Lợi ích của Vô Hành
Khi bạn ngồi xuống thiền, dù chỉ trong chốc lát, đó sẽ là một thời gian
của vô hành (non-doing). Ðiều quan trọng là bạn đừng nên nghĩ rằng vô hành đồng
nghĩa với không làm gì hết. Thật ra hai việc ấy rất khác biệt. Vấn đề là ta có
ý thức và có một tác ý hay không. Ðó là cây chìa khoá.
Bề ngoài chúng ta thấy dường như có hai loại vô minh: một loại là không
làm những hành động có tánh cách hướng ngoại và một loại là những hành động nào
không có sự dụng công. Nhưng cuối cùng ta sẽ nhận thấy rằng cả hai chỉ là một.
Cái kinh nghiệm nội tâm mới thật sự quan trọng. Thiền tập gồm có một sự cố gắng
tạo cho mình những giây phút dừng lại hết mọi hành động hướng ngoại và phát
triển một sự tĩnh lặng, lúc ấy ta không có một mục đích nào khác hơn là sống
trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Không làm gì hết. Và có lẽ những giây phút
vô hành ấy sẽ là một món quà quý báu nhất mà ta có thể tự ban cho mình.
Ông Thoreau thường hay ngồi một mình trước hiên nhà hằng giờ để nhìn và
lắng nghe, khi mặt trời đi ngang qua bầu trời, khi ánh sáng và bóng tối biến
đổi, hoà nhập vào nhau một cách thật kỳ diệu.
Có những lúc tôi không thể nào hy sinh giờ phút hiện tại nhiệm mầu này
cho bất cứ một việc làm nào khác. Dù cho đó là việc làm của chân tay hay của
tâm trí cũng vậy. Tôi thấy yêu quý khoảng không gian thênh thang của cuộc sống
mình. Có những buổi sáng mùa Hạ, sau khi tắm rửa xong, tôi ra ngồi ngoài hiên
nhà từ sáng cho đến trưa, miệt mài vui sống giữa thiên nhiên, với những cây
thông, cây bồ đào, cây thù du, trong một không gian tĩnh mịch và vắng lặng, có
những con chim ca hát líu lo, thỉnh thoảng lại bay lượn vào nhà trong, cho đến
khi ánh nắng hoàng hôn vàng vọt rọi vào cửa sổ phía Tây, hay âm thanh của những
chiếc xe ngựa của vài người lữ hành từ ngoài xa vang vọng vào, tôi mới giật
mình sực nhớ đến thời gian trôi qua.
Tôi lớn lên theo những tiết mùa đến rồi đi, như một cây bắp lớn lên
trong đêm, công trình ấy có giá trị hơn bất cứ một việc gì ta có thể thực hiện
được bằng tay chân. Thời gian qua không phải là những giây phút mất đi trong
đời tôi mà ngược lại, nó còn quý giá hơn những giờ phút bình thường khác. Bây
giờ tôi mới hiểu được sự thâm thúy của người phương Ðông, khi họ nói về sự lặng
yên, chú ý và buông bỏ. Cuộc sống ở đây, phần nhiều tôi không hề chú ý đến thời
gian trôi qua bằng cách nào?
Một ngày đến dường như chỉ để giúp tôi sống sự sống của mình. Khi nãy
là buổi sáng và bây giờ trời đã chiều, tôi chẳng có thành tựu được một việc nào
đáng kể hết. Nhưng thay vì ca hát như những con chim, tôi im lặng mỉm cười với
sự may mắn vô tận của mình. Cũng như con chim sẻ đang đứng trên một nhánh cây
bồ đào ngoài cửa hát líu lo, tôi cũng có những tiếng cười thầm nho nhỏ cố nén
lại trong cái tổ ấm của mình, mà không chừng con chim sẻ ấy đã nghe thấy rồi. -- Thoreau, Walden
Thực tập: Hãy nhận thức sự tươi mới của giây phút hiện tại trong giờ thiền tập
hằng ngày của bạn, nếu bạn có thực tập. Nếu buổi sáng bạn dậy sớm, hãy đi ra
ngoài nhìn những vì sao, nhìn ánh trăng, nhìn những tia nắng bình minh đầu tiên
của một ngày xuất hiện (một cái nhìn có ý thức, có chính niệm, vững chãi). Hãy
cảm giác bầu không khí chung quanh, lạnh, ấm (một cảm nhận có ý thức, có chính
niệm, vững vàng). Ý thức được rằng thế giới chung quanh ta còn đang say ngủ.
Bạn nên nhớ rằng, những ngôi sao bạn đang nhìn chỉ là bóng dáng của chúng hàng
triệu năm về trước. Quá khứ đang có mặt trong bây giờ và ở đây.
