Pháp Luận
Gã ăn mày chứng đạo
05/01/2022 15:40 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Người cho và nhận đều được lợi ích khi cả hai hiểu được ý nghĩa của việc mình làm. Do vậy, từ bi và trí tuệ phải song hành trong mọi hành xử của người con Phật, nhất là trong phương diện bố thí, để tất cả đều lợi lạc.



Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, Veluvana. Bấy giờ, một người bệnh hủi tên là Suppabuddha nghèo đói, ăn xin, khốn cùng. Từ xa, thấy hội chúng đang nghe Thế Tôn thuyết pháp, Suppabuddha nghĩ rằng: “Ở đây, có thể xin được cái gì để ăn”, liền đi đến. Khi đến nơi, biết Thế Tôn đang thuyết pháp, liền ở lại nghe pháp.
Rồi Thế Tôn, quán sát hội chúng biết rằng người hủi Suppabuddha có thể hiểu pháp nên tuần tự thuyết về bố thí, trì giới, thiên giới, sự nguy hiểm của các dục, sự xuất ly.
Như tấm vải được gột rửa những vết đen nên dễ nhuộm, cũng vậy sau khi nghe pháp, trong tâm người hủi Suppabuddha khởi lên pháp nhãn xả ly trần cấu: Phàm cái cái gì được khởi lên, tất cả đều bị đoạn diệt, chứng quả Dự lưu. Rồi Suppabuddha phát tâm quy y Tam bảo, nguyện từ nay cho đến mạng chung, trọn đời quy ngưỡng.
(ĐTKVN, Tiểu Bộ I, chương 5, phẩm Trưởng lão Sona, Nxb.TPHCM ấn hành, 1999, tr.203)

LỜI BÀN:
Không phải đến bây giờ mà ngay từ thời Thế Tôn tại thế, khi thấy hội chúng đông đảo thì những người ăn xin kéo đến, với ước mong đơn giản là có thể xin được thực phẩm để sống qua ngày. Vì thế, mỗi khi chùa có lễ hay hội thì những người ăn xin tụ về đông đảo, nhất là dịp lễ lớn thì họ càng đông hơn.
Cố nhiên Thế Tôn và các Tỷ kheo thời bấy giờ sống đời khất thực nên không có nhiều thực phẩm để san sẻ nhưng nhờ quán sát nhân duyên, Thế Tôn khéo thuyết giảng hợp với căn tánh của họ nên giáo hóa dễ dàng, đưa họ về với Chánh pháp, trở thành Phật tử chân chính thậm chí chứng đắc Thánh quả.
Ngày nay, chúng ta có nhiều cái để cho những người hành khất hơn, vì thế họ tập trung đến chùa vào những dịp lễ hội càng đông. Mỗi khi đến chùa lễ bái, tham quan, thư giãn và tĩnh tâm nhìn thấy cảnh tượng này ai cũng không khỏi chạnh lòng.
Giải pháp cho vấn đề này thì có nhiều nhưng kết quả không mấy khả quan. Bởi vì nếu cho họ vật chất thôi thì chỉ là phương thức tạm thời, đôi khi bị những người biếng nhác lợi dụng. Nên chăng ngoài vật chất ra, người con Phật cần phát khởi lòng từ bố thí pháp, như Thế Tôn đã thuyết pháp giáo hóa Suppabuddha.
Người cho và nhận đều được lợi ích khi cả hai hiểu được ý nghĩa của việc mình làm. Do vậy, từ bi và trí tuệ phải song hành trong mọi hành xử của người con Phật, nhất là trong phương diện bố thí, để tất cả đều lợi lạc.
Quảng Tánh

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch