Pháp Luận
Nghiệp của con ngưạ
25/01/2014 06:40 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Năm Quý Tỵ đã trôi qua, Xuân Giáp Ngọ đã về: Rắn cằn báo Tết đến,/ Ngựa phóng đưa Xuân về.
image

Chuyện liên quan đến con ngựa thì quá nhiều. Trọng điểm của bài viết thu tóm giảm trừ thành ba tiểu mục: 1. Đặc sắc của loài ngựa; 2. Cái đức của con ngựa; 3. Nghiệp của con ngựa

I. ĐẶC SẮC CỦA LOÀI NGỰA

1.1. Loài ngựa

Năm Giáp Ngọ - 2014, con ngựa giữ vai trò hành khiển, quán sát việc thế gian trong một năm. Trong 12 con giáp, ngựa là loài vật đắc dụng và oai phong từ việc nhà cho đến việc nước.

Đồng loại với ngựa có con lừa, con la. Lừa quen mang kéo nặng, nếu chở nhẹ thì không chịu đi. La là loài lai giống giữa ngựa với lừa. Dân gian nói trông ngựa hóa lừa. Lừa và la không anh dũng như ngựa vốn đa năng, đa tài.

Vì vậy, ngựa được xếp vào loài gia súc, thân cận với con người. Trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn là lục súc, mỗi con có riêng từng cách thức phục vụ đời sống con người. Mỗi loài làm một việc theo phân định rạch ròi mà tạo hóa đã ban cho. Vật lớn, vật nhỏ đều có ngón nghề tài giỏi riêng biệt, khác nhau. Ganh tỵ, đố kỵ làm gì cho mệt mõi.

Vòng quay của đất trời lấy 6 con giáp ấy quán sát việc thế gian từng năm một, cùng với 6 con vật khác là: cọp, thỏ, rồng, rắn, khỉ, chuột.

Đủ 12 vòng quay/ năm tạo thành một giáp. Dựa vào 10 thiên can và 12 địa chi để định năm, định tháng, định ngày, định giờ phân minh.

Người xưa lấy giờ, ngày, tháng, năm sinh của từng người để đoán vận mệnh bằng lá số tử vi. Đúng / sai còn tùy theo trí tuệ cùng đức hạnh của thầy tướng số và người được đoán giải. Đã có lời kết rất minh triết Việt: “Tướng bất cập số, số bất cập đức” hoặc “phúc chủ lộc thầy”.

Khoa tử vi ở Nhật Bản tiến bộ vì có nhiều người hành nghề gần xem như nhà nghiên cứu khoa học, có tri thức đáp ứng nhu cầu giải mã một phần về văn hóa tâm linh của con người. Năm 1968 đang trên đà biến khoa tử vi thành một ngành ngọn của khoa học đến mức độ 90%. Thiên hạ không còn xem khoa tử vi là dị đoan, mê tín nữa. Cũng như thế, khởi thủy khoa châm cứu, khoa thôi miên bị xem là mê tín thì non hai trăm năm trở lại đây được sửa sai và khẳng định châm cứu là khoa học, chớ không còn bị lên án là phù thủy. Có oái ăm không! Ánh sáng của khoa học đã minh oan, mở trói những oan khiên cho người hành nghề châm cứu. Nhà bác học Albert Einstein đã từng viết: Khoa học không tôn giáo thì hời hợt; tôn giáo không khoa học là mù quáng.

1.2. Đặc điểm của Ngựa: Từ con ngựa hoang, cao bồi hoặc nài ngựa sống bằng nghề nuôi ngựa đã biến ngựa hoang, ngựa chướng thành gia súc gồm 6 loài: trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn mà ngựa là oai phong hơn cả. Thời cổ đại Bá Lý Hề nhờ nuôi ngựa giỏi mà làm đến chức Tể tướng. Trịnh Kiểm từ một lính cắt cỏ ngựa, nuôi ngựa trở thành Thái sư cho vua Lê thời Trung hưng.

Mã () là ngựa, âm Bắc Kinh là Mã. Đây là ngôn ngữ hình tượng. Các chữ trong Giáp cốt văn và kim văn đều giống hình dạng một con ngựa sống động, mặt và bờm dài làm nổi bật đặc điểm của loài ngựa.

Thân mạng con ngựa oai phong và đa năng, giàu ý nghĩa nổi trội vì ngựa chạy nhanh; ngựa chuyên chở hàng hóa nặng đi đường dài, ngựa kéo xe song mã, tứ mã; ngựa đưa thư; ngựa chiến đấu... Làm trai chết ở sa trường, lấy “da ngựa bọc thây là vinh danh, vinh dự; còn chết trên giường phụ nữ là nhục nhã. Ngày nay cho dù văn minh tới mấy tầng mây, ngựa vẫn được dùng để dàn chào, đón rước quốc khách có tầm cỡ thăm viếng kết tình hữu nghị giữa các nước trên thế giới.

Ngựa oai phong chỉ vì các đặc điểm sau đây: ngựa có mắt đếm (ở khuỷu chân trước), không có mật, và mỗi chân một móng. Có ngựa tốt và cũng có ngựa xấu. Người cũng vậy, có những người ăn diện rất “tốt mã” nhưng lòng dạ thâm hiểm và độc ác. Sách xem tướng ngựa gọi là “Tướng mã kinh”. Theo sách này thì “Ngựa tốt cần được đầu to, vuông; mắt sáng; xương sống cứng; bụng thon; bốn chân dài; quầng mắt cao; mũi to; đầu mũi có chữ vương (); trong mồm đỏ; ống xương chân tròn, dài; tai gần nhau mà vễnh về đằng trước, vai nhỏ mà dày”.

Ngựa tốt phải hội đủ 12 đặc tính về hình dáng thể hiện cái thần thái vừa kể ở bên trên. Có 3 hạng người, có 3 hạng vật. Người xưa quen gọi ngựa hay, ngựa tốt là tuấn mã như ngựa Xích Thố, Bạch Mã, Kim Mã. Cao cấp nhất, siêu việt nhất của loài ngựa là LONG MÃ. Thật thanh thoát khi dùng danh từ “mã thông” (馬通) để gọi nước thải theo đường tiểu tiện của loài ngựa. Người có cái đầu óc “mã thượng” khi phiên dịch cổ văn, cổ sử đã chịu khổ công tra đi, xét lại, thậm chí có lúc phải sẵn sàng thâm nhập vào giới bình dân để tìm hiểu, học hỏi theo tinh thần “bất sỉ hạ vấn”. Đúng như cổ nhân dạy bảo: Lời nói là “tắc”, là phép tắc để thuyết phục người nghe, người đọc.

Sau cùng phải kể để một đặc điểm khác của loài ngựa là có mặt dài, khi đi hoặc khi chạy, khi bay thì chuyên chú nhìn thẳng về phía trước. Tác phẩm Lục súc tranh công có câu: “Đố mặt ai dài bằng mặt ngựa”. (Viết mặt dày như trên mạng internet là sai)

II. CÁI ĐỨC CỦA CON NGỰA

2.1. Lòng trung thành của ngựa

Ngựa là một sinh vật, một động vật được thuần hóa, được huấn luyện để phục vụ dân sinh trong vận chuyển, chiến đấu, lễ nghi và cả trong nghệ thuật trình diễn như đua ngựa, xiếc ngựa, đóng phim... Công năng phục vụ của loài ngựa cốt để phụng sự dân sinh hạnh phúc. Người xưa gọi đó là cái Đức của con ngựa; người Âu Châu gọi là “Vertu” mà người đầu tiên là triết gia Platon (427-347 trước Tây lịch) đã viết trong tác phẩm La République (chế độ Cộng hòa)

Trung thành với chủ là phẩm chất cao quý nhất của loài ngựa. Dân gian thường nói: “Ở cho đức mặc sức mà ăn” hoặc “Người trồng cây hạnh mà chơi/ Ta trồng cây đức để đời cho mai sau”.

Trong lịch sử chống kẻ thù xâm lược, đã có những con ngựa chiến chở thân xác của chủ tướng đã chết trên mình ngựa hoặc bị trọng thương về nơi an toàn để rồi cùng sống chết theo với chủ.

Vì vậy, ngựa được chôn cất hóa thần để đứng chầu bên lăng mộ của tướng quân mà chính ngựa đã tận trung theo phò suốt một đời người, một đời ngựa chiến.

Quốc văn giáo khoa thư do các tác giả Đỗ Thận, Trần Trọng Kim biên soạn đã kể lại chuyện một người Mường tải hàng từ miền cao xuôi về chợ bán, mãi mê chuyện giao hàng cho khách mua đến nỗi quên lấy tiền. Phóc lên yên ngựa, giật cương nhưng ngựa nhất thiết không chịu đi. Ngạc nhiên! Ngựa sao nổi chướng kỳ vậy. Người Mường nhớ lại, bèn xuống ngựa tìm người giao hàng để lấy tiền. Đó là phẩm tính trung thành của loài ngựa đã sống có nghĩa với chủ nuôi.

2.2. Ý nghĩa biểu trưng của ngựa

Ngồi trên mình ngựa được gọi bằng thuật ngữ “mã thượng”. Thành ngữ “Mã thượng đắc thiên hạ” có nghĩa là ngồi trên mình ngựa mà làm nên việc, không những việc binh mà kể cả việc bán buôn. Thương trường ngày nay còn là chiến trường. Làm nên việc lớn, người xưa diễn tả ý tưởng ấy thành tứ tự thành ngữ “Mã đáo thành công”.

