Vào thời Đường, thời Tống cư sĩ tại gia của Phật Giáo rất phát triển, điều này được chứng minh bởi các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Phật Giáo như văn bia, tranh họa, tác phẩm điêu khắc, Đôn Hoàng Thạch Quật... đã miêu tả rất đậm nét các mối quan hệ trong cuộc sống gia đình, quan hệ hôn nhân... Sau thời Nguyên Phật Giáo từ từ lui vào chốn sơn lâm, xa rời quần chúng, điều này càng làm cho quần chúng ngộ nhận cho rằng Phật Giáo là tiêu cực và chạy trốn hiện thực. Từ đó, dần đến việc nhiều người khi thấy con cái gần chùa, gần thầy liền lo sợ con mình sẽ đi tu, gia đình sẽ tuyệt tự. Kỳ thật, gần thầy, gần chùa chưa chắc đã xuất gia vì không phải bất kỳ ai cũng có thể xuất gia được.
Cư sĩ tại gia là nền tảng căn bản của Phật Giáo, thời Phật tại thế Ngài rất chú trọng đến cuộc sống gia đình, quan hệ vợ chồng cùng việc nuôi dạy con cái, có nhiều kinh điển đề cập đến việc kết hôn, mang thai, sanh con... Điều này cho thấy Phật Giáo không hoàn toàn cách tuyệt với thế gian.
I/ Ý nghĩa của hôn nhân:
Hôn nhân là cùng gánh vác, cùng chấp nhận trách nhiệm và nghĩa vụ. Người chưa kết hôn thường nghĩ rằng mình còn tự do không phải lo nghĩ gì cả, có người không những không nghĩ đến cuộc sống tuổi già của cha mẹ mình sẽ ra sao thậm chí còn để cho cha mẹ chu cấp cho mình nữa. Sau khi kết hôn có gia đình riêng và nhất là sau khi sanh con mới thật sự cảm nhận được công lao của cha mẹ, và mới thật sự cảm nhận được trách nhiệm đói với gia đình. Do vậy, người chưa kết hôn và người đã kết hôn hoàn toàn khác nhau. Hôn nhân vốn là sự khởi đầu khẳng định trách nhiệm của bản thân.
Có người cho rằng "Hôn nhân là xiềng xích" "Hôn nhân là nấm mộ của tình ái". Lại có người cho rằng kết hôn rồi cũng vẫn có thể ly hôn, vậy thì cần gì phải kết hôn, không kết hôn có phải là tự do hơn không? Đây là thái độ thiếu trách nhiệm và lãng mạn không thực tế. Nếu khi mới kết hôn đã nghĩ ngay đến việc ly hôn, hay đã kết hôn rồi còn muốn được tự do theo ý mình thì kết hôn để làm gì??? Nên phải hiểu rằng kết hôn là trách nhiệm, là vấn đề vô cùng nghiêm túc, hơn nữa là qúa trình rèn luyện đẹp nhất của đời người.
Những vấn đề của xã hội ngày nay tuyệt đại bộ phận đều phát sinh từ tiền bạc và sắc đẹp nam nữ. Ở Ấn độ vì khí hậu nóng nên con người sớm trưởng thành, ngày xưa ở Ấn độ 12, 13 tuổi đã lập gia đình, thậm chí còn sớm hơn nữa, vì trời nóng chổ ở lại chật chội nên thường ngủ dưới gốc cây hay ngoài trời. Do đó, vấn đề quan hệ nam nữ càng thêm phức tạp. Đức Phật đã nhìn thấy vấn đề nghiêm trọng này nên chế định cư sĩ tại gia giữ ngũ giới nhất là giới không tà dâm. Từ đây, chúng ta thấy được rằng Phật Giáo rất chú trọng việc hôn nhân và nhấn mạnh vấn đề vợ chồng phải biết giữ chử tín và tiết hạnh. Trên lập trường của Phật Giáo giới không tà dâm vợ chồng đều cùng phải tuân giữ, và phải được mọi người cùng xem trọng vì đây là nền tảng của hạnh phúc gia đình và sự ổn định hòa hợp trong xã hội. Đừng nghĩ chỉ vui chơi trong chốc lát mà xem thường không giữ gìn vì nó chính là nguyên nhân làm tan vỡ gia đình. Nói về sinh lý thì chồng nếu quan hệ với người ngoài thì sẽ nhiễm bịnh xã hội rồi đem về truyền lại cho vợ con, còn về mặt tâm lý thì vợ hay chồng có quan hệ bất chính bên ngoài sẽ làm cho tinh thần của người kia bị đổ sụp, làm mất hạnh phúc gia đình và bất ổn trong xã hội. Do vậy, không thể xem thường trách nhiệm xã hội trong hôn nhân được.
Kết hôn cũng là sự kết hợp giữa hai gia đình từ đó mối quan hệ trong xã hội càng mỡ rộng và thay đổi. Đối mặt với hoàn cảnh và cuộc sống mới đó cần lấy tinh thần từ bi để đối đãi và lo lắng cho nhau, đối với cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ cần lấy trí tuệ để xử lý, lấy tình thương và đạo lý để dạy dỗ con cái. Đây là nghĩa vụ và thái độ cần phải có trong quá trình hôn nhân.
II/ Ý nghĩa của việc xây dựng Phật hóa gia đình:
1/ Lấy tín ngưỡng tôn giáo thúc đẩy xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc mỹ mãn
Kết hôn là việc đơn giản nhưng cuộc sống gia đình là chặng đường dài phải đi ở tương lai, nếu gia đình có chung một tín ngưỡng, lấy niềm tin làm tiêu chuẩn để xây dựng hạnh phúc gia đình. Học theo hạnh từ bi của Bồ Tát Quan Âm thời vợ chồng sẽ thương yêu và tương kính lẫn nhau, tin tưởng và trung thành với nhau, con cái có trách nhiệm vớicha mẹ già giữ tròn chữ hiếu, không bao giờ bỏ mặc cha mẹ không hề chăm sóc, có cùng niềm tin tôn giáo khi gặp khó khăn rắc rối trong cuộc sống chung giữa hai người cùng cầu nguyện Bồ Tát Quan Âm gia hộ để có được trí tuệ và nghị lực để đối mặt và giải quyết khó khăn. Hai người xuất thân từ hai gia đình, hai hoàn cảnh khác nhau nên khi về sống chung phải biết bao dung lẫn nhau, hoàn thiện nhân cách cho nhau, nếu không được như vậy thì đừng lấy nhau để khỏi làm khổ cho nhau.
Vợ chồng nếu gây cãi với nhau thì là lỗi của cả hai, vì cãi nhau là từ hai cái miệng chứ không phải một, nếu chỉ có một cái miệng nói thôi thì làm sao hình thành nên được việc cãi vã?
2/ Lấy việc tịnh hóa gia đình để nâng cao nhân cách và tịnh độ hóa nhân gian:
Tịnh hóa nhân gian phải bắt đầu từ tịnh hóa gia đình, cũng có nghĩa là phải bắt đầu từ việc xây dựng Phật hóa gia đình, lấy trí tuệ và lòng từ bi của chư Phật, Bồ Tát làm đối tượng học tập của chúng ta trong xử lý việc gia đình, nâng cao phẩm cách của chính mình từ đó hoàn thành việc tịnh hóa gia đình, ảnh hưởng người thân, bạn bè và xã hội xây dựng tịnh độ tại trần gian.
III/ Làm thế nào để xây dựng Phật hóa gia đình:
1/ Xây dựng nhận thức chung về hôn nhân:
Chúng ta nói đến việc xây dựng Phật hóa gia đình là hy vọng bắt đầu từ việc kết hôn của 2 đôi trẻ, từ một gia đình để đi đến việc xây dựng Phật hóa gia đình trong xã hội. Làm thế nào để xây dựng Phật hóa gia đình? Đầu tiên là phải xây dựng nhận thức chung về hôn nhân. Nhận thức chung về hôn nhân chính là sự quan tâm lẫn nhau, kính trọng lẫn nhau, nhường nhịn nhau, xem nhau là bạn cùng tu, là thiệm hữu trí thức của nhau, nâng đỡ dắt dìu nhau để cùng nhau trưởng thành và tiến bộ.
Khi người kia tiêu cực, buồn chán, cô đơn đến cực cùng thì phải biết động viên an ủi "chỉ cần núi kia tồn tại, sợ gì tìm không ra củi đốt, khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời, chúng ta hãy cùng nhau cố gắng, mình không nên chán nản, tôi luôn ở bên mình để cùng mình vượt qua khó khăn này, hơn nữa con chúng ta rất cần sự chăm sóc của mình". Đó chính là quan tâm lo lắng cho nhau.
Đức Phật dạy mỗi chúng sanh đều có Phật tính, nghĩa là mọi chúng sanh đều tiềm ẩn khả năng thành Phật, mọi người đều sẽ là Đức Phật ở tương lai, vì thế chúng ta phải biết tôn trọng đối phương cho dù họ có không tôn trọng chúng ta đi nữa, thậm chí họ có đối xử không tốt với mình cũng tập xem đó là nghịch tăng thượng duyên (cơ hội luyện tập) đối với sự tu dưỡng của chúng ta. "Núi không chuyển đường chuyển, đường không chuyển người chuyển". Nếu đối phương không thể thay đổi trong nhất thời thì tự mình phải biết điều chỉnh để giữ được thái độ tôn trọng, tôn kính, cùng sống chung với người ấy xem họ là Phật, là Bồ Tát ở tương lai nên tâm luôn tôn trọng nhau.
Sự hòa thuận trong gia đình rất quan trọng, nhiều gia đình đổ vỡ bắt đầu từ việc vợ chồng không kính nhượng lẫn nhau, đặc biệt chồng phải biết tập nhường vợ vì điều này khó làm hơn là ngược lại.
2/ Giáo dục từ khi còn trong bụng mẹ:
Kết hôn nhưng không muốn sinh con là hành vi thiếu trách nhiệm, cũng là từ chối cơ hội trưởng thành đối với mình nhưng sinh con thật nhiều cũng là điều không tròn bổn phận, có con chúng ta mới có thể hiểu được sự khó nhọc của cha mẹ đối với chúng ta, từ khi mang thai, đến sanh con, nuôi con ăn học, dựng vợ gả chồng cho con rồi cũng chưa hết còn phải giúp con tạo dựng cơ nghiệp nữa. Nếu không có con làm sao hiểu được trách nhiệm và nổi khổ của người làm cha mẹ. Ngày nay, những đôi vợ chồng trẻ ở xã hội phương đông lẫn phương tây thường quên đi trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già của mình, thậm chí sanh con đẻ cái mình không chăm sóc đã đành, còn đem con cái giao cho cha mẹ già "hiếu thuận" nó nữa. Đây là điều cần suy nghĩ rất nhiều.
Trong lúc mang thai phải nghĩ rằng mình đang mang trong mình vị "tiểu bồ tát", không nên nghĩ rằng trong bụng mình đang mang là "tiểu quỷ". Quan niệm rất quan trọng nếu nghĩ con mình là "quỷ" thời tương lai nó sẽ hóa "quỷ", còn nghĩ con mình là "bồ tát" thì nó sẽ là "bồ tát" sau này. Trong khi mang thai phải thường niệm Quan Âm, thường chiêm ngưỡng Quan Âm, thường nghĩ đến lòng từ bi và công hạnh cứu thế của Bồ Tát Quan Âm được như vậy rất tốt cho thai nhi. Mặt khác còn phải biết giữ cho tâm khí luôn an hòa, không nên bực tức, giận dữ lúc mang thai, cũng không được tham ăn, tham uống, phải giữ cho cuộc sống của mình thật quy củ, vì mọi ý niệm, cử chỉ, hành động và lời nói của mình đều sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Trong lúc này người chồng đừng nghĩ rằng mình không có nghiã vụ gì trong việc giáo dục thai nhi, vì sự đối xử, ngôn ngữ, hành động của mình sẽ ảnh hưởng đến vợ và như vậy sẽ ảnh hưởng đến con, nên giáo dục thai nhi là việc của vợ lẫn chồng mà không phải của riêng ai.
3/ Giáo dục từ nhỏ:
Khi con mới biết bò phải dạy cho con biết lễ Phật, phải cho con xem những sách truyện nói về sự yêu thương động vật, cây cỏ và tâm từ bi cứu độ chúng sanh của chư Phật Bồ tát để hun đúc cho con lòng thương yêu người và vạn vật ngay từ tấm bé. Nhiều người cho rằng để cho con cái tự chọn niềm tin tôn giáo sau khi nó lớn khôn, điều này không thật đúng hoàn toàn, chúng ta phải biết xây dựng niềm tin tín ngưỡng cho con mình ngay từ trong bụng, ngay lúc còn nhỏ, nếu không như vậy thì cha mẹ chưa làm hết bổn phận và nghĩa vụ của mình. Cha mẹ phải biết dành cho con càng nhiều thời gian càng tốt vì có như vậy con nhỏ mới có thể trưởng thành khỏe khoắn về cả thể xác lẫn tâm hồn được
4/ Cuộc sống vợ chồng:
"Hãy biết tha thứ cho người ấy" nói thì dễ nhưng làm thời rất khó, vợ chồng sống chung phải biết bao dung lẫn nhau, sửa được thì tốt, không sửa được thì phải tập biết coi đó là chuyện nhỏ có như vậy mới hòa thuận em ấm được, còn hai người nếu cứ "thêm mắn dặm muối" hoài thì làm sao mà chuyện nhỏ không xé to được. Có đôi vợ chồng lấy nhau đã bốn năm nay đòi ly hôn, thầy hỏi nguyên nhân thì người chồng thưa "Thưa thầy, vợ con ăn táo không gọt võ, ăn quýt không tước sơ, lấy giẻ lau bàn đi lau chén điã". Người vợ thì bạch "Bạch thầy, chồng con tối không súc miệng, ngủ không rửa chân, thúi trên thúi dưới làm sao con ngủ được". Thế đấy đã không bao dung được cho nhau thì chuyện dù nhỏ thế cũng phải ly hôn.
Ngòai ra còn phải biết tha thứ cho nhau, tin tưởng và thương yêu nhau hết mình cho dù bên ngoài người ấy lỡ có ngoại tình đi chăng nữa nếu mình tin tưởng hết lòng thì đến lúc họ cũng phải hối hận mà quay về. Vợ chồng phải tuyệt đối tin tưởng nhau, phải hiểu nhau để tha thứ cho nhau, là người Phật tử càng phải tin tưởng, tha thứ và bao dung người mình yêu hơn những người khác vì điều này vô cùng quan trọng trong việc xây dựng hôn nhân tốt đẹp và Phật hóa gia đình.
THEO PTVN