PG & Hôn nhân gia đình
Ái ngữ và vấn nạn gia đình
20/03/2010 22:37 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đến với cuộc sống, có thể nói, ngôn ngữ là công cụ giao tiếp không thể thiếu giữa con người với con người. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển xã hội loài người. Thông qua ngôn ngữ, con người có thể trao gởi những tình cảm vui buồn, hiểu biết, thông cảm lẫn nhau, tạo cho cuộc sống cá nhân, đoàn thể ngày một tốt đẹp hơn.

 

Thế nhưng, cũng từ ngôn ngữ ấy, lắm lúc con người đã dùng những lời nói khó nghe, tạo nên sự bất hòa, tạo nên sự ganh ghét lẫn nhau trong các mối quan hệ gia đình, đồng thời còn ảnh hưởng không tốt đến đời sống xã hội.

Ngày nay, trong cuộc sống đời thường cũng như thông qua những phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta đã ghi nhận được nhiều bi kịch xảy ra trong gia đình mà nguyên nhân là bắt nguồn từ lời nói bất thiện. Những bi kịch ấy thể hiện cụ thể như là các thành viên trong gia đình không tin tưởng lẫn nhau, bạo hành, ly hôn, trẻ vị thành niên phạm pháp, tự tử vì bị oan ức hay bi tổn thương tâm lý, thiếu sự quan tâm dạy dỗ, mất lòng tin, thiếu sự chân thật …

Trước những vẫn đề này, Phật giáo đã cung cấp pháp Ái Ngữ để xây dựng nếp sống gia đình hạnh phúc, để giải bày sự hiểu biết lẫn nhau, để xây cầu bắt nhịp cảm thông, hóa giải mọi tị hiềm nghi nan và hướng dẫn động viên nhau làm việc chánh thiện. Thông qua phương hướng nầy, việc trấn áp nhau, làm buồn phiền tủi nhục cho nhau, làm tổn thương cho nhau sẽ theo đó mà biến mất.

Như vậy, Ái ngữ theo tinh thần Phật giáo là gì, được thể hiện thế nào trong quá trình giao tiếp của con người.

I. Định nghĩa:

Thông thường, từ Ái ngữ còn được gọi là Ái ngữ nhiếp. Nhiếp là nhiếp hóa, thuyết phục, hay nói rộng hơn là dùng phương tiện Ái ngữ để tạo sự ảnh hưởng đến người khác. Cho nên, khi nói Ái ngữ là hướng đến tính hiệu quả của lời nói. Nghĩa là lời nói phải chuyển tải được tính chân thực, tính thông cảm, tính thương yêu, tính xây dựng, tính thuyết phục, khiến cho người nghe hiểu và chấp nhận được những gì mà người nói muốn truyền đạt. Do đó, từ Ái ngữ thường đi kém với từ Bố thí, Lợi hành và Đồng sự, gọi là Tứ nhiếp pháp (四攝法).

 Đức Phật đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Tứ nhiếp pháp đối với đời sống của con người như sau: “Tứ nhiếp pháp như cái trục của chiếc xe. Nếu không có Tứ nhiếp pháp thì con cái sẽ không kính trọng cha mẹ.”[1]  Do đó, khi Đức Phật nói với ngài Thủ Trưởng giả: “Trong quá khứ, hiện tại và vị lai, nếu có vị tăng hay Bà-la-môn nào phục vụ số đông theo chánh pháp thì sự phục vụ đó gồm cả Tứ nhiếp pháp.[2]”

Theo nghiên cứu cho thấy, Tứ nhiếp pháp xuất hiện trong cả hai hệ kinh điển Bắc truyền và Nam truyền. Ở các kinh điển Bắc truyền, đối tượng nghe và thực hành Tứ nhiếp pháp là các vị Bồ tát.[3] Ngược lại, đối tượng nghe và thực hành Tứ nhiếp pháp trong các kinh điển Nam truyền là chư Tăng Ni và cư sĩ.[4]

Ở đề tài nầy, người viết không khảo sát, so sánh về sự khác biệt này mà chỉ tập trung vào giá trị và ý nghĩa của Ái ngữ trong các mối quan hệ gia đình.

