Hơn bảy trăm năm qua, Yên Tử nổi danh là nơi phúc
địa, gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp phi thường của đức hoàng đế anh
hùng Trần Nhân Tông (thế kỷ 13). Tục xưa truyền rằng, sau khi chiến
thắng giặc Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con trai
mình là Trần Anh Tông rồi tìm đến cõi phật, về tu tại Yên Sơn và sáng
lập ra thiền phái Trúc Lâm, xây dựng nơi đây trở thành trung tâm văn
hoá, kinh đô phật giáo của nước Đại Việt.
Cách thị xã Quảng Ninh chừng 16km, đoàn chúng tôi
xuôi theo phía Tây Bắc của huyện Uông Bí đến với Yên Tử. Dưới chân núi
là suối Giải Oan (Vua Nhân Tông có rất nhiều cung tần mỹ nữ, nhưng ngài
muốn quy tu. Các nàng khuyên vua trở về cung gấm, nhưng không được nên
họ đã lao mình xuống suối tự vẫn. Vua Nhân Tông thương cảm, nên lập một
ngôi chùa siêu độ), uốn lượn, nước trong vắt chảy róc rách qua những
viên đá cuội và sỏi trắng đã nhẵn theo thời gian.
Men theo suối Giải Oan tới thác Long Khê (Khe
Rồng), nước từ trên núi cao đổ xuống âm ầm, trắng xoá như những hạt lưu
ly, bụi nước mờ mờ như sương làm đắm lòng du khách. Vòng ra phía trái
chùa, theo những bậc đá quanh co ven sườn núi, bên lối đi là hai hàng
tùng cổ thụ vươn cao khoẻ khoắn, rễ cây bám chặt vào vách núi, tán lá
mềm mại xanh thẫm toả rộng như những chiếc lọng khổng lồ. Những cây mai,
khóm trúc lao xao xua hết nỗi mệt nhọc trên đường dốc cheo leo.
Qua Hòn Ngọc 100m là khu Tổ, tức Huệ Quang Kim Tháp
thờ Trần Nhân Tông. Tháp có 6 tầng, cao hơn 10m làm bằng đá. Chính giữa
khu Tháp là lăng Quy Đức, nơi đặt mộ vua Trần Nhân Tông, ở giữa lăng nổi
lên một ngọn tháp lớn, bốn mặt có tường vây. Đấy chính là tháp Tổ thứ
nhất phái Thiền Lâm. Tầng thứ hai của tháp đặt tượng thờ Trần Nhân Tông
cao 65cm, được làm bằng đá cẩm thạch, chạm trổ rồng, vẻ mặt thanh thản.
Đây là một khu di tích thời Trần hầu như nguyên vẹn. Đi đến đâu, chúng
tôi cũng gặp những đoàn người từ trên chùa Đồng đi xuống, miệng thành
tâm A di đà phật…
Đêm buông xuống, đoàn chúng tôi nghỉ chân ở chùa
Hoa Yên. Không gian ở chùa thật kỳ ảo, mênh mông, văng vẳng bên tai là
tiếng suối róc rách, tiếng trúc rì rào, tiếng tắc kè lẩn khuất kêu thảng
thốt. Ai cũng muốn hít thở thật sâu để chìm đắm vào hương thơm quyến rũ
của hoa phong lan, hoa mộc miên, hoa dẻ… Bữa tối có món măng rừng xào
thịt bò thơm nức, thêm chút cay cay của men rượu nồng nàn ấm lòng người.
Sáng tỉnh dậy vươn vai sảng khoái giữa một màu sương
trắng xoá cả một vùng thiêng liêng kỳ bí, cảm giác nửa thực, nửa hư như
được bồng bềnh giữachốn bồng lai tiên cảnh.
Chúng tôi kết thúc cuộc hành trình khi đã tới chùa
Đồng, đỉnh Yên Tử và thắp nén nhang thành tâm khấn phật. Từ độ cao 1068m
so với mặt nước biển, có thể bao quát cả vùng Đông Bắc rộng lớn với
những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long, xa xa là dòng sông Bạch
Đằng cuộn sóng. Lúc này, mới cảm nhận hết được ngòi bút tài tình của đại
văn hào Nguyễn Trãi vịnh về Yên Tử: “Trên non Yên Tử
chòm cao nhất/ Trời mới canh năm đã sáng tinh/ Vũ trụ mắt đưa ngoài biển
cả/Nói cười, người ở mây xanh/ Muôn hàng giáo ngọc tre gài cửa/Bao rải
tua châu đá rủ mành…”.
Theo: afamily