Phật giáo trong nước
Thiêng liêng Đại lễ cầu siêu trên quần đảo Trường Sa
10/06/2010 02:33 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Diễn ra trong những ngày đầu tháng 6, các Đại lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn lần đầu tiên tổ chức tại 3 ngôi chùa lớn trên quần đảo Trường Sa thu hút sự tham gia của hàng trăm Tăng Ni, Phật tử ở ba miền đất nước.

Ba Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân và đồng bào tử nạn trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa diễn ra tại 3 ngôi chùa lớn ở đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn và Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, do T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Quân chủng Hải Quân (Bộ Quốc phòng), Doanh nghiệp Xuân Trường (tỉnh Ninh Bình) và Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hoà tổ chức trong 3 ngày 2, 3 và 5-6-2010.
 
Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn trên quần đảo Trường Sa

Ngoài các chư vị Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, Tăng Ni, Phật tử đến từ khắp mọi miền Bắc - Trung, Nam và nhân dân huyện đảo, tham dự Đại lễ cầu siêu còn có lãnh đạo Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam, đại diện các cơ quan ban ngành đoàn thể, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Các Đại lễ cầu siêu được tiến hành trang nghiêm theo nghi lễ Phật giáo cấp quốc gia, gồm các lễ: cáo Giang sơn (cáo Thần linh); lễ Bạch Phật khai kinh, lễ Bạt vớt trầm luân (lễ Bắc cầu); lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân, đồng bào tử nạn và chẩn tế âm linh cô hồn… diễn ra trong suốt 15 tiếng đồng hồ liên tục, dưới sự chứng minh của Hoà thượng Thích Thanh Đàm, Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thượng toạ sám chủ Thích Giác Nghĩa, Phó ban Nghi lễ PG tỉnh Khánh Hoà.
 
Thượng tọa Thích Giác Nghĩa (Phó ban Nghi lễ Phật giáo tỉnh Khánh Hoà, Sám chủ các Đại lễ cầu siêu) cho biết: “Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn tại quần đảo Trường Sa là một việc làm hết sức ý nghĩa, là lễ tri ân. Trong Phật giáo, Đức Phật đã dạy có bốn ân: ân quốc gia thuỷ thổ, ân cha mẹ, ân thầy tổ và ân những người đã giúp đỡ và tác thành cho mình. Vì vậy, các Đại lễ cầu siêu này đã mang lại những ý nghĩa lớn cho người sống và người đã mất”.
 
“Trên thực tế, trong nhiều năm qua chưa có lễ cầu siêu chính thức nào được tổ chức trên vùng biển đảo Trường Sa của chúng ta, vì vậy những Đại lễ này được thực hiện thành công sẽ giúp các anh hùng liệt sĩ được siêu thoát nhẹ nhàng, đồng thời cũng bù đắp phần nào những mất mát to lớn của thân nhân gia đình các liệt sĩ” - Thượng tọa Thích Giác Nghĩa chia sẻ.
 
Các Đại lễ cầu siêu diễn ra trong 15 tiếng liên tục ở 3 ngôi chùa lớn trên quần đảo Trường Sa
 
Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn tại quần đảo Trường Sa nằm trong khuôn khổ chuyến công tác thứ 10 của năm 2010 do Quân chủng Hải Quân, Bộ Quốc phòng tổ chức từ ngày 31-5 - 8-6-2010.
  
Dự kiến sau Đại lễ cầu siêu này, tại các ngôi chùa trên sẽ diễn ra nhiều hoạt động lễ hội, đáp ứng nhu cầu tâm linh, sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và bảo vệ chủ quyền dân tộc trên quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam.
 
Dưới đây là những hình ảnh tri ân trong các đại lễ cầu siêu:
 
 
 
 
Hoà thượng Thích Thanh Đàm chứng minh các Đại lễ
 
Hàng trăm Tăng Ni, Phật tử và nhân dân huyện đảo tham gia Đại lễ cầu siêu
  
 
 
 
 
 
Các Đại lễ được tổ chức trang nghiêm theo nghi thức Phật giáo cấp quốc gia
 

Các Đại lễ đã diễn ra thành công tốt đẹp!
 
Nhân dân trên huyện đảo tham dự Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn trên quần đảo Trường Sa

Như Quỳnh (Dân Trí)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch