Phật giáo trong nước
HT.Danh Nhưỡng nói về PG Nam tông Khmer
Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer phát triển trong lòng Giáo hội
14/09/2014 11:43 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

    Nhân Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông (PGNT) Khmer lần thứ VI - 2014 sắp diễn ra tại TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang vào các ngày 13 và 14-9, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với HT.Danh Nhưỡng, Phó Pháp chủ HĐCM, Viện trưởng Học viện PGNT Khmer, Giáo phẩm Hệ phái PGNT Khmer về nội dung hội nghị lần này.

    Hòa thượng cho biết, nội dung chính của hội nghị lần này là nhằm tổng kết 7 nhóm nội dung chỉ đạo của Ban Tôn giáo Chính phủ (từ 2004-2014), đánh giá lại những công tác thực hiện được và chưa được do nhiều nguyên nhân khách quan; trên cơ sở đó Giáo hội sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện khắc phục. 

   Trong 10 năm qua, PGNT Khmer được sự hỗ trợ của Giáo hội PGVN và Ban Tôn giáo Chính phủ sinh hoạt hài hòa trong lòng Giáo hội; xin Hòa thượng đánh giá sự chuyển biến, phát triển của PGNT Khmer sau thời điểm này?

   - Sau 10 năm được sự hỗ trợ của Giáo hội, Ban Tôn giáo Chính phủ, Hệ phái PGNT Khmer đã phát triển trên nhiều lĩnh vực. Nhiệm kỳ đầu thành lập Giáo hội, PGNT Khmer chỉ có 2 thành viên HĐCM, tính đến nay trải qua 7 nhiệm kỳ, trong HĐCM GHPGVN hiện nay đã có 15 vị, HĐTS có 32 vị, trong 13 ban, viện T.Ư cũng đều có chư Tăng PGNT Khmer tham gia. Về mặt nhân sự có sự phát triển về số lượng, có trình độ và trẻ hóa. Chính vì vậy, chư tôn giáo phẩm và các vị Tăng trẻ của Hệ phái PGNT Khmer có cơ hội và điều kiện đóng góp tích cực trong sinh hoạt chung của ngôi nhà GHPGVN.

   Hệ phái PGNT Khmer đã tổ chức được một hội thảo lần đầu tiên tại Kiên Giang với quy mô quốc gia và 4 vị sư liệt sĩ của hệ phái cũng được truy phong là giáo phẩm của Giáo hội. Đây là nét mới mà trước đây chưa hề có.

   Về mặt giáo dục, Hệ phái thành lập được Học viện PGNT Khmer tại TP.Cần Thơ, kết hợp với GHPGVN các tỉnh, thành tổ chức các khóa bồi dưỡng trụ trì. Các trường TCPH được phát triển đồng bộ; trường sơ cấp Phật học Pali, Vini với nhiều Tăng sĩ năng động, có trình độ truyền đạt cho các vị Tăng trẻ.

  Chùa chiền Khmer là trung tâm lưu giữ và phổ biến văn hóa, từ ngày Giáo hội kết hợp Ban Tôn giáo Chính phủ hỗ trợ, hầu như ở các tỉnh, thành đều có tổ chức trại đua ghe ngo trong các dịp lễ hội để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài ra, hầu như mỗi tỉnh, thành có đồng bào Khmer đều có một lò hỏa táng…

Bên cạnh đó, Hệ phái PGNT Khmer đã phát huy được tính biệt truyền và đoàn kết với các hệ phái PG trong lòng Giáo hội, thể hiện sự trang nghiêm, vừa phát triển phù hợp với xu thế hiện nay.

   Bạch Hòa thượng, Hệ phái PGNT Khmer sẽ phát triển như thế nào để tiếp tục phát huy thế mạnh và hội nhập trong lòng Giáo hội trong xu thế hiện nay?

   - Trong xu thế hội nhập, quan điểm của chúng tôi là cần thay đổi tư duy của mình, ví dụ ở Học viện PGNT Khmer, Tăng sinh không chỉ học kinh điển Khmer mà còn phải học kinh điển của các hệ phái PG khác, của các tôn giáo bạn. Như vậy, chúng ta mới có điều kiện mở rộng được kiến thức. Bên cạnh đó, giáo dục bằng tiếng Khmer thôi chưa đủ; còn phải tăng cường thời lượng học tiếng phổ thông (Kinh), học thêm tiếng quốc tế thông dụng (tiếng Anh, Thái) để truyền đạt lời Phật dạy đến tất cả mọi người, giao lưu với quốc tế và thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân. Hệ phái PGNT Khmer cần đầu tư nhiều về mặt nhân sự có đức có tài, bồi dưỡng đạo hạnh chư Tăng, như vậy mới trang nghiêm Giáo hội. Điều chúng tôi mong mỏi hiện nay là các văn bằng trong Học viện PGNT Khmer cần được công nhận có giá trị tương ứng với các bằng cấp ở các trường đại học của xã hội để chư Tăng Khmer có cơ hội hội nhập, làm tốt được nhiều công việc để phụng sự cho đạo pháp và xã hội.

  Xin chân thành cảm ơn Hòa thượng!


H.Diệu thực hiện
nguon: GNO

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch