Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật
Giáo Việt Nam Net)
1. Có nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm Hoằng pháp của các quốc gia,
vùng miền.
Qua quá trình giao lưu, thâm nhập với các tổ chức Phật giáo nước bạn
trên cơ sở các cuộc gặp gỡ, diễn đàn và viếng thăm, chúng ta có thể học
hỏi kinh nghiệm Hoằng pháp của bạn. Mỗi hoa mỗi hương, mỗi cây mỗi sắc,
kinh nghiệm đó sẽ trợ duyên cho Hoằng pháp viên rất nhiều, đặc biệt sau
này muốn Hoằng pháp ở hải ngoại.
2. Đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa Phật giáo các nước trong sự
nghiệp Hoằng pháp.
"Pháp là Pháp của Pháp Vương
Hoằng pháp là trách nhiệm Tăng già mười phương".
Việc Hoằng pháp không phải là việc riêng của Ban Hoằng pháp hay của
một vị tu sĩ nào đó (dù nổi tiếng) mà là trách nhiệm của tất cả các bậc
xuất gia tu theo Phật. Do đó, việc đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa Phật
giáo các nước đã và đang trở thành một việc quan yếu. Đặc biệt, trong
thời kỳ hội nhập thì việc làm này càng trở nên cấp thiết.
3. Theo sự phát triển đa phương hóa, đa dạng hóa của quan hệ nhà
nước giữa Việt Nam và các quốc gia, Phật giáo Việt Nam có thể Hoằng pháp
ra nước ngoài, đặc biệt những nước có nhiều Việt kiều làm ăn, sinh
sống.
Điều này góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, khuyến
khích bà con Việt kiều hướng về quê hương, phát huy các truyền thống tốt
đẹp của dân tộc.
4. Khai thác được các kênh thông tin để quảng bá Phật giáo.
Cùng với xu thế hội nhập, các kênh thông tin phát triển như vũ bão,
nhất là mạng Internet… Chúng ta có thể khai thác mạng Internet để quảng
bá Phật giáo Việt Nam ra khắp năm châu.
Bên cạnh những thuận duyên cơ bản này Hoằng pháp viên còn phải đối
mặt với các thử thách sau:
1. Hạn chế về trình độ Ngoại Ngữ và tin học.
Đây là tình trạng chung của phần lớn quý Tăng Ni hiện nay.
2. Những thử thách và cám dỗ của cuộc sống vật chất đang trở nên xí
thịnh.
Môi trường Hoằng pháp càng rộng, đối tượng Hoằng pháp càng đa dạng
thì thử thách càng lớn. Nếu chư Tăng ni không trang bị cho mình kiến
thức Phật học, Giới luật Phật, luật pháp nhà nước, thì việc Hoằng pháp
sẽ bị trở ngại. Hơn nữa, nếu không có nền tảng tu tập Giới - Định - Tuệ
thì chư Tăng ni càng khó đứng vững trong môi trường Hoằng pháp đặc thù
như vậy.
Trước những thuận lợi và thử thách ấy, theo thiển ý của con, các
Hoằng pháp viên cần phải chuẩn bị cho mình hành trang sau đây:
1. Nâng cao trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Một vị Sứ giả Như Lai, tuyên bày chánh Pháp cần phải sử dụng thành
thạo một vài ngôn ngữ thông dụng ngoài tiếng bản địa. Đây cũng là yêu
cầu của việc hoàn thiện "Thanh minh" trong Ngũ Minh của bậc hoằng truyền
giáo pháp Phật Đà. Có như vậy mới dễ tạo được sự cảm thông, dễ thuyết
pháp thành tựu và thâm nhập được vào các môi trường hoằng pháp khác
nhau, đặc biệt ở hải ngoại.
2. Nâng cao trình độ tin học.
Thông qua mạng Internet, các máy tính cá nhân được kết nối trên khắp
thế giới. Thông tin được truyền tải nhanh chóng, kịp thời và tương đối
chính xác. Hơn nữa, bộ nhớ của các máy vi tính, đĩa Mp3, Mp4, Usb, … Có
dung lượng khá lớn, có thể ghi nhận và lưu trữ rất nhiều thông tin. Do
đó, thay vì phải cung thỉnh một lượng đồ sộ các cuốn kinh trong bộ Đại
Tạng, chúng ta chỉ cần trang bị cho mình một máy tính xách tay, một vài
đĩa nén, … Là có thể mang theo người cả tam tạng Kinh điển đi khắp thế
giới.
3. Cập nhật thông tin thời sự và các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Giáo lý Phật Đà tuy rất cao sâu, vi diệu và có giá trị thực tiễn cao
nhưng việc hoằng truyền không phải lúc nào cũng thuận lợi và không phải
đối tượng nào cũng sẵn lòng đón nhận. Ngoài ra, với đầu óc quen tư duy
khoa học, thực tế và thậm chí "Thực dụng" hiện nay thì việc thuyết trình
những bài giáo lý mà không có sự linh hoạt vận dụng các phương tiện,
ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và uyển chuyển để phù hợp với tình
hình thực tế thì khó mà Hoằng pháp thành công được. Chắc hẳn, những lời
nói mang tính từ chương khô cứng sẽ ít đi vào lòng người hơn, đặc biệt
là tầng lớp trí thức, thanh niên, …
Do vậy, các Hoằng pháp viên phải tự cập nhật thông tin,… Kỹ thuật
trong việc Hoằng pháp. Đây cũng là sự vận dụng khéo léo tinh thần khế
lý, khế cơ, khế thời, khế xứ hay " Tùy duyên bất biến" của Đạo Phật.
4. Nỗ lực tu tập chuyển hoá nội tâm - Tự mình phải thể hiện tính ưu
việt của Pháp.
Bậc Cổ Đức có dạy: "Muốn dạy người, trước phải tự dạy mình; muốn
hướng dẫn người, trước mình phải tự làm được". Điều này quả là chí lý,
đặc biệt đối với hành giả tu theo giáo lý giác ngộ - giải thoát của Phật
Đà. Một vị giảng sư không thể chỉ thuyết thao thao bất tuyệt trên pháp
tòa mà cuộc sống tu tập thì lại không hề áp dụng như lời nói giảng sư
càng không thể chỉ học nói cho hay, cho lôi cuốn, cho có vẻ uyên bác còn
chính mình chẳng chịu thực tập hoặc chẳng thể thực hiện được.
Điều nguy hại hơn nữa là, nếu cuộc sống phạm hạnh của vị giảng sư có
khiếm khuyết thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực vô cùng đến tín tâm của Phật tử
và uy tín của Tăng Đoàn. Một sự phản cảm trong ấn tượng ban đầu của một
Phật tử mới đối với một vị giảng sư là rất sâu nặng, khó phai mờ. Đặc
biệt, có nhiều bậc giảng sư nổi tiếng, có uy tín và sức lôi cuốn lớn đối
với thính chúng, được nhiều Phật tử sùng mộ, ái kính mà trở nên chủ
quan, dễ duôi thậm chí buông lung Giới Luật căn bản thì hậu quả thật khó
suy lường. Một sự "Sụp đổ thần tượng" sẽ kéo theo sự thất vọng, thoái
tâm, thậm chí bất mãn của các Phật tử, tín đồ.
Chính vì vậy các bậc trưởng lão thượng túc thường cảnh tỉnh các thế
hệ Hoằng pháp viên về điều này.
- Ở Hải ngoại có: Ngài Tuyên Hoá, Ngài Quảng Khâm, Ngài Ấn Quang, …
- Ở Việt Nam có: cố HT Thích Khánh Anh, cố HT Thích Thiền Tâm, cố HT
Thích Đức Nhuận, …Và đặc biệt hiện nay có HT Thích Trí Quảng, nguyên
Trưởng ban HPTWGHPGVN.
Hòa Thượng nguyên Trưởng ban luôn tha thiết khuyến phát, sách tấn
hàng hậu học về tâm nguyện Hoằng pháp và những cạm bẫy có thể xảy ra.
Bản thân chúng con có độ cảm rất sâu tới những lời dạy bảo của HT. Chính
nhờ được đọc sách, và trực tiếp nghe pháp âm từ băng đĩa của HT mà
chúng con đã vượt qua được nhiều thử thách trong quá trình tu học, Hoằng
pháp của mình.
Đối với một Hoằng pháp viên trước thế cuộc đang thác loạn trong đời
sống hưởng thụ vật chất thì hạnh “Thiểu dục tri túc” và hạnh “Viễn ly”
là vô cùng thiết yếu. Không những Phật tử Miền Nam mà đặc biệt Phật tử
Miền Bắc, không những Phật tử Việt Nam mà cả Phật tử mang quốc tịch các
nước đều trở nên phản cảm tới một vị Giảng Sư xa hoa và kiểu cách. Tuy
nhiên, “Thiểu dục tri túc” không đồng nghĩa với khổ hạnh phi lý, viễn ly
không đồng nghĩa với thoái tâm độ tận hàm linh. Thiểu dục - tri túc và
viễn ly luôn được đặt trên nền tảng của Bát Chánh Đạo, của Giới - Định -
Tuệ. Đây là biểu hiện của cuộc sống tu hành theo Trung Đạo, một phong
thái tự tại, giải thoát của một hành giả có trí tuệ Bát Nhã.
Điều quan trọng nữa là bậc Giảng Sư phải là người thể nghiệm Pháp.
Hay nói một cách khác, bậc Giảng Sư phải tự mình thể hiện tính ưu việt
của Pháp thông qua nỗ lực tu tập Giới - Định - Tuệ để chuyển hóa nội
tâm, thông qua cách ứng xử Từ - Bi - Hỷ - Xả và đầy trí tuệ siêu thoát.
Các bậc Tôn Túc có dạy rằng: “mình phải thực tu, lời nói mới chân
thật, mình phải thực hành thì lời nói mới có sức thuyết phục”. Theo đó,
tâm của vị Giảng Sư càng rộng mở, tuệ vô lậu càng sáng thì thuyết pháp
càng có độ rung cảm, càng có khả năng khơi dậy mầm thiện căn Phật tánh
nơi các thính chúng.
Hơn nữa, mình có thực hiện được mới hướng dẫn người khác thực hiện
được. Nếu không, lời nói trên mây, trên gió sẽ không có tính ứng dụng
cứu đời và làm sai lệch tôn chỉ của giáo lý Giác Ngộ - Giải Thoát.
Nói tóm lại, việc Hoằng pháp, học pháp và hành pháp luôn phải đồng
hành như Giới - Định - Tuệ, như ba chân của một chiếc đỉnh không thể
thiếu một vậy./.
TK. Thích Đạo Ngộ
Phó Ban Tăng Sự
Thư ký Ban Hoằng Pháp
Phật giáo tỉnh Phú Thọ