Tác giả: Thiền Sư U Tejaniya
Dịch giả: Thích Giác Hoàng
(Cẩm nang niệm Tâm)
Khi hành thiền, điều tối quan trọng là hành giả phải có thái độ đúng đắn, tức:
1. Không nên chú tâm quá độ.
Không nên kiểm soát hay áp chế tâm, mà để cho luồng tư tưởng tự nhiên trôi chảy.
Không cố gắng tạo nên, (tức cố làm cho khởi phát) điều gì mới mẻ.
Không nên cưỡng ép mình phải làm điều gì hay tự kềm chế, ngăn ngừa mình làm điều gì.
2. Không nên cố gắng tạo điều gì mới.
Nhưng không loại bỏ những gì đang xảy diễn.
Không quên hay biết những gì đang phát sanh hay đang chấm dứt.
Phải giữ chánh niệm, luôn luôn hay biết những gì đang sanh khởi hay đang chấm dứt.
3. Cố gắng tạo điều gì mới là lobha (tham).
Cố loại bỏ những gì đang xảy ra là dosa (sân).
Nếu có điều gì xảy ra hay chấm dứt mà không hay biết là moha (si).
4. Chỉ khi nào tâm quan sát không chứa đựng tham (lobha), sân (dosa), hoặc lo âu sợ sệt (soka) thì tâm thiền mới khởi sanh.
5. Hành giả phải xem xét tỉ mỉ, quan sát thái độ của mình trong khi hành thiền.
6. Hãy thận trọng nhìn và chấp nhận cả hai: những kinh nghiệm tốt và những kinh nghiệm xấu.
7. Ta chỉ muốn có những kinh nghiệm tốt.
Những gì không vừa lòng, dầu nhỏ bé ít oi thế nào ta cũng không muốn.
Như vậy có công bình chăng?
Có phải đường lối của Giáo Pháp (Dhamma) là như vậy chăng?
8. Không mong cầu điều gì.
Không ham muốn điều gì.
Không nên băn khoăn lo ngại.
Bởi vì khi tâm mong cầu, ham muốn, hay băn khoăn lo ngại thì pháp hành ắt bị trở ngại.
9. Trong khi hành thiền, tại sao ta chú tâm quá độ?
Phải chăng vì ta muốn điều gì xảy ra? Muốn có điều gì?
Hay muốn điều gì chấm dứt?
Thông thường là vậy.
10. Nếu cảm nghe tâm mệt mỏi không yên, tức có điều gì sai lầm trong đường lối thực hành.
11. Ta không thể hành thiền tốt đẹp khi tâm quá căng thẳng.
12. Nếu thân và tâm đều mệt mỏi, nên xét lại đường lối thực hành của mình.
13. Hành thiền là thận trọng xem chừng và giác tỉnh quan sát, hiểu biết rõ ràng.
Không nghĩ ngợi, không suy tư, không xét đoán.
14. Không nên hành thiền với tâm mong cầu điều gì hay có ý muốn điều gì xảy ra.
Cầu mong và ham muốn chỉ làm tinh thần căng thẳng, cơ thể mệt mỏi.
15. Tâm hành thiền phải thư giãn, thoải mái và an lạc.
16. Cả hai thân và tâm phải được khoan khoái an nhàn.
17. Một trạng thái tâm an khinh (nhẹ nhàng thoải mái) sẽ giúp hành thiền tốt đẹp.
Ta có thái độ đúng đắn như vậy chăng?
18. Hành thiền là: bất luận gì xảy đến dầu tốt hay xấu, cứ chấp nhận, giữ tâm thư giãn và nhìn nó (tức nhìn tâm), quan sát.
19. Tâm đang làm gì? Tâm đang suy nghĩ? Hay đang hay biết (niệm)?
20. Hiện giờ tâm đang ở đâu?
Bên trong hay bên ngoài ta?
21. Cái tâm suy niệm (canh chừng / quan sát), có hay biết hay tận tường cặn kẽ không?
Hay chỉ biết thoáng qua trên bề mặt?
22. Không nên cố gắng làm cho sự vật xảy diễn đúng theo ý mình.
Phải cố gắng hiểu biết những gì đang xảy ra đúng như trong thực tế nó thật sự là vậy.
23. Không nên để tâm suy tư quấy rầy.
Hành thiền không phải để ngăn ngừa tâm suy nghĩ.
Nhận ra tư tưởng khi nó vừa khởi sanh là pháp hành mà ta đang thực tập.
24. Không cần phải loại bỏ đối tượng của tâm (những
hiện tượng / hay những gì đang xảy diễn / hay đang được hay biết). Phải
biết (và như vậy phải ghi nhận / quan sát) những ô nhiễm do đối tượng
làm khởi sanh bằng cách ấy sẽ loại bỏ ô nhiễm. [1]
25. Đối tượng không quan trọng, cái tâm ở phía sau –
đang quan sát đối tượng – là quan trọng hơn. Hãy cố gắng hay biết cái
tâm ấy. Nếu cái tâm quan sát sinh hoạt có thái độ đúng. Đối tượng sẽ là
đối tượng đúng.
26. Chỉ khi có đức tin (saddhā), tinh tấn (viriya) mới sinh khởi.
Có tinh tấn, niệm (sāti) sẽ liên tục.
Chỉ khi niệm liên tục, định (samādhi) mới được củng cố vững chắc.
Khi định kiên cố vững chắn, ta sẽ hiểu biết đúng thực tướng của sự vật.
Khi bắt đầu hiểu biết thực tướng của sự vật, hiểu sự vật thật sự đúng như sự vật là vậy, đức tin càng tăng trưởng thêm.
27. Chỉ chú tâm ngay vào khoảnh khắc hiện tại.
Không trở lui về quá khứ.
Không bàn thảo kế hoạch cho tương lai.
CÁCH THỨC THIỀN TẬP
Ngày đầu tiên bước vào Thiền viện, cũng giống như bao Thiền viện
khác, Thiền sinh được hướng dẫn tổng quát về Thiền tập. Tôi còn nhớ câu
đầu tiên của Thiền sư nói, cách thức tu tập ở đây chú trọng đến Thiền
Quán (Vipassanā), và muốn cho Thiền Quán được phát triển thì
Thiền sinh phải vận dụng sự thông minh của mình…. Câu cuối cùng Ngài
khuyên Thiền sinh, hãy nên hành pháp với tất cả chân thành và sự kính
trọng, thì Thiền tập chắc chắn có kết quả lớn.
Chìa khoá để mở cửa Thiền Quán theo cách dạy của Thiền sư tại đây
giống với nhiều vị Thiền sư đương đại cũng như trong quá khứ, là phải có
Chánh Niệm và Tỉnh Giác trong khi Thiền toạ, Thiền hành hoặc trong đời
sống hằng ngày. Hai chìa khoá song sinh này được lập đi lập lại rất
nhiều lần khi Ngài hướng dẫn Thiền sinh vào mỗi bữa trình pháp.
Cách thức, tông chỉ tu tập như thế nào được Thiền sư nói khá rõ trong cẩm nang Thiền tập: WHAT IS THE RIGHT ATTITUTE FOR MEDITATION, được phân thành 27 điểm chính để Thiền sinh dễ nhớ. Quý vị Thiền sinh Việt Nam ở đó tu tập đã dịch sang Việt ngữ: THẾ NÀO LÀ CÓ THÁI ĐỘ ĐÚNG TRONG KHI HÀNH THIỀN.
Tôi sẽ đánh máy lại, nhằm giúp cho những ai muốn vào Thiền viện này
Thiền tập có thể tham khảo trước, hoặc có thể vận dụng hằng ngày tại nhà
khi có thể.
Tuy nhiên, đọc 27 điều đó vẫn chưa đủ để thấy hết được tông chỉ như
thế nào. Dĩ nhiên, dù ở đó tu một thời gian đi nữa, vẫn chưa lãnh hội
hết được nội dung cốt lõi của đường lối đó, vì đó chỉ là những nét căn
bản, và còn tuỳ thuộc vào sự gia công và nhận thức của mỗi hành giả nữa.
Mặc dầu vậy, trong thế giới tương đối, thông tin vẫn là điều cần thiết,
để từ đó kiến thức tích luỹ mới có thể có, và từ đó tu tập mà tuệ giác
mới hiển bày.
Tông chỉ của Thiền viện này căn bản vẫn là Chỉ Quán song tu, nhưng
Quán vẫn là đặt nặng. Cách quán chủ yếu là theo dõi sự sanh diệt, vọng
động của tâm thức mình ngay từ khi nó vừa bắt mồi, ló dạng, nên một số
Thiền sinh đặt cho nó tên là “Citta Vipassanā”, mặc dầu thuật ngữ trong kinh tạng phải gọi đúng là “Cittanupassanā”
(Tuỳ Tâm Quán). Cách quán tâm ở đây, theo người viết, rất giống với
tông chỉ “Tri Vọng” của HT Thanh Từ. Vọng tới không sợ, mà sợ không đủ
tỉnh giác để thấy đó là vọng, để dừng vọng và quay về với chánh niệm!
Đề mục khi Thiền toạ cũng tuỳ thuộc vào Thiền sinh. Nếu Thiền sinh
nào đã từng quen thuộc với pháp quán niệm hơi thở thì vẫn giữ pháp quán
hơi thở đó để làm đề mục chính. Hoặc vị nào đã từng quen với phương pháp
của Thiền sư Mahāsi Sayādaw và các đệ tử của Ngài chủ trương như Thiền
viện Panditarama, Chanmyay Yeikthā thì cứ theo truyền thống đó, nghĩa là
để tâm vùng bụng, theo dõi sự lên xuống thoi thóp, nóng lạnh của vùng
bụng. Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt chút đỉnh giữa cách niệm phồng
xẹp, thoi thóp đó. Theo Thiền sư, Thiền sinh chỉ cần ghi nhận sự phồng
xẹp của bụng khi hơi thở vào ra mà không cần phải niệm “phồng à, xẹp à”
hoặc “nóng à”, “lạnh à”, như truyền thống của HT Mahāsi Sayādaw. Vị nào
đã từng tu theo cách quán niệm cảm thọ toàn thân của Thiền sư cư sĩ U
Bakhin và đệ tử kế nghiệp là N. S. Goenka thì cứ theo truyền thống đó.
Theo nhận định của người viết, khuynh hướng quán cảm thọ từng thân phần
trong toàn thân được Thiền sư quan tâm hơn. Tuy nhiên, vấn đề chính là
tâm hành giả có thực sự bám sát đề mục hay là lang thang ở thế giới nào.
Nếu đã đi rong chơi đó đây thì cố gắng đem nó về sớm chừng nào tốt
chừng đó!
Về tư thế ngồi ở đây cũng giống như bao trường Thiền khác ở Miến,
không bắt buộc hành giả phải theo một tư thế nào nhất định. Mỗi người tự
chọn cho mình một tư thế ngồi cảm thấy thoải mái nhất, và có khả năng
duy trì chánh niệm và tỉnh giác lâu nhất. Phải thừa nhận chư Tăng Việt
Nam và Triều Tiên có công phu Thiền toạ khá cao so với các nước khác, kể
cả Miến Điện. Các Sư phần lớn ngồi kiết già hoặc bán già, lưng thẳng
với y phục trang nghiêm trông rất đẹp. Thời gian ngồi ở đây tiêu chuẩn
là một tiếng, nhưng một số Sư đã gia tăng từ một tiếng đến hai tiếng với
tư thế kiết già. Đó cũng là một dấu hiệu tiến bộ trong Thiền định, đòi
hỏi sự gia công tu tập của hành giả rất nhiều!
Khi Thiền hành thì vận dụng theo truyền thống của Ngài Mahāsi, nghĩa là qua 3 giai đoạn hoặc 6 giai đoạn mà tôi đã dịch trong NHỮNG NGUYÊN TẮC CĂN BẢN CỦA THIỀN QUÁN do
HT Sayādaw U Janaka hướng dẫn tại Thiền viện Chanmyay. Nhưng ở đây
Thiền sinh được hướng dẫn, là không nhất thiết phải đi thật chậm như các
trường Thiền đó, mà đi với tốc độ bình thường, hoặc chậm hơn bình
thường một chút là đủ. Tuy nhiên, vị nào đi thật chậm cũng không sao,
quan trọng là theo dõi được tâm của mình như thế nào, và khi đi có ghi
nhận được các cảm giác xúc chạm của chân với ngoại giới hay không?
Ngài cũng khuyến cáo Thiền sinh mới vào nên giữ im lặng nhiều chừng
nào tốt chừng nấy, đừng có bắt chước những vị vô tu trước mà nói chuyện,
và còn nói đỡ cho các vị tu lâu ở đó: Những vị vô đây tu lâu rồi, rất
có thể các vị nói chuyện mà vẫn giữ được chánh niệm; còn những vị mới vô
tu, hãy lo giữ niệm thanh tịnh mà hành Thiền! Ở một vài nơi trong
trường Thiền, dán vài câu sau khuyến cáo sự nguy hại của nói chuyện,
giúp Thiền sinh rất nhiều: “Nói chuyện có thể phá vỡ chánh
niệm. Chúng ta hãy tránh nói chuyện để khỏi quấy rầy người khác và cũng
để khỏi quấy rầy cho chính mình.” (Talking can seriously damaged mindfulness. Let’s avoid talking in order to not disturb others as well as yourself).
Hoặc vẽ một biểu tượng, một hành giả đang nhắm mắt Thiền toạ, miệng bịt
lại, hai tay ôm chặt năm cái bình, rồi viết câu sau ở dưới: “Năng lượng được bảo tồn là nhờ không tạp thoại. Năng lượng ấy có thể được sử dụng để tăng trưởng TỈNH GIÁC và CHÁNH NIỆM” (Energy …. that is conserved by not talking can be used for the development of AWARENESS and MINDFULNESS).
Hoặc ở tại nhà tiêu, nhà cầu vẽ một người đang đi cầu, chứng được Đạo
Quả và viết một câu rất hay, từ đó có thể suy ra tông chỉ của pháp môn
Ngài đang hướng dẫn. Rất tiếc, tôi quên ghi lại nguyên văn, đại ý nói: Quá
trình dẫn đến ĐỐN NGỘ là một quá trình Chánh Niệm và Tỉnh Giác liên
tục. Khi ngũ căn được phát triển đến độ chín mùi và được cân bằng thì
trạng thái ĐỐN NGỘ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và ở nơi đâu!
[1]
Lời người dịch: thí dụ như có ai nặng lời với ta, những lời nói nặng
lời ấy là đối tượng, nó là của người ta, không phải của mình, không cần
quan tâm đến những lời nói ấy. Phải nhìn tâm mình và hay biết những ô
nhiễm có thể sanh ra như tức giận, thù hận, v.v…tức cái phản ứng của tâm
mình trước những lời ấy. Làm như vậy những ô nhiễm trong tâm mình sẽ
được loại bỏ. (Lưu ý: đây là quan điểm của người dịch, chứ không phải
của Thiền Sư, nên chưa hẳn là ví dụ chính xác !!! - lời người đánh máy).
Nội dung này được Sc.Như Nguyện cung cấp từ Myanmar