Giáo dục Phật giáo là nhiệm vụ có tính chiến lược sống còn của Tăng
đoàn Phật giáo ngay từ thời đức Phật, nhưng bản thân đức Phật luôn tránh
những vấn đề triết lý, siêu hình. Vậy trong giáo dục Phật giáo có cần
một triết học, hay nói cách khác, vai trò của giáo dục triết học (Phật
giáo) đối với Phật giáo như thế nào?
Ở Việt Nam Phật giáo đã đồng hành cùng lịch sử lâu dài của dân tộc và
trở thành một thành tố không thể thiếu trong văn hóa, tư duy, lối sống
của người Việt. Phật giáo đã từng có những thành tựu rực rỡ gắn liền với
những đỉnh cao hào hùng của dân tộc. Ngày nay trong bối cảnh mới của
toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thị trường, Phật giáo Việt Nam với tư
cách một tôn giáo dân tộc cũng đang đối diện với những thách thức mới và
cơ hội mới. Vậy trước đây triết học Phật giáo có vai trò gì không, và
hôm nay giáo dục triết học (Phật giáo) có cần đặt ra như một vấn đề cho
định hướng và phát triển Phật giáo không?
* * *
1. Phật giáo có cần tới triết học không?
Câu hỏi này gắn liền với các Phật truyện kể về thái độ dứt khoát
tránh các câu hỏi, các vấn đề siêu hình, triết lý của đức Phật tổ. Vậy,
phải chăng là đức Phật chủ trương loại bỏ triết học khỏi Phật giáo, thực
chất vấn đề ở đâu? Thêm nữa, từ quan niệm về “triết học” của phương Tây
câu hỏi này lại liên quan tới vấn đề: Phật giáo là triết học hay là tôn
giáo không có triết học? Để trả lời các câu hỏi này cần phải có một
kiến thức và kinh nghiệm cơ bản về triết học phương Tây và cả phương
Đông, tức là một background triết học.
Cuộc tranh luận về các câu hỏi này diễn ra rất dài, rất nhiều kỳ,
được cả Tây và Đông quan tâm. Hôm nay đã có được câu trả lời từ các
triết gia (cả Đông & Tây), các nhà Đông phương học, và cả từ các nhà
Phật học. Đó là đa số đã đi tới nhất trí khẳng định rằng Phật giáo có
triết học, và triết học của Phật giáo có cách tiếp cận, có mục đích và
phương pháp độc lập, không hoàn toàn giống với “triết học” của phương
Tây. Triết học Phật giáo đã kế thừa từ truyền thống tư duy triết học đó
từ Ấn Độ cổ và phát triển một cách hệ thống trong giáo lý giải thoát.
Triết học Phật giáo có đủ tiêu chuẩn để đại diện cho triết học phương
Đông.
Điều thú vị là ngày nay, ở phương Tây đang có một xu hướng phê phán
những hạn chế của triết học hiện đại, đó là xu hướng của triết học hậu
hiện đại (post - modern philosophy). Xu hướng này khi phê phán triết học
phương Tây từ bên trong, đã quay sang tìm những ưu điểm của triết học
phương Đông, trong đó có triết học Phật giáo, để giải đáp một số bế tắc
cũng như hạn chế của triết học hiện đại phương Tây.
Vậy phương Tây đang tự đánh giá lại bản thân và tìm đến với triết học
Phật giáo, thì bản thân giáo dục Phật giáo có thể bỏ qua giáo dục triết
học của chính mình, nhất là khi cần xây dựng một chiến lược phát triển
trong bối cảnh hiện đại như hôm nay? Tới đây lại cần trả lời câu hỏi có
triết học Phật giáo không, triết học đó là gì?
2. Triết học của Phật giáo là gì?
Đức Phật luôn tránh các câu hỏi có tính lý luận siêu hình và triết
lý, không phải vì Phật từ chối dùng triết học hay vì Phật giáo không có
triết học, mà vì người thấy rõ mối nguy, nói cách khác là cái bẫy của lý
luận siêu hình và triết lý luôn dẫn chúng sinh sa vào kinh viện mà quên
mất mục đích sống còn là giải thoát khỏi khổ. Người luôn nhấn mạnh mục
đích, tôn chỉ của Phật giáo là chỉ nhằm hiểu cho được khổ và diệt cho
được Khổ.
