Người lang thang đón Tết
Người lang thang đầu tiên PV GĐ&XH gặp
trên đường Thanh Niên (Hà Nội) là ông Duy Biều (57 tuổi), quê ở huyện
Tiên Du (Bắc Ninh). Ông Biều đã có thâm niên 20 năm nhặt rác quanh khu
vực quận Tây Hồ. Công việc của ông thường bắt đầu lúc 17h và kết thúc
lúc 0h30 sáng dọc phố Yên Phụ, Hàng Bún, Hàng Than, An Dương, Nghĩa
Dũng. Đêm Giao thừa năm nay, ông Biểu làm đến 2h sáng. Nhắc đến vợ con,
ông chỉ bùi ngùi: "Có tiền đâu mà về, mà trông bộ dạng tôi thế này có
lên xe người ta cũng đuổi xuống".
Quê ở tận Mù Căng Chải (Yên Bái), Nguyễn Văn
Long (SN 1985) ra Hà Nội vừa kiếm việc làm vừa chữa bệnh. Những ngày
giáp Tết, không có tiền về quê, Long lang thang khắp phố phường rồi tìm
đến nương nhờ nơi cửa Phật vào đêm giao thừa. Long buồn rầu tâm sự:
"Tết của người ta chứ mình làm gì có Tết. Chỉ mong Tết qua mau để kiếm
việc làm còn có tiền tiếp tục chữa bệnh".
|
Nguyễn Văn Long chỉ mong Tết qua nhanh để còn kiếm tiền chữa bệnh. |
Tại cổng nhà tang lễ Bệnh viện Xanh -Pôn (Hà
Nội) chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Định, 78 tuổi, đón giao thừa một mình
với manh chiếu rách che tạm giá rét.
Ông Định sống không nhà đã ngót nghét 10 năm
nay và chỉ bám trụ ở khu vực này. Công việc của ông Định là di chuyển
người chết trong nhà tang lễ. Tết với ông Định chẳng có nghĩa lý gì vì
cuộc sống và công việc hàng ngày của ông cũng không có gì thay đổi. Ông
Định cũng không nhớ được đây là năm thứ mấy mình đón giao thừa như thế
này.
|
Sư thầy Đàm Lan chuẩn bị cho em bé bị bỏ rơi lần đầu đón Tết tại chùa. Ảnh: T.G |
Đầm ấm nơi cửa chùa
Khác hẳn với những người lang thang đón Tết
ngoài đường phố, nhiều trẻ em lang thang đã được các nhà sư chùa Bồ Đề
(quận Long Biên, Hà Nội) đón về ăn Tết trong không khí đầm ấm. Cậu bé
Quảng Dương, 9 tuổi, là một trong 96 em mồ côi, cơ nhỡ được trụ trì
chùa nhận về nuôi dưỡng cho biết đã trải qua nhiều cái Tết ấm cúng ở
chùa Bồ Đề, thế nhưng lúc nào em cũng mong có một mái ấm có đầy đủ ba,
mẹ. Quảng Dương hồn nhiên nói: "Tết ở chùa rất vui vì chúng con được
các anh chị sinh viên, các cô dẫn đi chơi. Con rất nhớ ba mẹ nhưng ba
mẹ con mất rồi. Con chỉ còn ông bà ngoại. Con cũng muốn về Tết với ông
bà ngoại nhưng ở lại chùa ăn Tết cũng rất vui".
Cũng như Dương, nhiều em nhỏ ở đây cũng háo hức
trong không khí đầu năm mới. Mỗi em là một mảnh đời bất hạnh. Em thì
được đón về từ ngoài chợ, trước cổng chùa hoặc từ bệnh viện, sau khi mẹ
đẻ xong và bỏ đi. Nhiều em khác nhà quá nghèo không đủ khả năng nuôi
dưỡng đành gửi em vào nương tựa cửa Phật. Tết năm nay có đến 80% số trẻ
sống ở chùa Bồ Đề ở lại ăn Tết.
Để vơi đi nỗi trống vắng trong lòng các em,
vào những ngày Tết, sư thầy chùa Bồ Đề đã giúp các em cảm nhận được
không khí của một gia đình bằng việc đưa các em đi siêu thị mua sắm
quần áo mới. Sau đó tổ chức gói bánh chưng, sắp xếp lại không gian vui
chơi cho các em trong ngày Tết, mua sắm các loại bánh kẹo và nấu cho
các em những món ăn truyền thống, mừng tuổi, chúc phúc... Sư thầy Đàm
Lan kể: "Ngoài số tiền thiện nguyện của các nhà hảo tâm hỗ trợ cho các
con, nhà chùa còn chi thêm tiền để mua sắm các đồ dùng cần thiết để các
em có được cái Tết đầm ấm nhất. Chùa đã tổ chức các chương trình văn
nghệ, các hoạt động cho các cháu trong đêm giao thừa. Các gia đình phật
tử cũng tình nguyện lên chùa phục vụ và chăm lo cho các trẻ trong những
ngày Tết để trẻ cảm thấy mình đang sống trong một gia đình thật sự. Đêm
giao thừa, nhiều em nhất quyết không chịu đi ngủ mà cùng các sư thầy
đón giao thừa, nghe Chủ tịch nước chúc Tết và nhận mừng tuổi".
|
Đón Tết trong chùa. |
|
Nhiều em bé bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề được đón Tết đầm ấm trong vòng tay của người hành hương. |
Hiện tại, chùa Bồ Đề đang nuôi dưỡng 96 em
nhỏ. Ngày sinh nhật trong giấy khai sinh các em không phải là ngày chào
đời mà là ngày các em chính thức được chùa nhận nuôi. Tất cả các em đã
vào đây đều được sư thầy Đàm Lan đặt cho những cái tên đẹp và mang họ
nhà Phật như Quảng Dương, Quảng Đức, Quảng Thắng... Con gái thì được
đặt họ Kiều như Kiều Vân Anh, Kiều Mỹ Uyên, Kiều Yến Nhi... Tết năm
nay, chùa có thêm 20 thành viên mới. Đó là 20 trẻ sơ sinh vừa được chùa
nhận về trong năm. Em nhỏ nhất khi chùa nhận về mới 2 ngày tuổi, lớn
nhất là hơn 1 tuổi, trong đó có 4 em bị nhiễm HIV.