Trăm năm trong cõi người ta
Những điều trông thấy mà …đau đớn lòng!
Xin được mượn lời thơ của đại thi hào Nguyễn Du để nói lên cảm nhận
và suy nghĩ của các Tăng – Ni Phật tử Hà Nội trong hai chuyến đi cứu trợ
đồng bào các tỉnh Bắc miền Trung trong hai cơn bão lịch sử vừa qua!
Ngay sau khi nhận được tin bão số 4 tàn phá các tỉnh Quảng Bình, Hà
Tĩnh…, ngày 15 tháng 10 năm 2010 Ban từ thiện chùa Phổ Linh, quận Tây Hồ
- Hà Nội; đã lên đường mang theo trên hai nghìn thùng mỳ ăn liền, gạo,
sách vở học sinh, quần áo … cùng ba trăm triệu đồng tiền mặt để kịp thời
ứng cứu người dân vùng lũ.
Tuy nhiên, do đường đến các địa điểm phát quà cứu trợ đều chìm trong
biển nước không thể đi lại nên đoàn chỉ kịp thời cứu trợ cho 400 hộ dân
thuộc 12 thôn xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh với tổng số tiền gần
70 triệu đồng.
Đoàn đã nhờ Liên hiệp hội thanh niên Quảng Bình phát cứu trợ kịp thời
cho bà con 1700 thùng mỳ ăn liền, quần áo, sách vở, bánh kẹo…
Đoàn quay trở về Hà Nội kêu gọi sự đóng góp của mọi người dân, cũng
như toàn thể tín đồ Phật tử để thực hiện chuyến đi tiếp theo ngay sau
khi bão tan; hòng cứu giúp đồng bào miền Trung vượt qua hai cơn bão liên
tiếp sớm ổn định và khắc phục hậu quả sau cơn bão lũ.
Từ chiều thứ bẩy ngày 23 tháng 10, kết thúc vào ngày 27 tháng 10,
chuyến đi thứ hai của đoàn Tăng – Ni Phật tử thủ đô Hà Nội do sư thầy
Đàm Chung trụ trì chùa Phổ Linh, Tây Hồ làm trưởng đoàn cùng các trụ xứ,
tự viện như Tổ đình Hương Vân, Tổ đình Đào Xuyên, chùa Vân Hồ, chùa
Quan Hoa, chùa Trung Kính, chùa Kim Liên …cùng các Phật tử đã diễn ra.
Nhiều bậc Ni trưởng, Ni sư trụ trì các chùa trên địa bàn Hà Nội do
tuổi cao, sức yếu khó lòng xông pha sương, tuyết nên đã tùy hỷ gửi tiền
và quà cho đoàn để trao tặng cho bà con vùng lũ.
Ròng rã 5 ngày, từ Nghệ An, qua Hà Tĩnh, đến Quảng Bình tổng cộng
đoàn đã phát hơn 6000 thùng mỳ ăn liền, trên 300 triệu đồng tiền mặt, 20
tấn bí đỏ cùng gạo, bánh kẹo, quần áo ….v.v... với tổng giá trị tiền
mặt trên 600 triệu đồng.
Địa điểm đầu tiên đoàn đến là Nghệ An quê Bác. Tại đây, đoàn đã trao
tặng hơn 1000 suất quà gồm mỳ ăn liền, tiền mặt, bí đỏ, gạo, bánh, quần
áo… cho người dân các thôn Yên Thọ, Yên Phong Đông, Trung Hòa …cùng
chính quyền xã Hưng Thịnh huyện Hưng Nguyên với tổng giá trị 130 triệu
đồng.
Ông Dương Văn Hướng chủ tịch xã thay mặt cho người dân cảm ơn những gì mà đoàn đã chia sẻ cho bà con sau cơn hoạn nạn.
Tỉnh Hà Tĩnh là tỉnh có mức độ thiệt hại nặng nề nhất sau hai cơn bão,
đặc biệt là cơn bão số 5 nên đoàn đã trao tặng nhiều phần quà cho bà con
các xã Liên Minh, Đức Châu huyện Đức Thọ, xã Trung Lương, Thuận Lộc thị
xã Hồng Lĩnh, xã Sơn Bằng huyện Hương Sơn, xã Đức Liên huyện Vũ Quang
….trên 2300 suất quà với tổng số tiền gần 300 triệu đồng.
Tại xã Liên Minh thuộc huyện Đức Thọ đoàn đã đến thăm hỏi và tặng 5
suất quà cho các hộ gia đình ông Nguyễn Ngôn, ông Đậu Quang Vinh, ông
Trần Tiến Đoàn … bị sập nhà trong hai đợt lũ vừa qua; 4 hộ 1 triệu đồng
và 1 hộ 5 trăm ngàn đồng tiền mặt.
Mặc dù, đường đi vào xã Đức Liên gặp nhiều khó khăn do sạt lở tại địa
điểm cầu Hói 2, nhưng đoàn vẫn có mặt đúng giờ để trao những phần quà
ấm áp nghĩa tình đến tận tay bà con nơi đây giữa màn mưa lạnh.
Tại thôn Bình Quang, xã Đức Liên Sư thầy Đàm Chung thay mặt đoàn đã
đến thăm hỏi và tặng 1 triệu đồng tiền mặt cho hộ gia đình anh Nguyễn
Văn Cung chị Lê Thị Huệ bị sập nhà trong cơn lũ vừa qua.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch mặt trận ủy ban nhân dân xã Đức Liên
huyện Vũ Quang tỏ ra vô cùng xúc động trước sự chia sẻ của Tăng – Ni
Phật tử thủ đô. Với mong muốn sớm khắc phục hậu quả sau trận lũ lịch sử
vừa qua; Ông hy vọng người dân xã Đức Liên sẽ nhận được nhiều sự quan
tâm giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần của mọi tổ chức từ thiện xã
hội khác trên cả nước.
Định luật vô thường biến hoại không chỉ in đậm dấu ấn tang thương cho
người dân Hà Tĩnh; trong khi người dân quê tỉnh Quảng Bình đang cố gắng
vắt kiệt sức lực của mình để khắc phục hậu quả do cơn bão số 4 để lại
thì thêm một lần nữa họ lại phải gồng mình lên để hứng chịu sự nổi giận
đến cuồng nộ của thủy thần qua cơn bão số 5.
Khi đến làm việc tại xã Phù Hóa huyện Quảng Trạch chúng tôi đã không
khỏi xót xa đến đắng lòng khi nhìn thấy sự nghèo nàn tại trụ sở tiếp dân
của Uỷ ban xã chỉ là bộ bàn ghế tềnh toàng từ những năm… 30 của thế kỷ
trước, còn nền nhà thì vẫn ướt nhép bùn đất.
Sau khi phát quà cho bà con vùng rốn lũ xã Phù Hóa, đoàn đã đến thăm
trường mầm non của xã và trao tặng cho bà Trần Thị Lợi hiệu trưởng của
trường số tiền 10 triệu đồng và hơn 400 thùng mỳ ăn liền, bánh kẹo cho
các em.
Khi được biết, trong cơn lũ số 4 vừa qua đoàn đã nhờ các đoàn viên
thuộc Liên hiệp thanh niên tỉnh Quảng Bình kịp thời cứu trợ 1700 thùng
mỳ cùng gạo, quần áo, bánh kẹo…cho bà con vùng lũ, Ông Trần Đức Liên chủ
tịch xã Phù Hóa đã chân thành bày tỏ niềm xúc động, biết ơn tới đoàn và
tự tay mình đứng phát trên 500 suất quà cho bà con.
Vẫn biết, sự khổ đau mãi mãi không bao giờ ngừng nghỉ và buông tha cho
mọi kiếp người nhất là những người dân quê nghèo thiếu vốn làm ăn.
Người giàu thì khổ tâm, khỏe thân nhưng người nghèo thì cả thân và
tâm đều khổ. Khổ vì phải chống chọi với thiên tai khắc nghiệt nơi mình
đang ở đã đành, lại còn phải khổ vì cảnh tha phương cầu thực,cảnh “đói
thông tin, nghèo kiến thức”…
Cứ nghĩ đến cảnh người dân hồ hởi ướm thử những bộ quần, áo mà đoàn cấp
phát lên người, cảnh các bà, các mẹ, các chị ánh mắt sáng ngời túm năm,
tụm ba hỷ hả tính toán rằng; sau khi ăn hết những trái bí đỏ này thì hạt
của nó sẽ được phơi khô để làm giống gieo trồng cho vụ sau…hay cảnh
những chiếc xe đạp cà tàng chở trên mình nó vóc dáng tong teo, khô gầy
của người phụ nữ quê nghèo với những món quà vừa được trao tặng; lầm lũi
đi trên con đường làng đầy bụi là người viết lại thấy cay xè nơi …khóe
mắt.
Khi xưa, Thái Tử Tất Đạt Đa luôn trầm tư giữa cuộc đời vương giả: “Làm sao cho con mạnh mãi không đau, làm sao cho con sống hoài không chết, làm sao cho mọi người hết khổ…”
thì ngày nay, những người con trai lành, gái lành của Đức Thế Tôn lại
tiếp tục sứ mạng xoa dịu nỗi đau khổ đến chất chồng của của chúng sinh
nơi cõi Ta Bà đầy hệ lụy.