Hoằng Pháp
Hoằng pháp là nhiệm vụ chung của hàng xuất gia
11/05/2010 05:22 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp là hoài bão của chư Phật, là phương châm hoạt động của ngành hoằng pháp nói riêng, là nhiệm vụ chung của hàng xuất gia.

Như trong kinh pháp hoa, Đức Phật nói: “các Đức Phật Thế Tôn vì một đại sự nhân duyên mà thị hiện ra nơi đời”, đó là các Đức Phật Thế Tôn vì muốn khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến mà thị hiện ra nơi đời . Vì thế, ngay từ khi Đức Phật còn tại thế, trong suốt 49 năm từ khi thành đạo đến nhập Niết bàn, Ngài đã vân du trên khắp mọi miền đất nước xứ Ấn Độ. Theo kinh điển Bắc truyền, ngài lên cung trời Đâu Suất, xuống tận cung rồng Ta Kiệt La để hoằng hóa chúng sanh. Đến lúc sắp nhập Niết bàn nơi rừng Câu Thi Na, Ngài vẫn thuyết kinh Di Giáo và độ ông Tu Bạt Đà La. Ngài dạy các hàng đệ tử: “Này các thầy Tỳ kheo, hãy ra đi mỗi người một ngả, để truyền bá Chánh pháp, vì lợi ích cho quần sanh, vì an lạc cho chư Thiên và loài người

Tôn giả Phú Lâu Na là một nhân vật tiêu biểu trong sự nghiệp hoằng pháp thời kỳ Đức Phật. Ngài đã không ngại bao gian khổ, chẳng từ mọi khó nhọc, luôn xả thân vì mục đích hoằng pháp lợi sanh.

Vì thế, khi nói đến hoằng pháp trong thời hiện đại, chúng con thiết nghĩ, chúng ta cần có một nếp sống mới, một sự suy nghĩ mới, một tầm nhìn mới để hội nhập vào đời. Chúng ta phải có tinh thần tu tập Bồ tát hạnh, vì có tu tập Bồ tát hạnh, thể nhập Bồ tát hạnh, thì chúng ta mới có thể truyền trao Bồ tát hạnh đến với mọi người; đồng thời chúng ta nên áp dụng tinh thần phẩm Pháp Sư trong kinh Pháp Hoa, là “vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai” và chúng ta cũng cần phải hội đủ thân giáo, khẩu giáo và ý giáo.

1. Về phương diện thân giáo: chúng con thiết nghĩ người hoằng pháp chúng ta cần phải áp dụng tinh thần phẩm An Lạc Hạnh trong kinh Pháp Hoa, thì dù trong thời đại nào cũng đem lại kết quả mỹ mãn.

2. Về phương diện khẩu giáo: chúng ta nên áp dụng lời dạy trong phẩm thứ 2 kinh Pháp hoa: “Như Lai hay dùng các món phân biệt, khéo nói pháp, lời lẽ êm dịu vui đẹp lòng chúng”; đồng thời chúng ta cũng cần phải có kiến thức vô ngại biện tài để đáp ứng nhu cầu hoàn cảnh hiện tại.

3. Về phương diện Ý giáo: chúng ta phải có tinh thần Bồ tát hạnh mà trong kinh Duy ma, Đức Phật đã dạy:

“Bồ tát muốn cõi Phật thanh tịnh

Nên làm cho tâm thanh tịnh

Tùy chỗ tâm thanh tịnh mà cõi Phật được thanh tịnh”

Bởi vì chúng ta có thanh tịnh tự thân, thanh tịnh trú xứ, thanh tịnh nơi pháp tòa thì chúng ta mới thanh tịnh được trong đời sống, nếu đời sống chúng ta thanh tịnh thì mới thanh tịnh được quốc độ của chúng ta, từ đó mới có cõi Phật thanh tịnh.

Vì thế, nếu chúng ta hội đủ những pháp này thì dù vào thời đại nào, sự nghiệp hoằng pháp cũng được thành tựu.

Trải qua 25 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Hoằng pháp Trung ương không ngừng nỗ lực đào tạo lực lượng nhân sự, thành lập Đoàn giảng sư nhằm mục đích đem Chánh pháp hòa nhập vào cuộc sống dân tộc, cải thiện cuộc sống nhân dân, trở nên thuần mỹ chí thiện, đáp ứng mọi nhu cầu tu học của Phật tử.

Tuy nhiên, chúng con thiết nghĩ, Hoằng pháp không chỉ là nhiệm vụ của Tăng Ni giảng sư, mà cũng chính là nhiệm vụ của vị trụ trì các tự viện. Hay nói một cách khác hơn, hoằng pháp là một nhiệm vụ chung của hàng xuất gia.

Tổ Qui Sơn có dạy: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu, nhược bất như thử, lạm xí tăng luân, ngôn hạnh hoang sơ, hư triêm tín thí”

Vì thế, đứng trước sự phát triển của nền văn minh khoa học hiện đại, chúng con thiết nghĩ người xuất gia cần phải trau luyện kiến thức, để dẫn dắt chúng sanh đi sâu vào chánh tri kiến đối với Phật pháp. Mặc dù chúng ta vận dụng tinh thần “tùy duyên bất biến, nhưng bất biến phải tùy duyên”, chúng ta không vì tùy duyên mà đưa mọi người đi vào tà kiến mê tín dị đoan, vì hiện nay quý Phật tử vùng sâu vùng xa đa số đến chùa với tinh thần chưa chánh tín, chúng ta nên tùy duyên bằng phương pháp “Tứ nhiếp pháp” để vận dụng phương tiện đưa giáo lý của đức Thế Tôn vào đời.

Kính bạch chư tôn đức,

Trên đây là những lời mộc mạc chúng con xin kính trình lên chư tôn đức trong buổi tọa đàm “Sứ mệnh hoằng pháp thời hiện đại”. trước khi dứt lời, chúng con xin kính chúc chư tôn đức pháp thể khang an, Phật sự viên thành.

phattuvietnam

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch