- Thứ năm, cứu cánh vị tướng nó như thế nào?
Tụng rằng:
Ðây, tức giới vô lậu,
Chẳng nghĩ nghì, thiện, thường.
An lạc, thân giải thoát.
Ðại Mâu ni pháp thân.
Luận rằng: Quả chuyển y của địa vị tu tập
thành được trước đó, tức là tướng trạng của cứu cánh vị này. Chữ
"đây" trong bài tụng là chỉ hai quả chuyển y trước đó, nó nhiếp vào
giới cứu cánh vô lậu. Các lậu vĩnh viễn sạch hết, vô lậu theo đó tăng lên, tánh
trong sạch tròn sáng, cho nên gọi "vô lậu". Chữ "giới"
nghĩa là "kho tàng", vì trong đó dung chứa vô biên đại công đức hy
hữu. Hoặc "giới" nghĩa là "nhân" vì có thể sanh ra sự lợi
lạc cho cả năm thừa thế và xuất thế gian.
Hỏi: - Pháp giới thanh tịnh có thể chỉ nhiếp
về vô lậu, còn bốn trí tâm phẩm tại sao chỉ là vô lậu?
Ðáp: - Vì nó nhiếp về Ðạo đế, nên chỉ là vô lậu. Nghĩa là công đức và thân, độ
của Phật đều từ chủng tử vô lậu phát sanh, vì chủng tử pháp hữu lậu đã vĩnh
viễn dứt bỏ, tuy có thị hiện làm thân sanh tử và các nghiệp phiền não, tợ như
là Khổ đế, Tập đế, song kỳ thật thuộc về vô lậu Ðạo đế.
Hỏi: - Tập Luận nói: "Mười lăm giới chỉ
hữu lậu", đức Như Lai há không có mười lăm giới là năm căn, năm thức, năm
trần hay sao?
Ðáp: - Có người cho rằng công đức và thân,
độ của Như Lai sâu xa vi diệu, chẳng phải có chẳng phải không, lìa các phân
biệt, dứt hết hý luận, không nhiếp vào các pháp môn giới, xứ, nên không trái
với Tập Luận nói.
Có người cho rằng năm căn, năm cảnh của đức
Như lai từ diệu định Thủ Lăng Nghiêm phát sanh, chỉ nhiếp về pháp giới sắc (chứ
không phải sắc trần); còn năm thức của chín giới hữu tình không phải Phật, tuy
dựa nơi pháp giới sắc của Phật mà biến ra tướng phần để duyên, nhưng tướng phần
thì thô, mà pháp giới sắc thì tế khác nhau, cho nên pháp giới không nhiếp vào
năm trần , mà năm thức của Như Lai cũng không thuộc năm thức giới, vì Kinh nói:
"Tâm Phật thường ở trong định, và luận nói năm thức tánh tán loạn".
Hỏi: - Năm thức Như Lai đã không phải là năm
thức giới, thế thì trí Thành sở tác tương ưng với thức thanh tịnh nào?
Ðáp: - Tương ưng với tịnh thức thứ sáu, do
nó quán căn cơ mà khởi tác dụng biến hóa thành ba loại phân thân.
Hỏi: - Ðã cùng tịnh thức thứ sáu tương ưng,
vậy tính nó với tánh của trí Diệu quán sát có gì khác nhau?
Ðáp: - Trí Diệu quán sát là quán tự tướng,
cộng tướng của các Pháp; còn Thành sở tác trí này chỉ khởi lên tác dụng biến
hóa, cho nên có sai khác.
Hỏi: - Nếu vậy thì hai thứ này không thể
đồng sanh, vì một loại thức mà hai trí không thể cùng khởi?
Ðáp: - Chấp nhận không đồng khởi, đối với lý
không trái; hoặc thể đồng, mà dụng khác, nên đồng khởi cũng không lỗi.
Lại, trí Thành sở tác hoặc cùng với tịnh
thức thứ bảy tương ưng, vì nương năm căn, duyên năm cảnh là tác dụng sai khác
của trí Bình đẳng tánh.
Nghĩa là tịnh thức thứ bảy khởi lên các
tướng thân và độ tha thọ dụng, là thuộc Bình đẳng tánh trí; còn khởi ra thân và
độ biến hóa là thuộc về trí Thành sự.
Hỏi: - (Ðã nói nương năm căn, duyên năm
trần, thì) há không phải là trí Thành sở tác nhiếp thuộc năm thức cũng được
chứ?
Ðáp: - Không phải vì chuyển năm thức được
trí Thành sở đắc, mà thể của trí Thành sở tác tức là năm thức, giống như chuyển
sanh tử được Niết bàn, nhưng không thể cho Niết bàn đồng với sanh tử. Cho nên không
nên cật nạn chuyện đó.
- Có người cho rằng công đức, thân, độ
của Như lai, như chỗ thích ứng mà nhiếp vào năm uẩn, mười hai xứ, mười tám
giới, vì uẩn xứ, giới đều thông cả hữu lậu, vô lậu. Nhưng Tập Luận nói:
"Mười lăm giới (năm căn, năm thức, năm trần) chỉ là hữu lậu", đó là
chỉ dựa nơi cảnh Nhị thừa thô thiển mà nói, chứ không phải nói tất cả. Nghĩa là
nếu chín giới hữu tình kia, thành tựu được mười tám giới, thì ba giới sau là ý
căn, ý thức, pháp trần thông về vô lậu; còn nếu Phật thành tựu mười tám giới,
thì cả mười tám giới đều vô lậu, nhưng đây không phải là cảnh giới mà Nhị thừa
biết được. Hoặc có chỗ khác nói công đức của Phật không nhiếp vào xứ, giới, là
chỉ vì công đức đó không đồng với tướng xứ, giới mà Nhị thừa liệt trí biết
được. Lý phải như vậy. Vì sao? Vì Kinh nói: "Tất cả pháp hữu vi đều thuộc
vào năm uẩn", lại nói: "Tất cả pháp hữu lậu, vô lậu đều thuộc vào
mười tám giới, mười hai xứ". nếu có uẩn thứ sáu, xứ thứ mười ba, giới thứ
mười chín là điều không thể có, đức Phật ngăn chận.
Lại nếu vì dứt hết các hý luận mà Phật thân
không thuộc vào giới xứ, thì cũng không nên nói: "Ðây tức là giới vô lậu,
thiện, thường, an lạc, thân giải thoát". Lại nơi nơi đều nói chuyển năm
uẩn vô thường, được năm uẩn thường trụ; chuyển mười tám giới, mười hai xứ cũng
thế, chứ đâu phải nói hẳn Như Lai không nhiếp vào uẩn, xứ, giới. Cho nên phàm
nói Như Lai không thuộc uẩn, xứ, giới, đó chỉ là "mật ý nói".
Lại Luận nói: "Năm thức tánh tán
loạn", là nói năm thức của chín giới hữu tình kia, chứ không nói năm thức
của Phât. Cho nên trong thân Phật có đủ cả mười tám giới, nhưng thuần là vô
lậu.
- Hai quả chuyển y này lại "không thể nghĩ bàn", vượt khỏi đường suy
tư nghị luận, vi diệu thậm thâm, tự chứng ngộ bên trong, không phải lấy chuyện
thế gian ví dụ được.
- Hai quả chuyển y này lại chỉ là
"thiện", vì là tánh bạch tịnh, đồng với pháp giới thanh tịnh, xa lìa
sanh diệt, cùng cực an ổn, vì tâm phẩm bốn trí diệu dụng vô biên, cùng cực
thiện xảo. Vì hai quả này đều có tướng thuận chánh lý, ích quần sanh, trái với pháp
bất thiện, nên đều nói là thiện.
Hỏi: - Luận nói trong mười hai xứ, thì năm
căn và hương, vị, xúc, trần thuộc tánh vô ký, mấy xứ kia thì thông cả ba tánh
thiện, ác, vô ký chứ không chỉ là vô ký hết. Nay bốn trí của Phật đều chỉ là
thiện, vậy há Phật không có năm căn vô ký và ba trần vô ký hay sao?
Ðáp: - Trong đây có ba lối giải thích, đã
nói rộng như trước ở trong đoạn nói về giới vô lậu, đây chỉ nêu lối giải thích
thứ ba là hết thảy thân và độ của Như Lai đều thuộc về Diệt đế, cho nên chỉ là
thiện. Vì tánh Diệt đế, Ðạo đế chỉ là tánh thiện nên nói Phật độ không thuộc
Khổ đế, Tập đế. Thức của Phật biến ra các tướng hữu lậu, bất thiện, vô ký, đều
là nơi chủng tử vô lậu sanh, cho nên đều thuộc về vô lậu thiện.
- Hai quả chuyển y này lại đều là
"thường", vì không có thời kỳ cùng tận, đồng với pháp giới thanh
tịnh, không sanh, không diệt, tánh không biến đổi, cho nên gọi là thường. Tâm
phẩm bốn trí nưong nơi pháp giới được thường, không có thời kỳ cùng tận, cũng
nói là thường, chứ bốn trí không phải là tự tánh thường, vì tâm phẩm bốn trí từ
nhân chủng tử sanh ra, đã sanh ắt phải diệt, là điều chắc chắn (nhất hướng ký)
vì không thấy sắc tâm nào mà không phải vô thường. Nhưng tâm phẩm bốn trí cũng
chẳng phải vô thường, vì do sức bản nguyện và loài hữu tình được hóa độ không
có thời kỳ cùng tận, tột đời vị lai, không dứt, không hết.
- Hai quả chuyển y này lại đều "an
lạc". Vì không bức não, đồng với pháp giới thanh tịnh, tĩnh lặng các
tướng, cho nên gọi là an lạc, và vì vĩnh viễn xa lìa cái hại của trí thể (tức
pháp chấp, sở tri chướng) cho nên gọi là an lạc. Tự tánh hai quả chuyển y này
đều không bức hại, lại có thể làm cho chúng hữu tình an lạc.
Hàng Nhị thừa được hai quả chuyển y, chỉ
vĩnh viễn dứt hết sự ràng buộc của phiền não chướng, chứ không có pháp thù
thắng, cho nên nơi Nhị thừa chỉ gọi là thân giải thoát.
Ðấng Ðại Giác Thế Tôn thành tựu pháp tịch
mặc vô thượng, cho nên gọi là Ðại Mâu ni (tịch mặc). Ðấng Mâu ni được hai quả
chuyển y, vĩnh viễn xa lìa hai chướng, nên cũng gọi là "Pháp thân".
Pháp là có vô lượng, vô biên đại công đức, như mười lực, bốn vô úy v.v... làm
trang nghiêm; thân có nghĩa thân thể, là nơi nương tựa, là tích tụ, đều gọi là
thân. Cho nên Pháp thân này gồm cả 5 pháp là chơn như và bốn trí làm bản tánh,
chứ không phải chỉ riêng môt nghĩa chơn như pháp giới đơn độc mà gọi là pháp
thân; vì hai quả chuyển y đều thuộc về pháp thân.
Pháp thân như vậy có ba tướng sai khác.
1. Tự tánh thân - Tức là pháp giới chơn tịnh
mà Như Lai chứng đắc; nó là chỗ nương bình đẳng của thân thọ dụng và thân biến
hóa. Lìa các tướng, rất vắng lặng, bặt hết hý luận, đầy đủ công đức chơn
thường, không có biên tế, đó là thật tánh bình đẳng của hết thảy pháp. Chính tự
tánh đó cũng gọi là pháp thân trong ba thân, vì nó là chỗ nương (thân) của pháp
đại công đúc (pháp).
2. Thọ dụng thân đây có hai:
a. Tự thọ dụng thân - Tức là các đức Như Lai
trải ba vô số kiếp tu tập vô lượng tư lương phước đức, trí tuệ, giúp làm phát
sanh bốn trí Bồ đề và vô biên công đức chơn thật, thành tựu sắc thân rất viên
mãn, thanh tịnh, thường hằng biến khắp, tương tục, lặng lẽ, cùng tột đời vị
lai, thường thọ dụng pháp lạc rộng lớn.
b. Tha thọ dụng thân - Tức là các đức Như
Lai do năng lực của trí Bình đẳng thị hiện công đức thanh tịnh vi diệu, ở cõi
thuần tịnh; vì hàng Bồ tát ở mười địa mà các đức Như Lai hiện thần thông lớn,
lăn xe Chánh pháp, dứt bỏ lưới nghi, khiến họ thọ dụng pháp lạc Ðại thừa. Hợp
hai thứ thân trên lại gọi chung là thọ dụng thân.
