Pháp môn tu tập
Đốt thân thể cúng dường chư Phật
Hoài Lương - An Phong
03/02/2012 23:05 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trên đầu của những người xuất gia theo đạo Phật thường có những vết sẹo tròn, đây là vết tích của việc đốt hương cúng dường chư Phật. Trong Phật giáo lễ này còn được gọi là “Tấn hương” (đốt hương), “Nhiệt đảnh” (Đốt đầu) hay còn gọi là “Đốt Liều”.


Tự nguyện hiến dâng cho đạo Pháp

Tấn hương là một nghi thức biểu thị ý chí khao khát học hạnh Bồ-tát, nguyện hiến trọn cuộc đời mình phục vụ đạo pháp và cuộc sống con người. Người phát tâm tấn hương có thể đốt 1 liều (chấm hương - PV), 3 liều, 6 liều, 9 liều hay 12 liều trên đỉnh đầu tùy theo tâm nguyện của mỗi người.


Người Phật tử đốt hương nhằm cúng dường chư Phật

 

Các liều hương này hoàn toàn không nói lên phẩm đức của vị Tỳ kheo tu cao hay thấp. Việc phát nguyện tấn hương diễn ra sau khi các đệ tử tu theo đạo Phật thọ giới Tỳ kheo và Bồ tát giới. Lễ đốt hương này chỉ thấy trong các Đại giới đàn thuộc Phật giáo Bắc tông (hay đại thừa).


Còn đối với Phật giáo Nam Tông (tiểu thừa) không có truyền thống đốt hương này. Việc đốt này có từ bao giờ thì hiện nay vẫn chưa một ai xác định được nhưng ai cũng biết rõ truyền thống này truyền từ Phật Giáo Trung Hoa vào Việt Nam đã rất lâu.


Lúc đốt hương, người tu sĩ phải mang áo Cà Sa, ngồi ngay thẳng, nghiêm trang trước bàn thờ Phật, có những nhân viên y tế đo và đánh dấu trên đầu trước để tránh trúng mạch máu và dây thần kinh gây nguy hiểm cho bản thân. Ngoài ra bên cạnh còn có những người phụ giúp xem hương cháy được chừng nào và có ai bị xỉu, bị chảy máu…hay không.


Điều đặc biệt khiến người đốt quên đi nỗi đau xác thịt là nhờ sự đồng thanh niệm danh hiệu Phật và trì tụng thần chú của quý chư Tăng, Ni, Phật tử… hòa cùng âm thanh của chuông trống Bát Nhã vang khắp căn phòng.


Lúc đốt hương luôn có người bên cạnh để giúp đỡ


Viên hương tròn được bỏ lên đầu của mỗi người làm từ bột trầm hương và lá ngải cứu. Trầm để cho thơm và dễ cháy, còn ngải cứu là vị thuốc chống nhiễm trùng và nhanh lành vết thương.


Hai thứ này trộn lại, vo tròn, quấn trong tờ giấy mỏng hút thuốc lá bằng hạt bắp, phía dưới được làm to ra bằng móng tay út, phần trên vấn lại nhọn để làm ngòi khi thắp lửa. Thời gian đốt từ 20 - 30 phút, tùy thuộc vào độ cháy và thịt của mỗi người.


Sư cô Thích nữ Thanh Hội tâm sự: “Ngay từ nhỏ mới xuất gia, nhiều người đã xem việc đốt hương là một hành động cao cả để cúng dường chư Phật. Tuy nhiên chỉ đốt ở cánh tay, cổ… chứ còn đốt trên đầu chỉ diễn ra sau khi thọ Đại giới (Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni - PV).


Việc đốt hương này được những người con Phật xem là hành động thể hiện sự chân thành, quyết tâm tin và theo Phật. Có người còn đốt đi một hoặc hai ngón tay để cúng dường”.


Thể hiện sự từ bi với tất cả muôn loài

Sư cô Thích Nữ Tuệ Nhã, thọ giới tại Đại giới đàn Trí Thủ (Nha Trang) chia sẻ: “Khi phát tâm thọ giới Bồ Tát, trong lòng khởi lên tâm nguyện từ bi rộng lớn để cứu độ chúng sanh, báo đền ân đức của Phật, thầy tổ, cha mẹ. Cho nên lúc được đốt hương không có gì gọi là đau đớn, nếu bảo đốt thêm ở đâu trên cơ thể mình tôi cũng đốt được, hy sinh cả thân mạng cũng không có gì lo sợ”.


Đốt hương nhằm hiện sự chân thành, quyết tâm tin và theo Phật


Đa số Tăng Ni Phật giáo đều cho rằng việc đốt hương là sự cúng dường giá trị tâm linh cao lớn nhất không phải dễ dàng làm được. Đó là hạnh phúc nhất của cuộc đời tu theo Phật.


Lúc đốt hương, những bậc làm cha làm mẹ (cha mẹ nhà sư - PV) chứng kiến dù đau đớn trong lòng khi thấy chảy máu, thịt cháy nhưng đều không nghĩ rằng con mình đang bị đốt mà đó là đứa con của Phật đang dâng lên Ngài đóa hoa lòng thành nên gia đình cùng chắp tay cùng cầu nguyện chung.


Không chỉ người xuất gia mới phát đại nguyện đốt như vậy mà ngay cả những Phật tử tại gia khi phát tâm thọ giới Bồ Tát cũng cạo đi một nhúm tóc trên đầu mình và xin đốt một chấm hương. Đốt cúng dường không phân biệt chủng tộc, nam, nữ… cứ ai phát nguyện thọ giới Bồ Tát, phát tâm đốt một phần trên cơ thể mình để cúng dường thì đốt.


Không phân biệt chủng tộc, nam, nữ, độ tuổi


Thầy Thích An Đạt, Chánh Thư ký Ban Văn Hóa Thành hội Phật giáo TPHCM cho rằng: “Việc Tấn hương thể hiện tấm lòng thành cúng dường của mình lên chư Phật. Mỗi kỳ thọ đại giới những người nào thọ giới Sa Di sẽ đốt một liều hương, còn với người thọ Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni thường đốt 3 liều hương. Mức độ đốt nhiều hay ít là do người đó phát nguyện. Riêng với Phật tử tại gia việc chấm hương cúng dường tùy theo tâm nguyện của người đó".


Theo: bee.net.vn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch