Cụm di tích đình, chùa làng Giá còn có
tên gọi là đình, chùa Cổ Giả (古者寺) cổ
nghĩa là xưa, giả nhân xưng là người chỉ Đức Phật, tự là chùa, ba chữ ghép lại
thành chùa Của Phật xưa, gọi gọn lại là chùa Cổ Giả , thuộc làng Giá, xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
Làng Giá dưới triều Nguyễn thuộc xã Gia Đức, tổng Dưỡng Động, huyện Thủy Đường
(tên gọi cũ của Thủy Nguyên), phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Năm 1901, đất Dưỡng
Động được cắt về huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên (thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh
ngày nay); đến cuối năm 1947 được trả lại về huyện Thủy Nguyên.Tổng Dưỡng Động
xưa gồm 3 xã Dưỡng Động, Tràng Kênh, Gia Đức (tên cổ là Gia Đước), tương ứng
với địa bàn các xã Gia Đức, Gia Minh, Minh Tân và thị trấn Minh Đức ngày nay.
Mảnh đất Gia Đước có sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, vừa có sông (với các
sông Bạch Đằng, sông Liễu, sông Thải bao bọc), vừa có núi, xen kẽ là những dải
đồng bằng.
Ngôi Tam Bảo Chùa Cổ Giả
Dưới con mắt người xưa, vùng đất này được hun đúc nên bởi khí thiêng
sông núi. Theo truyền ngôn địa phương, vua Mạc xưa vốn chọn nơi đây làm đất
định đô, nhưng sau lại quyết định chọn về đất Cổ Trai, Kiến Thụy - quê hương
của Mạc Đăng Dung (Mạc Thái Tổ) để xây dựng kinh đô vương triều.Trong khoảng
thế kỷ thứ XV đến thế kỷ thứ XVII, Gia Đước từng là trung tâm buôn bán đô hội
một thời của đất Thủy Đường, quanh năm tấp nập cảnh “trên bến, dưới thuyền” thu
hút được nhiều thương nhân đến làm ăn, trong đó có nhiều thương nhân Trung
Quốc. Đến nay nhân dân địa phương vẫn còn lưu truyền câu ca “Gia Đước có ba
chợ, bảy phố khách”; trong đó, “ba chợ” là các chợ Sưa (Thưa), chợ Đồn, chợ Đá
– Bia; “bảy phố khách” là những phố buôn bán của người Trung Hoa. Sự sầm uất,
nhộn nhịp một thủa đến nay chỉ còn được lưu lại ở một số phế tích kiến trúc cổ,
nằm rải rác xen lẫn trong những xóm làng, đồng ruộng.
Nhà thờ Tổ
Đặc biệt, các nhà khảo cổ
thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng Hải Phòng đã thu thập nhiều mảnh
gốm sứ các loại có niên đại từ thời Trần, thời Lê Mạc được trên nền các ngôi
chợ cổ nơi đây.Thế kỷ XIII, nhân dân Gia Đức đã tích cực đóng góp sức người,
sức của cho chiến thắng chống quân Mông Nguyên lần thứ III vào năm 1288. Bên
cạnh đó, nhờ vào hệ thống các dãy núi đá vôi với nhiều hang, động, trong thời
kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây từng được sử dụng làm
chỗ cất giấu vũ khí, xăng dầu của quốc phòng, đồng thời là hội họp của cán bộ,
nơi tránh nạn của nhân dân trong thời kỳ hoạt động kháng chiến.Là một ngôi làng
cổ, nơi đây còn bảo lưu nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị. Thủa trước
làng Giá có 01 ngôi đình, 02 ngôi chùa là Cổ Giả tự và Hưởng Ưng tự; 05 ngôi
miếu (đền) lớn, nhỏ. Tuy nhiên, cùng với những biến động, thăng trầm của lịch
sử, đến nay chỉ còn lưu giữ được ngôi đình làng, ngôi chùa Cổ Giả và 02 ngôi
miếu (đền) thờ các vị chúa mẫu.Đình, chùa làng Giá nằm dưới chân núi Chùa, là
một hợp thể kiến trúc tương đối cổ kính.
Nhà mẫu nhỏ giản dị chân quê
Trong núi Chùa có hang Luồn bốn mùa
gió mát, trong hang có ban thờ công chúa nhà Trần, tương truyền đã có công
chống giặc ngoại xâm. Hang Luồn cùng một số hang khác xuyên sâu vào trong lòng
núi, đồng thời có các cửa thông khí và cửa thoát ra khỏi núi. Chính từ vị trí
và điều kiện đặc biệt này, trong giai đoạn 9 năm kháng chiến chống thực dân
Pháp, đình, chùa, hang động núi Chùa làng Giá từng là địa điểm hội họp, hoạt
động tập kết của lực lượng kháng chiến địa phương và vùng Dưỡng Động: là địa
điểm hội họp, tập luyện chiến đấu của Đội du kích trừ gian, diệt tề của làng;
địa điểm sinh hoạt bí mật của tổ Đảng Cộng sản Việt Nam của hai xóm thuộc làng
Giá; là nơi diễn ra các cuộc hội họp của lực lượng kháng chiến xã và huyện (các
cuộc hội họp này đều được Đội du kích làng Giá tổ chức canh gác và bảo vệ an
toàn).
Nơi đây cũng còn được sử dụng làm chỗ cất giấu lương thực, vũ khí của
lực lượng kháng chiến trong vùng, để từ đây tiếp tục chuyển về khu vực Cửa
Ngăn, Nam Mẫu thuộc tỉnh Quảng Yên cho lực lượng vũ trang chủ lực của ta. Bên
cạnh đó, từ đình, chùa làng Giá, Đội du kích của địa phương đã tổ chức xuất
phát đánh địch tại đồn Tràng Kênh (thị trấn Minh Đức) ba lần; đánh đồn bảo vệ kho
xăng của địch ở Lưu Kiếm, đánh phá cầu Đá Bạc.Trong công cuộc kháng chiến chống
Mỹ cứu nước, đặc biệt trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, từ năm 1970,
đình, chùa làng Giá là địa điểm đóng quân của một đơn vị Hải quân Nhân dân Việt
Nam; đơn vị Hải quân đã sử dụng hang Luồn, hang Chùa để chứa vũ khí, khí tài,
quân dụng, xăng dầu… phục vụ cho việc luyện tập đánh Mỹ ở miền Bắc và phục vụ
cho việc chiến đấu đánh Mỹ trong chiến trường miền Nam.
Hang linh thiêng xưa là nơi cất giữ vũ khí chống giặc nay là nơi thờ Phật từ bi cứu độ chúng sinh
Cùng với truyền thống
yêu nước, tinh thần quả cảm sẵn sàng chiến đấu và hy sinh cho sự nghiệp giải
phóng dân tộc, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, làng Giá (xã Gia Đức) đã
có ba liệt sỹ, 12 người tham gia kháng chiến bị bắt tù đầy được Nhà nước tặng thưởng
nhiều huân, huy chương các loại. Đến thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhân
dân làng Giá đã có 30 liệt sỹ, 18 thương binh, một quân nhân bị địch bắt tù
đầy; đã được Nhà nước tặng thưởng hàng trăm Huân, Huy chương và Bằng khen các
loại.Bên cạnh những giá trị về lịch sử, ngôi đình, chùa, làng Giá cũng hàm chứa
nhiều giá trị về văn hóa, kiến trúc. Tuy ngôi đình làng cũ hiện đã không còn do
những thăng trầm của lịch sử và sự khắc nghiệt của thời tiết; kiến trúc ngôi
đình hiện nay là do nhân dân địa phương đã hưng công, phục dựng lại. Đây là
công trình có sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc cổ với vật liệu kiến trúc
hiện đại; được thể hiện ở bố cục kiểu chữ “Đinh” truyền thống gồm ba gian tiền
tế, hai gian hậu cung với hệ thống khung chịu lực bằng bê tông, vỉ ruồi xây
gạch bưng kín, mái lợp ngói tây, mặt tiền không xây và không làm cửa. Đặc biệt
hệ thống bậc thềm trước hiên đình là những tấm đá nguyên khối có kích thước
lớn, đây chính là những tấm đá của ngôi đình cổ còn được bảo lưu, truyền lại.
Đình làng Giá thờ hai vị Thành hoàng là Phổ Minh vương tôn thần và Đặng nguyên
soái tôn thần (thần có tên húy là Ngô Văn Đặng). Tại đình còn lưu giữ được 01
đạo sắc có niên đại Duy Tân năm thứ 3 (1909) chuẩn cho địa phương xã Gia Đức,
huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên phụng thờ Phổ Minh chi thần.Chùa làng Giá được
xây dựng hướng về phía Tây theo hướng bát nhã của nhà Phật, hướng truyền thống
của các ngôi chùa Việt. Chùa cũng có bố cục theo kiều chữ “Đinh”, gồm ba gian
tiền điện và một gian hậu cung theo thức “Đầu hồi bít đốc”, “Trụ đấu”. Phật
điện của ngôi chùa không lớn những đã bài trí khá đầy đủ hệ thống tượng pháp
theo trường phái Đại thừa của Phật giáo, trong số đó có một số tượng thờ được
tạo tác thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Đặc biệt tại chùa còn lưu giữ tấm bia
“Trùng tu Cổ Giả tự”, có niên hiệu “Bảo Thái nhị niên” (năm 1721) với nét chữ
được chạm khắc sâu cùng nhiều đường nét hoa văn trang trí trên nền gấm đã thể
hiện rõ nét tài hòa của những nghệ nhân xưa.
Bên cạnh đó, còn cây Thạch thiên
đài trụ được chế tác từ nguyên liệu đá xanh, có niên hiệu Chính Hòa cửu niên
(năm 1688); điều này đã minh chứng cho lịch sử lâu đời của ngôi chùa, qua đó có
thể khẳng định chùa Cổ Giả có niên đại muộn nhất vào thế kỷ thứ XVII. Hàng năm,
nhân dân làng Giá mở hội vào ngày 10/01 âm lịch, đây cũng là Lễ Thượng nguyên
của chùa Giả Cổ. Trong ngày hội, bên cạnh các nghi thức tế lễ chính, phần hội
có các trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, thi đá cầu mây, thi hát
đối…Từ những giá trị về lịch sử, văn hóa, đình, chùa làng Giá đã được Ủy ban
nhan dân thành phố công nhận là Di tích Lịch sử Kháng chiến theo Quyết định số
1349/QĐ-UBND ngày 10/8/2010.
Chùa Cổ Giả có từ lâu đời theo lịch sử
trên đã ghi, vào năm 2010 nhân dân đã cúng chùa cho sư thày chùa Hàm Long trị
trấn Núi Đèo huyện Thủy Nguyên, do sư thày phải trông nom chùa Hàm Long sư thày
cử đệ tử tên Tỷ khiêu ni Thích Diệu Linh cùng xã Gia Đức về trông nom hương
khói, sớm hôm nguyện cầu quốc thái dân an. Sư cô Thích Diệu Linh nói: “ …cầu Phật gia hộ, nhân dân Phật tử gần xa
quan tâm giúp đỡ để nhà chùa sớm có kinh phí tu bổ để khuôn viên tâm linh chùa
sớm một tố hảo trang nghiêm, trụ trì chuyên tâm tu học nghiên cứu chuyên sâu
vào Phật pháp để hoằng pháp lợi sinh, ngõ hầu góp phần nhỏ đạo Pháp hưng long,
thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc…”.
Sư cô Thích Diệu Linh chùa Cổ Giả thứ 2 từ phải sang
Người xưa có câu: “ có phúc có phần, làm chùa tô tượng đúc chuông, trong ba việc ấy thập
phương nên làm,..chùa là bùa làng, chùa là mộ tổ của làng…”, việc làm phúc
là cần phải làm, quan trọng hơn là ngôi chùa luôn phải có sư. Sư đại diện cho
ngôi báo thứ 3 là Tăng bảo. Vì ngôi chùa hoàn hảo phải có 3 ngôi báu: Phật-
pháp- Tăng bảo. Vì thiếu 1 trong 3 ngôi đó không gọi là ngôi chùa hoàn hảo.
Theo
anh Hưng bí thư đoàn thanh niên thôn chùa Cổ Giả thường quan tâm huy động thanh
niên làng chấp tác cho chùa nhắn với khách hành hương rằng: “Vâng ! Đình chùa là nơi linh thiêng thờ cúng
Thành Hoàng làng và các bậc tổ sư- tiên tiền bối có công khai phá và phát triển
làng . Mặc dù dân làng kinh tế còn nghèo nàn nhưng trách nhiệm của những người
thanh niên là phải biết giữ gìn và phát huy tinh thần bản sắc văn hoá . Đó cũng
coi như là lòng tôn kính và cảm ơn mà thanh niên luôn dành cho tổ tiên của mình
, dù không nhiều nhưng cũng hy vọng sẽ
đóng góp 1 phần nhỏ để duy trì và phát triển nền văn hoá của dân tộc . Thầy cứ
yên tâm
!” . Đây là lời tâm huyết yêu
dân, mến chùa của một người đại diện như bao người dân nơi làng chùa Cổ Giả.
Nguyện cầu tam Bảo thường gia hộ ngôi
chùa sớm được tu bổ ngày một khang trang ý nghĩa hộ quốc an dân như thủa nào.