3. Biến hóa thân - Tức là các đức Như lai,
do năng lực của trí Thành sự, biến hiện ra vô lượng hóa thân theo loại hữu
tình, ở cõi vừa tịnh, vừa uế; các đức Như Lai vì chúng Bồ tát chưa lên mười địa
và hàng Nhị thừa cới một loại Dị sanh, xứng theo cơ nghi của họ, mà các đức Như
Lai hiện thần thông nói Pháp, khiến họ đều được các việc lợi lạc.
- Lấy năm pháp thu nhiếp ba thân - Có thuyết
cho rằng, nhất chơn pháp giới và trí Ðại viên cảnh, nhiếp thuộc tự tánh thân,
vì Kinh nói: "Chơn như là Pháp thân". Luận nói: "Chuyển bỏ thức
A lại da được thân tự tánh", vậy đồng với trí phẩm Ðại viên cảnh do chuyển
Tạng thức mà chứng được.
Hai trí Bình đẳng và Diệu quán sát thì thuộc
thọ dụng thân, vì nói trí Bình đẳng ở cõi thuần tịnh; vì hàng Bồ tát mà các đức
Như Lai hiện ra thân Phật, và nói trí Diệu quán sát, tự tại ở giữa hội chúng
nói pháp dứt nghi, và nói do chuyển các chuyển thức mà đắc thân thọ dụng.
Cuối cùng là trí Thành sở tác, nhiếp thuộc
thân biến hóa, vì nói trí Thành sự mà các đức Như Lai hiện ra vô lượng các thứ
biến hóa khó nghĩ nghì ở nơi mười phương quốc độ. Lại trí thù thắng đủ nhiếp ba
thân, cho nên ba thân đều có thật trí.
Có thuyết cho rằng nhất chơn pháp giới nhiếp
thuộc tự tánh thân, vì nói tự tánh thân, bản tánh thường và vì Pháp thân của
Phật không sanh diệt, và nói Pháp thân do chứng mà đưọc, chứ không phải do sanh
mà được. Lại nói Pháp thân, các đức Phật đều có, biến khắp tất cả pháp, giống
như hư không, không tướng không làm, chẳng phải sắc tâm. Nhưng Luận nói:
"Chuyển tạng thức được tự tánh thân", có nghĩa là do chuyển diệt thô
trọng hai chướng trong thức thứ tám mà hiển lộ Pháp thân.
Lại trong trí thù thắng nhiếp có Pháp thân.
Tức nói Pháp thân là chỗ dựa cho bốn trí, là thật tánh của bốn trí. Kỳ thật tự
tánh Pháp thân tuy có vô biên công đức chơn thật, nhưng là vô vi, không thể nói
đó là sắc hay tâm.
Công đức chơn thật của bốn trí và sắc thân
thường hằng biến khắp, nếu do trí Ðại viên cảnh khởi lên, thì nhiếp vào Tự thọ
dụng thân; còn Phật thân từ trí Bình đẳng hiện, thì nhiếp về Tha thọ dụng; các
thân tướng từ trí. Thành sự thị hiện theo các loại, thì nhiếp về Biến hóa thân.
Nên nói trí Viên cảnh nhiếp vào Tự thọ dụng
thân, vì chuyển các chuyển thức mà được thân Thọ dụng. Tuy chuyển tạng thức,
cũng đắc Tự thọ dụng thân, nhưng vì đã nói chuyển tạng thức hiển lộ Pháp thân,
nên lược bớt mà không nói được Tự thọ dụng thân.
- Lại nói Pháp thân không sanh, không diệt,
chỉ do chứng ngộ mà được, không phải sắc tâm; nay trí Viên cảnh trái với Pháp
thân, nếu trí Viên cảnh không thuộc Tự thọ dụng thân thì nhiếp vào thân nào?
Lại Tự thọ dụng thân nhiếp hết thảy công đức
hữu vi chơn thật riêng của Phật (không chung với Nhị thừa), cho nên bốn trí
phẩm thật có sắc tâm, đều nhiếp về thân thọ dụng.
Lại thân Tha thọ dụng và thân Biến hóa, đều vì hóa tha mà phương tiện thị hiện,
cho nên không thể nói hai thân này lấy thật trí làm thể. Tuy nói Hóa thân cũng
là nhiếp vào trí thù thắng, nhưng mà tương tợ như trí hiện ra, hoặc từ trí phát
khởi, nên giả nói là trí, chứ thật thể không phải trí. Chỉ nói trí Bình đẳng và
trí Thành sở tác là có thể hiện thân Tha thọ dụng và Hóa thân đủ ba nghiệp, chứ
không nói hai thân tứclà hai trí. Cho nên hai trí này cũng là nhiếp vào Tự thọ
dụng thân.
Song Biến hóa thân và Tha thọ dụng thân, tuy
không phải là Tâm và Tâm sở thực, nhưng mà hóa hiện ra Tâm và Tâm sở. Bởi đấng
Vô thượng Giác thần lực khó lường, cho nên có thể hóa hiện ra pháp không hình
chất (Tâm, Tâm sở). Nếu không như vậy thì làm sao đức Như Lai hiện ra có tham,
có sân (tức hiện ra có Tâm sở, không hình chất?) Như Lai đã dứt hết tham, sân
lâu rồi vậy.
Lại làm sao hàng Thanh văn và loài Bàng sanh
có thể biết tâm Như Lai? Vì thật là tâm của Như Lai thì Ðẳng Giác Bồ tát còn
không biết được. Do đó, kinh nói: "Như Lai hóa ra vô lượng loại thân đều
có tâm". Lại nói trí Thành sở tác của Như Lai hóa làm ba nghiệp; lại nói
biến hóa có tâm y tha, nghĩa là nương nơi tâm thật của người không mà hiện ra
tướng phần để duyên. Tuy có chỗ khác nói thân Biến hóa không có căn và tâm, đó
là căn cứ thân Biến hóa của Nhị thừa và Bàng sanh mà nói, chứ không phải nói
thân Biến hóa của Như Lai. Lại sắc căn cùng Tâm và Tâm sở của các người khác
biến hóa thì không có tác dụng của căn và tâm, cho nên không nói.
Như vậy ba thân tuy đều đầy đủ vô biên công đức, nhưng mỗi thân có khác.
Nghĩa là tự tánh thân chỉ có công đức vô vi
chơn thật. Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, lìa hết tạp nhiễm, làm chỗ nương cho các
thiện. Nhưng nó không có tướng dụng sai khác của sắc tâm.
- Tự thọ dụng thân thì có đủ vô lượng các
thứ công đức chơn thật của sắc tâm thù diệu.
Nếu Tha thọ dụng thân và Biến hóa thân thì
chỉ có đủ vô biên công đức hóa tướng của sắc thân tương tợ, với tác dụng lợi
lạc cho kẻ khác.
- Lại tự tánh thân chính là thuộc về tự lợi,
tịch tịnh an vui, không có động tác, cũng kém lợi tha, là làm duyên tăng
thượng, khiến cho loài hữu tình được lợi lạc, lại làm chỗ nương cho Thọ dụng
thân và Biến hóa thân, cho nên thuộc cả hai lợi.
Tự thọ dụng thân chỉ là tự lợi; Tha thọ dụng
thân và Biến hóa thân thì thuộc lợi tha, vì người khác mà thị hiện.
- Lại Tự tánh thân, ở pháp tánh độ, tuy thân
và độ này một thể không sai khác, nhưng pháp tánh thuộc nơi Phật thì gọi là
Pháp thân; thuộc nơi pháp thì gọi là pháp tánh hay pháp tánh độ, đó là pháp
tánh theo tướng thân, tướng độ mà có sai khác. Thân Phật và quốc độ không thuộc
về sắc pháp. Tuy không thể nói hình lượng lớn nhỏ, nhưng tùy theo sự thọ dụng
mà biến hóa thân độ, sự tướng hình lượng vô biên; ví như hư không cùng khắp hết
mọi nơi.
- Tự thọ dụng thân, vẫn nương ở thọ dụng độ.
Nghĩa là tịnh thức tương ưng với trí Viên cảnh, do nhân duyên từ xưa vì tự lợi
mà tu hành, thành thục Phật độ thuần tịnh vô lậu, nên khi mới thành Phật cho
đến tận đời vị lai tương tục biến thành Phật độ thuần tịnh tròn khắp không biến
tế, đủ các báu trang nghiêm, thân Tự thọ dụng thường nương ở Phật độ đó. Như
lượng của Tịnh độ, thân lượng cũng thế, vô hạn thiện căn dẫn sanh các tướng tốt
mỗi mỗi vô biên. Công đức trí tuệ đã không phải sắc pháp, không thể nói hình
lượng nó lớn nhỏ, nhưng nương chơn như đã chứng và tự tánh Pháp thân cũng có
thể nói là biến khắp tất cả.
- Thân Tha thọ dụng, cũng nương ở nơi tha
thọ dụng độ. Nghĩa là sức đại từ bi Bình đẳng tánh trí, do nhân duyên vì lợi
tha mà từ xưa tu tập thành thục Phật độ vô lậu thuần tịnh, nên tùy cơ nghi của
Bồ tát trú ở mười địa mà biến làm Tịnh độ, hoặc nhỏ, hoặc lớn, hoặc kém, hoặc
hơn, hoặc trước sau chuyển đổi; thân Tha thọ dụng nương ở tịnh độ đó. Thân
lượng cũng không có hạn lượng nhất định.
- Nếu thân Biến hóa thì ở biến hóa độ. Nghĩa
là sức đại từ bi thành sự trí, do nhân duyên vì lợi tha mà từ xưa tu hành đã
thành thục Phật độ vô lậu thuần tịnh, nên tùy cơ nghi của loài hữu tình chưa
lên mười địa, hóa làm Phật độ, hoặc tịnh, hoặc uế, hoặc nhỏ, hoặc lớn, trước
sau chuyển đổi; thân Phật biến hóa nương đó mà ở. Thân lượng nương ở cũng không
có hạn lượng nhất định.
Tự tánh thân, tự tánh độ, đồng là chỗ chứng
của hết thảy Như Lai, thể không sai khác. Tự thọ dụng thân, tự thọ dụng độ, tuy
tất cả Phật đều biến hiện không giống nhau, nhưng đều là vô biên và không
chướng ngại nhau. Tha thọ dụng thân, tha thọ dụng độ và biến hóa thân độ, thì
tùy các loài hữu tình biến hóa của các đức Như Lai hóa độ có chung và không
chung. Nếu loài hữu tình được hóa độ là chung, đồng chỗ, đồng thời thì các đức
Phật đều biến làm thân làm độ, có tướng trạng tương tợ, không chướng ngại nhau,
triển chuyển xen nhau làm tăng thượng duyên, khiến các hữu tình được hóa độ, tự
trên thức họ biến ra Phật hóa thân, Phật hóa độ, mà chúng sanh kia chỉ cho rằng
nơi một Phật độ chỉ có một Phật thân hiện thần thông thuyết pháp làm lợi ích
(mà không biết đó là do nhiều Phật chung biến ra), túc là đối với hữu tình được
hóa độ không chung (thì dù chúng có gọi là thấy mười phương Phật) mà kỳ thật
chỉ do một Phật biến hiện. Bởi các hữu tình từ vô thỉ lại, chủng tử tánh tình
của chúng, vốn đã có sự hệ thuộc lẫn nhau, nên hoặc nhiều hữu tình mà chỉ một
Phật hóa độ, hoặc một hữu tình mà nhiều Phật hóa độ. Thế nên chúng sanh được
hóa độ có chung và không chung. Nếu không như vậy, thời nhiều Phật trụ lậu tại
thế gian, đều làm các việc mệt nhọc, thật là vô ích, vì một Phật cũng có thể
làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.
- Ba thân bốn độ này, hoặc tịnh, hoặc uế,
nếu là từ trên thức vô lậu của Phật biến hiện, thì thân độ ấy đều là thiện vô
lậu đồng thời với thức năng biến. Vì nó do nhân duyên thuần thiện vô lậu phát
sanh nên thuộc về Ðạo đế, chứ không phải Khổ, Tập đế. Còn nếu là tướng uẩn, xứ,
giới trên thức chúng sanh dựa theo Phật độ này mà biến ra, thì không hẳn đều
đồng thiện vô lậu vì tướng uẩn, xứ, giới do nhân duyên ba nghiệp là ý căn, ý
thức, pháp trần tạp nhiễm của chúng sanh dẫn sanh ra.
Ba thân bốn độ này hoặc tịnh, hoặc uế, nếu
là từ trên thức hữu lậu của chín giới hữu tình (mười giới, trừ Phật giới) mà
biến hiện, thì nó là hữu lậu đồng với thức năng biến; vì nó thuần từ nhân duyên
hữu lậu mà phát sanh, nó thuộc Khổ, Tập đế chứ không phải Diệt, Ðạo đế.
Thức năng biến tuy chỉ là vô ký, nhưng tướng
thiện, ác, vô ký biến ra trên thức không hẳn đều đồng vô ký, vì nó do nhân
duyên của chủng tử bi tánh lẫn lộn biến ra. Tướng uẩn, xứ, giới của Phật biến
ra trên thức chúng sanh, có đồng tánh, có khác tánh, chuẩn theo đây mà biết.
Nếu không như vậy, thời thân hóa Phật không có năm uẩn, mười hai xứ
v.v...
Nhưng Tướng phần, Kiến phần đều nương thức
biến hiện, chẳng phải là thực y tha như thức tánh. Nếu không vậy thì lý Duy
thức không thành, vì cho rằng cảnh trong thức thực có.
Hoặc nói kiến phần, tướng phần trong thức,
đều là duyên sanh, đều là y tha khởi, hư và thực giống như thức. Nói chữ
"Duy" là chỉ để khiển trừ ngã pháp chấp bên ngoài, chứ không phải để
ngăn cảnh tướng phần trong thức. Nếu không như vậy, căn bản trí duyên chơn như,
chơn như đó cũng không thật hay sao?
Hỏi: - Nội cảnh tướng và thức, đã nói là
không phải hư giả, vậy tại sao chỉ nói là "Duy thức" mà không nói
"duy cảnh"?
Ðáp: - Thức chỉ có bên trong; cảnh thì thông
luôn cả trong ngoài đều có. Vì sợ xen lạm với tướng biến kế chấp bên ngoài cho
nên nói là "Duy thức".
Lại hoặc vì kẻ ngu mê chấp nơi cảnh mà khởi
nghiệp phiền não, chịu sanh tử trầm luân, không biết tự quán tâm, siêng cầu ra
khỏi, vì thương hạng người đó mà các đức Như Lai nói Duy thức, khiến họ tự quán
tâm mình, giải thoát sanh tử, chứ không phải bảo cảnh bên trong thức cũng hoàn
toàn không thật có như cảnh bên ngoài.
Hoặc Tướng phần, Kiến phần đều lấy thức làm
thể tánh, do sức huân tập mà tương tợ sanh ra nhiều phần.
Chơn như cũng là thật tánh của thức, cho nên
trừ ngoài thức tánh, không có pháp gì khác.
Trong Luận đây nói "Thức" là cũng bao gồm Tâm sở, vì Tâm và Tâm sở
nhất định tương ưng nhau.
Luận này có ba phần (là tôn, nhân, dụ. Hoặc lược tiêu thức tướng, quảng minh
thức tướng, và tu hành vị. Hoặc cảnh - hai mươi lăm tụng đầu; Hạnh - bốn tụng
tiếp; Quả - một tụng cuối. Hoặc thức tướng, thức tánh, thức vị), để thành lập
Duy thức, cho nên nói là "Thành Duy Thức Luận". Cũng nói Luận này tên
là "Tịnh Duy thức", vì hiển bày lý Duy thức hết sức trong sáng.
Bốn luận này gọi là Duy thức ba mươi. 30 bài
tụng, hiển bày lý Duy thức được viên mãn, không thêm, không bớt.
Ðã nương Thánh giáo và chánh lý,
Phân biệt nghĩa tánh tướng Duy thức,
Ðược bao công đức thí quần sanh,
(Dịch xong chiều 19/6/1995
tức 22/5 Ất Hợi - Thiện Siêu)