Sau đó bạn hãy đi, ngồi, hoặc nằm xuống thiền. Hãy để cho thời gian này
hay bất cứ giờ phút thực tập nào khác là giờ phút bạn đang buông bỏ hết mọi
hành động, chuyển sang một trạng thái thực sự sống, lúc này ta an trú trong
chính niệm và tĩnh lặng, ý thức được sự khai mở của giây phút hiện tại trong
từng giây phút, không thêm bớt và khẳng định với mình rằng: "Chỉ có vậy
thôi".
SỰ MÂU THUẪN CỦA VÔ HÀNH
Người Tây phương rất khó có thể lãnh hội được mùi vị cũng như niềm vui
của vô hành, vì nền văn hóa của họ quá coi trọng hành động và sự tiến bộ. Ngay
cả thời gian nhàn rỗi của họ cũng có khuynh hướng bận rộn và thiếu ý thức. Niềm
vui của vô hành là nó không cần phải có bất cứ một việc nào khác xảy ra, thì
giây phút này mới được trọn vẹn.
Khi ông Thoreau nói: "Khi nãy là buổi sáng và bây giờ trời đã
chiều, tôi chẳng có thành tựu được một việc nào đáng kể hết", việc đó
cũng giống như một tấm vải đỏ phất trước mặt một con bò mộng, của những người
quen xông xáo, ham phát triển. Nhưng làm sao ta có thể biết rằng, buổi sáng của
ông ngồi trước cửa nhà lại không đáng nhớ hoặc có phẩm chất bằng cuộc sống xô
bồ, bận rộn, mà trong đó ta không biết gì đến niềm vui của sự tĩnh lặng, và
tươi mới của giây phút hiện tại này?
Ông Thoreau đã hát lên một bài ca cần được nghe trong khi đó, cũng như
trong lúc này. Cho đến ngày hôm nay, ông ta vẫn tiếp tục chỉ cho chúng ta,
những ai muốn lắng nghe, sự quan trọng sâu xa của việc trầm tư cũng như một
thái độ vô trước (non-attachment), không dính mắc vào bất cứ một kết quả nào,
trừ niềm vui thuần túy của sự sống. Và bạn biết không, điều ấy "có giá
trị hơn bất cứ một việc gì mà ta có thể thực hiện được bằng tay chân".
Quan điểm ấy làm tôi nhớ đến lời của một thiền sư ngày trước: "Ô
hô! Bốn mươi năm trời ta ngồi bán nước bên cạnh bờ sông, té ra công lao của ta
chẳng có một ích lợi nào hết".
Bạn thấy không, nó sặc mùi mâu thuẫn. Chỉ có mỗi một cách có thể giúp
cho hành động của ta được giá trị là cố gắng bằng một thái độ vô hành, và không
chấp trước vào kết quả của nó. Còn bằng không, sự vướng mắc và lòng tham sẽ len
lỏi vào, làm hư hỏng mối tương quan của ta với công việc, hay chính công việc
ấy.
Từ đó, nó sẽ trở nên lạc hướng, bị thiên kiến, ô uế và cuối cùng không
đem lại cho ta được một niềm vui trọn vẹn, cho dù kết quả có tốt đẹp đến đâu.
Bất cứ một khoa học gia nào cũng biết rõ trạng thái này của tâm và cố gắng ngăn
ngừa nó, vì nó có thể làm trở ngại tiến trình sáng tạo và bóp méo khả năng nhìn
thấy được những mối liên hệ của họ.
THỰC HIỆN VÔ HÀNH
Vô hành không dính líu gì đến thái độ làm biếng và thụ động. Mà còn
ngược lại như thế! Vô hành đòi hỏi ở ta một lòng can đảm và năng lượng lớn mới
có thể phát triển nổi, trong tĩnh lặng cũng như giữa những sinh hoạt của đời
sống. Tự tạo cho mình một thời gian đặc biệt để thực hiện vô hành, và duy trì
nó trong cuộc sống bận rộn hàng ngày, việc ấy không phải dễ.
Nhưng chúng ta cũng đừng bao giờ để cho sự vô hành đe dọa những ai cảm
thấy rằng họ lúc nào cũng cần phải làm việc, phải hoạt động. Những hạng người
ấy đôi khi khám phá ra rằng, thái độ vô hành còn giúp cho họ làm được nhiều
việc hơn, đạt được kết quả tốt đẹp hơn! Vì vô hành chỉ có nghĩa là hãy để cho
sự việc như là và cho phép chúng tự khai triển theo đường lối của chúng. Bạn
cũng vẫn có thể dụng công nhiều nếu muốn, nhưng đó sẽ là một sự dụng công khéo
léo, có ý thức, một "hành động không có người hành". Sự tu tập ấy sẽ
là suốt cuộc đời của ta.
Bạn có thể thấy những hành động không dụng sức này trong các buổi biểu
diễn những điệu vũ ở môn thể thao, vào một trình độ cao nhất. Ðược nhìn những
hành động vô hành ấy, có thể làm cho chúng ta nín thở! Nhưng điều ấy cũng có
thể xảy ra ở nhiều lãnh vực khác nhau trong sinh hoạt hàng ngày của ta nữa, từ
hội họa, sửa xe cho đến dạy dỗ con cái. Với nhiều năm kinh nghiệm thực tập
chúng ta có thể phát triển được một khả năng mới, cho phép hành động của ta
khai triển vượt ra ngoài mọi kỷ thuật, mọi nỗ lực, mọi suy tính.
Và khi ấy hành động của ta sẽ trở thành một sự diễn đạt thuần túy của
nghệ thuật, của sự sống, của sự buông bỏ hết mọi cố gắng - một sự chuyển động
hòa hợp của thân tâm. Mỗi khi nhìn một biểu diễn siêu việt nào của một nhà thể
thao hoặc một nghệ sĩ, chúng ta thường cảm thấy rung động và xao xuyến, vì nó
cho phép ta tham dự vào sự kỳ diệu ấy, cũng như cảm thấy nâng cao tinh thần, dù
chỉ trong một giây phút. Và có lẽ nó còn nhắc nhở rằng, mỗi người trong chúng
ta, tùy theo một cách riêng, đều có thể tiếp xúc được với những giây phút nhiệm
mầu ấy trong sự sống của chính mình.
Ông Thoreau nói: "Ảnh hưởng được phẩm chất của một ngày, đó mới
là nghệ thuật cao thượng nhất". Martha Graham, nói về nghệ thuật vũ,
diễn tả như sau: "Cái quan trọng nhất là giây phút này đây trong toàn
cử động. Hãy làm cho giây phút ấy có sinh khí và đáng sống. Ðừng bao giờ để nó
trôi qua không hay biết và không xử dụng đến".
Không thiền sư nào còn có thể diễn đạt chân thật hơn. Ðây là một nghề
chúng ta cần phải kiên trì học hỏi, và bao giờ cũng biết rằng nó là công trình
của cả một đời. Vì thái độ hành động, làm một việc gì đã ăn sâu vào gốc rễ của
chúng ta, nên dĩ nhiên muốn thực tập vô hành sẽ đòi hỏi một nỗ lực rất
lớn.
Thiền quán đồng nghĩa với thực tập vô hành. Chúng ta tu tập không phải
vì muốn cho sự việc được trở nên hoàn hảo hơn, hoặc muốn hành động của ta được
tốt đẹp hơn. Chúng ta thực tập là để nắm bắt và ý thức được sự thật là mỗi việc
tự chính nó như vậy đã là hoàn mỹ rồi.
Vì vậy, ta hãy giữ sự trọn vẹn của giây phút hiện tại này, mà không áp
đặt lên đó bất cứ một sự dư thừa nào khác, và nhận thức được sự tươi mới của
tiềm năng làm phát khởi giây phút kế tiếp của nó. Một khi ta biết những gì mình
biết, thấy những gì mình thấy, và ý thức được những gì mình không biết, chúng
ta sẽ có thể hành động, xử sự, tiến tới, dừng lại, hoặc biết nắm lấy cơ hội một
cách tự tại. Ðôi khi người ta ví đó như là một dòng nước chảy, giây phút này
nhẹ nhàng thong thả lướt trôi sang giây phút kế, không chút nỗ lực và được nâng
niu, ôm ấp bởi lòng sông chính niệm.
Thực tập: Trong một ngày thử xem bạn có thể ý thức được sự tươi mới của giây
phút hiện tại này không, trong mỗi khoảnh khắc - trong giây phút bình thường,
trong giây phút khó khăn, và luôn cả những giây phút "chính giữa".
Tập cho phép những sự việc trong cuộc sống được khai mở tự nhiên, không ép buộc
và cũng đừng ghét bỏ những gì không xảy ra đúng như sự mong cầu của ta. Thử xem
bạn có thể cảm nhận được những "chỗ hở", nơi bạn có thể di động mà
không cần dụng công, như người mổ bò của Trang Tử không?
Hãy biết rằng, nếu bạn có thể dành ra một chút thời giờ vào buổi sáng
sớm để thật sự sống, không cần chương trình, điều ấy sẽ ảnh hưởng đến phẩm chất
của trọn một ngày. Khi ta biết khẳng định trước cái gì là chủ yếu của sự sống,
ta sẽ có khả năng cảm nhận, thưởng thức và đáp ứng với sự mới mẻ của mỗi giây
mỗi phút hơn.
Jon Kabat-Zi
Còn nữa