Vì ngựa có nghĩa với chủ cho nên được người đời tạc tượng ngựa bằng gỗ quý, bằng đá để thờ hoặc đứng chầu bầu ở lăng tẩm, đền đài, cung điện. Có tranh ngựa để tặng khách, tặng bạn, ngầm ý chúc phúc, chúc tụng thành công trong đường kinh doanh và trong binh nghiệp làm rạng rỡ non sông.

Chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông, toàn dân hẳn không quên hình ảnh ngựa đá được chạm khắc ở khu lăng mộ của 3 vua: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông ở Chiêu Lăng thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay.

                   Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,

                   Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

          Dịch:

                   Xã tắc hai lần phiền ngựa đá,

                   Non sông nghìn thuở vững âu vàng.

Kim âu là cái bình vàng. Người xưa khéo ví von nước nhà như một cái bình vàng. Kim âu còn được đặt tên cho một ngọn núi ở tình Thanh Hóa vì nghĩa bóng của danh từ này đã nói rõ “đất đai của nước nhà được tròn vẹn”. Có tác giả xưa lấy bút hiệu Trung Hiếu Thần Tiên đã giải thích ý nghĩa của danh từ “kim âu” bằng hai câu thơ: Nghìn năm giữ lấy kim âu/ Có gian truân mới phong lưu lâu ngày. Nghĩa bóng của kim âu là đất nước, là tổ quốc. Không tìm hiểu ý nghĩa của từ cổ này thì không thể nào hiểu và thấm ý vị của chất thơ của bậc đế vương nhân hậu. Bằng không thì chỉ hiểu, chỉ phân tích hai câu thơ của câu đối một cách mơ màng, theo lối diễn nôm mà thôi. Thì ra trong thơ có nhạc, có họa, có điển được diễn xuất bằng thủ pháp ý tại ngôn ngoại để trở thành một công án của vua Trần Nhân Tông được tôn phong là Phật hoàng.

III. NGHIỆP CỦA CON NGỰA

3.1. Nghiệp: Mỗi hành vi của con người có tác ý đều tạo ra nghiệp (). Gốc tích của từ “nghiệp” được Từ điển đặt tên gọi “TÌM VỀ CỘI NGUỒN CHỮ HÁN” của Lý Lạc Nghi ở trang 454, sách xuất bản năm 1997 như hình vẽ dưới đây: 

Giáp cốt văn               Kim văn                      Tiểu triện                    Lệ thư

Khải thư                     Thảo thư                     Hành thư                    Chữ Giản thể

Chữ nghiệp () vốn chỉ mảnh gỗ bắc ngang qua giá treo nhạc khí thời xưa, khắc thành hình răng cưa, dùng để treo chuông, khánh.v.v.. Kinh Thi: Lập nghiệp (giá treo), lập dây treo chuông, cài ngà, cắm lông. Sau cũng chỉ ván bảo vệ sách và ván nề tường. Nghĩa mở rộng thành “học hành”, “nghiệp vụ”, “chức nghiệp”, “sản nghiệp”, “cơ nghiệp”.v.v.

Nhà Phật lấy ý nghĩa của “Phương châm DUY TUỆ THỊ NGHIỆP” để làm nguyên lý cho việc tu hành, đào tạo tăng tài, Phật tử chân chính.

Vì vậy mà dân gian nói: “Sinh nghề, tử nghiệp”. Ai ai cũng phải học nghề để tự thành nghề nuôi thân và góp phần giúp ích cho xã hội. Ca dao có câu: Con người là kẻ học nghề/ Mà thầy là nỗi ê chề đớn đau. Phải khổ luyện mới thành nghề, có tay nghề cao, chỉ vì: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.

3.2. Nghiệp theo Phật giáo:

Nhà Phật dịch từ karma ra tiếng Việt là nghiệp () có nghĩa là hành vi có tác ý, có chủ đích.

Nói rõ hơn, người ta thường nói “nghiệp chướng nặng nợ”. “Nghiệp” là cái nhân nảy sinh ra “quả”. Tam nghiệp tội là khẩu nghiệp, thân nghiệp và ý nghiệp. Theo từ điển Hán Việt của Thiều Chửu thì khẩu nghiệp do nhân ác bởi miệng gây ra, thân nghiệp, nhân ác bởi thân làm ra; ý nghiệp bởi ý làm ra. Còn túc nghiệp là nghiệp ác do kiếp trước đã làm, khiến cho kiếp này phải chịu khổ. Làm điều thiện gọi là thiện nghiệp.

Tiểu phẩm “Phú dạy con” của Mạc Đỉnh Chi gồm 205 câu, mỗi câu 4 chữ được xem như Kinh hồi hướng nhân quả. Đoạn cuối bài phú vừa là kinh này đã viết:

                   Nhiều con nhiều vợ,

                   Phiền não buộc ta;

                   Tàn cả ngựa cao,

                   Ta xem bằng giặc.

                   Anh em nội ngoại,

                   Ân ái mẹ cha;

                   Đế lễ xuất gia,

                   Báo ơn mới được.

                   Hễ đường bạo ngược,

                   Sát, đạo, tà dâm;

                   Tội nặng muôn năm,

                   Phải chừa phải bớt,

                   Đội ơn trời đất,

                   Cha mẹ sinh thành

                   Cho gấp chớ chầy,

                   Tu hành làm Bụt.                            

(Đào Duy Anh - Huệ Chi dịch)

Ngựa đã đi vào kinh sách Phật giáo rõ nét nhất là ngựa Kiền Trắc. Kiền còn đọc là Càn () là cái tượng tôn nhất như Trời, như Vua. Trắc () là nghiêng mình. Đồng nghĩa có chữ cũng đọc là “trắc” có nghĩa “đo sâu cạn”, liệu lường. Hình ảnh con ngựa Kiền Trắc phi nhanh nước đại vượt dòng sông Anoma xuất gia tìm đạo giải thoát cứu độ loài người và chúng sanh là một bức tranh tuyệt đẹp mang sắc màu thiêng liêng đầy vẻ nhiệm mầu.

Bình chọn về tranh vẽ xưa, Lê Quí Đôn đã viết trong pho sách Vân Đài Loại Ngữ ở quyển thứ 9 có tựa đề Phẩm vật loại, mã số 47 như sau:

“Sách Họa Luận nói: “Phép chọn tranh vẽ, quí nhất là tranh Đạo Thích, rồi đến nhân vật, sơn thủy, hoa cỏ, sau hết là tranh ngựa: Phép xem tranh, nên xem khí vận trước tiên, rồi xem bút ý, xem cốt pháp, vị trí, sau hết mới xem hình dạng có giống không. Đó là phép chính về xem tranh vẽ”.

Đối với những người nghiên cứu Phật học, văn hóa nghệ thuật Phật giáo thì tranh “ngựa Kiền Trắc” vượt dòng Anoma là bức tranh tuyệt thế. Thứ đến là tranh ngựa trắng chở Đường Tăng đi xứ Tây Vực thỉnh kinh. Trong kiến trúc chùa cổ ở làng quê hoặc đô thị, bức tranh vô giá này được chạm khắc, khảm mẻ sành ở mặt tiền trên vách tường của Tiền đường là vì lẽ ấy. Tôn vinh và sùng thượng tranh ngựa đều có cơ sở: có lý rồi mới có sự. Tìm cho ra căn cơ của sự lý này thật là một điều lý thú để thuyết minh cho du khách đến thăm chùa Huế, chùa Việt Nam. Thật lòng mà nói, chúng ta đang thiếu những hướng dẫn viên du lịch chịu khó đi vào chuyên sâu để trả lời những thắc mắc, vấn nạn của du khách. Cụ thể như người thuyết minh “thao thao bất tuyệt” theo lối thuộc bài. Trước vấn nạn của du khách hỏi về ý nghĩa của châm ngôn “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, “tranh ngựa Kiền Trắc” thì ấp a ấp úng. Bằng không thì phải đứng như “chào cờ”. Rồi nói: Chốc nữa chúng tôi sẽ thăm vị trú trì thưa hỏi để trả lời! Sư trẻ không trả lời được thì “bí tất” tức “tất bí”.

***

Nói về đề tài “NGHIỆP CỦA LOÀI NGỰA” thì khôn cùng. Đầu xuân Giáp Ngọ, xin tuyển chọn một số nét tiêu biểu liên quan đến con ngựa, đến loài ngựa, đến biểu trưng của hình tượng ngựa trong cổ sử và Phật sử để ôn cố tri tân và tìm thấy sáng lên hồn minh triết Việt. Dòng giống Tiên Rồng chuộng văn hiến từ lâu đời, gắn liền với Long Mã, bao giờ cũng lấy sở học để giáo hóa và canh tân đất nước theo kịp đà tiến bộ và văn minh của thời đại:

Học như nghịch thủy hành chu bất tiến tắc thoái,

Tâm tựa bình nguyên tẩu mã dị phóng nan thâu.

Dịch là:       

Học như chèo thuyền nước ngược, không tiến thì thối;

Tâm tựa chạy ngựa đồng bằng, dễ phóng khó dừng.

Thiết nghĩ, đó là chìa khóa vàng để sớm chấn hưng và bài trừ các tệ đoan, tệ nạn xã hội, tiêu cực giáo dục mà chóng vánh vượt qua mọi thách thức trong thời đại mới để Tổ quốc Việt Nam ngày mỗi rạng rỡ trên thế giới./.

L.Q.T

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch