Đạo đức - Tâm lý học PG
Hiểu biết để cảm thông- Phần II
Thích Đạt Ma Phổ Giác
23/11/2014 23:30 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

     Muốn trở thành người có nhân cách đạo đức, ta phải thực tập lời nói từ tốn, ôn hòa, luôn sống chân thực với người trước sau như một, không vì lợi dưỡng riêng tư, cũng chẳng vì những tham muốn cá nhân vị kỷ.

      CÁCH CHINH PHỤC LÒNG SÂN HẬN


     Làm người có ai lại không nóng giận, chỉ khác nhau ít hoặc nhiều mà thôi. Nóng giận là một thói quen dính mắc từ sự chấp trước làm cho mình lẫn người đều phiền não. Chúng ta phải làm thế nào để trở thành người có nhân cách đạo đức tốt, đòi hỏi bản thân phải luôn xét nét, nhìn kỹ chính mình, để thấy được những lỗi lầm nhỏ nhặt nhất mà tìm cách khắc phục. Mình phải biết làm chủ bản thân qua từng cảm thọ, xúc chạm để biết sống khoan dung, độ lượng, tha thứ ngay đối với người từng làm đau khổ hay tổn hại đến mình. Mọi việc mình làm hãy lấy lợi ích chung làm trọng, làm vì người, vì lợi ích tất cả chúng sinh chứ không vì lợi ích của bản thân. Ai thực tập được như vậy là người sống có đức hạnh, sống có đạo đức và đang tiến bước trên con đường giác ngộ và giải thoát.


 

     Muốn trở thành người có nhân cách đạo đức, ta phải thực tập lời nói từ tốn, ôn hòa, luôn sống chân thực với người trước sau như một, không vì lợi dưỡng riêng tư, cũng chẳng vì những tham muốn cá nhân vị kỷ. 


     Trong các phiền não, giận dữ là điều vô cùng nguy hiểm. Ta chớ khinh thường một đốm lửa nhỏ, nếu không biết cách ngăn chặn từ đầu sẽ đem lại một hậu quả đau thương.


     Vị Bà La Môn vì ganh ghét Phật nên theo sau chửi hoài mà Phật vẫn ung dung, bình thản bước đi. Thay vì quay lại tranh hơn, Người chỉ nhẹ nhàng trải tọa cụ rồi ngồi lại mà nói lên câu kệ này:


 Người hơn, thêm ân oán hận thù

 Kẻ thua, tức tối ngủ chẳng yên

 Cả hai hơn thua đều xả

 Do đó duỗi thẳng hai chân mà ngủ.


      Lời Phật dạy quả là chân lý. Ở đời ai cũng tranh giành phần hơn, nên kẻ thắng thì tự hào hãnh diện, kẻ thua thì ôm hận, oán thù nên rốt cuộc lại thêm nhân quả thù hằn dai dẳng. Khi phải trao đổi hay bàn giải điều gì, cả hai nên dùng lời ái ngữ ôn hòa, dẹp bỏ lòng tự ái, kiêu căng ngã mạn mà cởi mở cùng nhau. Lòng tự ái là con đẻ của bản ngã, chính nó gây nên thù hận và giết chết đời ta.


      Một khi đã giải quyết ổn thỏa và thông cảm với nhau rồi, ta cảm thấy lòng vơi đi gánh nặng, tâm hồn tươi mát, nhẹ nhàng, cảm thấy yêu thương nhau nhiều hơn. Đó mới thực sự là phương cách hóa giải hận thù một cách tuyệt hảo vậy. Ngược lại, nếu cứ mãi ôm ấp hận thù, ta chỉ làm cho chính ta và người đau khổ, thêm sầu, thêm oán, thêm hận chứ không ích lợi gì cho nhau.


      Theo lẽ thường, khi ta bị ai mắng chửi là ta lại muốn chửi lại nặng hơn để đối phương phải nể. Hai bên vì thế càng trở thành đối nghịch và thù ghét lẫn nhau. Cứ như thế, cả hai đều có chung nỗi khổ, niềm đau, người hơn và kẻ bị thua đều phải mất ăn, mất ngủ, thắng cũng khổ mà bại cũng khổ. Tốt hơn hết, ta hãy nên buông xả cho lòng được nhẹ nhàng, thanh thoát, nhường nhịn nhau một chút chứ dại khờ gì mà hơn thua nhau để làm khổ thân tâm.


      Là người Phật tử tu theo đạo từ bi và trí tuệ, Phật dạy ta không nên nuôi dưỡng hạt giống sân hận, thù hằn, ganh ghét bất cứ ai. Đôi khi ta đã sai lầm mà ta vẫn cứ khư khư cố chấp, mãi bảo thủ những định kiến của mình. Vì sĩ diện bản ngã của ta, nên lúc nào ta cũng muốn lấn lướt hơn người, hại người, chính vì thế ta luôn sống trong nỗi khổ niềm đau. Cho dù ta có thỏa mãn sự chiến thắng của mình bằng sự sân hận, nhưng lòng ta lại luôn bất an và đau khổ vô cùng vì lo sợ trả thù.


     Trở lại câu chuyện người Bà La Môn đã mắng chửi Phật một cách thậm tệ. Phật vẫn nghe rõ từng âm thanh hằn học, chát chúa, nhưng Ngài nghe chỉ là nghe, nên lời mắng chửi đó không làm Ngài bất an dao động. Người biết rằng, kẻ hơn thì thêm oán, kẻ thua ngủ chẳng yên, bởi cuộc sống này người đời lấy hơn thua thắng bại làm căn bản, thắng thì kiêu hãnh, tự hào, khoái chí; thua thì tức tối, phiền muộn, khổ đau tìm cách trả thù.


      Có chú sa di tính tình rất nóng nảy, luôn cộc cằn, thô lỗ với mọi người. Tuy xuất gia đã trên 10 năm rồi, nhưng chú vẫn chứng nào tật đó. Vì tính nóng giận nên huynh đệ ở chung không vui được lúc nào. Để giúp chú chuyển hóa cơn giận, một hôm sư phụ trao cho chú một túi đinh và căn dặn rất kỹ càng, “khi nào con nổi nóng và nặng lời với ai thì hãy lấy một cây đinh đóng vào hàng rào gỗ phía sau chùa, sau hãy tự suy gẫm lại mọi việc”.


      Ngày đầu tiên chú đã đóng được 36 cây đinh vào hàng rào. Những ngày kế tiếp chú cố gắng tìm lại nguyên nhân tại sao, nên số lần giận giảm bớt lại một cách rõ rệt và số đinh đóng vì vậy cũng thưa dần. Nhờ kiên trì với phương pháp đóng đinh, chú nhận ra sự sân hận nơi mình thật đáng sợ vì sự tác hại của nó. Bắt đầu từ đó chú bình tĩnh, sáng suốt để đối đầu mọi việc, vẫn khỏe hơn khi nóng giận rồi lại đóng thêm một cây đinh. Nhờ siêng năng, tinh cần theo lời dạy của sư phụ mà giờ đây chú là một Tỳ Kheo chững chạc, nhã nhặn, không bốc đồng và nóng nảy như xưa nữa.


      Với tấm lòng từ bi rộng lớn, sau khi tán thán đệ tử của mình, sư phụ của thầy đã đưa ra một đề nghị lớn để tiếp tục giáo dưỡng. Nếu một ngày trôi qua mà con không làm cho ai phiền muộn, thì con hãy nhổ bớt một chiếc đinh trên hàng rào.


      Vâng lời chỉ dạy của thầy, vị đệ tử dùng tuệ giác của Thế Tôn để chuyển hóa cơn sân giận của mình. Cuối cùng, thầy Tỳ Kheo ấy đã nhổ sạch hết số đinh mà mình đã đóng từ bấy lâu nay. Lúc này, sư phụ của thầy mới vui vẻ hài lòng, dẫn người đệ tử ra phía sau hàng rào nói lời như sau:


      Con đã thực tập pháp môn đóng đinh rất tốt con ạ. Tuy nhiên, con thấy hàng rào không còn trơn sạch và đẹp đẽ như xưa nữa vì bị dấu đinh làm sần sùi loang lổ. Những gì con đã thốt ra khi nóng nảy, giận dữ đã làm mọi người đau khổ vô cùng. Nhân quả nghiệp báo rất công bằng, bình đẳng. Khi ta làm người khác đau khổ bằng sự nóng giận của mình, thì dù ta có ăn năn, sám hối, nói lời xin lỗi nhưng cũng không thể nào rữa sạch hết vết nhơ đó.


      Đó là vết thương lòng khó chữa, dù thương yêu như cha mẹ cũng khó lòng mà hàn gắn được. Vết thương chỉ có thể lành hẳn khi ta sống với trái tim hiểu biết, bằng tình yêu thương chân thật, biết cảm thông và tha thứ, khoan dung và độ lượng cho nhau với tinh thần vô ngã vị tha.


      HẠNH NHẪN NHỤC


     Nếu muốn chuyển hóa sân giận và đạt được kết quả như ý, điều trước tiên chúng ta phải quán sát rõ ràng. Ta phải thấy tất cả người nam là cha ta, và tất cả người nữ là mẹ ta. Ta sống được là nhờ cha mẹ mỗi đời đã sinh ra ta và không quản lòng nuôi dưỡng. Công ơn mang nặng, đẻ đau, công lao làm lụng nhọc nhằn vất vả nuôi con không ngôn từ nào kể xiết.


     Nếu ta thường xuyên quán chiếu như vậy, ta sẽ thấy rõ chúng sinh trong sáu đường luân hồi đều là cha mẹ của ta tất cả. Do đó, khi thấu hiểu công ơn cha mẹ, ta sẽ bớt si mê, nóng giận đi nhiều. Nhờ vậy, ta và người luôn sống với nhau bằng trái tim yêu thương, biết kính trên nhường dưới và sống vui vẻ thuận thảo với mọi người. Chúng sinh luân hồi trong ba cõi, sáu đường, do nghiệp duyên chi phối nên đã ta từng làm cha mẹ, anh em người thân với nhau. Cũng chính vì thế mà ta phải biết sống yêu thương và đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, bởi tất cả đều là những người có ân nghĩa với mình. Nhờ quán sát tất cả chúng sinh là cha mẹ nhiều đời, nên ta dễ dàng thông cảm, mà từng bước tìm cách chuyển hóa tâm sân giận, oán ghét thù hằn, thành vô lượng tình yêu thương chân thật.


     Đức Phật đã từng nói, ta là Phật đã thành, còn chúng sinh là Phật sẽ thành. Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh như nhau, nếu ai làm đúng theo lời Ngài thì tất sẽ thành Phật trong tương lai. Nhận thức điều này, nếu ta thường xuyên quán sát chúng sinh là chư Phật vị lai, thấy ai cũng là Phật thì làm gì còn sinh tâm nóng giận. Có một vị Bồ tát tên là Thường Bất Khinh lúc nào cũng tu hạnh khai mở Phật tính cho mọi người, nên lúc nào cũng kính trên nhường dưới, một bề sống khiêm hạ thấp mình không bao giờ nóng giận hay phiền muộn một ai. Khi làm việc nghĩa lợi ích chúng sinh, dù bị mắng chửi, đánh đập, ngài vẫn vui cười, không bao giờ biết buồn khổ, hay oán hờn trách móc một ai mà còn trải lòng từ bi thương xót hết tất cả mọi người.


      Suốt cuộc đời hoằng hóa độ sinh, Bồ tát chỉ hành trì một câu nhưng vô lượng chúng sinh được lợi lạc không thể nghĩ bàn:


      “Tôi không dám khinh các Ngài, vì các ngài sẽ thành Phật.”


     Còn chúng ta thì sao, từ sáng sớm cho đến chiều tối, hễ gặp nghịch duyên là lại nổi nóng, thậm chí giận cá chém thớt, chuyện không đâu lại đổ lên người. Đó là thói quen thâm căn cố đế của nhiều người, nếu chúng ta không biết tu tập từ, bi, hỷ, xả, để trên kính dưới nhường mà biết yêu thương nâng đỡ cho nhau.


      Còn một pháp quán nữa đó là quán tình thương, nhìn thấy ai cũng nghĩ là người thương của mình nên đã thương thì ta không giận, mà đã giận thì là không thương. Tình thương này không phải tình thương vị kỷ, mà là tình thương không phân biệt màu da, dòng máu, chủng tộc. Nếu ai đã từng có con chung và con riêng với nhau, thì sẽ biết rõ tình thương yêu đó có ích kỷ hay không? Vì lúc nào ta cũng thấy con mình vẫn hơn, nên đôi khi ta phân biệt đối xử hẹp hòi mà làm mích lòng nhau. Quán tình thương sẽ giúp cho ta mở rộng tấm lòng từ bi thương xót bình đẳng, mà biết cảm thông và yêu thương nhau bằng tình người trong cuộc sống. Thường chúng ta có tật hay đòi hỏi, nhất là phái nữ vì nghĩ mình đẹp, mình dễ thương nên được nước làm tới, muốn làm gì thì làm. Phái đẹp hay giận hờn làm eo, làm sách để bắt nạt đấng mày râu.


      Cách thức chuyển hóa cơn giận mỗi khi có điều gì đó làm ta bực tức, thì ta chỉ cần nói thầm trong miệng giận là ngu, không giận là khôn và như thế cứ lập đi, lập lại nhiều lần.


      Đây cũng là một phương pháp mà các Thiền sinh thường hay dùng để chế ngự cơn giận, khi mới vào chùa mỗi khi gặp chuyện bất bình. Cách này tuy đơn giản nhưng lại rất hiệu quả, nhất là đối với người có bản tính nóng nảy, hay để cơn giận lấn át lấy mình. Khi đối diện lỗi lầm hay sai sót của người khác, ta có khuynh hướng hay chỉ trích, giận dữ rồi làm lớn chuyện ra. Khi bình tĩnh lại ta mới thấy ăn năn, hối tiếc nhưng đã quá muộn màng. 


     Do đó, muốn chuyển hóa cơn nóng giận, chúng tôi xin khuyên các bạn hãy thực hành phương pháp dùng trí tuệ soi sáng bằng cách nói giận là ngu, không giận là khôn, để kiềm chế lại phản ứng của mình trong các tình huống xấu. Chúng ta có thể kết hợp với phương pháp quán tình thương để tâm từ phát khởi, nhờ vậy dễ dàng làm lắng dịu cơn giận. Cụ thể, mỗi khi cảm thấy cơn giận có nguy cơ bùng nổ, bạn hãy hít một hơi thật sâu và đồng thời nói thầm trong miệng “ai cũng có tính biết thanh tịnh sáng suốt”, nhắc đi nhắc lại nhiều lần như thế rồi thở ra từ từ để cơ thể hoàn toàn thư giãn. Đây chính là một hình thức Thiền đơn giản, giúp đầu óc bạn được thoải mái, và ngăn chặn giảm bớt những cơn kích động mạnh mẽ dễ làm ta nóng giận.


     Hít thở sâu chính là bí quyết giúp ta bình tĩnh sáng suốt để thấy biết rõ trạng thái, cảm xúc bên trong. Việc kiểm soát cơ thể sẽ giúp ta đẩy lùi những cơn giận không như ý. Thực tế, các Thiền sinh khi thực hành những bài tập này, phổi sẽ tiếp nhận một khối lượng lớn dưỡng khí, rồi nhanh chóng lan tỏa khắp cơ thể. Thời gian tĩnh lặng giữa lúc bạn đang tức giận cho đến lúc bạn hoàn thành bài tập này sẽ giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh, nhờ vậy tâm tư lắng dịu nên biết cách chuyển hóa và dừng hẳn cơn giận. Mỗi khi thấy mình căng thẳng và sắp nổi nóng, bạn hãy thử thực hành bài tập này xem. Riêng chúng tôi, đây là bài tập mà tôi có thể luyện tập hằng ngày, nó đem lại cho tôi cảm giác an bình thư thái, đồng thời giúp tôi lấy lại trạng thái cân bằng để có cái nhìn toàn diện, đưa ra những quyết định sáng suốt hơn trong cuộc sống.


     Nóng giận là một thứ tập khí thâm căn cố đế, thuộc căn bản phiền não lâu đời, có gốc rễ sâu xa trải qua từ vô lượng kiếp. Chúng ta có mặt trên cuộc đời, trôi lăn trong sinh tử cũng bởi ba thứ tham sân si, làm nguyên nhân lẩn quẩn trong ba cõi sáu đường. Tập khí nóng giận hầu như ai cũng có, kể cả các bậc hiền Thánh. Vì thế, khi gặp những điều không được hài lòng như ý, ta thường nổi nóng, giận dữ như ngọn lửa cháy phừng bốc lên cao ngọn. Dù ta cố gắng điều phục cơn giận bằng nhiều hình thức, nhưng cũng không thể dằn hẳn cơn giận trong một chốc, một hồi. 


      Muốn chuyển hóa ngọn lửa sân hận này, kinh Phật có nêu ra nhiều phương pháp chữa trị. Tùy theo trình độ nhận thức mỗi người mà ta áp dụng phương cách trị liệu khác nhau. Nhưng mọi phương pháp Phật đều chỉ dạy ta phải dùng trí huệ quán chiếu sâu vào nội tâm. Tuyệt đối, không nên ức chế đè nén. Vì đè nén cơn giận tức chỉ làm cho nó càng thêm sâu nặng. Đạo Phật rất tối kỵ và không chấp nhận việc đè nén dằn ép này. Đó không phải là phương cách hữu hiệu tuyệt hảo làm cho ta hết đau khổ bởi cơn giận. Càng ức chế, đè nén chừng nào, thì lòng sân hận càng tăng trưởng và lớn mạnh chừng nấy. Một lúc nào đó, khi sự ức chế đè nén đến tột cùng, nó sẽ nổ tung và tàn phá rất mãnh liệt. Đây là một kết cục bi thảm tai hại mà không ai có thể lường được hậu quả ra sao. Bằng chứng là những thảm cảnh khủng bố giết người gây án với sự tàn sát, giết hại dã man biết bao người đã chết chóc đau thương gây nên cảnh ta nhà nát cửa.


     Đạo Phật dạy ta cần phải nhận diện và chuyển hóa cơn sân giận. Khi ta giận ai, có thể nói rõ cho đối phương biết ta đang bực tức, không hài lòng về họ. Ta có nỗi khổ niềm đau riêng của mình, nên ta cần phải trình bày một cách chân tình và thật thà cùng người đang giận. Mình giận họ vì không làm cho mình vừa ý, hài lòng một vấn đề nào đó. Mình cần phải nói rõ lý do để cho họ hiểu và cảm thông với ta nhiều hơn. Hoặc cũng có thể vì sự chấp trước của ta về những sai lầm trong quá khứ.


     Cho nên ta cần phải thiết lập truyền thông, tìm hiểu cặn kẽ, kỹ càng, để hai bên cùng nhau cảm thông và tha thứ. Ta không nên nuôi dưỡng, chất chứa thù hận trong lòng mà sanh tâm oán ghét dài lâu. Đó không phải là thái độ khôn ngoan hành xử của người tu theo đạo Phật.


     Ta hãy biết rằng, khi người nào có thái độ và hành động làm mình đau khổ bằng sự giận dữ, thì trước tiên ta đã biết người đó tự chuốc lấy đau khổ trước rồi. Do đó, ta cần phải nên cảm thông thương xót nhiều hơn, vì họ đang bị vô minh chi phối, nên họ mới hành động ra nông nỗi như vậy. Có thể họ có quá nhiều nỗi khổ niềm đau, bởi do đè nén chất chứa lâu ngày nên lời lẽ không được hay cho lắm.


     Hạt giống giận hờn của họ luôn ẩn tàng sâu kín tận tâm thức nên ta phải thương yêu họ nhiều hơn là ghét bỏ. Muốn nhận diện được bản chất của sân hận thật không phải dễ dàng. Nó vốn dĩ không hình không tướng, không có chỗ nơi chỉ đối duyên xúc cảnh mới phát sinh. Muốn vô hiệu hóa cơn giận, trước khi nó bộc phát, Phật dạy ta hãy thường xuyên quán chiếu, xem xét sâu vào nội tâm để ta luôn tỉnh giác từng tâm niệm của mình.


     Ta phải ý thức được lời nặng nề, cay cú, ác độc chỉ làm cho ta người khác khổ đau. Mình phải biết sáng suốt trước khi nói và làm bất cứ điều gì, để tránh gây thiệt hại cho người khác. Chỉ cần mình khéo nhận diện mặt mũi trước khi cơn giận nổi lên, thì khả năng nóng nảy sẽ không còn cơ hội bộc phát. Ta hãy thường xuyên quán chiếu sâu nơi tâm của mình và mọi người thật kỹ. Ta cần lấy gương soi lại mặt mình khi sự bực tức nóng giận nổi lên. Nếu phải nhìn thấy một gương mặt hình thù quỷ quái, hung dữ thì cái nhân hiện tại sẽ cho cái quả đời sau như thế. Chắc chắn là ta sẽ trở nên xấu xí bởi những lần sân hận thế này. Nhận thức rõ điều này một phần cũng giúp cho ta bớt đi phần nào sân hận, bởi đâu có ai muốn mình thành một kẻ xấu như quỷ La Sát ?


      Tóm lại, muốn chuyển hóa cơn giận hiệu quả, ta có thể ứng dụng thực tập các nguyên tắc căn bản sau đây:


       Ta phải thường xuyên giữ chánh niệm tỉnh giác bằng cách theo dõi hơi thở, thở vào mình biết thở vào, thở ra mình biết thở ra.


      Trước khi nói hay hành động gì, ta phải xem xét kỹ càng liệu điều đó có tính chất nóng giận hay không?


       Ta hãy thường xuyên quán niệm thực hành trải rộng lòng từ thương yêu đến tất cả mọi người, mọi vật. Hãy mở rộng trái tim để yêu thương, hiểu biết và đối xử với nhau bằng sự cảm thông và tha thứ.


       Ta hãy quán chiếu thật sâu vào tâm thức để thấy rõ hạt giống sân hận nếu để nẩy mầm sẽ chỉ làm cho mình và người đau khổ. Chính vì vậy, mình cần nên chuyển hóa ngay từ khi còn trong trứng nước.


        Nói về tôn giả Phú Lâu Na, người thuyết pháp đệ nhất trong mười vị đệ tử xuất cách của Phật. Nhưng có một khía cạnh tuyệt vời khác mà chúng ta ít lưu tâm tới chính là tinh thần cầu thầy học đạo, một đức tính cần thiết và quan trọng nhất trong đời sống tu hành của ta.


      Tôn giả sinh ra trong một gia đình Bà La Môn giàu có ở gần thành Ca Tỳ La Vệ. Ngài có gương mặt đẹp, đôi mắt từ ái cùng hình dáng trang nghiêm. Dù được cha mẹ thương yêu, chiều chuộng hết lòng, nhưng Tôn giả vẫn không sinh tâm ỷ lại mà một lòng quy hướng Tam bảo, suốt đời đem ngọn đèn chánh pháp soi sáng khắp nơi, phá tan bóng tối vô minh khắp các vùng xa xôi hẻo lánh, cùng các miền sông núi bao la.


       Với lòng tin sâu Tam bảo cùng biện tài vô ngại, sau khi chứng quả giác ngộ giải thoát, Ngài bắt đầu lên đường thuyết pháp độ sinh, được mọi người tôn xưng tán thán với danh hiệu “đệ nhất thuyết pháp”.


      Với ba y, một bát, Ngài dân du khắp nơi để thuyết pháp độ sinh, giúp mọi người sống an vui hạnh phúc. Sau những giờ thuyết pháp hay đi qua những chặng đường dài gian khổ, Ngài chỉ cần ngồi lại dưới gốc cây, nhập định là đủ sức để tiếp tục lên đường.


      Trên bước đường tha phương cầu thực và hoằng hóa độ sinh, Ngài như một cơn gió thoảng, một áng mây bay, không trụ lại bất cứ nơi nào. Nơi nào cần có Tịnh xá để tiện việc tu tập thì Ngài xây dựng, xây xong Ngài xin đức Phật cử một vị khác đến hướng dẫn Pháp, rồi Ngài lại ra đi. Ngài đã thành lập rất nhiều Tịnh xá, hướng dẫn cho rất nhiều người phát tâm thành kính và quy y Tam bảo.


      Thời gian cứ thế trôi qua, sự nghiệp giáo hoá của Tôn giả Phú Lâu Na ngày càng lan rộng khắp các vùng xâu xa hẻo lánh.


      Vào một ngày nọ, sau mùa An cư kiết hạ, chư Tăng lại tiếp tục lên đường du hoá. Tôn giả Phú Lâu Na xin đức Phật cho Ngài đến hướng dẫn ở xứ Du Na, một nơi miền rừng núi hiểm trở, sự đi lại khó khăn, người dân đa số sống bằng nghề săn bắn, nhận thức còn chậm lụt và tính tình thô ác bởi nghiệp sát sinh, hại vật.


       Đức Phật bảo với ngài rằng:


     _ Ta biết là người xứ Du Na rất hung dữ và độc ác. Nếu họ không muốn nghe lời ông nói, mà còn nặng lời mắng chửi, xua đuổi thì ông sẽ xử lý ra sao?


     _ Kính bạch Thế Tôn! Con sẽ chấp nhận chịuđựng, vì họ chỉ nói lời nặng nề mắng chửi, xua đuổi, chứ họ chưa dùng cây gậy để đánh đập thương tổn đến con.


     _ Nếu họ đánh đập ông thì sao?


     _ Kính bạch Thế Tôn! Con vẫn chấp nhận chịu đựng được, vì họ chưa giết hại con.


     _ Nhưng nếu họ giết ông thì sao?


     _ Kính bạch Thế Tôn! Con không có gì để oán than hay trách móc họ, vì con biết rằng xác thân tứ đại này là vô thường, huyễn hóa. Con phải cám ơn họ nhiều hơn, vì đã giúp con xả bỏ xác thân ô uế này.


      Đức Phật khi nghe Tôn giả nói vậy liền mỉm cười vui vẻ nói:


      _ Lành thay! Phú Lâu Na! ông hãy mau lên đường vì ta tin chắc ông đủ sức giáo hóa người dân nơi xứ ấy.


       Khi đến nơi, Phú Lâu Na không vội vàng thuyết pháp. Ông chỉ lân la tìm hiểu phong tục, tập quán và sở thích của họ. Thấy người dân thường hay bệnh hoạn, đau yếu, mỗi ngày Tôn giả vào tận rừng sâu hái thuốc làm thầy chữa bệnh. Thấy trẻ con dốt nát, thất học, Tôn giả nhiệt tình tận tâm chỉ dạy. Thấy dân thiếu trước, hụt sau, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, Tôn giả động viên, khích lệ họ gieo mạ, cấy lúa, làm nương, làm rẫy. Cứ như thế từ ngày này qua tháng nọ, Ngài đã được mọi người tôn trọng và quý kính. 


       Trước kia, vì thiếu hiểu biết nên người dân xứ Du Na cực kỳ hung ác làm nghề sát sinh hại vật. Sau thời gian gặp được Tôn giả, họ đã lần hồi thay đổi tâm tư và hiểu biết mà bắt chước làm theo lời Ngài chỉ dạy.


       Ngày trở về, Tôn giả cùng dẫn theo 500 người xứ Du Na đến xin đức Phật xuất gia. Ngài đã để lại hình ảnh tốt đẹp đối với toàn thể người dân xứ này vào phút chia tay rất thấm đậm nghĩa tình. Tôn giả đã trao cho họ một món quà vô giá về đạo lý làm người, sự yêu thương và hiểu biết. Ngài lại tiếp tục cuộc hành trình, dấn thân vào vùng sâu vùng xa để thuyết pháp, độ sinh. Sách sử không ghi rõ Ngài nhập diệt nơi đâu, vì với Ngài bất cứ nơi đâu cũng chính là quê hương thân yêu của mình.


       THAY LỜI KẾT


       Muốn chuyển hóa căn bệnh sân hận, ta phải thực tập hạnh kham nhẫn, nghĩa là nhịn chịu những điều không vừa ý, trái lòng như bị nói nặng, bị mắng chửi, bị thách thức, bị nhục mạ, mình vẫn bình tĩnh, thản nhiên, xem tất cả như chất liệu của yêu thương, hiểu biết mà đón nhận với lòng không phản kháng. Kham nhẫn còn là sức chịu đựng trong mọi hoàn cảnh, như nóng lạnh, đói khát, tham muốn quá đáng hay bị mất mát, đau thương…


      Một hôm, đức Phật đến giáo hóa tại một làng người Bà La Môn. Một gia đình nọ có bà vợ giỏi tướng số cùng cô con gái xinh đẹp. Vì họ muốn tìm người có đủ 32 tướng tốt về làm rể nên khi người cha vô tình gặp Phật, ông mừng quýnh chạy về báo với vợ, rồi cùng bà đến xem cho chính xác. Khi bà thấy Phật, đúng như người bà bỏ công tìm kiếm, nên bà ưng ý, muốn gã con gái ngay mà không cần điều kiện. Phật nói, ta xưa kia có đầy đủ tất cả cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, thần dân thiên hạ, ta còn bỏ lại sau lưng, sống đời đơn giản rày đây mai đó mà hướng dẫn đạo lý giác ngộ giải thoát cho mọi người. Bà vui lòng hãy tìm nơi khác vì ta đã từ bỏ ngũ dục thế gian từ rất lâu.


       Bà buồn quá trở về kể lại cho con gái nghe, làm cô tự ái trước vẻ sắc nước hương trời mà có người dám buông lời từ chối. Kể từ đó, cô ôm lòng oán thù và chờ ngày rửa hận. Vì có nhan sắc mặn mà nên về sau cô được làm hoàng hậu, mẫu nghi một nước. Lần này, Phật đến giáo hóa tại vương quốc đó, bà biết được nên mướn bọn côn đồ, du đãng chặn đường Phật mà chửi mắng thậm tệ. 


       Trên con đường hoằng hóa độ sinh, đức Phật đã gặp nhiều gian nan, thử thách. Nếu ta không kham nhẫn hoặc kham nhẫn sai phương pháp thì tất cả công đức gây tạo sẽ bị thiêu đốt hết. Nếu không có bồ đề tâm kiên cố, tức thành tâm hướng về sự giải thoát, giác ngộ, thiếu lòng từ bi khi làm việc thiện giúp ích cho đời bằng tình thương bình đẳng, không phân biệt đối xử, không vụ lợi cá nhân, thì sự dấn thân ấy dù làm Phật sự đôi lúc có thể trở thành ma sự.


      Cả bọn du đãng ấy cứ vây quanh chửi mắng, khủng bố thậm tệ, nên ngài A Nan mất hết bình bĩnh mà thưa với Phật rằng:


      Kính bạch Thế Tôn, dân ở đây họ không có tâm cung 


     kính, lại thiếu sáng suốt nên ta hãy đến nước khác giáo hóa, vì con bây giờ chịu hết nỗi những lời mắng chửi, sĩ nhục kia rồi.


      Phật hỏi: Vậy thì chúng ta đi đâu?


      Dạ thưa, Thế Tôn đi nước nào cũng được, miễn là không có ai vây hãm chửi bới là tốt rồi.


       Phật nói: Giả sử, chúng ta đi tới chỗ khác cũng bị mọi người mắng chửi nữa thì sao?


      _ Nếu vậy chúng ta trở về thành Xá Vệ, Ma Kiệt Đà, nơi Thế tôn đã có nhiều đệ tử thuần thành.


       Phật hỏi: Nếu ông là thầy thuốc giỏi thì có nên đề bảng “ở đây tôi chỉ trị bịnh nhẹ thôi, còn bệnh nặng thì vui lòng đi nơi khác” ?


       A Nan thưa: Dạ đâu được đức Thế tôn, thầy thuốc giỏi thì phải trị những bệnh nan y mới cứu được nhiều người ạ.


       Phật nói: Cũng vậy! Dân ở đây vì chưa biết đạo làm người, nên nhiều người bệnh quá nặng mới có những lời lẽ thiếu văn hóa như vậy. Thôi ta hãy thong thả, từ từ để tìm cách chuyển hóa cho họ.


        Bọn du đãng vẫn tiếp tục chửi hoài, A Nan nói họ chửi hoài làm sao đức Thế Tôn giáo hóa họ được.


       Phật bảo: Khi nào họ không chịu nghe lời nói của ta nữa, thì ta đi nơi khác cũng không muộn màng gì.


       Tên cầm đầu bọn du đãng nghe Phật nói với Ngài A Nan như thế bổng chuyển tâm, hồi ý quỳ xuống nói rằng: Dạ thưa sa môn Cù Đàm, chúng con từ sáng tới giờ vì ngu si, mê muội nên mới có mắt như mù đối trước bậc siêu phàm vượt Thánh như Ngài. Xin Ngài mở rộng lòng từ ở đây thương xót chỉ dạy chúng con.


        Kể từ đó, Phật đã ở lại xứ này giáo hóa.


       Nếu chúng ta muốn gieo tạo công đức trọn vẹn, hạnh phúc, an vui lâu dài thì phải kham nhẫn, kiên chí, bền lòng. Bản thân đức Phật cũng từng gặp rất nhiều trở ngại suốt cuộc đời hoằng hóa độ sinh. Người có đủ 32 tướng tốt, cùng 80 vẻ đẹp. Dung mạo hoàn hảo khiến nhiều người quy kính, nhưng cũng kéo theo những rắc rối sau là nhiều cô gái đem lòng thương yêu, nhớ nhung Ngài say mê, đắm đuối không được mà tìm cách hại Ngài.


       Với tất cả lòng hoan hỷ, từ bi và trí tuệ sự kiên nhẫn nơi đức Phật đã làm cho bao trái tim con người được chuyển hóa. Do đó, ta có thể khẳng định đức kiên nhẫn là chất liệu nuôi lớn lòng từ bi, là điều kiện làm cho tâm ta trở nên diệu mát như nước cam lồ của Bồ tát Quán Thế Âm. Sự kiên nhẫn được định nghĩa như một hạt giống tốt để con đường dấn thân thêm tinh tấn, còn là thành trì để tất cả phiền não, nghiệp chướng trong đời lần hồi rơi rụng. Tuy nhiên, mỗi hành giả cần phải kiên nhẫn với thái độ bình tĩnh, sáng suốt, bằng từ bi và trí tuệ.


       Lòng kham nhẫn trong các Phật sự hay trong sự dấn thân phải bắt nguồn từ nhận thức sáng suốt, tất cả những điều chướng tai, gai mắt diễn ra xung quanh đều có những nguyên nhân sâu xa của nó, không lẽ nào là vô cớ, ngẫu nhiên.


       Nếu không đủ bình tĩnh, sáng suốt và kham nhẫn chịu đựng, con đường hoằng hóa sau lời ngài A Nan góp ý đã đứt đoạn giữa đường. Biết rõ nguyên nhân, Ngài sáng suốt nhận ra đây là cơ hội cuối cùng để chuyển hóa hoàng hậu, và cuối cùng bà cũng quy Phật trong nỗi niềm ăn năn, hối hận. Bà đến đảnh lễ và xin theo làm đệ tử của Ngài. Đức kham nhẫn là sự chịu đựng, chấp nhận, nhẫn chịu trước những điều không hài lòng vừa ý.


        Chúng ta đã biết, đức Phật ngày xưa còn bị nhiều người vì thương yêu không được nên phát sinh đem lòng thù hận. Vì lòng tham lam, ganh ghét, tật đố mà bọn ngoại đạo đã âm mưu, chống phá đủ điều. Chúng vu khống, hủy nhục, dựng chuyện cô gái có bầu để bêu rếu Phật ngay trước mặt quần chúng. Độc ác hơn nữa, chúng giết chết người con gái, chôn trong Tịnh xá, rồi mời vua quan xác minh, làm chứng để hãm hại Phật. Chuyện như vậy mà Phật vẫn bình tĩnh sáng suốt, an nhiên, tự tại.


       Như vậy, sự kiên trì, nhẫn chịu để làm lợi ích cho người là cơ hội mang lại niềm an vui, hạnh phúc. Vì nội tâm đã hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng, nên bợn nhơ không thể nào vẩn đục. Như nước trong ly đã gạn lọc hết chất cáu bẩn, dù có cốtình quậy đục mà nước vẫn cứ trong. Phật cũng lại như thế! Chính nhờ vậy mà hơn 2600 năm qua, chánh pháp Phật đà trường tồn giúp con người thấu triệt chân lý, sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết với tấm lòng vô ngã vị tha.
 

         HIỂU BIẾT ĐỂ CẢM THÔNG


        Ngày xưa, trên hòn đảo nọ, có cô Niềm Vui cùng chị Nỗi Buồn, anh Giàu Sang và chị Kiến Thức, anh Danh Vọng cùng chị Tình Yêu, ngoài ra còn nhiều nhân vật quan trọng khác.


       Một hôm, có thông báo hòn đảo sắp chìm, mọi người hay tin chuẩn bị thuyền bè để rời khỏi đảo. Ai cũng xôn xao mong sớm đi khỏi đặng được bề an ổn. Mỗi chị Tình Yêu cứ nấn ná lại vì tiếc nuối sự nghiệp bấy lâu. Mãi đến phút cuối, cô ngậm ngùi ra đi, và hòn đảo bắt đầu chìm thật. Lúc này, chị Tình Yêu mong muốn được mọi người giúp đỡ. Thấy anh Giàu Sang ung dung trên chiếc tàu lớn đang chạy ngang qua, chị liền hô lớn, “anh Giàu Sang ơi, anh giúp em cùng về đất liền nhé!”. Nghe vậy, anh Giàu Sang liền lên tiếng “không được đâu, tàu của anh chứa nhiều châu báu, vàng bạc và các thứ đồ quý giá nên hết chỗ rồi, em thông cảm đi nhờ tàu khác”. Rồi chiếc tàu anh Danh Vọng cũng đến, chị Tình Yêu liền kêu lớn, “anh Danh Vọng ơi! Cho em quá giang với!”. Anh Danh Vọng đáp, “tôi cao quý sang trọng thế này, sao có thể đi cùng cô được, cảm phiền cô đi nhờ tàu khác”. Rồi đúng lúc đó, chị Nỗi Buồn chạy qua, Tình Yêu liền lên tiếng, “xin giúp đỡ em, chị Nỗi Buồn ơi! Chị cho em đi theo với nhé!” – “Ồ, không thể được! Tôi đang ôm trong lòng nỗi khổ niềm đau, chỉ muốn yên thân một mình, xin em thông cảm tìm tàu khác nha”. Rồi tàu của chị Niềm Vui chạy tới, cô Tình Yêu gắng la thật lớn, nhưng vì vui quá nên chị Niềm Vui cũng không nghe cô gọi.


      Quá thất vọng ê chề, chị Tình Yêu ngồi rầu rĩ, nửa tỉnh nửa mê, thì bỗng nghe một giọng oang, oang, “này cô Tình Yêu! Hãy đến đây, tôi sẽ đưa cô rời khỏi chỗ này”. Cô Tình Yêu chợt tỉnh giấc mộng và lờ mờ thấy một ông già đầu tóc bạc trắng. Cô nhanh chân lên tàu mà quên thưa hỏi, cùng kính chào ông. Sau khi về đến đất liền, ông già chợt nhiên biến mất. Cô rất đỗi ngạc nhiên và vô cùng biết ơn ông lão, bèn tìm đến ngài Kiến Thức để hỏi cho ra ông lão giúp mình là ai. Lão Kiến Thức nhỏ nhẹ, từ tốn trả lời, “đó chính là ông Thời Gian”. Cô tình yêu hỏi tiếp, “tại sao những người kia không giúp tôi mà chỉ có ông thời gian làm việc ấy?” Ông lão Kiến Thức mĩm cười, “chỉ có thời gian mới hiểu hết tất cả sự mầu nhiệm trong cuộc sống!” – “À, thì ra là thế, chỉ có thời gian mới là quan trọng và thiết thực nhất trong đời”.


      Thời gian đối với người trí vô cùng quan trọng, họ không bao giờ để lãng phí dù chỉ là một chút, với những kẻ ngu si thì hoàn toàn ngược lại. Họ si mê mãi dính mắc trong ngũ dục trần gian, như con thiêu thân lao vào lửa, giống hệt bùn đất chẳng có giá trị gì. Anh Giàu Sang vì có nhiều châu báu, vàng bạc là những vật quý hiếm, nên những nhu cầu thiết yếu hằng ngày anh hầu như được vừa lòng, thỏa mãn. Chính vì thế mà anh cứ mãi bám vào đó, chỉ lo thụ hưởng, vui chơi với các lạc thú trần gian, để thời gian trôi qua vô ích. Anh không biết rằng, đời nay giàu có là nhờ nhiều đời biết gieo trồng phước đức, hiện đời không biết tích lũy thêm, mãi vui chơi hoang phí, thì đến khi phước hết thì họa đến, sau khi chết chỉ mang theo nghiệp xấu mà chịu vô vàn đau khổ. Người trí sáng suốt biết tranh thủ thời gian để đóng góp, sẻ chia, giúp đỡ nhiều người, nhờ vậy giảm bớt tính tham lam, sân giận, si mê, mà thoải mái nhắm mắt xui tay khi duyên trần đã hết, và đời sau chắc chắn được ấm no, hạnh phúc.


      Thời gian thoi đưa cứ mỗi ngày trôi qua lặng lẽ, không thể nào quay ngược trở lại. Nếu ta không biết tu tâm, dưỡng tánh thì uổng phí cả kiếp người. Sự giàu có thực chất chỉ như bóng mây mờ, hư ảo, là cái phước của đời trước và là cái họa của đời này khi ta không biết chi tiêu ăn xài hợp lý. Nếu ta dùng tiền chỉ để thỏa mãn dục trần, mãi chìm đắm trong thú vui tạm bợ, thì tiền mất tật mang, ta còn tự mình rước họa vào thân. Vàng bạc tuy quý hiếm khiến ta phải đào đãi khó khăn, dùng làm đồ trang sức hoặc làm của hồi môn thủ hậu về sau, nhưng thời giờ còn quý hơn tất cả, cứ mãi trôi nhanh, không bao giờ quay trở lại. Nếu chúng ta không biết tranh thủ, tận dụng từng thời khắc quý báu để làm tròn bổn phận, trách nhiệm đối với gia đình, xã hội, thì ta sẽ gây tổn thất, thiệt hại nặng nề cho toàn nhân loại và cho cả chính mình về sau.


       Một ngày mới bắt đầu là một cơ hội giúp ta rèn luyện nhân cách sống, mình hãy cố gắng làm điều gì đó đóng góp cho đời. Sự đóng góp, dấn thân phục vụ nhân loại, sẽ giúp ta kết nối yêu thương và duy trì mạng sống lâu dài. Chính vì vậy, ta phải tiếc từng chút thời gian để suy xét, quán chiếu cuộc đời mà dấn thân phục vụ, nỗ lực làm thiện không biết mệt mỏi, không biết nhàm chán, vì thế gian này cần có đôi bàn tay rộng mở. Mạng sống con người chỉ dựa vào hơi thở, chỉ một tích tắc thở ra không thở vào là cuộc sống coi như chấm dứt. Mạng sống này là vô thường biến đổi, ngắn ngủi, mong manh, nên ta phải biết trân quý từng giây phút mà gắng công tu tập, chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Nếu ta chết đi mà một đời không biết gieo trồng phước đức, cơ hội kiếp sau mang thân người quả thực rất khó. Do đó, Phật vì lòng từ bi thương xót tất cả chúng sinh nên chỉ dạy “ thân người khó được ” giống như con rùa mù một trăm năm mới trồi lên mặt biển, gặp bọng cây trôi giạt mà bám vào được, còn dễ hơn được sinh lại làm người.


       Cho nên, chúng ta phải biết con người mới thật sự là quý nhất. Có con người là có tất cả, vì con người có trí tuệ, biết siêng năng, chăm chỉ, cần cù lao động, sẽ làm ra nhiều lúa gạo, sẽ khai thác đào mỏ, luyện vàng. Nếu không có những con người siêng năng chịu khó, biết tranh thủ tận dụng thời gian làm những việc có ích, phục vụ nhân loại đầy đủ các nhu cầu cần thiết, thì cuộc sống này sẽ trở nên vô ích.


       Thời gian dù có lâu hơn, có dài hơn, nhưng nếu ta không biết tích lũy phước báu, thì kết cuộc dù sống 100 năm cũng vô tích sự mà thôi. Vì thế, ngay từ thuở nhỏ, các em phải cố gắng ra sức học hành để nâng cao trình độ hiểu biết. Sau này lớn lên, có tri thức vững vàng để góp phần làm lợi ích cho đời. Tùy theo khả năng cá nhân mà mỗi người chọn lựa cho mình một công việc phù hợp để nuôi sống bản thân, làm tròn bổn phận trách nhiệm đối gia đình và phục vụ tốt cho xã hội.


        Này các em, này các bạn trẻ, ta có đôi bàn tay khéo léo để làm tất cả mọi việc. Khi còn nhỏ, đôi bàn tay này giúp cho chúng ta học viết chữ, qua đó nâng cao trình độ hiểu biết, có kiến thức phổ thông, sau này lớn lên dùng đôi tay, với trái tim hiểu biết mà dấn thân đóng góp, phục vụ cho gia đình và xã hội. Chúng ta có đôi chân mạnh mẽ để gánh chịu toàn thân, giúp thân này làm lợi ích vì nhân loại. Đôi chân này luôn giúp chúng ta đi xa ngàn dặm, trèo non lội suối. Dù đường đời có chông gai hiểm trở, đôi chân này vẫn luôn tiến bước không ngừng cho đến khi sức cùng, lực kiệt mới thôi. Tất cả chúng ta với tình yêu thương nhân loại, công ơn sâu dày của cha mẹ sinh dưỡng, mang nặng đẻ đau, hy sinh chịu đựng, vất vả nhọc nhằn để nuôi mình khôn lớn, trưởng thành, mình phải dùng thân này để phục vụ mọi người, gắn kết yêu thương, sẻ chia cuộc sống.


      Nếu chúng ta không biết vun trồng tri thức thì loài người không thể nào phát triển. Để chinh phục đỉnh cao hiểu biết, đạt được danh vọng, giàu sang, là cả chuỗi ngày dài ta phải trải qua một thời gian nhọc nhằn, lao khổ. Cuộc sống vốn dĩ công bình được cái này thì phải mất cái kia. Thế nhưng, khi mọi thứ gần như toại nguyện thì ta vui vẻ hạnh phúc, bằng ngược lại thì ta thất vọng, buồn rầu, lo lắng, sợ hãi. Nếu được thì hân hoan phấn khởi vui sống qua ngày, nếu mất thì kéo theo nỗi khổ niềm đau cùng vạn khối sầu. Cuối cùng, lúc chết đi cũng chỉ mang theo hai bàn tay trắng, cùng sự nghiệp thiện, ác của mình.


       Sự sống mong manh, cuộc đời vô thường giả tạm, vậy mà ta cứ mãi nhọc nhằn vất vả, bon chen cả đời cũng chỉ để có chút tình yêu thương bé bỏng. Trong khi đó, ta không biết nhìn lại chính mình, không biết mình là ai, và từ đâu đến? Tuy có lúa gạo, có vàng bạc, có danh vọng, có vợ đẹp con ngoan, có tình yêu, có thời gian, nhưng ta lại thờ ơ với chính mình, và ta chẳng biết mình là gì cả. Thật là tội nghiệp cho ta quá chừng!


       Ta có tính biết sáng suốt ngay nơi thân vật chất này, nương nơi mắt thì thấy rõ ràng các hình sắc mà không lầm lẫn, tai có tiếng thì nghe có tiếng, không tiếng nghe không tiếng, tính nghe vẫn thường hằng như thế có khi nào vắng thiếu bao giờ đâu? Mũi lưỡi thân ý cũng lại như vậy. Trong bầu vũ tru bao la này trên là trời, dưới là đất, song hành với chúng ta có năm loài cùng chung ở, chúng ta thấy rõ nhất là con người và các loài súc sinh. Đất giúp cho con người có sự sống nhờ đôi bàn tay và khối óc. Trời cao bao gồm mây mưa, mặt trăng, mặt trời, các sóng điện giúp con người đủ điều kiện tồn tại trên đời. Trời và đất không có cái hiểu biết, ngược lại con người có tri giác, có hiểu biết, chính vì vậy con người là trọng tâm của trời đất, là vật tối linh của muôn loài.


       Lâu nay, chúng ta hầu như ai cũng coi trọng trời đất mà lại coi thường và lãng quên chính mình. Làm việc gì cũng cầu trời, khẩn đất phù hộ, đó chính là sai lầm lớn nhất của con người. Sợ trời phạt, mong trời thương, rồi cầu thần đất, thần tài ủng hộ cho có nhiều đất đai, của cải, tài sản, mà không biết gieo nhân nào để gặt được quả lành. Cho nên có câu: có trời, có đất, có ta, nhưng không có con người, thì trời đất bao la này cũng trở thành vô nghĩa. Không có con người thì tất cả mọi thứ thiên hình, vạn trạng trên thế gian này đều trở thành vô nghĩa và không có gì giá trị. Trong chúng ta, ai cũng có trái tim yêu thương và hiểu biết, trái tim này luôn bao dung, độ lượng và dung nhiếp hết tất cả mà tạo nên sự hòa hợp trong cuộc sống. Nếu ta có nhiều lúa gạo, vàng bạc, của cải, mà không biết đem ra sẻ chia để làm vơi bớt nỗi đau khổ, bất hạnh bằng tình người thì tất cả những thứ ta đang có còn giá trị gì nữa. Tình thương nhân loại ở chỗ nào? Lúa gạo là nhu cầu cần thiết trong đời sống hằng ngày, nó luôn làm cho con người no đủ mà không sợ chết đói, chết khát. Vàng bạc nếu so với lúa gạo thì giá trị thực tế không bằng, không có vàng ta vẫn sống bình thường, không có lúa gạo ta không thể tồn tài. Cụ thể như năm 1945, hơn 2 triệu người Việt Nam bị chết vì nạn đói. Vậy mà, nhân loại cứ cho cái gì quý hiếm là có giá trị. Từ nhận định chủ quan đó, ta cứ mãi chạy theo các nhu cầu vô vị, không cần thiết.


        Bây giờ, ta hãy thử làm một bài toán so sánh các giá trị vật chất ở thế gian. Vàng có thể nuôi sống con người hằng ngày hay không? Người ta vẫn nói có vàng mới mua được lúa gạo, nhưng người trong sa mạc hoang vắng mang theo đầy vàng có thể giúp ích qua cơn đói khát hay không? Trong khi đó, ta chỉ cần ăn và uống để sống. Về giá trị giao dịch sản phẩm nuôi sống nhân loại, người ta sắp đặt theo giá trị quý hiếm, thường có, nhưng trên thực tế vật quý hiếm lại không có nhu cầu chính đáng. Những gì cần thiết cho sự sống con người đáng lẽ phải có giá trị hơn, vì nó tác dụng trực tiếp nuôi sống chúng ta thường ngày, nhưng lại bị liệt vào diện bình thường thấp kém, để rồi con người phải lệ thuộc vào các thứ phù phiếm, xa hoa mà suốt đời phải nhọc nhằn, lao khổ.


       Như nước là nhu cầu cần thiết cho con người trong sinh hoạt hằng ngày, tắm rửa, giặt giũ, nấu nướng, tiêu dùng... có nước đầy đủ thì cây xanh tươi tốt, tạo ra hoa màu, thực phẩm, hấp thu khí dưỡng, làm bóng mát cho đời. Thiếu nước vài ngày thì cây cỏ sẽ chết. Vậy mà có mấy ai quan tâm? Các nhà doanh nghiệp vì lợi ích riêng mà cam tâm, đành lòng xả thải các chất độc hại làm ô nhiễm môi trường nước,gây thiệt nghiêm trọng cho con người và tất cả muôn loài. Vì chút lợi ích cá nhân nhỏ nhoi đối với một số người mà cả triệu, triệu con người cùng muôn loài chịu khổ. Không khí là nhu cầu cần thiết để bảo đảm sự sống cho cả hành tinh, thiếu nó vài phút thì mọi loài sẽ chết, vì nó bao trùm khắp cả hư không. Vậy mà con người chỉ biết lợi trước mắt, làm tổn hại sự sống hôm nay và cho cả về sau. Lúa gạo, nước, không khí, so với vàng cái nào quý hơn? Chắc chắn ai cũng nói vàng quý hơn. Đó là cái thấy sai lầm nghiêm trọng từ ngàn xưa cho đến ngày nay mà ít ai quan tâm, nhận biết. Con người đã tạo ra sự mâu thuẫn quá lớn. Những cái cần thiết giúp ích cho nhân loại mỗi ngày thì ta lại lơ là, lãng quên, mà chấp nhận gánh lấy hậu quả đau thương từ chủ nghĩa tiêu thụ vật chất quá đáng.


      Bây giờ, chúng ta thử so sánh giữa vàng và sắt xem thứ nào có giá trị hơn? Ai cũng nói vàng giá trị hơn, vì vàng tính thành tiền thì đương nhiên mắc hơn sắt, nhưng lợi ích thiết thực cho con người lại chính là sắt chứ không phải là vàng. Trong cơ thể con người rất cần chất sắt, vì nó là yếu tố quan trọng để tạo thành máu đỏ. Con người nếu thiếu máu thì sẽ chết, nhưng nếu thiếu chất vàng thì cũng không hề gì. Đó là giá trị chất sắt trong con người, ngoài ra sắt còn đáp ứng những nhu cầu cần thiết phục vụ sự sống tiện lợi về nhiều mặt như xây dựng nhà cửa, cầu cống, xe cộ giúp con người có chỗ ăn, ở, nghỉ ngơi, đi lại dễ dàng mà tiết kiệm được thời gian. Những gì cần thiết cho con người thì chúng ta lại lãng quên và ít quan tâm tới. Cho nên, chúng ta đành chịu chấp nhận sống chung với ô nhiễm, sống chung với bệnh hoạn, sống chung với tệ nạn xã hội, sống chung với những cái đang dần hủy diệt thiên nhiên và sự sống con người.


       Người nông dân phải cực khổ, vất vả nhọc nhằn, một nắng hai mưa, chân lấm tay bùn, đầu đội trời, chân đạp đất, mới tạo ra những hạt gạo thần tiên giúp nhân loại được no đủ mỗi ngày. Vậy mà chính con người lại đánh giá gạo là vật chất thấp nhất trong các nhu cầu cần thiết để phục vụ cho sự sống thường ngày. Chúng ta cần có một cuộc hội thảo về vấn đề này, phải tìm ra giải pháp chính đáng để giúp con người cân bằng lại giá trị cuộc sống. Ta cứ nghĩ rằng những gì quý hiếm là đắt tiền mà bỏ quên giá trị thiết thực của sự sống. Lúa gạo tuy cần thiết, vàng bạc tuy quý hiếm, ai biết làm phước thiện nhiều đời thì mới giàu sang, nhiều tài sản, nhưng nếu ta không biết trân quý thời gian mà sử dụng vào các việc vui chơi trác táng thì uổng phí cả một kiếp người. Mọi thứ ta làm được để trở nên giàu sang, có cuộc sống đầy đủ, tiện nghi vật chất, nhà cao cửa rộng, tiền bạc của cải, nhưng chỉ một chớp nhoáng thoáng qua như trận động đất tại Nhật Bản vừa rồi, tài sản, của cải đều sẽ bị cuốn trôi đi hết. Cuối cùng, ta chỉ còn lại hai bàn tay trắng cùng nỗi tiếc nuối, khổ đau.


      Do đó, tiền bạc của cải, vật chất ta biết xử dụng đúng nhu cầu mục đích sẽ đem lại lợi ích cho mọi người, bằng ngược lại ta chỉ tiêu xài hưởng thụ cho cá nhân quá đáng thì trở thành vô nghĩa. Tất cả mọi thứ chỉ có giá trị khi ta biết đem lại lợi ích thiết thực, phục vụ cho đời sống con người. Nếu con người không có lương tâm, không có đạo đức, không có trái tim hiểu biết, luôn sống si mê, vô độ thì những thứ đó có cũng như không, chẳng mang đến lợi ích gì cho ai cả, mà con gieo thêm tai họa cho nhiều người.


       Thực tế cuộc sống, vì cái thấy biết sai lầm từ ngàn xưa đến nay mà ai cũng nghĩ cái gì quý hiếm là có giá trị cao, nên lãng quên những giá trị thiết thực trong cuộc sống. Không có châu báu, vàng bạc, đá quý, ta vẫn sống, vì nó chỉ là món đồ trang sức tô điểm và phụ thuộc con người sử dụng. Không có lúa gạo, không có nước để tiêu dùng, không có không khí để thở, không có con người tâm linh thì thử hỏi ta có thể sống còn được hay không? Rốt cuộc, con người vì si mê chấp ngã, mong muốn chiếm hữu, nên ai cũng thích được tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, để rồi cuối cùng tạo ra không biết bao nỗi khổ, niềm đau mà làm tổn hại cho nhau.


       Thực tế, cuộc sống này khổ nhiều hơn vui, vì ta cứ mãi đua tranh, giành giựt nên bức hại nhau không một lòng thương tiếc. Mỗi ngày, thế giới này có vô số con người bất hạnh, thiếu thốn khó khăn, chết đói, chết khát. Họ đang đói tình thương, đang cần những bàn tay rộng mở, đang cần sự nâng đỡ sẻ chia để làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh, với tinh thần bao dung, độ lượng. Trong khi đó, số người lãng phí, xa hoa, ăn trên, ngồi trước thì lại chiếm quá nhiều.


        Vậy cái gì thực sự quý giá nhất trên đời này? Nói chung tất cả mọi thứ cái gì cũng quý cả nếu ta biết xử dụng đúng nhu cầu. Nếu ta biết sống bớt tham lam ích kỷ, thụ hưởng cá nhân để san sẻ, giúp đỡ những con người khốn khó, bất hạnh vượt qua nỗi khổ, niềm đau thì những gì ta có đều là rất quý. Hiện nay, cả thế giới mỗi ngày có hơn 40 ngàn người phải chết vì đói, khát. Lương thực tiêu dùng khan hiếm, thiếu thốn mọi bề, trong khi một số người lại xa hoa, phung phí. Con người cần vật chất, con người cần tình cảm, con người cần tinh thần, con người cần sự sẻ chia và con người cần có sự yêu thương bằng trái tim hiểu biết. Có lương thực, thực phẩm đầy đủ mới bảo đảm nuôi sống con người. Có tình cảm để con người nối kết yêu thương mà đóng góp sẻ chia cho gia đình, xã hội. Có tinh thần lành mạnh, sáng suốt, minh mẫn để luôn sống lạc quan, yêu đời. Có con người tâm linh để sống với trái tim hiểu biết, sẻ chia, giúp đỡ mọi người trên tinh thần tương thân, tương trợ, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.


        Vì vậy, ta phải biết tin sâu nhân quả, tránh ác làm lành để chuyển hóa tâm si mê, chấp ngã, trở về sống với tính biết thanh tịnh sáng suốt của mình. Khi sống được với tính biết sáng suốt, ta sẽ không bị dòng đời cuốn trôi dù phải sống trong môi trường si mê, loạn động, để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Thế mới biết, con người là quý nhất, các vật chất khác chỉ phụ thuộc nơi con người mà thôi. Không có châu báu, vàng bạc, ngọc quý, kim cương, ta vẫn sống, nhưng thiếu lúa gạo, nước uống, không khí cùng tình thương chân thật thì ta khó lòng sống bình yên và hạnh phúc. Vậy mà thế gian cứ mãi chạy theo những điều phù phiếm, xa hoa tạm bợ mà quên đi những điều cần thiết và quý giá nhất. Có con người là có tất cả khi ta sống với trái tim hiểu biết và yêu thương, biết chia sẻ nâng đỡ những nỗi khổ, niềm đau.


        Sư phụ chúng tôi đã dạy rằng: “Học tập, làm việc, uống ăn làm nên sự sống; tu là hơi thở quyết định sự sống; thân thể này thiếu tu cũng như thiếu hơi thở trong chừng phút giây là chết ngay.”


        Do đó, Sư ông chúng tôi chủ trương tu, học và lao động như cái đỉnh ba chân không thể thiếu. Lao động như ăn cơm, học hỏi như uống nước, tu như hơi thở và có con người tâm linh thì cuộc sống này sẽ là thiên đường hạnh phúc. Chúng ta muốn vượt qua những phù phiếm, hư danh, ảo vọng trong đời, để làm tròn trách nhiệm, bổn phận gia đình, có cơ hội dấn thân phục vụ xã hội thì hãy nên áp dụng ba điều trên cho hài hòa, hợp lý. Lao động giúp chúng ta tạo ra của cải vật chất để nuôi sống bản thân, nhưng không vì thế mà ta tham đắm vơ vét cho riêng mình, làm tổn hại chung đến nhân loại. Đối với người đời thì sự học hỏi giúp mở mang trình độ tri thức, áp dụng vào công việc hằng ngày để đem lại lợi ích cho đời. Đối với người xuất gia thì việc học nhằm biết được phương pháp để tu hành, mà chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc, dấn thân đi vào đời, vì lợi ích chúng sinh với tinh thần vô ngã, vị tha.


         Tóm lại, ta có quyền làm giàu để nâng cao đời sống do sự siêng năng, tinh cần bằng chính đôi tay và khối óc của mình. Nhờ vật chất sung mãn, đời sống được ổn định, ta không phải lo toan, bận bịu về kế sinh nhai, ta có điều kiện bố thí sẻ chia và thời gian để nâng đỡ cưu mang người khác. Ta phải nhớ rằng, tài sản, địa vị tuy rất cần thiết trong cuộc sống nhưng chưa chắc sẽ mang lại hạnh phúc, an vui thật sự, nếu ta không biết tận dụng thời gian để làm mới lại chính mình và sống với tính biết sáng suốt. Thời gian vô cùng quý giá, vì nó đi qua mà không bao giờ trở lại. Nếu con người không biết chắt chiu, trân quý từng phút giây để làm những việc có nghĩa cho đời, thì quyền cao chức trọng hay giàu sang, phú quý có được lợi ích gì cho ai?


        Đôi lời tâm sự chân thành kính mong mọi người hãy nên chín chắn suy xét, quán chiếu cho tường tận. Hãy biết tận dụng, tranh thủ thời gian quay lại chính mình, mở rộng tấm lòng nhân ái, lấy đó làm kim chỉ nam trong việc chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau, thành an vui, hạnh phúc.

Kính ghi

Phong Trần An Nhiên

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch