Bất nhị là không phải hai hay nhiều, cũng không phải một, mà là vô lượng hay không có số lượng.
Số lượng là số đếm chỉ có trong thế giới tương đối,
nhị nguyên. Thế giới đó bị hạn chế về không gian, thời gian và số lượng.
Con người sống trong thế giới đó đã quá quen thuộc với các thói quen
sai lầm về nhận thức, tưởng rằng đó là lẽ phải đời thường, tưởng rằng đó
là khách quan nằm ngoài ý thức. Mặc dầu nhận thức này là sai lầm nhưng
rất hữu dụng, tuy nhiên nó có thể đưa đến hậu quả tai hại, đó là khổ,
sinh tử luân hồi. Điều đó giống như cơ học Newton rất hữu dụng trong đời
thường nhưng không hoàn toàn đúng. Một điều rất nghịch lý nhưng lại có
thật, đó là chính vô minh và lầm lẫn là công dụng của thế giới đời
thường. Nếu chúng ta không có vô minh, không có lầm lẫn thì không thể
thấy được nguyên tử là vật, không thể cảm nhận được thế giới, chỉ thấy
không mà thôi. Cũng giống như nếu mắt ta không bị ảo tưởng lừa gạt, thì
nhìn vào tivi chỉ thấy chấm chấm mà không thấy hình ảnh, càng không thể
thấy hình ảnh chuyển động. Ảo tưởng lầm lẫn là tối cần thiết trong đời
thường. Hay nói cách khác ảo tưởng lầm lẫn là nguyên lý của thế gian. Đó
là lý do tại sao vô minh là mắt xích đầu tiên của chuổi thập nhị nhân
duyên.
Không có số lượng về khoảng cách không gian
Chẳng hạn khoảng cách không gian từ Sài Gòn ra Hà Nội đi theo đường
bộ là 1719 km, còn theo đường bay của hãng hàng không là 1274 km, khoảng
cách theo đường thẳng là 1146 km. Nếu đi bộ theo đường mòn hoặc đi theo
đường biển thì có nhiều con số khác nữa. Nhưng con số 1146 km dường như
là khoảng cách khách quan theo đường thẳng, dù muốn hay không, chúng ta
cũng phải vượt qua khoảng cách đó (bằng cách bay thẳng) mới đi được từ
nơi này đến nơi kia.
Tuy nhiên khoảng cách bằng đất đá đó thể rút ngắn lại khi quả đất bị
một lực nào đó nén nhỏ lại. Bởi vì nguyên tử tạo thành vật chất là trống
rỗng, nên nếu có lực gì đủ mạnh thì có thể nén cho nó nhỏ lại. Ví dụ
mặt trời của chúng ta, hiện nay có đường kính 1.400.000 km, khi cháy hết
nhiên liệu thì bị co rút lại, chỉ còn 6 km, khi đó nó sẽ trở thành một
lỗ đen trong vũ trụ. Trái đất có đường kính trung bình 12.742 km thì khi
bị biến thành lỗ đen, nó chỉ còn 1,8 cm đường kính. Điều đó có nghĩa là
khoảng cách không gian bằng đất đá cũng không cố định. Vị trí của một
quốc gia có khi cũng thay đổi. Sau trận động đất ngày 11-03-2011, đảo
Honshu của Nhật Bản đã bị dời đi 2,4 mét.
Vậy còn khoảng cách không gian bằng chân không có thật hay không ?
Tiến hành thí nghiệm hiện tượng rối lượng tử (quantum entanglement) năm
2008, nhà vật lý Nicolas Gisin và các đồng nghiệp của ông tại trường đại
học Geneva, Thuỵ Sĩ, đã chỉ ra rằng, nếu có sự truyền tín hiệu từ
photon này qua photon kia, thì tốc độ truyền của các trạng thái lượng tử
giữa các photon vướng víu, liên kết với nhau ở hai nơi cách xa nhau 18
km, là khoảng chừng 10 triệu lần tốc độ ánh sáng (Nature, vol
454, p 861). Điều đó quá phi lý, bởi vì theo Einstein, không có tốc độ
nào vượt quá tốc độ ánh sáng (khoảng 300.000 km/giây). Như vậy chỉ có
thể hiểu theo như Kinh Phật nói, khoảng cách không gian chỉ là ảo tưởng
trong tâm thức mà thôi, tức là không có thật.
Vì vậy kinh điển Phật giáo thường nói “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy
thức” Khoảng cách không gian chỉ là tâm thức, không có thật, bất cứ
khoảng cách là bao nhiêu tỉ quang niên, chỉ một niệm là đến. Kể cả đi từ
vũ trụ này qua vũ trụ khác, chỉ một niệm là đến. Người bình thường
chúng ta làm không được, vì tâm trí óc não của chúng ta bị trói bởi các
thói quen (tập khí) sai lầm. Nếu giải thoát được, thì chỉ cần một niệm,
chúng ta có thể đi tới cõi Tây phương cực lạc của Phật A Di Đà, cách xa
cõi ta bà này mười vạn ức cõi Phật [Di Đà Kinh 弥陀经 nói 过十万亿佛土,有世界名曰极乐]
con số chỉ nói lên là vô lượng chứ không còn ý nghĩa số đếm.
