Sách Tín ngưỡng Việt Nam đã viết: Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và cho gia đình. Và nhân dịp người ta thường xin quẻ đầu năm.
Ngày nay, nhiều người đi chùa sớm hơn để sau đó về nhà đón giao thừa cùng với gia đình. Theo chân những người đi chùa đêm giao thừa Canh Dần, phóng viên Bee ghi lại một số câu chuyện.
21h đêm 30 Tháng Chạp tại chùa làng Lãm Khê, Đông Kinh, Đông Hưng, Thái Bình:
Chúng tôi gặp cụ Vũ Thị Mạn đã 89 tuổi mà vẫn có thể xâu kim. Hỏi cụ, cụ nói khỏe như vậy là nhờ Phật đấy. Tuổi già các cụ lấy niềm vui ở việc ra chùa lễ Phật.
Cụ kể, ngày xưa làng quê miền bắc còn chưa cố định quây quần như bây giờ, người dân ở thưa lắm, nhà cụ ở gần chùa nên ngày nào cụ cũng ra chùa chơi. Ngày đó đói nên trẻ con thích ra chùa vì có nhiều đồ ăn.
|
Cụ Mạn bảo được như bây giờ là nhờ thờ Phật. |
Gần 40 tuổi, khi con cái đã lớn rồi cụ bắt đầu quy phật, quy pháp rồi lại đến quy tăng, ba bậc quy cụ đều hoàn thành từ năm 50 tuổi. Không chỉ đi lễ ở chùa làng, cụ còn đi lễ ở chùa Hương (Hà Tây), chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Phủ Giầy (Nam Định), đền Tân La (huyện Hưng Hà, Thái Bình), chùa Keo (Vũ Thư, Thái Bình) Yên Tử ở Quảng Ninh… 10 năm nay sức khỏe yếu hơn nên cụ không đi xa.
Cụ nhớ lại, hai năm trước bị ốm nặng, con cháu không cho ra chùa. Nhưng đến 23h, cụ nhất quyết đòi đứa cháu nội chở ra chùa để thắp một nén hương. Thế mới yên tâm.
Bình thường, cụ ra chùa từ sáng 30 Tháng Chạp. Cụ bảo ra chùa rất thoải mái, những người bạn già gặp nhau lại ngồi nói chuyện về một năm và những việc phải làm để lễ đầu năm như thế nào.
Năm nào cụ cũng ra chùa từ sáng 30 Tết, những người bạn già gặp nhau lại ngồi nói chuyện về một năm và những việc phải làm để lễ đầu năm như thế nào.
Cụ móm mém cười và nói với chúng tôi: "Ngày còn bé ra chùa kiếm lộc lá còn bây giờ cụ đến để cầu sức khỏe, bình an cho con cháu".
22h, tổ đình Phúc Khánh, Ngã Tư Sở, Hà Nội:
Năm nay, tổ đình Phúc Khánh tổ chức Khoa lễ giao thừa vào lúc 22h đêm 30. Nhiều cụ già cũng gác lại việc nhà để đến tham dự khoa lễ. Cụ Bích (70 tuổi, Cống Vị, Hà Nội) cho biết: Dự Khoa lễ giao thừa xong là tôi phải nhanh chóng về nhà cúng gia tiên. Không biết có kịp giờ không nữa!".
Cháu Hải Đăng (2 tuổi rưỡi, Phương Mai, Hà Nội) được bố mẹ cho đi lễ chùa cùng, ngột ngạt với mùi hương trong chùa, cháu khóc thét lên.
|
Lượng người đổ về tổ đình Phúc Khánh đêm khá đông |
Anh Quang Nam, bố cháu Đăng đành phải bế con ra ngoài sân đợi vợ. Anh Nam bảo: “Biết là trời lạnh thế này không tốt cho trẻ nhỏ, nhưng để cháu ở nhà thì không ai trông. Đi lễ Phật để Phật phù hộ cho cháu hay ăn chóng lớn”.
Tuy nhiên, phần lớn khách đến lễ chùa là các bạn trẻ. Lịch trình của các bạn là Lễ chùa - Lên Hồ Gươm xem pháo hoa - Cà phê với bạn bè.
Thầy Hải, một vị sư của tổ đình cho hay, thường thường, sau khi cúng gia tiên vào khoảnh khắc giao thừa xong, những người trung niên, người già mới đến chùa thắp hương.
22h30, Đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh:
Càng gần kề thời khắc giao thừa, không khí tại Đền Bà Chúa Kho (Cổ Mễ - Vũ Ninh – TP.Bắc Ninh) lại càng náo nức hơn, số lượng người kéo về nhiều hơn. Người tới đền làm lễ Tạ Ơn cũng có, người tới cầu an lành cho năm mới cũng có, kẻ gần có, người xa có...
Bạn Nguyễn Thị Oanh (sinh viên năm 2 – ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) cho hay: “Nhà mình gần ngay đền Bà chúa Kho nên ngay từ hồi chưa biết chữ, chưa đi học, mình đã theo mẹ đi chùa, đi đền rồi. Mẹ mình rất tâm linh và tín lắm, nên mình sớm có ảnh hưởng từ mẹ sự tâm linh này và ngay từ hồi học lớp 2, lớp 3 mình đã ý thức được ý nghĩa của việc đi chùa như thế nào?
Cách đây khoảng 5 năm, gia đình mình gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, tưởng như không vực dậy được, cả nhà lúc ấy lâm vào trạng thái gần như đường cùng. Lúc đấy còn bé, chưa thể làm gì giúp bố mẹ được, theo niềm tin, mình lên Đền Bà Chúa Kho thắp hương và cầu xin bà cho gia đình mình tai qua nạn khỏi. Một thời gian sau, gia đình mình nhận được một sự giúp đỡ từ một người bà con xa nên đân dần kinh tế khá hơn. Từ đó năm nào cũng vậy, dù bận tới đâu, hay thời tiết có xấu thế nào, mình cũng vẫn đi lễ chùa để tiến năm cũ và cầu may cho năm mới".
|
Bác Lừng bắt đầu thích đi chùa từ năm 1999. |
Bác Nguyễn Trọng Lừng (62 tuổi, trú xã Quang Châu – huyện Việt Yên – Bắc Giang) đã phải đi hơn 10km xuống đền bà chúa kho lễ. Bác Lừng kể: “10 năm trở lại đây tôi mới đi lễ Chùa còn trước đó thì không. Trước đó, con cái còn nhỏ, kinh tế gia đình lại chật vật nên phải lo kiếm tiền nuôi con, lúc nào cũng đầu tắt mặt tối chẳng có thời gian đi đâu. Sau đó, tới năm 1999, khi con cái đã trưởng thành hết thì tôi mới bắt đầu… thích đi chùa.
Tôi đi chùa trước hết là để cảm nhận được nét văn hóa tâm linh của người Việt mình, sau nữa cũng là do niềm tin của tôi, bởi người ta vẫn nói “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” đấy thôi. Thời khắc giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất nên tôi thường tới chùa hoặc đền hoặc đình để cầu xin những điều tốt đẹp nhất cho gia đình. Cầu mong sức khỏe, làm ăn tấn tới, con cháu hạnh phúc”.
23h30, chùa Mậu Tài, thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương:
Sân chùa vang lên tiếng chào hỏi. Câu chuyện râm ran như chợ phiên nhưng được các bà, các chị nói nhỏ nhẹ. Các bà hỏi han nhau về chuyện nhà, chuyện chòm xóm, họ hàng, ngày tết ai về ai không. Hẹn hò ra giêng đi lễ...
|
Chị Lê Thị Hoài, 38 tuổi nói: “Buôn bán quanh năm, chỉ có đêm 30 có thời gian thanh thản nhất, muốn đến chùa nghe đọc kinh phật lấy lại cái thanh tịnh trong người đồng thời nhắc nhở chính mình buôn bán phải đứng đắn”. |
Cụ bà Trần Thị Làm, 75 tuổi nói: “Đã hơn 20 năm nay, gia đình chúng tôi luôn có tục lệ này vào dịp đêm giao thừa. Cũng nhờ đó mà các con cháu đều trưởng thành, học xong đại học được giữ lại công tác ở thủ đô và giờ đã xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Trong khi đó cụ Phạm Thị Si, 82 tuổi cũng đi cùng con cháu đến chùa góp chuyện “Tôi đi cầu chùa cầu phúc cho con cháu, mong con cháu có được sức khỏe, anh em thuận hòa, con cái ngoan ngoãn học hành giỏi giang, cuộc sống thanh thản, bình yên”.
Nhiều em học sinh cũng rủ nhau đi chùa để cầu mong cho một năm học có nhiều tiến bộ và thi cử sẽ gặp may.
Bạch Thị Hồng Phúc - học sinh lớp 12- trường THPT Cẩm Giàng I vui vẻ: “Trong gia đình em, việc thờ cúng tổ tiên là một truyền thống rất thiêng liêng và việc đi chùa cũng xuất phát từ thói quen này.
Bố mẹ em quê gốc ở Côn Sơn – Chí Linh nên cũng thường xuyên đi lễ và em được thừa hưởng thói quen này từ bố mẹ. Đến lớp, cô giáo em cũng khuyên học sinh nên đi chùa thì sẽ có tâm lý tự tin hơn để hoàn thành kỳ thi tốt hơn”.
Nhóm PV Bee (Bee.net)