Nguồn gốc tín ngưỡng ông Táo
Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị
thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt
hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần
Bếp núc.
Tuy vậy, người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do
kết quả của thuyết Tam vị thất thế (thuyết Ba ngôi) vốn khá phổ biến
trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bếp là gốc rễ căn bản của nhà khi người
nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất. Ở Việt Nam, sự
tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép lại như sau:
Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ rất nghèo khổ. Chồng tên là Trọng
Cao, vợ là Thị Nhi. Họ lấy nhau đã lâu mà không có con, cho nên thường
buồn phiền cãi lẫy với nhau.
Một hôm Trọng Cao quá tức giận mà đánh vợ. Tức mình, Thị Nhi bỏ nhà
ra đi, rồi gặp một chàng trai là Phạm Lang. Anh chàng này đã dùng lời
ngon ngọt và khéo léo chinh phục được Thị Nhi. Hai người ăn ở với nhau
thành vợ chồng. Khi Trọng Cao hết giận, thấy vợ bỏ đi mất, liền đi tìm
kiếm khắp nơi, nhưng không thấy tăm hơi. Từ đó ông buồn rầu bỏ công ăn
chuyện làm, ra đi làm người hành khất để đi tìm vợ.
Một hôm, Trọng Cao đến một nhà khá giả xin ăn. Bà chủ nhà đem cơm ra
cho. Hỡi ôi, thì ra đó là Thị Nhi. Hai người nhận ra nhau, tình xưa
nghĩa cũ dễ nào quên. Thị Nhi hối hận vì đã lấy Phạm Lang. Họ đang hàn
huyên thì bất ngờ người chồng mới là Phạm Lang từ ngoài đồng đi làm về.
Thấy thế, Thị Nhi nói Trọng cao vào ẩn trong đống rơm.
Phạm Lang về nhà cốt lấy tro bón ruộng, nên đốt đống rơm lấy tro.
Trọng Cao đang say ngủ trong đống rơm vì đường xa mỏi mệt nên bị chết
cháy. Người vợ cũ là Thị Nhi thấy vậy cũng lao vào lửa chết theo. Phạm
Lang thấy vợ chết cũng lao mình vào đống rơm đang cháy ấy mà chết.
Cũng có tích khác: Sau khi Thị Nhi lấy Phạm Lang, một hôm trong nhà
cúng đốt mã ngoài sân, có một hành khất vào ăn xin. Thị Nhi nhận ra
người chồng cũ của mình, động lòng thương đem gạo ra cho. Bị Phạm Lang
nghi ngờ, Thị Nhi lấy làm xấu hổ đâm đầu vào đống lửa đang đốt mã mà tự
tử. Trọng Cao cảm tình ân nghĩa cũng lao vào lửa mà chết theo, Phạm
Lang vì mối tình thương vợ, cũng nhảy vào cùng chết.
Thượng đế thấy ba người có nghĩa mới phong cho làm Táo Quân, và phân chia mỗi người một việc.
- Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp.
- Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà.
- Thị Nhi là Thổ Kỳ trong nom việc chợ búa.
Quan niệm cúng ông Táo
Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình,
còn gọi là Định phúc Táo Quân. Phúc đức này do việc làm đúng đạo lý
của gia chủ và những người trong nhà.
Bàn thờ thường đặt gần bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp. Hàng
năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân sẽ lên thiên đình để
báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Thượng Đế (hay ông
Trời), nên có nơi gọi ngày này là Tết ông Công.
Vị Táo Quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong
nhà, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn
trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất
trọng thể.
Lễ vật cúng ông Táo
Lễ vật cúng Táo Quân gồm có: mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ
đàn ông và một mũ đàn bà). Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh
chuồn; mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này được trang sức
với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những giây kim tuyến màu sắc
sặc sỡ. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ
mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi
hia bằng giấy.
Những đồ "vàng mã" này (mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ
được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị
cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho Táo Công.
Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng
Táo Quân một con gà luộc nữa. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập
gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo Quân xin với Ngọc Hoàng Thượng
Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang
như con gà cồ vậy!
Ngoài ra, để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở
miền Bắc người ta còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu
nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về
trời. Con cá chép này sẽ được "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông)
sau khi cúng.
Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ.
Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng
giấy là đủ.Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người
ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm,
măng...) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...)
để tiễn Táo Quân.
Văn khấn cúng ông Táo chầu trời
Nam mô A-di-đà Phật
Kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
Tín chủ chúng con là: (thí dụ: Nguyễn Văn T, sinh năm: Canh Tuất (1970), hành canh: 41 tuổi)
Ngụ tại số nhà ........, đường/phố ...., ấp/khu phố ............,
xã/phường/thị trấn ......., huyện/quận/thành phố/thị xã ........, tỉnh/
thành phố .........
Nhân ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắm sửa hương
hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, dâng lên trước án, hiến cúng tôn thần,
đốt nén tâm hương, chí thành bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Phong theo lệ cũ, Ngài là vị chủ, ngũ tự gia thần (*), soi xét lòng trần, Táo Quân chứng giám.
Trong năm sai phạm các tội lỗi lầm, cúi xin tôn thần gia ân châm
chước, ban lộc ban phúc, phù hộ toàn gia: trai, gái, trẻ, già, an ninh
khang thái.
Giải tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Tân Nguyễn (tổng hợp)
(*) Ngũ tự gia thần: Vị thần linh định đoạt năm chữ phúc trong các gia đình.
Theo thiên “Hồng Phạm” của Kinh Thư - bộ sách do Khổng tử và các đệ
tử san định -ngũ phúc gồm: thọ (sống lâu), phú (giàu có); an ninh (yên
lành); du hảo đức (có đức tốt); và khảo chung mệnh (vui, hết tuổi
trời).
1/ Trường thọ là không bị chết non, phúc thọ là lâu dài. 2/ Phú quý
là tiền của rất nhiều, địa vị tôn quý. 2/ Khang ninh là thân thể khoẻ
mạnh, tâm hồn yên ổn. 3/ Hiếu đức là tính lương thiện, nhân hậu, bình
tĩnh. 4/ Thiện chung là có thể tiên liệu thời kỳ chết của mình. 5/ Khi
lâm chung không gặp tai họa, thân thể không đau đớn vì bệnh tật, trong
lòng không vương vấn và phiền não, ôn hoà tự tại rời khỏi nhân gian.