Như vậy, trong hiện tượng rối lượng tử cũng như trong kinh Phật,
khoảng cách không gian là không có ý nghĩa, số lượng là không có ý
nghĩa. Nhiều photon có thể xuất hiện đồng thời ở nhiều vị trí khác nhau,
thật ra không phải nhiều (bởi vì chúng đều giống nhau như chỉ có một mà
thôi) nhưng cũng không phải là một (vì rõ ràng là các khoa học gia thấy
chúng có mặt ở nhiều nơi khác nhau), đó là ý nghĩa bất nhị trong Phật
giáo.
Tính chất không có thật của khoảng cách không gian, ngày nay được ứng
dụng rất hiệu quả trong tin học. Hiện nay chúng ta có thể gặp mặt, nói
chuyện thân mật, nhìn thấy lẫn nhau, với bạn bè hay thân nhân, hoàn toàn
không chút tuỳ thuộc hai người đang ở đâu trên thế giới, chỉ cần có đủ
nhân duyên. Nhân duyên đó là phương tiện cần thiết, cũng không có gì quá
phức tạp, chỉ cần một chiếc iphone, hoặc smartphone tầm trung trở lên
(giá khoảng 5 triệu) có trang bị wifi hoặc 3G, hoặc một laptop hay
netbook, có cài thêm Skype. Chúng ta có thể nói chuyện thoải mái với bạn
bè ở bên kia bờ Thái Bình dương không sợ tốn tiền, bởi vì đàm thoại qua
mạng internet, nếu truy cập internet bằng wifi thì hoàn toàn yên tâm,
miễn phí hoàn toàn, gắn thêm tai nghe để cho thật thoải mái, không cần
phải cầm điện thoại trên tay, tiếng nói rất rõ và ổn định. Chúng ta có
thể nói chuyện lúc đang ngồi trong quán cà phê, lúc đang ngồi chơi trong
công viên (trong công viên có lẽ phải truy cập internet bằng 3G) hoặc
lúc đang đi mua sắm ở siêu thị hay đang ngồi ở nhà, đều có thể gặp nhau
đàm đạo. Khoảng cách không gian xa xôi có thể nói đã bị triệt tiêu hoàn
toàn.
Không có số lượng về thời gian
Pháp sư Huệ Trì là em trai của Huệ Viễn (Tổ của Tịnh Độ tông) đang ở
Lư Sơn, tỉnh Giang Tây, nghe nói ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đất đai màu
mỡ, nhân dân giàu có, muốn đến đó truyền pháp và xem phong cảnh núi Nga
Mi. Năm Long An thứ ba đời Đông Tấn (công nguyên 399 CN), ông từ biệt
Huệ Viễn đi Tứ Xuyên. Huệ Viễn khuyên em ở lại hết lời mà không được,
bèn than rằng “Người đời đều thích đoàn tụ, riêng mình em thích phân ly,
vì sao vậy ?” Ông đáp : “Nếu là người vướng mắc ở tình cảm, thích đoàn
tụ thì không nên xuất gia. Hiện tại chúng ta đã cát ái xả dục mà cầu đạo
thì nên kỳ vọng gặp nhau ở Tây phương cực lạc” Thế rồi anh em chia tay.
Huệ Trì lên đường đi Tứ Xuyên một mình, từ đó không ai còn biết tung
tích của ông. Kể từ lúc ông lên đường đi Tứ Xuyên vào năm 399 CN đến lúc
người ta phát hiện ra ông trong bọng cây là năm 1113 CN, tức đã trải
qua 714 năm. Câu chuyện như sau :
Bộ Sách Gia Thái Phổ Đăng Lục do Chính Thọ (Vân Môn tông)
viết vào đời Nam Tống, quyển 22 có ghi lại một câu chuyện sau : Năm
Chính Hòa thứ ba đời Tống Huy Tông (công nguyên 1113), tại Gia Châu Tứ
Xuyên (nay là huyện Lạc Sơn nơi có tượng Phật điêu khắc vào vách núi đá cao nhất thế giới)
quan địa phương có biểu tâu lên triều đình : Có cây cổ thụ bị gió thổi
gãy, bên trong có một lão tăng đang nhập định, râu tóc che phủ thân thể,
móng tay dài bao quanh người. Hoàng đế giáng chỉ dùng cáng khiêng lão
tăng đó đưa về kinh đô (thời đó là Biện Kinh, kinh đô của nhà Bắc Tống, nay là thành phố Khai Phong tỉnh Hà Nam). Do vị sư người Tây Thiên (Ấn Độ)
là Tổng Trì Tam Tạng dùng chiếc khánh đồng đánh lên để làm cho lão tăng
xuất định, mới biết đó là em trai của pháp sư Huệ Viễn ở Lư Sơn, tên là
Huệ Trì, nhân đi du lãm núi Nga Mi, ngồi nhập định trong bọng cây.
Hoàng đế ra lệnh cho họa sĩ vẽ hình của lão tăng, và tự mình làm ba bài
kệ.
Huệ Trì nhập định hơn 700 năm, tuổi thọ có thể so sánh với Bành Tổ
sống 800 tuổi trong sách xưa. Tuy nhiên đó chưa phải là kỷ lục nhập định
lâu nhất của người trên địa cầu. Thiền sử ghi :
Trong thời đại của Đức Phật, Ma Ha Ca Diếp, Quân Đồ Bát Thán, Tân
Đầu Lô, La Hầu La, đều nhận lãnh lời Phật phó thác, là không nhập Niết
Bàn. “Tăng Nhất A Hàm Kinh” quyển 44, “Di Lặc Hạ Sinh Kinh” quyển 1, nói
: “Đại Ca Diếp cũng không về cõi Niết Bàn” mà các quyển “Phó Pháp Tạng
Nhân Duyên Truyện”, “Đại Đường Tây Vực Ký” đều ghi Đại Ca Diếp nhập định
tại núi Kê Túc (Kukkuṭapādagiri hay còn gọi là Tôn túc sơn Gradhakuta, nay thuộc bang Bihar, Ấn Độ, gần thành Vương Xá –Rājagaha- của nước Ma Kiệt Đà- Magadha- xưa)
phát nguyện giữ thân cho đến khi Di Lặc thành Phật, khiến thân không bị
hư hoại, vì vậy cho đến ngày nay, ông vẫn còn nhập định tại núi Kê Túc,
là người bảo trì được thân thể lâu kỷ lục trong cõi ta bà thế giới này.
Maha Ca Diếp hay Đại Ca Diếp (Mahakasyapa) là Sơ Tổ của Thiền Tông Ấn
Độ, ông là đại đệ tử của Phật Thích Ca, được Phật đích thân truyền pháp
Tổ Sư Thiền qua sự kiện “Niêm hoa vi tiếu”, Phật đưa cánh hoa, Maha Ca
Diếp mỉm cười. Thế là đủ, vì là tâm truyền tâm, nên tất cả pháp sâu xa
nhất đều được truyền. Đại Ca Diếp tuy là đệ tử của Phật nhưng ông lớn
tuổi hơn Đức Phật lịch sử. Sau khi Phật nhập diệt vào năm 543 Trước CN,
(năm đó được lấy làm năm đầu của Phật lịch, đến năm nay 2012 dương lịch,
thì Phật lịch là 2555), Đại Ca Diếp lo làm lễ trà tỳ cho Phật xong, 3
tháng sau thì lo tổ chức kết tập kinh điển lần thứ nhất, kéo dài trong 7
tháng. Hai mươi năm sau, Đại Ca Diếp truyền tâm ấn cho A-nan, có lẽ là
năm 522 TCN, ông đi vào núi Kê Túc, nhập đại định, lúc đó ông 120 tuổi.
Cách đây không lâu, khoảng đầu thế kỷ 20, tiến sĩ triết học Bá Khắc Sâm,
người Anh, đã được gặp tôn giả Đại Ca-Diếp tại Kê Túc Sơn, Ấn Độ, mà
không biết. Sau đó theo hướng dẫn, đã quy y, trở thành tỳ kheo, đến
Rangun, Myanmar thiền định và gặp lại, mới biết đó là Đại Ca Diếp.
Đại Ca Diếp nhập định từ năm 522TCN đến nay 2012 DL, đã trải qua 2534
năm, có thể nói ông là người sống lâu nhất trên thế gian này. Ông ẩn
thân bên trong tảng đá lớn nên không ai có thể nhìn thấy.
Khi nhập định sâu như Đại Ca Diếp hay Huệ Trì, nhất niệm vô minh đã
dừng lại, nên thời gian cũng dừng lại, vì thời gian cũng là do tâm tạo.
Việc đó tương đương với việc di chuyển bằng với tốc độ ánh sáng. Theo
thuyết tương đối của Einstein, nếu một người ngồi trong phi thuyền bay
với vận tốc anh sáng thì thời gian sẽ dừng lại, người đó sẽ sống vô
lượng tuổi so với thời gian của trái đất. Nhưng khoa học chưa có khả
năng thực nghiệm việc này, đó chỉ là lý luận. Còn Huệ Trì và Đại Ca Diếp
là những người thực nghiệm, cũng đạt được hiệu ứng tương đương với lý
luận khoa học. Thời hiện đại, Hư Vân hoà thượng cũng từng nhập định lâu
khoảng nửa tháng mà ông chỉ cảm nhận thời gian chỉ mới chốc lát.
Câu chuyện của Huệ Trì và Đại Ca Diếp cho thấy số lượng thời gian lâu
hay mau cũng là do tâm tạo chứ không có thật. Chẳng qua vì chúng ta đã
quen với hạn tuổi trăm năm nên khó tin những chuyện như vậy.
Không có số lượng về vật thể hay năng lượng
Năng lượng là dạng tổng quát của vật chất. Nếu như vật chất có tới cả
trăm nguyên tố khác nhau thì năng lượng có thể coi là dạng chung của
tất cả các loại vật chất thông qua công thức nổi tiếng của Einstein :
E= MC2
Nhưng năng lượng xuất phát từ đâu ? Theo vật lý lượng tử hiện đại,
năng lượng xuất phát từ chân không lượng tử. Chân không lượng tử cũng
chính là cái Không trong Phật giáo mà nhà vật lý Phạm Xuân Yêm mượn danh
từ Không để diễn tả những khái niệm tương đồng giữa Phật giáo và khoa
học. Ông nói :
“Cái Không lượng tử thực là trạng thái cơ bản, là cội nguồn
và chốn trở về cũng như ra đi của vạn vật. Nó không rỗng tuếch chẳng có
gì mà là cái thế lắng đọng của tất cả. Chân không-Vật chất-Không gian-Thời gian chẳng sao tách biệt, cái này có là cái kia có, cái này không thì cái kia không, đó
là hệ quả của Lượng tử và Tương đối! Thực thế, thuyết Tương đối hẹp
liên kết Không gian và Thời gian, còn Tương đối rộng nối Vật chất với
Không-Thời gian và cuối cùng Lượng tử mang Chân không về với Vật chất và
như vậy kết nối cả bốn khái niệm cơ bản trên.”
Chân không lượng tử (viết gọn thành Không) là trạng thái cơ bản
tận cùng của vạn vật, nó vô hướng, trung hòa, mang năng lượng cực tiểu, trong
đó chẳng hề vẩn gợn chút vật chất kể cả điện từ trường (ánh sáng nói
riêng). Do những nhiễu loạn của năng lượng trong Không mà vật chất (cùng
phản vật chất) nẩy sinh, tương tác, biến chuyển, phân rã và trở về với
Không, cứ thế tiếp nối vòng sinh hủy. Tuy vậy năng lượng của Không lại
vô hạn theo nguyên lý bất định Heisenberg. Cực tiểu nhưng vô hạn, nghịch
lý này hẳn đòi hỏi một cuộc cách mạng trong nhận thức?” (Phạm Xuân Yêm – Cái Không trong lượng tử)
Trong chân không lượng tử, Vật chất (cũng là năng lượng) cực tiểu
nhưng Năng lượng lại vô hạn, đó là một nghịch lý mà lý trí duy lý của
con người không thể hiểu nổi. Ta chỉ còn một cách hiểu theo Phật giáo là
năng lượng cũng không có số lượng. Theo Phật giáo thì tất cả năng lượng
hay vật chất đều xuất phát từ Tâm. Cái Không, hay chân không lượng tử
nói theo khoa học, cũng là Tâm bất nhị.
Bậc thánh như Giê su có thể vận dụng tính chất vô hạn của năng lượng
để tạo ra phép mầu. Trong một buổi giảng đạo bên hồ Galilea (trên sông
Jordan nay thuộc vùng Galilee Hạ) có hơn 5000 đàn ông tham dự, chưa kể
đàn bà và trẻ con, họ đói. Trong số những người thân cận với ngài chỉ có
5 cái bánh và hai con cá, nhưng Giê-su có thể chia cho hơn 5000 tín đồ
đến nghe giảng đạo ăn no bụng, giải tỏa cơn đói xong mà vẫn còn dư lại
12 giỏ bánh. Trong dân gian cũng có câu chuyện cái nồi Thạch Sanh đựng
gạo, có thể lấy ra ăn mãi vẫn không hết. Chúng ta chỉ có một tấm ảnh,
nhưng khi đưa lên internet, nó có thể được sao chép ra vô số tấm ảnh.
Đây là những ví dụ về tính vô lượng hay không có số lượng của vật chất,
hay năng lượng. Chỉ vì trong đời thường chúng ta không vận dụng được lý
này nên “cho rằng” việc đó là hoang đường.
Trong bài Tứ pháp giới, tôi có đề cập Lý Sự vô ngại pháp giới. Nếu
chân không lượng tử có năng lượng vô hạn thì việc biến ra vô lượng cái
bánh cho tín đồ ăn mà Giê-su đã làm, là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Ai
có đủ thần thông đều có thể làm được.
Bất nhị là tuyệt đối, không có đối đãi nhị nguyên.
Bất nhị không phải là hai, nhưng cũng không phải là một. Ý nghĩa của
bất nhị là tuyệt đối, tức không có đối đãi nhị nguyên. Bởi vì nếu là một
sẽ đối lại với hai, với nhiều.
Nhị nguyên là những cặp phạm trù mâu thuẫn như : có và không, vật
chất và tinh thần, sáng và tối, thiện và ác, hữu hạn và vô hạn, đúng và
sai, quark và phản quark, electron và positron,…những cặp mâu thuẫn
nhiều không kể xiết.
Nhị nguyên phát sinh khi có sự xuất hiện của chủ thể nhận thức
(subject) và đối tượng bị nhận thức (object). Tâm trong Phật giáo vốn là
bất nhị, bất biến, vô sanh, vô thuỷ vô chung. Nói tóm tắt là Tâm không
bị giới hạn bởi không gian, thời gian và số lượng, bởi vì nó là nguồn
gốc của tất cả những cái đó, của vũ trụ vạn vật. Nhưng khi nào thì Tâm
bị phân hoá thành chủ thể và đối tượng ?
Như đã trình bày trong bài Niết Bàn và Chánh Biến Tri, về mặt công
dụng Tâm là chánh biến tri, nó là nguồn năng lượng vô hạn. Nói theo khoa
học thì Tâm là chân không lượng tử, là vô lượng lượng tử. Mỗi lượng tử
có năng lượng được mô tả bằng công thức của Max Planck:
E = hv (E = năng lượng, h = hằng số Planck, v = tần số dao động của lượng tử)
Khi dùng electronvolt (eV) là đơn vị đo năng lượng thì:
Hằng số này có đơn vị đo là năng lượng, nhân với thời gian tính bằng giây (s = second).
Các lượng tử mà khoa học nhận thức và vận dụng cũng như diễn tả một
cách cụ thể là quark, electron, photon, neutrino. Quark có nhiều loại
nhưng nhiều nhất trên địa cầu là quark u (up) và quark d (down).
Electron và đồng loại cũng có nhiều loại, mỗi loại có tên khác như muon,
tau, nhưng chủ yếu trên địa cầu là electron. Photon là hạt ánh sáng, có
khi hiện hữu dưới dạng sóng. Neutrino là hạt cực nhỏ, về mặt thực
nghiệm, mới tìm thấy vào cuối thế kỷ 20. Tuyệt đại đa số vật chất trên
địa cầu đều được cấu thành bởi quark u, quark d và electron. Nói chung
các hạt hạ nguyên tử (hạt nhỏ hơn nguyên tử, là những thành phần cấu tạo
nên nguyên tử) đều là hạt ảo. Tính chất ảo được khẳng định bởi vì không
thể tách riêng chúng ra, bắt chúng dừng lại để cho ta quan sát, sờ mó,
đo đếm. Chúng chỉ hiện hữu trong mối liên hệ nhân duyên chặt chẽ với
nhau và cũng chỉ hiện hữu trong mối quan hệ đối đãi giữa chủ thể và đối
tượng. Chủ thể có thể là người quan sát hoặc thiết bị ghi nhận. Nếu
không có chủ thể thì một vật ảo như nguyên tử không tồn tại, bởi vì nó
không phải là một vật có thật trong thế giới khách quan, nó chỉ tồn tại
trong nhận thức của chủ thể. Một vật thể như quả táo cũng không tồn tại
nếu không có người nhận thức, hay nói chính xác là nó chỉ tồn tại dưới
dạng tiềm thể là một cấu trúc ảo bất khả tri (nói theo nhà triết học
Kant). Vì là một cấu trúc ảo tức không có thật, nên nó không cản trở một
cấu trúc ảo khác, chẳng hạn cái thùng sắt, như thực nghiệm di chuyển
trái táo ra khỏi thùng sắt đóng kín trong đoạn phía dưới của Trương Bảo
Thắng.
Nói tóm tắt, tất cả nguyên tố vật chất trên địa cầu đều là cấu trúc
ảo, do các hạt ảo là quark u, quark d và electron tạo thành. Chính vì
Tâm có giác tánh, nó biết kết hợp các hạt ảo theo nhiều kiểu cấu trúc
khác nhau để tạo thành các nguyên tố khác nhau như oxy, hydro, nitro,
carbon, sắt, đồng, chì, kẽm v.v…Rồi nó biết kết hợp bốn nguyên tố oxy,
hydro, nitro và carbon thành nước và các chất hữu cơ khác. Rồi nó biết
tạo thành chất sống, thành tế bào, thành các cơ quan có chức năng chuyên
môn trong cơ thể sinh vật như tim, gan, phổi, ruột, xương, thịt, mỡ,
máu…để duy trì sự sống cho sinh vật. Rồi nó biết tạo thành các cơ quan
để sinh vật có thể liên lạc với thế giới bên ngoài như mắt, tai, mũi,
lưỡi, thân thể, bộ não. Tuyệt tác phẩm mà Tâm tạo ra được là con người
có bộ não phát triển, có lý trí, có tình cảm. Sinh vật cũng là một cấu
trúc ảo có khả năng phát sinh ra nhất niệm vô minh. Nhiều nhất niệm vô
minh khởi lên liên tục tạo thành dòng tâm niệm hay tâm thức, từ đó hình
thành cái ta bao gồm thân ngũ uẩn và dòng tâm niệm. Con người trở thành
một chủ thể biết tư duy vì nó có ký ức, biết ghi nhớ, biết liên kết
những sự kiện riêng lẻ của Sự pháp giới lại thành Lý pháp giới.
Tóm lại, Tâm bắt đầu bị phân hoá thành chủ thể và đối tượng khi nó
hình thành được sinh vật có cơ thể, bắt đầu hình thành cái ta. Rồi cái
ta này nhận thức các vật xung quanh thành đối tượng. Khi đã xuất hiện
chủ thể và đối tượng thì không gian, thời gian và số lượng cũng đồng
thời hình thành. Tâm vô lượng đã phân hoá thành vô số pháp, vô số chúng
sinh, vô số vũ trụ, nói chung là Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc
giới). Chúng sinh ở cõi Vô sắc thậm chí không còn thân ngũ uẩn mà chỉ
còn dòng tâm niệm. Chúng ta đừng lấy làm lạ tại sao chúng sinh không có
thân thể mà vẫn là sinh vật, đó là vì tính chất ảo, vì tánh không của
pháp giới, nên chúng sinh ở Dục giới tuy có thân thể vật chất nhưng thân
thể đó cũng chỉ là ảo mà thôi. Khi đã xuất hiện chủ thể và đối tượng
tức đã xuất hiện nhị nguyên, xuất hiện cặp phạm trù mâu thuẫn, xuất hiện
sự hạn chế về không gian, thời gian và số lượng. Sự hạn chế này thì
chúng ta ai cũng biết. Tuy nhiên tính chất ảo của vật chất thì ít ai
biết, ít ai tin. Phật pháp đã nói đến tính chất ảo hoá của vật chất từ
hơn 2500 năm nay. Khoa học ngày nay cũng bắt đầu hiểu vật chất thực ra
chỉ là tâm thức. Sự ảo hoá được ứng dụng rộng rãi trong máy vi tính đem
lại rất nhiều điều kỳ thú cho con người hiện đại. Nhưng giới khoa học
vẫn còn hoang mang trong nhận định thế giới vật chất đời thường là ảo,
không có thực thể. Các khoa học gia hàng đầu trên thế giới bắt đầu hiểu
rằng chỉ có vật ở trong tâm thức, không có vật ở ngoài tâm thức, cho nên
trong thực nghiệm khoa học không thể tách riêng chủ thể và đối tượng.
Vô hình trung, khoa học cũng đề cập tới lý bất nhị.
Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều
đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing
would be real unless consciousness exists, that all real things are
constituents of consciousness – which is a complete reversal of
materialism” (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất
cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với
chủ nghĩa duy vật).
Eugene Wigner (1902-1995 nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel vật lý năm 1963) viết : “The
very study of the external world led to the conclusion that the content
of the consciousness is an ultimate reality. Particles only exist when
observed, and so the reality of particles entails that consciousness is a
fundamental element of reality” (Càng nghiên cứu thế giới bên
ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối
hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt
buộc rằng ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại).
Khi các nhà khoa học ý thức rằng vật chất không có thực thể, không có
thế giới gọi là “khách quan” chỉ có thế giới chủ quan của nhà khoa học,
của nhà toán học. Tuy nhiên vì có nhiều nhà khoa học có cùng ý kiến với
nhau nên họ “tưởng” rằng khách quan. Cũng vì vậy đã có nhiều nhà khoa
học đề cập đến khủng hoảng của vật lý học. Chẳng hạn :
David Bohm (nhà vật lý Đại học London) quan niệm rằng thực tại mà
chúng ta tiếp xúc hằng ngày chỉ là một loại ảo tưởng giống như một bức
tranh toàn ảnh (hologram). Dường như thực tại có hai mức: một mức ở sâu
hơn gọi là mức tiềm ẩn (cuộn lại) /implicate (enfolded) và một mức gọi
là mức tường minh (mở ra) /explicate (unfolded).
Năm 1962, cuốn “Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học” (Structure of Scientific Revolutions) của
Thomas Kuhn , một trong những tác phẩm khoa học được trích dẫn nhiều
nhất của thế kỷ 20, đã đặt dấu chấm hết cho quan điểm thực chứng logic
-nền tảng của khoa học hiện đại (chủ yếu của phương Tây). Theo Kuhn,
khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên-kỹ thuật, không gắn với bản thể,
mà thuần túy là sản phẩm của tư duy con người. Hiện tại đây là quan
điểm được chấp nhận rộng rãi nhất trong giới khoa học. Theo ông, không
có biện pháp khách quan để đánh giá xem các lý thuyết tiến gần đến sự
thật như thế nào. Ông tự nhận mình là một người thuộc trường phái Kant
nhưng “với những phạm trù chuyển dịch” (“moveable categories”). Theo
Kant, các phạm trù của tư duy là điều kiện tiên quyết cho mọi sự hiểu
biết hoặc tri thức. Và, người ta gán cho khoa học là quy luật của tự
nhiên (tức là khách quan), nhưng thực chất thì nó chính là sản phẩm của
tư duy chủ quan của con người. Kuhn cũng đồng quan điểm đó, nhưng điểm
mới của ông là: các phạm trù này luôn thay đổi trong các cuộc cách mạng
khoa học. Như vậy, Kuhn cho rằng: khoa học không nhất thiết mang tính
hợp lý (rational).
Gần đây, năm 2002, Stephen Hawking công bố bài giảng “Gödel & The End of Physics” (Gödel & sự kết thúc của vật lý học), thể hiện một sự thay đổi mang tính cách mạng trong nhận thức của ông về “Lý thuyết Cuối cùng” (Final Theory) của vật lý học, khác xa với những gì ông đã trình bầy trong cuốn “Lược sử thời gian” 11 năm trước.
Sự kết thúc của vật lý học theo Stephen Hawking là vì Kurt Gödel đã
chứng minh định lý bất toàn. Vật lý học sẽ không bao giờ đi tới lý
thuyết cuối cùng có thể giải thích tất cả mọi sự lý trong vũ trụ, bởi vì
luôn luôn có mâu thuẫn phát sinh trong bất cứ hệ thống duy lý nào, dù
cho chặt chẽ như toán học hay khoa học máy tính. Mâu thuẫn khiến không
bao giờ có được lý thuyết cuối cùng hay lý thuyết giải thích được mọi
thứ (Theory Of Everything – TOE).
Nếu các nhà khoa học chỉ có khả năng lý luận về tính chất chủ quan
của vật chất, của khoa học, thì kỳ nhân Trương Bảo Thắng, tuy không có
nhiều hiểu biết về khoa học, nhưng lại có khả năng thực nghiệm tính chất
ảo tưởng của vật chất. Vì vật chất là ảo nên Trương Bảo Thắng có thể
dùng ý niệm để di chuyển một vật đi xuyên qua vật rắn khác, mà cả hai
vật đều không hề hấn gì. Hãy xem cuộc biểu diễn của anh. Người chủ trì
cuộc biểu diễn là Trương Chấn Hoàn, chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công
nghiệp Quốc phòng Trung Quốc:
Bắc Kinh Nhân Dân Đại Hội Đường, trang nghiêm, vĩ đại, là nơi hội
họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc Hội Trung Quốc) là
nơi làm việc của Thường vụ Ủy viên Hội. Các hoạt động trọng đại của cả
nước thường được cử hành tại đây. Các vị lãnh đạo Trung ương tiếp kiến
khách nước ngoài và hội kiến với những nhân vật quan trọng đều tiến hành
tại đây. Phàm những hoạt động được tổ chức tại đây đều có tính chất
trọng yếu và quyền uy. Hôm nay, tại đại sảnh đường của Bắc Kinh Nhân Dân
Đại Hội Đường, đèn hoa chiếu sáng, các nhà nhiếp ảnh, quay phim, ảo
thuật gia, nhiều vị lãnh đạo và rất đông khán giả đều có mặt. Có người
đến vì lòng hiếu kỳ, có người mang ánh mắt nghi ngờ, có người mang tâm
lý vận động bài trừ, có người mang ánh mắt phủ định…tất cả vây quanh vũ
đài, đợi Trương Bảo Thắng biểu diễn.
Trương Bảo Thắng cảm thấy rằng lần biểu diễn này tại Bắc Kinh
không giống lần trước. Lần trước là biểu diễn hội báo, không khí hài
hòa, nhưng chỉ là biểu diễn tương đối dễ dàng như thấu thị, dùng mũi
nhận chữ. Còn lần này trong điều kiện cực kỳ nghiêm túc để giám định
công năng của anh là thực hay giả, huống chi tại hiện trường rất nhiều
người đang chuẩn bị “tìm cách phá bĩnh” nữa. Nhiều máy quay phim đặt ở
các vị trí trên, dưới, bên phải, bên trái, mọi góc độ, sẵn sàng theo dõi
mọi động tác của anh. Không khí thật là khẩn trương . Hạng mục biểu
diễn là dùng “ý niệm di chuyển vật” Ngay cả những người tin tưởng sự tồn
tại của đặc dị công năng cũng mướt mồ hôi trán thay cho Bảo Thắng,
trong lòng suy nghĩ : anh ấy có làm được không ?
Biểu diễn bắt đầu. Trong một thùng sắt, bỏ vào hai trái táo
(apple) vào, đậy nắp, dùng que hàn điện hàn kín. Người chủ trì để cho
Trương Bảo Thắng dùng ý niệm lấy trái táo ra. Chỉ thấy anh im lặng,
không gây tiếng động, trấn định tự tâm. Mọi con mắt nhìn chăm chăm vào
người anh, quan sát nhất cử nhất động của anh. Một phút, hai phút, năm
phút rồi mười phút trôi qua, đến khi bức màn trong não của anh xuất hiện
một quả táo, anh mới dùng ý niệm mang trái táo đặt ở một góc của vũ
đài. Lúc đó trên bức màn nhỏ trong não của anh không còn trái táo. Theo
kinh nghiệm của anh, anh tin rằng một trái táo trong thùng sắt đã đi ra
ngoài, trái kia vẫn còn trong thùng. Anh nói với mọi người : “một trái
táo đã ra ngoài”. Nhiều người không tin, bởi vì họ thấy Trương Bảo Thắng
trước sau vẫn đứng cách thùng sắt hơn một mét, anh hoàn toàn không chạm
vào thùng sắt, trái táo làm sao ra ngoài được chứ ? Người chủ trì ra
lệnh cho người mở nắp thùng sắt, mọi người đều phát hiện thiếu mất một
quả táo. Bảo Thắng nói với mọi người, trái táo lấy ra đang nằm ở một góc
vũ đài, người ta theo chỉ dẫn của anh, quả thật tìm thấy trái táo.
Chính lúc mọi người bàn luận sôi nổi, có người khen ngợi, có
người hoài nghi, muốn tìm một khuyết điểm nào đó, một vị lãnh đạo thuộc
Ban bí thư, nói : “Tôi được lãnh đạo ủy thác đến tham gia trắc nghiệm,
cuộc biểu diễn vừa rồi tôi xem không rõ lắm, tôi hi vọng có thể làm một
thí nghiệm ngay trên người mình”, tiếp đó ông dùng tay chỉ chiếc huy
chương trên ngực mình, nói : “mời Trương Bảo Thắng dùng ý niệm mang nó
đi, được không ?” Người chủ trì biết đây là người muốn vạch khuyết điểm,
nên hướng về Bảo Thắng nói : “Anh thấy được không ?”. Bảo Thắng gật
đầu. Chỉ thấy anh nhìn một chút chiếc huy chương trên ngực ông bí thư,
mà không thấy anh đi lại gần ông ta, cự ly giữa hai người khoảng vài
mét. Khán giả tại hiện trường có người nhìn ông bí thư, có người nhìn
Trương Bảo Thắng, mọi người chờ đợi anh lên tiếng trả lời. Ông bí thư
cũng đắc ý chờ đợi Bảo Thắng lên tiếng trả lời “được” hoặc “không được”.
Không ngờ Trương Bảo Thắng không trả lời câu hỏi, chỉ nói : “di chuyển
rồi”. Ông bí thư như đang mơ chợt tỉnh, vội dùng tay sờ vào trước ngực,
nhưng cái huy chương đã biến đâu mất từ lúc nào, ông hoảng hốt tìm kiếm,
trên dưới đều không thấy. Trương Bảo Thắng chỉ nói một câu : “huy
chương đã ở trên thân người khác rồi” Không ít người lật đật mò tìm túi
trên túi dưới của mình. Trong đám đông có người kêu lên : “trên người
tôi có một chiếc huy chương, nó làm sao mà đeo vào được ?” Khi chiếc huy
chương được chuyền đến tay ông bí thư, ông nhận ra nó ngay, đó chính là
chiếc huy chương ông vừa mới đeo trên ngực. Ông bí thư bị á khẩu không
nói nên lời. Người tại hiện trường còn chưa hết ý, đều hứng thú vây
quanh Trương Bảo Thắng, nhiệt tình hỏi anh về cảm giác và công năng.
Khả năng kỳ lạ của Trương Bảo Thắng được các nhà khoa học Trung Quốc
gọi là nhân thể đặc dị công năng. Anh đã biểu diễn rất nhiều lần cho các
nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc, cho các nhà khoa học, về khả
năng di chuyển vật thể bằng ý niệm, khả năng dùng mũi để nhận ra chữ
viết trong mảnh giấy được gấp nhỏ bỏ vào phong bì dán kín, khả năng phục
nguyên một tấm danh thiếp hay bức hoạ bị nhai nát, xé nát rồi bỏ vào
thau nước…anh có thể phục hồi chúng như nguyên trạng, như chưa hề bị
nhai nát, xé nát.
Với khả năng phục nguyên kỳ diệu, anh có khả năng làm cho một người
bị xe đụng chết, sống lại, khoẻ mạnh như chưa hề bị đụng xe. Nhưng thực
tế anh không làm điều đó, vì nó vi phạm luật nhân quả, vi phạm nghiệp
báo. Điều này đã có truyền thống từ ngàn xưa. Mục Kiền Liên là vị đại đệ
tử của Đức Phật, có thần thông quảng đại, nhưng vẫn phải tuân theo luật
nhân quả, chấp nhận để cho bọn ngoại đạo sát hại bằng cách lăn đá đè
chết. Đức Phật cũng có kể câu chuyện về luật nhân quả như sau :
Lúc Đức Phật Thích Ca chưa ra đời, nơi thành Ca Tỳ La Vệ có một làng
chài lưới, trong làng có một hồ lớn chứa nhiều cá. Một năm, gặp lúc hạn
hán, hồ khô nước cạn, cá trong hồ đều bị dân trong làng chài bắt hết,
trong đó có một con cá thật lớn. Trong làng có một đứa bé không ăn thịt
cá, thấy dân làng bắt được cá lớn đặc biệt, vì tính hiếu kỳ nên tiến đến
gần, tay cầm cây gỗ gõ lên đầu con cá lớn ba cái. Sau khi Phật Thích Ca
chứng đạo, vua nước Ba Tư Nặc rất mến Phật pháp, cưới con gái dòng họ
Thích làm vợ, sinh được một người con là thái tử Lưu Ly. Thuở nhỏ, thái
tử Lưu Ly đi học ở thành Ca Tỳ La Vệ, một hôm nghịch ngợm trèo lên tòa
của Phật ngồi, bị người trong dòng họ Thích bắt gặp rầy la. Thái tử Lưu
Ly vì thế mà để tâm thù hận. Khi thái tử Lưu Ly lên làm vua nước Ba Tư
Nặc, vì căm giận dòng họ Thích nên xuất quân vây đánh thành Ca Tỳ La Vệ,
bắt dân trong làng định giết hết. Môn đệ của Đức Phật Thích Ca đều cầu
xin Phật tìm cách giải cứu dòng họ Thích qua khỏi cơn tai ách. Đức Phật
trả lời:
- Đó là định nghiệp của dòng họ Thích, không thể cứu được.
Mục Kiền Liên tôn giả, vị đệ tử thần thông đệ nhất của Đức Phật, muốn
cứu dân trong thành, tay cầm lấy bát bay lên không trung, dùng sức thần
thông thu hết 500 người dòng họ Thích ra khỏi thành. Nhưng khi mở bình
bát ra, thấy trên bát đều chứa đầy máu người. Chúng đệ tử hỏi Phật vì
nguyên do gì sức thần thông của Mục Kiền Liên không cứu được dòng họ
Thích trong thành. Đức Phật đem chuyện chài lưới của thành Ca Tỳ La Vệ
bắt cá trong hồ thuật lại cho chúng đệ tử nghe. Phật nói: – Vua Lưu Ly
chính là con cá lớn ngày xưa, binh lính đánh thành là những con cá trong
hồ bị bắt giết. Những người bị giết trong thành Ca Tỳ La Vệ đều là
những người bắt cá, ăn cá trong hồ. Đứa bé gõ vào đầu con cá lớn chính
là tiền thân của ta, nên trong lúc vua Lưu Ly dẫn binh đánh thành, ta bị
nhức đầu ba ngày. Thần thông cũng không thể thắng được nghiệp.
Nói cho cùng thì sống chết cũng chỉ là giả tạm, không phải thật, trên
đời không có gì là thật cả. Trương Bảo Thắng chỉ biểu diễn nối liền cái
đuôi bị cắt rời của con chuột bạch để chứng tỏ khả năng phục nguyên mà
thôi.
Tóm lại, bất nhị trong Phật giáo có hai ý nghĩa cơ bản : bất nhị
không phải là hai, cũng không phải là một, mà là không có số lượng. Bất
nhị cũng có nghĩa là tuyệt đối, tức không có sự đối đãi giữa chủ thể và
đối tượng. Thiền sư kiến tánh, ngộ đạo là cách nói của thế gian. Thật ra
không có thiền sư cầu đạo, cũng không có cái tánh hay cái đạo để thấy,
để ngộ. Mà chỉ có trở về với Tâm bất nhị vô thuỷ vô chung, không còn
thấy có mình hay có tâm gì nữa cả.
Truyền Bình