Khi tìm hiểu sự hình thành và phát triển đạo Phật từ thế kỷ V trước Tây lịch, tôi nhìn thấy có một sự trùng hợp kỳ lạ giữa Phật giáo thời đó và yêu cầu tâm linh thời đại mới ngày nay, trong phương thức hành đạo cũng như quan niệm về việc tạo dựng các không gian tâm linh.
Tìm về con đường tâm linh mới
“Sự kiện có ý nghĩa nhất của thế kỷ XX là sự gặp gỡ giữa đạo Phật và phương Tây”. Tôi nghĩ rằng nhận định đó của nhà sử học nổi tiếng người Anh Amol Toynbee về các nền văn minh loài người, đang là một hiện thực.
Thật ra, Phật giáo như một tôn giáo và triết học phương Đông đã đến phương Tây từ thế kỷ XIX, nhưng chỉ giới hạn trong giới học thuật và trí thức. Phật giáo chỉ nở rộ và đi vào xã hội phương Tây vào nửa sau của thế kỷ XX khi nền văn minh vật chất của phương Tây rơi vào bế tắc. Người ta hướng về các truyền thống tâm linh phương Đông mong tìm lời giải đáp.
Có đi sâu vào sinh hoạt trí thức và tâm linh ở phương Tây ngày nay, nhìn ra những cái bế tắc của xã hội kỹ thuật-vật chất ở đây, ta mới nhìn thấy hết khát vọng của con người hiện đại. Đó là làm sao dung hoà được việc duy trì được những thành tựu khoa học lẫn tiện nghi vật chất cùng với ước vọng vươn tới một cuộc sống tâm linh thanh cao.
Do hậu quả của khuynh hướng chống giáo quyền, truyền thống phương Tây là “thế tục hoá tâm linh”. Đa số người phương Tây ngày nay đến với đạo Phật không phải như một tôn giáo, tín ngưỡng mà như một con đường trí tuệ, một con đường giải thoát tâm linh. Và cũng khác với phương Đông, nơi mà đạo Phật là một tôn giáo và truyền thống văn hoá với các trung tâm Phật giáo được định hình từ lâu. Ở phương Tây, sinh hoạt Phật giáo từ bước đầu đã nghiêng về chiều sâu, nhấn mạnh đến đời sống nội tâm, tìm kiếm những giá trị tinh thần hơn là quan tâm đến tín lý, giáo điều của tôn giáo truyền thống.
Chẳng hạn như ở Pháp, mỗi sáng Chủ nhật ta có thể xem truyền hình Tiếng nói Phật giáotrên sóng France 2. Tôi nhìn thấy chương trình ít đề cập đến vấn đề lễ bái mà nghiêng về việc giới thiệu phương thức tu tập, hành thiền, chú ý nhiều về giới thiệu hoạt động văn hoá, xã hội Phật giáo ở khắp nơi. Hầu hết các khoa học xã hội và nhân văn của các đại học lớn ở phương Tây đều có giảng dạy triết học Phật giáo. Nhiều khoá tu tập thiền định, đọc kinh sách, học giáo lý Phật giáo diễn ra tại các học viện, thiền viện chuyên biệt. Tham khảo sách báo truyền bá đạo Phật ở phương Tây, phải nhìn nhận rằng chúng khá phong phú, sáng sủa, khoa học, tập trung vào giáo lý căn bản, tinh tuý của đạo Phật.
Tuy cũng có người phương Tây xuất gia, thọ giới, gia nhập Tăng đoàn nhưng số này không nhiều so với Phật tử tại gia. Do khuynh hướng thế tục hoá tâm linh, hình ảnh đạo Phật phương Tây cho đến nay chủ yếu là hình ảnh của những người cư sĩ. Đạo Phật nhập thế chứ không phải là một đạo Phật xuất thế. Phần lớn các Phật tử phương Tây chọn lựa tiếp tục sinh sống trong gia đình và xã hội. Người Phật tử phương Tây thường không gia nhập hẳn vào một khuôn hội hoặc phụ thuộc vào một ngôi chùa do Tăng sĩ lãnh đạo, mà chỉ gắn kết với nhau qua một học hội hay thiền đường do chính các cư sĩ điều hành lấy.
Dĩ nhiên họ cũng được các thiền sư hoặc Tăng sĩ truyền giảng giáo pháp hoặc hướng dẫn tu tập. Nhưng ở đây, nam nữ, Tăng sĩ, cư sĩ, tất cả những đệ tử của Đức Phật đều bình đẳng trên mặt tâm linh. Tôi đã nhìn thấy những thiền sư phương Tây tập họp các nhóm đệ tử để truyền dạy giáo lý cho họ, nhưng vẫn cùng ngồi tĩnh toạ và diện bích như các đệ tử của các ngài.
Một sự kiện lạ lùng là việc truyền bá Phật pháp các thập kỷ gần đây ở phương Tây phần lớn lại do công sức của các Lạt ma Tây Tạng. Họ là những nhà sư phương Đông vào những năm 1950, lần đầu tiên gây được sự chú ý của người phương Tây đến đạo Phật cũng như kịp thời đem đến cho họ một thế giới tâm linh và nội tâm mới. Gần đây, cũng xuất hiện một số thiền sư người châu Á khác truyền bá Phật pháp theo lối mới, biết cách trình bày giáo lý của Đức Phật và đã thật sự lôi cuốn được rộng rãi người Âu, Mỹ. Họ tác động bằng chính các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, truyền hình và các khóa tu tập hành thiền tập thể khắp châu Âu và Hoa Kỳ.
Tìm về không gian tâm linh đích thực
Phát xuất từ phương thức hành đạo trên, việc xây dựng các trung tâm Phật giáo, tự viện, thiền thất ở đây cũng được quan niệm lại, không mấy chú trọng đến hình thức. Các công trình này do chính người phương Tây bỏ công sức xây dựng và tự điều hành, nằm ngoài và không dính dáng gì đến các chùa mang tính truyền thống và quốc tịch gốc của các cộng đồng người châu Á sinh sống ở đó.
Cho đến nay, ít tự viện nào to lớn được xây cất do chính người phương Tây. Mà thường đó chỉ có những công trình thiền thất giản dị và khiêm tốn, chủ yếu hướng về nội thất thanh tịnh bên trong và mở ra thiên nhiên bên ngoài. Quan niệm này cũng dần dần tác động đến các trung tâm sinh hoạt Phật giáo mang tính “đổi mới” của các cộng đồng Phật tử trí thức người gốc châu Á sinh sống ở phương Tây.
Khi tìm hiểu sự hình thành và phát triển đạo Phật từ khởi thuỷ 5 thế kỷ trước Tây lịch, tôi nhìn thấy có một sự trùng hợp kỳ lạ giữa Phật giáo thời đó và yêu cầu tâm linh thời đại mới ngày nay, trong phương thức hành đạo cũng như quan niệm về việc tạo dựng các không gian tâm linh.
Thực vậy, tại phương Đông, đạo Phật xuất hiện cùng thời với nền văn minh Hy Lạp La Mã ở phương Tây, thời Xuân thu Chiến quốc ở phương Đông, nhưng lại không đặt nặng yêu cầu không gian thờ tự, tế lễ hoành tráng. Không gian tu tập tín đồ có thể là một khu vườn hoặc hang động rộng lớn, chủ yếu có đủ chỗ đón nhận được nhiều người.
Các cơ sở sinh hoạt Phật giáo đầu tiên chỉ đơn giản là các không gian mở ra giữa thiên nhiên hoặc phòng hội lớn, trần trụi, không mang trí hình tượng, màu sắc gì. Hàng nghìn tín đồ cùng lúc có thể đến ăn ngủ, nghe thuyết giảng, tham thiền tu tập. Về sau thì các nơi này biến thành điện thờ (Chaiya), chỉ trang hoàng duy nhất một hình tượng Đức Phật, nhưng đó cũng xuất phát từ yêu cầu đông đảo quần chúng tín đồ từng quen thuộc với nghệ thuật trang trí hình tượng kiểu Ấn Độ giáo.
Các tăng viện (Vihara) cũng giản đơn không kém, chỉ gồm các dãy phòng nhỏ bố trí quây quần chung quanh một không gian rộng, dạng “đền hang” khoét vào núi đá theo truyền thống xây dựng đền đài Ấn Độ.
Tháp tròn Stupa (Pagoda) không vút cao nhiều tầng như những gì ta nhìn thấy ngày nay, mà đơn giản là các ụ đất đá hình bán cầu, trên đỉnh có chóp 3 tầng dạng tán lọng đặt xá lợi. Công trình này mang tính tưởng niệm hơn là nơi tế lễ. Nếu so sánh với đền thờ Bà La Môn nguy nga, mang nặng tính phô diễn với trang trí sặc sỡ hình tượng đủ loại thần thánh và khép kín, chỉ đón nhận các nhà tư tế đẳng cấp cao, thì không gian tâm linh Phật giáo mộc mạc, thuần khiết, khiêm tốn và dung dị, mở rộng cửa đón nhận mọi người, không phân biệt đẳng cấp, nguồn gốc.
Vào thời kỳ thần quyền còn ngự trị đó, đạo Phật và không gian tâm linh Phật giáo kiểu này thực sự là một hiện tượng cách mạng ít thấy trong lịch sử tôn giáo loài người từ cổ chí kim. Những chùa Phật ban đầu không trang trí một hình tượng nào, kể cả hình tượng Đức Phật. Con người quy tụ về đây là cốt để tu tập, tìm con đường giải thoát cho chính mình và mọi người, chứ không phải đến để cầu xin thần thánh gia phúc cho bản thân, gia đình mình như cách hiểu sai lầm về sau.
Đạo Phật chỉ biến dạng khi truyền ra các nước khắp châu á, hội nhập vào khung cảnh đa tín ngưỡng, đa thần giáo tại chỗ. Hình tượng Đức Phật có khi bị lẫn lộn vào hỗn-mang-thần-thánh tôn giáo- tín ngưỡng dân gian địa phương.
Đi tìm không gian tâm linh nào cho thế kỷ XXI
Vào những thập niên giữa thế kỷ XX vừa qua, nhiều đợt chấn hưng Phật giáo đã khuyến khích việc trang trí nội thất chùa mới, chỉ nên tập trung vào một hình tượng Đức Phật. Các công trình xây dựng hiện đại của các tông phái Phật giáo cách tân ở Nhật Bản, và phải chăng cả các thiền viện mới xây dựng ở nước ta đang đi theo đường hướng đúng đắn này.
Riêng tôi vẫn mong muốn được nhìn thấy một không gian tâm linh Phật giáo chỉ còn là một không gian trống, không hình tượng như các Chaiya ban đầu nơi đất Phật. Đó là một nơi mà con người có thể phá chấp, không phân biệt tín ngưỡng khác biệt nhau, chỉ tập trung vào việc tu tập nâng cao đời sống tâm linh, không cần biết đến nguồn gốc, đẳng cấp, dân tộc hoặc tôn giáo nào.
Một lần đến dự hội thảo tại một đại học Bắc Mỹ, nhìn thấy một khối nhà lớn nằm tại vị trí trung tâm, bên trong chỉ vỏn vẹn một không gian lớn rỗng không với một khối đá hoa cương vuông vức nằm chính giữa, tôi không thể đoán ra được ngôi nhà sử dụng chung cho các tôn giáo, nào Tin lành, Ki tô giáo La Mã lẫn Do Thái giáo. Nay tôi nghĩ rằng toà nhà có lẽ cũng được sử dụng cho người theo đạo Bà la môn, đạo Phật hành lễ, vì trường đó ngày càng có đông sinh viên từ châu Á đến học tập. Khi có dịp quan sát lễ lạt nhiều tôn giáo khác nhau, tôi thấy tựu trung các tín đồ đều cần một không gian tâm linh, miễn sao tạo được khung cảnh để sinh hoạt tinh thần mà không nhất thiết phải sử dụng hình tượng hoặc trang trí riêng biệt của tôn giáo mình. Từ đó tôi thường suy nghĩ về một không gian tâm linh tương tự nơi hành lễ nói trên, dành cho mọi người trong đời sống thế kỷ XXI.
Phải chăng hành tinh chúng ta ngày càng bé nhỏ lại, cả loài người rồi sẽ chỉ là một ngôi làng, xung đột-hận-thù-chiến tranh sẽ thuộc về quá khứ, tất cả mọi dân tộc đều bình đẳng và là anh em cùng sinh sống trên hành tinh gọi là quả đất, ngôi nhà chung này.
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 28 | Nguyễn Hữu Thái ( Mỹ)