Song, về thực chất “Khổ” mà đức Phật giác ngộ và truyền giảng lại cho
chúng sinh đã đạt tới tầm khái quát lý luận rất cao. Giáo lý của Phật
không phải đơn giản, tầm thường để ai cũng có thể hiểu. Đó là chính là
lý do khiến đức Phật do dự có nên giảng giáo lý cao siêu huyền nhiệm đó
cho chúng sinh hay không sau khi Người giác ngộ dưới gốc Bồ Đề.
Có thể nói giáo lý Phật giáo là học thuyết về Khổ và giải thoát khỏi
Khổ được xây dựng một cách hệ thống, toàn diện trên những vấn đề căn bản
của triết học. Nếu phân tích theo cấu trúc vấn đề của triết học phương
Tây thì đó chính là:
- Bản thể luận Duyên khởi, Tính Không, Vô thường;
- Nhận thức luận Trung đạo, Nội quán, Trực giác Bát nhã;
- Nhân sinh luận Vô ngã, Vị tha, Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Bát Chính Đạo, A La Hán, Bồ Tát ...
Từ những vấn đề cơ bản của triết học đó, Phật giáo có đối tượng, mục
đích, phương pháp và nội dung không giống với các tôn giáo và triết học
khác, nhất là so với triết học phương Tây:
- Mục đích là giải thoát chúng sinh khỏi khổ.
- Đối tượng là nắm bắt được bản chất Không, Vô ngã, Vô thường của tồn tại.
- Phương pháp là nội quán, trở vào bên trong, không chấp vào ngôn ngữ, kinh nghiệm, nhằm làm bừng sáng trực giác.
- Nội dung luôn kết hợp đồng thời 3 phương diện: Giới (đạo
đức), Định (thực hành có niềm tin), Tuệ (thông thái, minh triết). Có thể
nhìn đó là sự kết hợp 3 lĩnh vực: đạo đức + tôn giáo + nhận thức.
Có thể khẳng định rằng Phật giáo có Triết học riêng với đầy đủ những
nội dung cơ bản của một triết học theo định nghĩa của phương Tây, và
thậm chí còn là một mô hình triết học đại diện cho phương Đông để đối
sánh với phương Tây.
3. Triết học Phật giáo đối với tiến bộ xã hội
Phật giáo ra đời đánh dấu một sự chuyển biến của tư duy Ấn Độ từ thần
quyền sang giai đoạn nhân quyền. Đó là một cuộc cách mạng tư tưởng do
đức Phật khởi xướng, mở ra một tôn giáo nhân văn, lấy con người làm
trung tâm, giải phóng niềm tin tôn giáo khỏi thần quyền của Bà La Môn
giáo. Đương thời đức Phật, Bà La Môn giáo - một tôn giáo chính thống mà
vị trí thần quyền của nó trên cả vương quyền (thể hiện rõ trong thứ tự 4
đẳng cấp của Bà La Môn giáo). Chỉ có đẳng cấp Bà La Môn thần thánh là
có thể thực hiện mọi lễ nghi tôn giáo. Tế tự là nghề nghiệp riêng của
đang cấp Bà La Môn, được truyền thừa qua dòng tộc. Đẳng cấp Bà La Môn có
quyền uy về giải thoát. Các đẳng cấp khác muốn được giải thoát phải nhờ
vào vai trò tế tự thần thánh của Bà La Môn... Do nắm thần quyền, họ
điều khiển cả chính trị và kinh tế. Có lẽ thần quyền của Bà La Môn ở Ấn
Độ cũng tựa như thần quyền của Giáo hội Thiên Chúa giáo thời Trung cổ ở
phương Tây, nhưng hà khắc hơn vì trong xã hội đó người phụ nữ và đẳng
cấp thấp (sudra) không có quyền về niềm tin tôn giáo.
Đức Phật kế thừa có chọn lọc các giá trị tư tưởng triết học, tôn giáo
đi trước về vũ trụ, nhân sinh, nhận thức... để giải quyết bế tắc xã hội
do thần quyền của Bà La Môn giáo thống trị. Từ thuyết Duyên khởi, Tính
Không, Vô thường, Vô ngã để phân tích bản chất Khổ của con người, đức
Phật đã khẳng định mọi người đều bình đẳng với nhau về khổ và đều có thể
tự đi, tự đến trên con đường giải thoát khỏi khổ; Không có thần linh
nào giúp ngoài bản thân biết liên tục kết hợp niềm tin, đạo đức, trí tuệ
(G - Đ - T) trên hành trình tới giải thoát. Phật giáo đã thực sự mở ra
một phong trào tự do tôn giáo, bình đẳng về niềm tin tôn giáo ở Ấn Độ
lúc đó. Từ vị trí là một tôn giáo không chính thống ở thế kỷ VI TCN, đến
thế kỷ III TCN, Phật giáo đã trở thành quốc giáo và đóng vai trò công
cụ tư tưởng để thông nhất toàn Ấn Độ rộng lớn đa tôn giáo, đa sắc tộc
dưới triều vua-Phật Asoka. Cuộc cách mạng tư tưởng của
Phật giáo đã buộc Bà La Môn giáo phải thực hiện canh tân, tiếp thu phê
phán và đên thế kỷ VI - VII đã đổi tên thành Hindu giáo - theo nghĩa là
tôn giáo của toàn thể người Hindu (tức người Ấn Độ) chứ không còn là tôn
giáo của riêng đẳng cấp Bà La Môn. Để có được tiến bộ về tôn giáo nhân
văn như vậy, Phật giáo không thể không tiếp thu, vận dụng triết học trên
tinh thần mới hơn, tiến bộ hơn so với Bà La Môn giáo.
Khi vượt ra ngoài biên giới Ấn Độ, Phật giáo được nhiều nước tiếp thu
một cách hòa bình, cả khi du nhập vào Trung Quốc. Đặc biệt vai trò
triết học của Phật giáo ở Trung Quốc đã tạo ra những đột phá về tư duy
và văn minh của nhân loại.
Không thể chỉ bằng thần quyền hay tín ngưỡng tôn giáo mà Phật giáo có
thể hội nhập được vào Trung Quốc - một nơi đã có hai hệ thống triết
học-tôn giáo bề thế (Nho, Lão).
Ban đầu bằng thần quyền Phật giáo cũng được Lão giáo của Trung Quốc
tiếp nhận, nhưng chỉ lợi dụng những tương đồng về cách tu tập, dưỡng
sinh, tín ngưỡng để có pháp thuật hay công năng dị biệt... Song Lão giáo
khẳng định Phật giáo là một biến thể của nó, như trong Hóa Hồ Kinh.
Nhưng về sau, khi triết học của Duy Thức luận và Trung Quán luận với các
tư tưởng về bản thể luận, nhận thức luận sâu sắc và độc đáo của Phật
giáo Đại thừa được du nhập vào Trung Quốc thì Phật giáo không những
không bị đồng hóa bởi Lão giáo, mà trái lại đâm hoa kết trái thành Thiền
tông Trung Hoa. Đó là sự tiếp biến vĩ đại của tư duy triết học Ấn Độ
gặp tư duy triết học Trung Quoc. Các học giả thường gọi đó là tiếp biến
Ấn-Trung của Phật và Lão - Trang. Từ đó Phật giáo trở thành một thành tố
trong tư tưởng tam giáo (Nho - Phật - Lão)
truyền thống của Trung Hoa. Trong đó Thiền là một đặc trưng riêng của
Phật giáo có ý nghĩa rộng hơn tôn giáo với những giá trị được người
Trung Quốc trân trọng và thể hiện thành lối sống, nghệ thuật, văn minh,
tư duy... vừa có ý nghĩa nhân văn vừa mang ý nghĩa giải thoát độc đáo.
Thiền Phật giáo từ Trung Quốc đã lan tỏa tới Nhật Bản, Triều Tiên, Việt
Nam và đều trở thành văn hóa truyền thống của các nước này.
Ngày nay Thiền Phật giáo đã lan tới phương Tây và được chú ý đến như
một sự bù đắp cho thiếu hụt của triết học phương Tây về con người hướng
nội. Trong xã hội phương Tây đầy ắp vật chất và sự tiêu dùng con người
lại càng thấy rõ hơn sự thiếu hụt niềm tin và hiểu biết về chính bản
thân. Có lẽ sự gặp gỡ triết Đông với triết Tây lần này, nếu tiếp biến sẽ
cho nhân loại thành tựu mới làm phát huy phẩm chất nhân văn, trí tuệ,
đạo đức của con người còn tiềm ần.
4. Triết học Phật giáo đối với tiến bộ của Phật giáo
Mỗi lần Phật giáo thực hiện chấn hưng hay canh tân để thích ứng với
bối cảnh thời đại mới, thì đều cần có sự thống nhất về tư tưởng cơ bản
từ nền tảng triết học để tránh khỏi bị tha hoá thành cái khác, không còn
là Phật giáo nữa. Có thể nói, khi triết học Phật giáo càng có tính hệ
thống cao thì sức nhập thế của Phật giáo càng linh hoạt, sức thích ứng
và lan tỏa càng lớn.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam nhưng không bị tôn giáo bản địa hòa
tan, không bị Nho và Lão của Trung Quốc đồng hóa và đã có lúc đạt tới
những đỉnh cao trở thành hệ tư tưởng dân tộc, thống nhất được toàn bộ
sức người, sức của cũng như trí tuệ của toàn dân làm nên những trang sử
ghi công đầu của Phật giáo. Nhìn lại trang sử chiến công của Phật giáo
Việt Nam ta thấy dường như đều nổi lên các thiền sư uyên thâm cả Nho,
Lão và Phật. Phật giáo Việt Nam phát huy được sức mạnh đều không ngoài
sự tích hợp thêm Nho và Lão về nhiều mặt tinh thần, trí tuệ, đạo đức,
chính trị, quân sự... mà thực tiễn Việt Nam đòi hỏi. Ngày nay ở Việt Nam
triết học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đang giữ vai trò tư tưởng
chính thống. Phật giáo tuy không phải là hệ tư tưởng chính thống nhưng
vẫn là một trong những nền tảng tư tưởng truyền thống, tôn giáo truyền
thống, tôn giáo dân tộc với những giá trị bền vững đối con người và xã
hội Việt Nam. Việc giáo dục triết học Phật giáo sẽ góp phần làm rõ hơn
những giá trị tư tưởng tích cực của Phật giáo trong tư duy, lối sống,
văn minh của người Việt Nam.
Giáo dục triết học Phật giáo không thể thiếu đối với sự tồn tại và
phát triển của Phật giáo. Nhưng giáo dục triết học Phật giáo có cái rất
khó, khó hơn nhiều so với các tôn giáo và triết học khác. Đó là sao cho
Phật giáo vừa một mặt không rơi vào kinh viện, lý thuyết thuần túy như
đức Phật đã cảnh báo, mặt khác không hạ xuống thành nôm na, đơn giản,
không còn tính hệ thống để bị mất đi cả sức sống và bị biến thành cái
khác, không còn là Phật giáo.
Cái khó nữa của Phật giáo là với tư cách một triết lý xuất thế nhưng
lại phải xử lý các vấn đề của tại thế. Phật giáo bị Pháp nạn nhiều lần
trong lịch sử củng do không giải quyết được mâu thuẫn căn bản của đối
cực xuất thế - nhập thế. Mỗi lần giải quyết được mâu thuẫn này là một
lần Phật giáo chuyển sang một thời kỳ mới, chẳng hạn như chuyển từ
Nguyên thủy sang Bộ phái; từ Bộ phái sang Đại thừa; từ Đại thừa tới
Thiền tông Trung Hoa. Hiện nay mâu thuẫn đối cực mới đang do hội nhập
Đông Tây và kinh tế thị trường thách thức. Để giải quyết nó cần phải có
sự tiếp biến Đông - Tây, chưa rõ ai sẽ là tác giả của tiếp biến mới này,
song có lẽ kết quả lần này là của sự tiếp biến triết học Đông - Tây.
5. Một số vấn đề về giáo dục triết học Phật giáo
Như vậy triết học Phật giáo không chỉ có vai trò đối với tiến bộ của
xã hội mà còn đối với sự tồn tại và phát triển của bản thân Phật giáo,
vậy giáo dục triết học Phật giáo không thể bỏ qua hoặc coi nhẹ trong
giáo dục Phật giáo, đó chính là đào tạo triết học như một bộ phận của
Phật học. Ở Thiên chúa giáo, các tu sĩ trẻ phải theo học chương trình
thần học, tức là triết học trong hai năm, hoàn toàn tập trung ở tu viện,
không liên hệ với bên ngoài, gọi là tu kín, trước khi học tiếp lên làm
cha cố hoặc được phân công làm linh mục các xứ đạo. Có lẽ Phật giáo cũng
nên tham khảo quy trình đào tạo này của Thiên chúa giáo.
Ở Việt Nam, nói chung đến nay vẫn thiếu sách chuyên triết do các nhà
sư, các nhà Phật học biên soạn. Do đó người đào tạo và được đào tạo
triết học Phật giáo rất lúng túng khi phải lựa chọn giáo trình. Hiện nay
đã có một số sách chuyên khảo dịch từ tiếng nước ngoài, song thuật ngữ
chuyên môn, tên riêng, tên kinh sách còn nhiều chỗ không nhất trí. Nên
chăng xây dựng một từ điển điện tử của Phật giáo có đối sánh tiếng Việt -
Anh - Trung - Pali (phiên âm) để đáp ứng nhu cầu người đào tạo và được
đào tạo Phật giáo nói chung cũng như triết học Phật giáo nói riêng.
Đặc biệt một số chuyên ngành hẹp của triết học Phật giáo như là logic
Phật giáo, nhận thức luận Phật giáo còn rất mỏng, rất hiếm các giáo
trình và tư liệu tham khảo.
Sách chuyên về triết học Phật giáo Việt Nam cũng thiếu, một phần vì
trong toàn ngành triết học Việt Nam, do định hướng lập trường triết học
duy vật của chủ nghĩa Mác (ở các cơ sở đào tạo chuyên và không chuyên
triết ngoài Giáo đoàn Phật giáo) cho nên triết học Phật giáo (với tư
cách triết học tôn giáo) không được chú trọng như một chuyên
ngành độc lập. Thêm nữa, những nội dung triết học Phật giáo thường chưa
tách khỏi sử học và tôn giáo học để trở thành một chuyên ngành độc lập.
Tuy nhiên, đến nay đã có hai tác giả với hai cuốn sách được coi là
chuyên khảo về Lịch sử tư tưởng triết học Phật giáo Việt Nam. Thực sự đó là những nghiên cứu có tiếp cận triết học về tôn giáo:
- Nguyễn Hùng Hậu (2002), Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam. T1: Từ thời Nguyễn đến thế kỷ XV”, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Nguyễn Duy Hinh (2006), Triết học Phật giáo Việt Nam. Nxb. Văn hóa Thông tin, Viện Văn học, Hà Nội.
Nhìn chung là tính độc lập của một chuyên ngành triết học Phật giáo
chưa rõ. Tuy trong lĩnh vực Phật giáo nhiều nội dung triết học đã được
bàn luận và nghiên cứu ở Việt Nam, song vẫn chưa phát triển thành một
chuyên ngành triết học Phật giáo độc lập trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Phật giáo cũng như ngoài xã hội.
Bài viết này là một số phản tư bước đầu về vấn đề đào tạo triết học
Phật giáo trong giáo dục Phật giáo ở Việt Nam, mong rằng sẽ được các ý
kiến chia sẻ, góp ý thêm vì sự phát triển của giáo dục Phật giáo của
Việt Nam hôm nay và mai sau./.
Hà Nội ngày 12 tháng 11 năm 2011
PGS. TS. Hoàng Thị Thơ
Trưởng phòng Triết học phương Đông,
Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam (VASS)