- Thứ hai, Gia hạnh vị, tướng nó như thế
nào?
Tụng rằng:
Hiện tiền lập chút vật,
Cho là tánh Duy thức.
Vì còn có sở đắc,
Chưa thực trụ Duy thức.
Luận rằng: Bồ tát trước hết ở vô số kiếp
đầu, khéo dự bị lương phước đức và trí tuệ, việc thuận theo phần giải thoát đã
được viên mãn, lại còn muốn tiến lên để vào Kiến đạo, trụ tánh Duy thức, nên
tiếp tu bốn Gia hạnh, khắc phục diệt trừ hai thủ, đó là tu Noãn, Ðảnh, Nhẫn, Thế
đệ nhất. Bốn thứ này gọi chung là phần quyết trạch. Vì thuận hướng đến phần
quyết trạch chân thật, và vì gần đến Kiến đạo, cho nên lập tên Gia hạnh, chứ
không phải ở Tư lương vị trước đó không có Gia hạnh.
Bốn pháp Noãn, Ðảnh, Nhẫn, Thế đệ nhất là
nương bốn tầm tư và bốn như thật trí, theo vị thứ trước sau mà lập.
Bốn tầm tư (suy tầm, tư sát) là tầm tư danh,
tầm tư nghĩa, tầm tư tự tánh, tầm tư sai biệt. Bốn thứ đó đều là giả có không
thật.
Như thật biết khắp bốn thứ danh, nghĩa
v.v... đó, lìa thức không có và thức chấp thủ lìa bốn tướng đó cũng không có
(sở thủ năng đều không); đó gọi là trí như thật. Danh và nghĩa tướng khác nhau
cho nên tầm tư riêng; còn tự tánh và sai biệt của danh và nghĩa tướng đồng
nhau, nên hợp lại mà tầm tư.
- Nương minh đắc định, phát sanh tầm tư bậc
hạ, quán thấy không có tướng sở thủ, lập làm "Noãn vị". Nghĩa là ở
địa vị này quán bốn pháp sở thủ là danh, nghĩa, tự tánh, sai biệt, đều do tự
tâm biến hiện, giả thi thiết nói là có, nhưng kỳ thật không có gì nắm bắt được.
Ban đầu đạt được hành tướng sáng trước tiên của mặt trời tuệ, nên đặc tên là
"minh đắc". Tức là đạt được tướng ban đầu của lửa đạo (tướng nóng)
nên cũng gọi là Noãn.
- Nương minh tăng định, phát khởi tầm tư bậc
thượng, quán thấy không có sở thủ, lập làm "Ðảnh vị". Nghĩa là ở địa
vị này vẫn quán bốn pháp danh, nghĩa, tự tánh, sai biệt đều do tự tâm hiện
biến, giả thi thiết cho là có, nhưng kỳ thật không có gì nắm bắt được. Tướng
sáng của lửa tuệ sáng dần lên, nên gọi là "Minh" tăng. Tột đỉnh của địa
vị tầm tư, nên gọi là Ðảnh (đầu).
- Nương Ấn thuận định, phát khởi trí như thật bậc hạ, đối với "không sở
thủ" quyết định ấn nhập giữ gìn, và đối trong "không năng thủ"
cũng tùy thuận vui nhẫn. Ðã không có cảnh thật lìa thức năng thủ, thì đâu có
thức thật lìa khỏi cảnh sở thủ. Sở thủ, năng thủ, cho do đối đãi mà có. Khi Ấn
nhập tùy thuận, chấp nhận, chung gọi là nhẫn. Ấn nhập "không sở thủ"
trước và tùy thuận "không năng thủ" sau, cho nên gọi là "Ấn
thuận", nhẫn chịu cảnh và thức đều không, nên cũng gọi là Nhẫn.
- Nương Vô gián định, phát khởi trí như thật
bậc thượng, ấn nhập cả hai thủ đều không, lập làm pháp "Thế đệ nhất".
Nghĩa là nhẫn bậc thượng trước kia chỉ ấn nhập "năng thủ không", nay
pháp thế đệ nhất này cả hai không đều ấn nhập. Từ đây liên tục không gián đoạn,
thì chắc chắn nhập vào Kiến đạo, nên gọi là "Vô gián". Ở trong pháp
của loài dị sanh thì đến đây là pháp tối thắng hơn cả, nên gọi là Thế đệ nhất.
Như thế Noãn và Ðảnh là nương thức năng thủ
mà quán cảnh sở thủ là không; đến khi khởi lên nhẫn bậc hạ thì ấn chứng tướng
không của cảnh; khi chuyển vị sanh trung nhẫn thì đối với thức năng thủ cũng
thấy nó là không như cảnh, thuận vui nhẫn có thể theo đó; đến khi nhẫn bậc
thượng khởi lên thì ấn chứng năng thủ không. Lên đến Thế đệ nhất pháp thì Ấn
chứng cả năng thủ, sở thủ đều không.
Tuy nhiên, ở địa vị trên còn thấy có tướng
"không" để chứng, nên chưa chứng thực. Vì vậy nói Bồ tát ở địa vị
này, hiện tiền còn lập ra chút vật mà cho đó là tánh thắng nghĩa Duy thức, là
do chưa trừ được hai tướng không và có, và còn mang theo tướng để quán tâm, còn
có sở đắc, cho nên chẳng phải thật an trụ chơn Duy thức; khi tướng kia diệt
rồi, mới thật an trụ. Nương theo nghĩa đó, nên có tụng rằng:
Bồ tát ở trong định,
Quán ảnh chỉ là tâm,
Tướng nghĩa đã diệt trừ,
Thẩm quán chỉ tự tưởng.
Như vậy trụ nội tâm,
Biết "sở thủ" chẳng có.
Biết "năng thủ" cũng không,
Sau chứng vô sở đắc.
Ở Gia hạnh vị này chưa khiến trừ được sự
ràng buộc của tướng có, tướng không, nên đối với sự ràng buộc của hai thô trọng
chướng cũng chưa thể dứt. Chỉ có thể dẹp trừ hai chướng phân biệt hiện hành, vì
hai chướng phân biệt hiện hành trái với Kiến đạo; còn hai chướng câu sanh hiện
hành và hai chướng tùy miên, vì tâm còn hữu lậu, quán còn sở đắc, có phân biệt,
cho nên chưa hoàn toàn dẹp trừ, chưa hoàn toàn dứt hết.
Bồ tát ở địa vị này, đối với an lập đế (4
đế) và phi an lập đế (nhị không chơn như) đều học tập quán sát, để dẫn phát
sanh hai kiến là chơn kiến đạo và tướng kiến đạo trong đương lai, và để dẹp hai
chướng phân biệt. Phi an lập đế là cảnh sở quán chính của Bồ đề, chứ không phải
như Nhị thừa chỉ quán an lập đế.
Bồ tát phát khởi các thiện căn Noãn, Ðảnh
v.v... lúc tu phương tiện, tuy thông cả các cõi Thiền đều phát được, nhưng phải
nương thiền thứ tư mới được viên mãn, vì nương nơi chỗ tối thắng mới nhập vào
Kiến đạo. Và chỉ nương thân người ở cõi Dục mới phát khởi thiện căn này; còn
các cõi khác thì tâm tuệ và tâm nhàm chán còn kém, khó phát sanh được.
Ðịa vị Gia hạnh này cũng nhiếp thuộc giải
hạnh địa, vì chưa chứng được chơn thắng nghĩa của Duy thức.