Mỗi lần trở về nhà tôi đều thấy bình yên.
Thấp thoáng sau lùm cây khế ngọt già lọm khọm hết ra hoa vì đã tuổi đời gần một thế kỷ là mái ngói vàng xỉn. Nơi ấy ngày xưa ông ngoại hay ra ra vào vào, quét sạch lá rụng đầy sân. Rồi khi chạng vạng tối, ông hay khoác áo lam đi thắp nhang khắp nơi, từ trong nhà ra cửa ngõ. Mùi nhang bay hòa trong gió chiều bay khắp nhà, tạo nên một không khí ấm cúng khó tả bằng lời. Đó là những ký ức thân thương in đậm mãi trong tôi, từ khi trí óc còn tinh khôi cho đến cái đầu đầy tạp nhiễm như bây giờ. Hồi đó, tôi thường chạy lon ton theo ông, giúp ông hốt những chiếc lá vàng đã được gom thành từng đống nhỏ. Rồi đến khi hoàng hôn buông xuống, ông hay bảo vô nhà đi, con nít chạng vạng đừng có ra đường. Hồi đó, trong suy nghĩ của tôi, chạng vạng là thời khắc linh, tin chắc vô số điều bí ẩn mà người lớn cứ giấu mãi không chịu nói với trẻ nhỏ.
Mẹ đón tôi với gương mặt tươi tắn tràn ngập nỗi nhớ nhung được vỡ òa. Mẹ nấu sẵn nồi nước lá bưởi để tôi tắm sau chuyến xe dài bụi đường. Tắm xong, tôi đi lẩn thẩn ra vườn, hít thở hương xưa và mỉm cười với những kỷ niệm về ông ngoại, người luôn gây những ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của tôi. Từ trong nhà, mẹ nói vọng ra, thúc giục, này con đi thắp hương bàn thờ Phật và ông ngoại đi con. Tôi dạ. Mẹ nhắc nhở, con gái lớn rồi, khoác cái áo lam rồi thắp nhang cho lịch sự. Tôi cười, mặc áo gì lịch sự là được mà mẹ, cần gì phải áo lam, miễn sao lòng mình thật sự thành kính thì thôi chứ! Mẹ rầy, không lý sự nữa, mẹ sống hơn nửa đời người rồi thì nói con phải nghe. Chuyện cúng kiếng linh thiêng chứ không phải đùa.
Tôi khoác áo lam và cảm thấy mình trở nên trang trọng hóa. Phát hiện chiếc áo lam tuy thẳng nếp và thơm tho, nhưng dường như đã cũ lắm rồi, tà áo, vai áo, gấu áo… tất cả đều có dấu khâu vá chìm, chứng tỏ người mặc hoặc người chăm sóc cho chiếc áo này cũng khéo léo tỉ mỉ lắm. Tôi buột miệng:
- Sao mẹ không may áo mới đi mẹ. Chiếc áo này vá nhiều chỗ lắm rồi.
- Mẹ thấy vẫn còn mặc được con à…
Thì vẫn mặc được, nhưng mẹ may cái áo khác cho đẹp hơn. Mình thắp hương thì cũng phải ăn mặc đẹp chứ mẹ.
Mẹ cười và không hề có ý định đáp trả câu nói ngớ ngẩn của tôi, mà tập trung vào nồi thức ăn đang nấu.
Những ngày ở nhà tôi thường được mẹ nấu cho những món ăn rất ngon. Có lẽ đó là lý do duy nhất mà ba lấy mẹ làm vợ chăng, bởi vì mẹ không đẹp, không giỏi, lại quá hiền lành, trong khi ba thì phong độ đẹp trai lãng tử. Cái mô tuýp công tử lấy gái đảm đang này xem ra khá phổ biến và tạo nên một gia đình khá bền vững, khi người phụ nữ phải chịu khó và nhẫn nhục nhiều. Hồi nhỏ tôi vẫn thường tự hào về ba, vì cái bóng dáng cao to của ông luôn lấn át những ông bố của bạn bè tôi. Trong khi đó, mẹ tôi lặng lẽ chăm sóc cha con tôi, lặng lẽ nấu những món ăn cả nhà ưa thích, lặng lẽ đi chùa lúc thưa việc. Anh trai tôi thì lại rất thương mẹ, lúc nào cũng quấn quýt bên bà. Gia đình tôi thường chia ra hai phe như thế. Mỗi lần ba đi chơi về khuya, tôi thì hay ngồi cửa chờ ba không chịu ngủ, còn anh trai thì đã ôm mẹ nghe kể chuyện trong phòng. Sáng hôm sau y như rằng anh lớn tiếng với ba vì “tội” bỏ cơm nhà. Đôi khi ba im lặng, nhưng thỉnh thoảng anh cũng bị đánh đòn vì dám hỗn với ba. Những lúc như thế mẹ hay lặng lẽ ra sau vườn tỉa tót mấy cây hoa, nhưng thực chất là để lặng lẽ khóc.
Hồi ấy, ông ngoại luôn là sứ giả hòa bình của tất cả mọi người. Ông hiền, ít nói, rất tình cảm với con cháu nhưng ai cũng sợ ông. Gia đình tứ đại đồng đường ở chung một khuôn viên, nên ai có hục hặc gì là biết ngay. Ông hay nói một câu huề cả làng, thế là mọi người đều thôi cãi vã.
Khi con cái lớn lên, cục diện gia đình lại khác đi. Có vẻ như những người cùng giới trở nên hiểu nhau hơn, thông cảm và gần nhau hơn, dù tình cảm dành cho người khác giới vẫn thế, nhưng chắc ở một tầng nấc khác, cung bậc khác. Tôi thấy mình gần gũi với mẹ hơn, nhất là khi đi xa nhà làm ăn, tôi trở nên nhớ về những chăm sóc thầm lặng mà tinh tế và đầy yêu thương của mẹ hơn bao giờ hết. Tôi hay gọi điện về nhắc nhở ba phải tranh thủ thời gian chở mẹ đi chùa, ba lại bảo mẹ không thích làm phiền ba, vì mẹ đi chùa thong thả một mình quen rồi, hơn nữa ba cũng busy lắm. Anh trai tôi thì lại đầy cảm thông đàn ông với ba, bởi anh cũng bắt đầu giống ba ở cái khoản đẹp trai và yêu đương, về muộn.
Thắp xong nén nhang cho ông, tôi cởi chiếc áo lam ra, hỏi mẹ:
-Dạo này ba có còn về muộn không hả mẹ?
- Ừ, cũng có ít hơn trước, chắc ba cũng mỏi mệt phần nào…
-Vậy mẹ có vui không?
Tôi hỏi xong chợt thấy mình lỡ lời và tàn nhẫn. Tôi liếc nhìn mẹ, gương mặt của bà vẫn bình thản như không có chuyện gì có thể tác động lên bà được. Tôi xớ rớ đi dọn mâm cơm cho cả nhà, và nhấc điện thoại gọi ba về. Tôi dùng quyền hành của một đứa con gái để “lệnh” cho ba về nhà sớm hôm nay.
Bữa cơm gia đình diễn ra trong một không khí dễ chịu, làm tôi có cảm giác mình tựa như một làn gió mát thổi ngang qua miền nóng bức đã lâu. Anh trai pha trò làm cả nhà cười rần rần, chủ yếu xoay quanh đề tài mấy cô bồ của anh. Anh bảo, chỉ cần cái “púng” tay của anh là các cô gái ngã rạp. Mẹ cũng cười vui nhìn anh kể chuyện. Sau khi dứt những câu chuyện linh tinh, anh sực hỏi tôi:
- Ủa, mà sao tự dưng về nhà đột ngột vậy nhóc?
Ba phụ họa thêm:
Ừ, ba cũng tính hỏi mà vui quá quên mất. Sao đột ngột về nhà mà không báo trước vậy con?
- Dạ, không hiểu sao tự dưng con thấy trong lòng bất an, nhớ nhà, rồi quyết định xin nghỉ phép cơ quan rồi về ngay đây. Về nhà thấy mọi người ai cũng khỏe con mừng ghê!
Mẹ hỏi với giọng đầy lo lắng:
- Nghỉ đột ngột vậy rồi sở làm người ta có cho nghỉ luôn không?
-Không đâu mẹ, tôi cười lớn, con gái mẹ giỏi giang và cũng có giá lắm chứ bộ!
Tối cả nhà xem ti vi, mẹ kêu mệt rồi đi nằm sớm, tôi cũng theo mẹ vào buồng, hai mẹ con nằm và nói chuyện linh tinh trên trời dưới đất. Mẹ hỏi chừng nào tôi mới chịu lập gia đình, tôi nói cái câu sói mòn “con ở vậy với mẹ”, mẹ tôi cười “thôi cô gái ơi đừng có sến như thế”. Rồi hai mẹ con nhắc về ông ngoại, mẹ bảo, mới hôm qua mẹ nằm mơ thấy ông về hỏi thăm sức khỏe của mẹ đó. Hai mẹ con chìm vào giấc ngủ trong vùng ký ức đầy yêu thương về ông ngoại.
Khuya, tôi choàng tỉnh vì có tiếng rên khe khẽ. Giật mình tỉnh dậy, tôi thấy mẹ đang ú ớ trong giấc ngủ, choàng tay qua người bà, tôi thấy người mẹ nóng hầm hập, mồ hôi nhễ nhại. Mẹ đang mê sảng. Hoảng hốt, tôi đánh thức cả nhà dậy. Một lúc sau, cả nhà quyết định đưa mẹ vào bệnh viện. Đây là một trong những lần hiếm hoi mẹ bệnh nặng đột ngột như thế này. Không hề có một dấu hiệu báo trước.
Sáng hôm sau mẹ tỉnh dậy trong khi tôi còn mê ngủ gục trên giường mẹ. Ba và anh trai đã rời bệnh viện đi làm từ sớm. Tôi vừa vén rèm cửa sổ cho nắng chiếu vào vừa hỏi mẹ:
- Mẹ thấy trong người thế nào hả mẹ?
-Mẹ thấy ổn.
-Bác sĩ bảo mẹ bị bệnh gì hả mẹ?
-Tạm thời họ nói mẹ suy nhược cơ thể nặng. Vẫn còn tiếp tục chẩn đoán thêm.
-Đêm qua mẹ làm con lo quá!
Tôi khuấy cho mẹ ly sữa nóng
Mẹ uống ly sữa rồi nhìn tôi mỉm cười:
- Lát nữa con về nhà, lấy chiếc áo treo trong bàn thờ xếp cẩn thận rồi đem vào đây cho mẹ. Mỗi lần trong người không khỏe, mẹ vẫn hay gối đầu lên áo là mẹ thấy khỏe ngay.
Tôi cười ngất:
- Tất nhiên con sẽ lấy cho mẹ, nhưng làm gì có chuyện gối đầu lên áo là khỏe hả mẹ? Mẹ phải uống thuốc, phải đi bác sĩ. Để trưa anh Hai vào thay phiên rồi con sẽ về nhà lấy áo cho mẹ.
Mẹ bảo tôi ngồi xuống cạnh bà. Bà nhìn tôi nhưng ánh mắt xa vắng:
- Chiếc áo ấy là của ông ngoại để lại cho mẹ. Chiếc áo trải qua biết bao thăng trầm của gia đình mình, và của thời cuộc. Những ngày cô đơn trong căn nhà của mình, mẹ đã nhờ nó mà vượt qua tất cả.
- Vậy hả mẹ? Tôi hỏi một câu hơi thừa thãi.
Mẹ chậm rãi tiếp tục câu chuyện của mình:
- Chiếc áo ấy theo ông ngoại của con lâu lắm rồi. Mẹ còn nhớ, hồi đó khoảng chừng 12, 13 tuổi gì đấy, ông ngoại dắt mẹ đi may áo. Ông may một chiếc áo tràng lam, còn mẹ chiếc áo oanh vũ. Ông ngoại dẫn mẹ đi rất nhiều những lần sinh hoạt Gia Đình Phật tử, những lần Phật tử xuống đường tranh đấu nữa đó con.
Tôi bắt đầu thấy bị cuốn vào câu chuyện của mẹ.
- Chiếc áo oanh vũ của mẹ sau này mẹ tặng cho một người khác, khi mẹ lớn hơn và mặc chật lắm rồi. Còn ông ngoại của con thì vẫn giữ chiếc áo tràng mãi về sau.
Ông mặc nó mỗi khi đi chùa, cúng kiếng, thắp nhang… Trước khi mất đi, ông bảo mẹ hãy giữ kỹ chiếc áo ấy, vì nó đã đi qua biết bao thăng trầm, thậm chí có cả máu của thời cuộc nữa. Khi mẹ mặc vào, mẹ cảm thấy hơi ấm của ông. Chiếc áo ấy tiếp thêm cho mẹ nhiều sức mạnh để mẹ vượt qua mọi khổ đau trong đời. Những đêm chờ ba về sáng trong nỗi muộn phiền, mẹ nhờ chiếc áo và những lời cầu nguyện mới vượt qua tất cả. Nếu mẹ có bề gì, con giữ chiếc áo ấy hộ mẹ nhé!
Tôi tỏ ra giận dỗi:
- Mẹ lại nói gì thế? Mẹ sẽ khỏe ngay thôi.
Rồi sợ mẹ bắt đầu rơi vào trạng thái xúc động mạnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tôi nhẹ nhàng bảo:
- Thôi mẹ nằm nghỉ đi, anh trai cũng sắp đến rồi. Con sẽ về nhà lấy áo cho mẹ ngay.
Trước khi lấy chiếc áo lam, tôi thắp hương trên bàn Phật và trước di ảnh của ông, chủ yếu là cầu mẹ bình an, khỏe mạnh. Tôi cầm lấy áo và như có cơn tò mò thúc giục, tôi mân mê một lúc lâu, tỉ mẩn xem mọi góc cạnh của chiếc áo. Tôi phát hiện ra mặt trái cổ áo có thêu dòng chữ: 1963. ■
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 64
Chú thích riêng
1963 được xem như năm Phật giáo VN có nhiều biến động , ảnh hưởng đến lịch sử của đất nước, mà đỉnh cao là việc tự thiêu của HT Thích Quảng Đức, được ghi nhận bằng tượng đài Thích Quảng Đức , nơi HT tự thiêu tại góc đường CMT8 và Nguyễn Đình Chiểu TP. HCM hiện nay.