-môn cũng lắc đầu, Phật nói:

– Cũng vậy, người làm nghiệp lành sẽ sanh cõi lành giống như dầu nhẹ nổi lên, dầu các vị có ác ý cầu cho xuống địa ngục họ cũng không xuống. Ngược lại người làm dữ phải đi xuống giống như đá, dầu các vị có thiện cảm chấp tay cầu nguyện cũng không nổi lên được.

Thật vậy. Tu hành tạo phước là cả một quá trình bền bỉ lâu dài. Vì thế, không thể dựa vào lời cầu nguyện hay “tu vội” để mong rằng sẽ được vãng sanh mà trước đó không biết tu tập hay thường tạo nên những nghiệp ác. Vai trò của ban hộ niệm chỉ giúp trấn an tinh thần, không bị bất loạn và sợ hãi trước cái chết.

Ấy vậy mà có những người tạo ra những cách mê tín trái ngược chánh pháp để thu hút lòng tin của nhiều người, tạo nên sự lầm lạc trong quá trình tu học bằng việc đưa ra những dấu hiệu để nhận biết có được vãng sanh hay không thông qua những thoại tướng sau khi được hộ niệm:

Sắc da hồng hào sau 8 tiếng

Mê tín: Họ cho rằng khi người mất được hộ niệm trong 8-12 tiếng thì da vẻ sẽ trở lại hồng hào. Đó là dấu hiệu vãng sanh.

Chánh tín: Theo y khoa, người mất sau vài tiếng đồng hồ da vẻ sẽ trắng tái, toàn thân cứng đơ. Nhưng sau 8 tiếng thì trạng thái trở lại hoàn toàn như ban đầu. Đó là quá trình sinh học bình thường. Vì thế, da vẻ hồng hào sau 8 tiếng không phải là dấu hiệu để vãng sanh.

Hơi nóng cơ thể

Mê tín: Họ cho rằng nếu hơi ấm cuối cùng xuất phát ra từ đỉnh đầu là vãng sanh về cõi trời, Cực Lạc. Nếu hơi ấm ở ngực sinh về cõi người, ở bụng sinh về súc sanh, ở đầu gối sinh về cõi ngạ quỷ và địa nguc khi hơi ấm ở lòng bàn chân.

Chánh tín: Thực tế, hơi ấm cuối cùng thoát ra không phải là căn cứ để chứng minh người đó sinh vào cõi nào bởi trong Tam Tạng giáo điển của Đức Phật để lại hoàn toàn không tuyên bố những điều như thế. Chúng ta đang bị ảnh hưởng từ tư tưởng của người Trung Quốc khi truyền đạo sang Việt Nam.

Mùi thơm cơ thể

Mê tín: Người được hộ niệm sẽ thoảng ra mùi thơm, đó là dấu hiệu vãng sanh

Chánh tín: Mùi thơm cơ thể vốn là mùi tự nhiên của con người được phát xuất từ những lô chân lông. Chúng ta thường không nhận ra nó hoặc không để ý. Nhất là những người nữ thường có mùi thơm trong cơ thể của mình. Vì thế khi mất đi, mùi hương sẽ thoát ra bên ngoài, để ý kỹ sẽ nhận điện được. Đó là hiện tượng tự nhiên không phải là dấu hiệu vãng sinh.

Hơn nữa với những người bệnh ung thư thường có mùi hôi cơ thể khi mất đi. Không thể dựa vào hương thơm để đánh giá người mất có được vãng sinh hay không?

Hào quang

Mê tín: Người được sanh Tây phương sẽ có hào quang phát ra từ nơi thân

Chánh tín: Hào quang đã được kho học chứng minh là hiện tượng phản quang của một số chất khi vô tình kết hợp nhau. Sự mầu nhiệm của đạo Phật không căn cứ vào hư không, không căn cứ vào những điều huyền bí, siêu nhiên mà dựa vào sự thật ở hiện tại, ngay trong đời sống. Tu hành đúng pháp một ngày sẽ nhận được sự an lạc ngay trong ngày đó.

Nói như thế không có nghĩa vai trò của ban hộ niệm là dư thừa, việc niệm Phật là không có kết quả. Tuy nhiên, là người tu Phật, chúng ta cần hiểu đúng về việc vãng sanh, tin sâu vào luật nhân quả, tin sâu vào giáo pháp của Đức Phật.

Trước khi Đức Phật nhập Niết Bàn, đệ tử Ngài đã hỏi:

Sau khi Thế Tôn nhập Niết Bàn, chúng con sẽ dựa vào ai để tu tập?

Đức Phật nói:

Hãy lấy giáo pháp, giới luật là thầy của các ông.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch