Nếu có ba tánh, tại sao đức Thế Tôn nói: Hết
thảy pháp đều không tự tánh?"
Tụng rằng:
Chính nương ba tánh này,
Lập ba không tánh kia.
Nên Phật "mật ý" nói:
Hết thảy pháp không tánh"
Trước là tướng không tánh,
Kế, không tự nhiên tánh.
Sau, do lìa tánh trước,
Là tánh chấp ngã pháp.
Ðây thắng nghĩa các pháp,
Cũng tức là chơn như.
Vì thường như tánh nó,
Tức thực tánh Duy thức.
Luận rằng: Chính nương nơi ba tánh trước đây
mà lập ra ba không tánh sau này, đó là Tướng không tánh, Sanh không tánh, Thắng
nghĩa không tánh. Cho nên Phật "mật ý" nói "hết thảy pháp đều
không có tự tánh", chứ chẳng phải nói "tánh" hoàn toàn không có.
Trong bài Tụng nói "mật ý" là biểu
thị lời nói ấy chẳng phải với nghĩa rốt ráo. Nghĩa là hai tánh Y tha và Viên
thành sau tuy có thể chẳng phải không, nhưng có kẻ ngu đối với hai tánh đó vọng
chấp thêm trên nó tánh ngã và tánh pháp thật có. Chính sự vọng chấp ấy gọi là
Biến kế sở chấp.
Vì để trừ cái vọng chấp ấy mà đức Thế Tôn
đối với cái "có" của Y tha và Viên thành, và cái "không"
của Biến kế, Ngài nói chung là "không tánh".
- Thế nào là nương ba tánh này mà lập ra ba
không tánh kia?
- Ðó là nương tánh Biến kế sở chấp đầu mà
lập ra "Tướng không tánh"; vì do thể tướng của nó hoàn toàn chẳng có,
giống như hoa đốm giữa hư không.
Nương tánh Y tha thứ hai mà lập ra
"Sanh không tánh". Vì Y tha khởi là nương các duyên mà sanh ra, giống
như sự huyễn, không phải như vọng tình chấp có tánh tự nhiên, nên giả sanh nói
"Sanh không tánh", chứ chẳng phải nói tánh Y tha hoàn toàn không.
Nương nơi tánh Viên thành sau hết mà lập ra
"Thắng nghĩa không tánh". Nghĩa là chính thắng nghĩa đó vì do xa lìa
tánh Biến kế sở chấp về ngã pháp trước đó mà giả nói là "Thắng nghĩa không
tánh", chứ không phải "tánh thắng nghĩa" hoàn toàn không. Ví như
thái hư không, tuy biến khắp các sắc, nhưng lại được hiển bày bởi các sắc không
tánh.
Tuy Y tha khởi chẳng phải là thắng nghĩa, cũng
được gọi là Thắng nghĩa không tánh, song vì sợ lạm đồng với tánh Y tha thứ hai
cho nên ở đây không nói (không nói Y tha là thắng nghĩa không tánh mà chỉ nói
nương Y tha lập "Sanh không tánh").
Tánh Viên thành thật này chính là nghĩa thù
thắng của các pháp, là thắng nghĩa đế của hết thảy pháp.
Nhưng thắng nghĩa đế lược có bốn thứ:
1. Thế gian thắng nghĩa, đó là năm uẩn, mười
hai xứ, mười tám giới v.v...
2. Ðạo lý thắng nghĩa, đó là bốn Diệu đế.
3. Chứng đắc thắng nghĩa, đó là chơn như
được hiển lộ hai không.
4. Thắng nghĩa thắng nghĩa, đó là pháp giới
nhất chơn.
Chữ "Thắng" nghĩa được nói ở trong
bài tụng là chỉ cho Thắng nghĩa thứ tư, vì đây là nghĩa lý của đạo phẩm tối
thắng tu chứng, và để giản biệt khác với ba Thắng nghĩa đầu nên tụng nói lời
đó.
Thắng nghĩa này của các pháp cũng chính là
chơn như. Chơn là chơn thật, biểu thị chẳng phải hư dối; như là như thường,
biểu thị không biến dịch. Nghĩa là tánh chơn thật nơi tất cả ngôi vị đều thường
như tánh nó (tùy duyên bất biến) cho nên gọi là chơn như. Chính là nghĩa lặng
không hư vọng.
Trong bài tụng nói chữ "cũng", là
để hiển thị thắng nghĩa, còn có nhiều tên như Pháp giới, Thật tế v.v... như
trong các bộ luận tùy theo nghĩa giải rộng.
Thắng nghĩa này chính là thực tánh Duy thức.
Tánh Duy thức lược có hai thứ:
- Một là tánh hư vọng, tức tánh Biến kế sở
chấp.
- Hai là tánh chơn thật, tức là tánh Viên
thành thật. Vì để giản biệt khác với hư vọng cho nên nói Thật tánh.
Lại có hai tánh:
1. Thế tục, tức là Y tha khởi.
2. Thắng nghĩa, tức Viên thành thật. Vì để
giản biệt khác vói thế tục, cho nên nói Thật tánh.
Ba bài tụng trên chung lại hiển thị rằng,
trong các Khế kinh nói chữ "vô tánh" chẳng phải là nói với nghĩa thật
rốt ráo. Những người có trí không nên dựa theo đó bác luôn rằng hết thảy pháp
đều không tự tánh.