Thuật Ái ngữ trong tiếng Hán-Việt có nguồn góc từ tiếng Pāli peyyavacana hay priyavacan trong tiếng Sanskrit và được dịch tiếng Trung Quốc là Ái-yu (愛語). Thuật ngữ này được sử dụng tương đối thống nhất trong Hán tạng.[5] Do đó từ nguồn tư liệu của Hán Tạng, chúng ta có thể rút ra được các định nghĩa cơ bản về Ái ngữ:

Ái ngữ là lời nói của lòng nhân ái (愛語。即此仁愛也)[6], lovable speech.[7]

Ái ngữ là lời nói chân thật (愛語謂實語等).[8]

Ái ngữ là lời nói vì lợi ích cho người khác (愛語者。常爲利益衆生故).[9]

Ái ngữ là lời nói về công đức, trí tuệ và làm cho tâm cởi mở (愛語者。功德智慧心無吝惜).[10]

Ái ngữ là lấy tâm vô nhiễm mà chi rõ con đường (愛語者。以無染心分別開示).[11]

Tối thắng của Ái ngữ là dạy giáo pháp cho người thích nghe và nói giáo pháp đúng thời (最勝愛語者。謂善男子樂聞應時說法).[12]

Từ các định nghĩa cơ bản này, chúng ta có thể hiểu Ái ngữ là bao gồm lời nói về sự thật, lời nói lịch sự, lời nói vui tai, lời nói cảm thông, khuyến khích tạo nên sự hiểu biết, hoà hợp trong sự thân thiện. Nó vừa mang tính đạo đức vừa mang tính kỷ năng giao tiếp.

 Dưới đây, chúng ta tiếp tục khảo sát các khía cạnh của Ái ngữ.

II. Các khía cạnh của Ái ngữ.

II.1- Lời nói chân thật:

Ái ngữ không xuất hiện trong Bát chánh đạo hay Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, nhưng liên hệ đến lời nói chân thật thì ý nghĩa của nó bao hàm cả chánh ngữ. Chúng ta có thể so sánh: Ái ngữ là lời nói chân thật (愛語謂實語等).[13] Chánh ngữ là lời nói chân chánh. Trong kinh Tư giải thích chi tiết chánh ngữ  gồm lời không nói dối, không nói lời chia rẻ, ác khẩu và lời thêu dệt:

“Những gì là bốn nghiệp do miệng cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo? Một là nói dối; người kia hoặc ở giữa đám đông, hoặc trong quyến thuộc, hoặc ở tại vương gia, nếu có ai gọi mà hỏi rằng: “Ngươi có biết thì nói”. Nhưng nó không biết mà nói là biết, biết nói là không biết; không thấy nói là thấy, thấy nói là không thấy. Vì mình, vì người, hoặc vì của cải, biết rồi mà lại nói dối. Hai là nói hai lưỡi; muốn ly gián người khác nên nghe nơi người này đem nói với người kia vì muốn phá hoại người này. Nghe nơi người kia đem nói với người này vì muốn phá hoại người kia. Những kẻ hợp nhau thì muốn tạo ly tán; những kẻ đã ly tán lại muốn cho xa rời để kết bè đảng, vui thích bè đảng, khen ngợi bè đảng. Ba là nói thô ác; người ấy nếu có nói năng gì thì lời lẽ thô tục, hung bạo, tiếng dữ trái tai, không ai mến nổi, làm cho người khác phải khổ não, khiến cho không được định tâm. Bốn là nói lời phù phiếm; người ấy nói không đúng lúc, nói không thành thật, nói lời không đúng nghĩa, nói lời không đúng pháp, nói không dẫn đến tịch tĩnh, lại còn khen ngợi sự không tịch tĩnh, trái ngược thời gian mà lại không khéo dạy dỗ, không khéo la mắng.” [14]

Do đó, Đức Phật ví người nói lời chân thật như mặt đất có thể chấp nhận mọi thứ; như nước có thể rửa sạch mọi thứ; như lửa có thể đốt cháy mọi thứ; như một ngươi yêu thương tuổi thanh xuân, tắm rửa sạch sẻ rồi mặc đồ trắng với vòng trang sức quí giá.[15]

Tuy nhiên, lời nói chân thật vẫn chưa đủ trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Nó đòi hỏi phải có cách nói phù hợp với hoàn cảnh thực tế của phong tục địa phương cũng như trình độ tiếp nhận của con người nơi ấy:

“Sao gọi là “Tùy phong tục địa phương, không thị không phi”? Ở địa phương này, ở nhân gian này, sự kiện này hoặc được nói là “cái chậu”, hoặc nói là “cái khay”hoặc nói là “cái ô”, hoặc nói là “cái chén”, hoặc nói là “đồ đạc”, và ở địa phương kia, nhân gian kia, sự kiện kia, hoặc nói là “cái chậu”, hoặc nói là “cái khay”, hoặc nói là “cái ô”, hoặc nói là “cái chén”, hoặc nói là “đồ đạc.” Với sự việc này hay sự việc kia, không tùy khả năng, không nói với một mực rằng “Đây là sự thật, ngoài ra đều láo cả”, như vậy là tùy phong tục địa phương không nói thị không nói phi.” [16]

 Bên cạnh lời nói phù hợp với hoàn cảnh của phong tục địa phương, lời nói của một người cần phải đúng lúc. Nếu không như thế như lời nói hay quan điểm của người ấy không được chấp nhận, dù là người ấy nói lời chân thật của một bậc Thánh. Hơn nữa, việc tôn trọng, chú ý lắng nghe người khác nói trước khi muốn nói cũng cần quan tâm, như kinh Chi-ly-di-le ghi:

  Hiền giả nên biết, trong khi một số đông Tỳ-kheo đang thảo luận điều này có phải là pháp luật, điều này có phải là lời Phật dạy, Hiền giả chớ có dành nói nửa chừng. Đợi các Tỳ-kheo nói xong, nhiên hậu Hiền giả mới nói. Hiền giả hãy có thái độ cung kính và quán sát cẩn thận để thưa hỏi các bậc Tỳ-kheo Thượng tôn Trưởng lão. Chớ đem sự không cung kính, không khéo quán sát để thưa hỏi các ngài.”[17]

 II.2- Lời nói nhân ái:

Ái ngữ là lời nói của tấm lòng nhân ái (愛語。即此仁愛也).[18] Hình thức thể hiện tấm lòng nhân ái thông qua ngôn ngữ, được xem như là sức mạnh cho hoạt động độ sạnh của Đức Phật, như lời tán thán[19], lời từ chối khéo,[20] đối đáp,[21] phân tích,[22] huấn hối[23] và Ngài cũng khuyên các đệ tử là mọi khổ đau trên cuộc đời có thể loại trừ qua sự áp dụng ba nguyên tắc của lòng nhân ái: nói lời thân thiện, lời từ bi và lời tán thán những thành quả tốt đẹp của con người từ lúc bắt đầu, giữa và cuối.[24]

Nguyên tắc thứ nhất rất gần với cách giải thích Ái ngữ nhiếp trong Thích Kinh Luận (釋經論):

“Thế nào là Ái ngữ nhiếp? Nghĩa là lời nói vui thích, thú vị hay nói một điều gì đó với một nụ cười hàm tiếu, với gương mặt thư thản, có thể loại trừ cảm thọ tiêu cực của người khác. Những gì nói ra phải tạo cảm thọ tốt cho người khác như: “Thật là rất quí khi bạn đến thăm. Mọi thứ dễ chịu với bạn không? Bạn sống có thoải mái không? Bạn có đủ y phục, thực phẩm và hàng hoá hằng ngày không? Những lời chào đón, thăm hỏi này gọi là Ái ngữ…Nhiếp là bằng phương tiện Ái ngữ để ảnh hưởng người khác.”[25]

Cách giải thích này khiến cho chúng ta liên tưởng đến qui cách ứng xử trong giao tế giữa con người và xã hội. Tuy chỉ là những lời nói mang tính cách thăm hỏi thông thường nhưng vẫn thể hiện được sự quan tâm lẫn nhau trong các mối quan hệ cộng đồng. Đây chính là đầu mối của mọi sự liên kết. Nó giúp cho con người có cơ hội gặp gở, khuyến khích, trao đổi lẫn nhau những vẫn đề đã xảy ra có liên quan đến họ theo cách tốt nhất.

Nguyên tắc thứ hai là liên quan đến Từ Bi. Thuật ngữ từ bi xuất hiện rất phổ biến trong Phật giáo, được thể hiện chủ yếu qua thân khẩu ý. Trong phạm vi Ái ngữ, Từ Bi được thể hiện qua khẩu nghiệp. Thông qua khẩu nghiệp, tính chất Từ Bi được toát ra, hầu mang lại niềm an vui và xua tan mọi khổ đau cho bản thân và người khác. Dĩ nhiên ở đây, tâm sân nhuế đã vắng mặt: “Một khi đã trừ được sân nhuế thì sau đó mới được từ tâm.”[26] Bên cạnh chức năng này, Từ Bi còn có chức năng thông cảm, tha thứ, khoan dung. Do đó, Đức Phật khuyên chúng đệ tử cần phải suy nghĩ trước khi nói:

“Nếu Tôi còn không thích bị người dối gạt, người khác cũng như thế. Vậy tại sao lại dối gạt người khác? Nếu tôi còn không thích người khác chia lìa thân hữu tôi, người khác cũng như vậy. Vậy tại sao nay tôi lại chia lìa thân hữu người khác? Nếu tôi còn không thích người khác nói lời thô ác, người khác cũng như thế. Vậy tại sao đối với người khác mà lại mạ nhục? Nếu Tôi còn không thích người nói lời thêu dệt, người khác cũng như thế. Vậy tại sao đối với người lại nói lời thêu dệt? Cho nên đối với người khác không nên nói lời dối gạt, ly gián, thêu dệt, ác khẩu.”[27]

Nguyên tắc thứ ba liên quan đến đức tính tuỳ hỷ, một trong những đức tính vị tha của con người. Người có đức tính này thường biểu lộ vui mừng khi thấy người được lợi, hay khen ngợi cái đức của người khác.”[28] Lời khen ngợi hay tán thán đức tính tốt đẹp hoặc công hạnh tốt đẹp ở quá khứ hay hiện tại của một người sẽ dễ dàng gợi thiện cảm của họ khi khuyên họ nên từ bỏ điều bất thiện để thực hiện điều thiện.[29]

III. Giải Pháp cho vấn nạn gia đình:

Truyền thông là nhu cầu không thể thiếu đối với cuộc sống con người. Và có thể nói, Ái ngữ cũng là một phương tiện truyền thông tốt đẹp, tạo nên sự gắn kết, hài hòa giữa con người với nhau. Với Ái ngữ, một người có thể nói ra điều gì đó từ trong tận đáy lòng và đồng thời lời nói của người ấy cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hành động, cảm xúc tích cực của người khác. Qua những khía cạnh tính cực của Ái ngữ như đã đề cập trên, chúng ta có thể rút ra một số giải pháp cho vấn nạn gia đình như sau:

 III.1-  Không nói khi nóng giận:

Trong đời sống gia đình, sự căng thẳng giữa các thành viên là điều không thể tránh khỏi. Để giảm bớt căng thẳng và đưa hai bên trở lại quan hệ bình thường, một khoảng thời gian ngắn im lặng rất cần thiết để sự căng thẳng đó lắng xuống tới một mức nào đó và nhìn nhận lại mọi việc, rồi cùng trao đổi, xem xét lại vấn đề đã tạo ra sự căng thẳng.

III. 2- Không làm tổn thương phẩm hạnh của người khác:

Ca dao có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Câu ca dao ấy đã rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt và vẫn còn nguyên giá trị của nó trong mối giao tiếp của cộng đồng xã hội. Sự chọn lọc lời nói trước khi khai khẩu, người nói sẽ không làm tổn thương đến lòng tự trọng hay nhân phẩm của người khác trong khi tranh cãi hay thảo luận một vấn đề nào trong gia đình. Nếu không như thế, cho dù người nói có đúng đến đâu cũng không gặt được kết quả như mong muốn, tức phải trả một cái giá tổn thương vốn là một phần của những cuộc cải vã có người nói tham dự. Với cách nói Ái ngữ này, những bi kịch gia đình dẫn đến tổn thương thể xác hay tự tử sẽ không có điều kiện phát triển.

III.3- Biết đồng cảm khi nói:

Đồng cảm khi nói sẽ giúp người muốn nói một điều gì đó phải đặt vị trí của mình vào vị trí cũng như hoàn cảnh của người khác để hiểu những gì mà họ cần quan tâm. Từ đó, người nói có thể trình bày vấn đề của mình như chính vấn đề của đương sự. Với cách này, yếu tố hoà nhã, kính nhường, tuỳ thuận và hiểu biết lẫn nhau sẽ tràn đầy trong mái ấm gia đình.[30]

  III.4- Thông điệp của tình thương:

Tình thương được thể qua lời nói có thể tạo nên niềm vui, hạnh phúc, sự tự tin và hy vọng cho các thành viên trong gia đình. Lý tưởng của thông điệp tình thương là tự săn sóc bản thân và người khác[31] cũng như không làm tổn thương người khác[32] trong mối quan hệ gia đình trong những trường hợp khó khăn hay không khó khăn. Như vậy, việc thể hiện lời nói Ái ngữ là không chỉ thể hiện tình thương yêu thắm thiết, tận xương, tận tuỷ của bậc làm cha mẹ mà còn là thể hiện mối quan tâm sâu sắc đến việc dạy dỗ tâm sinh lý, lối sống cho con cái.[33] Những đứa trẻ không được chăm sóc và dạy dỗ chu đáo sẽ có tâm lý lệch lạc, tự do ngang bướng, thậm chí bất cần. Qua đó, đã tạo nên những nhân tố bất thiện, gây ra không ít thiệt hại cho cá nhân, gia đình và xã hội. Vì thế, điều cần thiết hơn hết là trải tình thương chăm sóc, tận tình dạy dỗ trẻ thơ theo đúng chiều hướng của tinh thần đạo đức, nhân nghĩa và đặc biệt là thích hợp với năng lực của từng cá nhân.

III. 5- Tấm gương đạo đức:

Những thành viên trong gia đình luôn có khuynh hướng bắt chước lẫn nhau. Nhất là con cái thường chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bố mẹ. Nếu như bố mẹ hay sử dụng những lời lẻ thô tục, chửi mắng, mạt sát, hiềm khích thì con cái sẽ có thể lập lại những lời lẻ ấy ngay trong môi trường gia đình. Chính cách xử sự này của bố mẹ đã khiến con cái bị khủng hoảng tâm lý, tự ti, khó hòa nhập, nhiều em trở nên hung hăn, lì lợm, xa lánh mọi người, căm ghét gia đình và có khuynh hướng thoát ly gia đình bởi chúng đã nghĩ rằng bố mẹ và gia đình không còn yêu thương, che chắn và bảo vệ mình nữa. Vì thế, việc sử dụng ngôn từ Ái ngữ của bố mẹ sẽ là một tấm gương để tạo cho con cái những điều kiện thuận lợi trong việc hình thành và phát triển nhân cách mà “không cần dùng dao, dùng gậy nhưng gia đình vẫn được an ổn, hạnh phúc.”[34]

Nhìn chung, Ái ngữ rất có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống của con người trong việc tạo dựng hạnh phúc gia đình. Trong khuôn khổ đề tài, người viết cũng chưa khái quát hết mọi khía cạnh của nó. Thế nhưng, trong phạm vi các vấn nạn gia đình, người viết hy vọng nếu như Ái ngữ được áp dụng rộng rãi trong từng cá nhân, gia đình thì các vấn nạn gia đình mà hiện nay xã hội và thế giới đang quan tâm sẽ có chiều hướng giảm xuống. Nhân dịp ngày Phật Đản trở về, và đặc biệt năm nay, Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Việt Nam, người viết kính dâng thành quả nhỏ bé này lên Đức Thế Tôn như gọi là thể hiện tấm lòng tôn kính và tri ân đến với Ngài. Kính nguyện cầu ánh đạo Từ Bi – Trí Tuệ toả khắp nhơn gian để thế giới hoà bình, chúng sanh chung lợi lạc.

Chú thích                                 

[1] T. No. 1506

[2] Trung A Hàm số. 40, p. 483c; Tạp A Hàm số 667, 668, 669, p. 185a; T.26, p. 402c

[3] Flower of Ornament Scripture - A Translation of the Avatamsaka sutra, Tr. Thomas Cleary, Shambhala, 1993, Vol II, p. 22, 45, 51, 52, 38,447.; Stop and Seeing, Tr. Thomas Cleary, Boston&London: Shambhala, 1997, p. 68, 194.

[4] Trường A Hàm, kinh số 19, Trung A Hàm số 40, Tạp số 667, 668, 669,

[5] T.1, p. 51a, 229b; T2., p.834a; T.3., p.164b, 165a, 202c, 263b, 321a, 432a, 565b, 682a, 943a; T.8, p.354a, 571c, 654a, 720a, 826c, 834c, 836c, 841b,890a, 910a, 915b; T.9, p. 34c, 169b, 275c, 276c, 299a, 297b, 433c, 499c, 550a, 552b, 561c,574c, 640a, 664c, 672a, 680b, 695c, 712a, 776b;T.10, p. 73a, 135b, 186c, 208c, 309b, 395c, 506a,508b, 518a, 531c, 544a,770a, 853c, 860b, 941a; T.11, p. 89c, 183b, 313c, 321c, 413c, 474c, 486a, 495b, 563a, 599b, 600a, 632, 633a, 638b, 648c, 705c, 716b, 733b,748c, 835, 845a; T.12., p. 215c, 217c, 534c, 779c, 960a, 989b; T.13, p. 44a, 48a, 61a, 69b, 77a, 85b, 88a, 91c, 94c, 100b, 105ac, 113b, 115ac, 153a, 199a, 204a, 216b239b, 316c, 393a, 499a, 506c, 581c, 624a, 625ac634a, 635c, 682c, 701a, 718b, 722c, 738b; 948c; T. 39, p. 640c, 605a, 645a, 706a, 765c, 766a.

[6] T.85, p.1331.a; T.38, p. 323c “.”

[7] Trung A Hàm, số 135, Trg. 641c

[8] T.35, Trg..799.b ; T.22, trg.952.b

[9] T.13, Trg.203.c

[10] Sách đã dẫn

[11] T.53, Trg.883.b

[12] Tạp A Hàm, số 668, Trg.185a.

[13] T.35, p.799.b ; T.22, Trg. 952.b

[14] Trung A hàm , số 15, Trg. 437c.

[15] Trung A Hàm số 24, Trg. 453ab

[16] Trung A Hàm số 169, Trg. 703a.

[17] Trung A Hàm, số 82, Trg. 557b-558a.

[18] T.85, p.1331.a; T.38, Trg. 323c

[19] Tạp A Hàm, số 915, Trg. 231b

[20] Trường A Hàm, số 2, Trg, 20c

[21] Trương A Hàm, số 5, Trg. 36b-39a

[22] Trường A Hàm, số 8, Trg. 48ab

[23] Tăng Nhất A Hàm, XXIV.5, Trg. 622b

[24] Tạp A Hàm, số 915, Trg. 231b

[25] T. 26, Thích Kinh Luận (釋經論), Trg. 403.a

[26] Trường A Hàm, số 9, trg. 52a

[27] Tạp A Hàm, số, 1044, Trg. 273b

[28] Trường A Hàm, số 16, trg. 71a

[29] Tăng Nhất A Hàm, phẩm IV.1-10, Trg. 557a-558c; Tạp A Hàm, số 1065, Trg. 22c

[30] Trường A Hàm, số 16, Trg. 72c

[31] Trung A Hàm, số 2, Trg. 422.a

[32] Tạp A Hàm, số 1065, Trg. 22c

[33] Trường A Hàm, số 16, Trg. 71c

[34] Trung A Hàm, số 213, Trg. 679

TT. Thích Minh Thiền (Theo Tham luận Hội thảo Đại lễ Phật Đản K- Giang)

 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch