Hỏi: - Nếu không có thật ngã làm sao
có các việc nhớ, biết, tụng, tập, ân, oán?
Ðáp: - Thật ngã như các ông chấp, nó đã
thường hằng không biến đổi, thì lúc sau giống như lúc trước, các việc nhớ,
biết, tụng, tập, ân, oán chẳng thể nào có được. Hoặc lúc trước giống như lúc
sau, các việc nhớ, biết, tụng, tập, ân, oán luôn luôn chẳng lúc nào không; vì
sau với trước, ngã thể không sai khác vậy. Nếu cho rằng ngã dụng trước sau biến
dịch chứ chẳng phải ngã thể, lý cũng không đúng. Vì dụng không lìa thể, dụng
nên phải thường như thể, thể không lìa dụng, thể nên chẳng phải thường như
dụng.
Nhưng các hữu tình mỗi mỗi đều có bản thức
thứ tám, trước sau nhất loại tương tục, tự giữ gìn chủng tử, chủng tử đó cùng
với tất cả pháp hiện hành làm nhân cho nhau, do sức huân tập đó mà có được các
việc nhớ, biết v.v...
Do thế, lời cật nạn của ông vừa rồi là có
lỗi đối với tông chỉ của ông, chứ không phải với tông chỉ của tôi.
Hỏi: - Nếu không có thật ngã thì ai
tạo nghiệp, ai chịu quả báo?
Ðáp: - Thật ngã như các ông chấp, nó đã
không biến dịch như hư không, thì làm sao nó có thể tạo nghiệp chịu quả báo?
Nếu ngã có biến dịch thì là vô thường (đâu phải thật ngã).
Nhưng các loài hữu tình, do sức nhân duyên
của Tâm, Tâm sở tương tục không gián đoạn, nên có việc tạo nghiệp và chịu quả
báo. Ðiều này đối với lý không trái.
Hỏi: - Ngã nếu không có thì cái gì
sanh tử luân hồi trong các thú? Ai chán khổ để cầu chứng Niết bàn?
Ðáp: - Thật ngã như các ông chấp, nó đã
không sanh diệt, như thế làm sao có thể nói nó sanh tử luân hồi. Ngã đã thường
như hư không, thì không bị khổ bức não, có gì phải chán bỏ để cầu chứng Niết
bàn. Cho nên lời ông nói chỉ làm hại ông thôi.
Song các loài hữu tình, thân tâm tiếp tục do
phiền não nghiệp lực, nên có sự luân hồi các thú và chán bỏ khổ để cầu chứng
Niết bàn.
Do thế nên biết chắc chắn không có thật ngã,
chỉ có các thức, tù vô thỉ đến nay, trước diệt sau sanh, nhân quả tiếp nối, do
vọng tình huân tập, mà có tướng ngã tương tợ hiện ra, kẻ ngu ở trong đó chấp
quấy cho ngã là thật. (6)