Nhà
đại
văn hào Nga Lép Tôlxtôi nói rằng: “Những chân lí sâu
sắc nhất đồng thời cũng là giản dị nhất”. Nét đặc
sắc khiến các bài thuyết pháp của Đức Phật Thích Ca có
sức thuyết phục và hấp dẫn lớn, không phải chỉ là ở
tính lôgíc chặt chẽ của lập luận, mà còn ở những chân
lí sâu sắc mà giản dị, được trình bày dưới hình thức
gọn nhẹ, hình ảnh, và nhiều khi còn dí dỏm nữa.
Chúng
ta
có thể thấy dễ dàng nét đặc sắc đó trong bài “Thuyết
pháp cho người Kalamas” thường được gọi tắt là Kinh Kalamas
(Kalamas Sutta), mà chúng tôi giới thiệu những đoạn kinh chủ
yếu sau đây. Một số học giả phương Tây, khi dẫn chứng
Kinh này, nói rằng đó là những lời nói có một không hai
của một vị giáo chủ!
Chúng
ta có thể đọc Kinh này trong Tăng Chi Bộ Kinh, tập I (tr. 212,
bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu, Đại Tạng Kinh
Việt Nam). Nhưng đầu đề trong bản dịch của Hoà thượng
Thích Minh Châu “Các vị ở Kesaputta”, có khác với đầu
đề quen thuộc của các bản dịch Anh ngữ, thí dụ bản dịch
“Discourse to the Kalamas” (Bài thuyết pháp của những người
Kalamas) của Tỉ kheo Khanti Palo. Cũng có bản dịch mang đầu
đề gọn “Kalamas Sutta” tức là Kinh Kalamas.
Còn
bản dịch Việt văn của Hoà thượng Thích Minh Châu thì mang
đầu đề: “Các vị ở Kesaputta”. Kesaputta là thị trấn
nơi bộ tộc Kalamas cư trú, là nơi Đức Phật Thích Ca đến,
được người Kalamas hỏi về căn cứ của lòng tin đạo chân
chính (chánh tín), và Đức Phật đã thuyết pháp kinh này cho
họ nghe.
Những
người Kalamas chất vấn Đức Phật Thích Ca thuộc hạng người
nào?
Có
tài liệu nói họ thuộc dòng Sát Đế Li (Khastryas), tức dòng
vương tước, dòng nhà tướng, vốn không chịu khuất phục
trước âm mưu chiếm địa vị thống trị xã hội của dòng
họ Bàlamôn. Cũng có tài liệu nói họ là những người trí
thức, tức là những người có trí, có học.
Cả
hai khả năng trên đều rất quan trọng. Rõ ràng là Đức Phật
đã nói với họ như với những người trí thức. Vì từ
đầu đến cuối bộ Kinh toát lên sự tôn trọng lí trí, tôn
trọng tự do tư tưởng, tính lôgíc chặt chẽ của lập luận.
Thời
bấy giờ ở ấn Độ có rất nhiều tôn giáo, nhiều triết
phái, học thuyết. Và người theo tôn giáo, triết phái, học
thuyết nào, cũng đều cho rằng tôn giáo, triết phái, học
thuyết của mình là chân lí và bài bác, đả kích các tôn
giáo, triết phái và học thuyết khác là sai lầm. Những người
Kalamas ở thị trấn Kesaputta cũng được nghe nhiều giảng
sư tán dương tôn giáo này, học thuyết này và bài bác tôn
giáo kia, học thuyết kia, cho nên họ đâm ra hoang mang không
biết đâu là phải, trái, đúng, sai. Họ đem sự hoài nghi,
phân vân đó nói với Đức Phật, khi Ngài đến Kesaputta.
Đức
Phật trả lời như thế nào? Ngài không bắt đầu từ chủ
thuyết của mình, cũng không phê phán chủ thuyết của người
khác. Nghĩa là thái độ của Đức Phật khác hẳn với thái
độ của mọi giáo chủ và luận sư mà người Kalamas thường
gặp. Trước tiên, Đức Phật khen người Kalamas hoài nghi và
phân vân như vậy là đúng và Đức Phật giải thích rằng
lòng tin chân chính không nên và không thể dựa trên 10 căn
cứ sai lầm sau đây:
1.
Căn cứ Thần Khải (revelation), thí dụ, tín đồ đạo Bàlamôn
tin rằng, những điều ghi trong Kinh Veda là chân lí, vì rằng
đó là những lời Thần Khải, những lời của Thần nói ra.
2.
Căn cứ truyền thống, tin vào một điều được chấp nhận
từ xưa, và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ
khác, tức là tin vào truyền thống, nhưng truyền thống cũng
có thể sai và không thể là căn cứ đảm bảo của niềm
tin chân chính.
3.
Điều người ta kể lại, dù đó là tu sĩ, cha mẹ, bà con
thân thiết, cũng không phải là căn cứ đảm bảo của niềm
tin chân chính.
4.
Điều hợp với kinh sách, dù kinh sách đó là Thánh điển,
thí dụ, Kinh Phật đối với Phật tử, Kinh Veda đối với
tín đồ đạo Bàlamôn, Tân ước, Cựu ước đối với tín
đồ đạo Kitô, v.v… cũng không phải là căn cứ đảm bảo
của lòng chánh tín, bởi vì kinh sách chỉ là để hướng
dẫn, tham khảo, chứ không phải để thay cho nhận thức và
kiểm nghiệm cá nhân được.
5.
Lập luận đơn thuần, siêu hình miên man, thường chỉ là
lí luận suông, không phải là một cái nhìn vào chiều sâu
chân lí, không phải là sự nắm bắt đối với thực tại.
6.
Những dữ kiện được xem xét hời hợt, chỉ là những dữ
kiện chết, không nói lên được gì hết, mặc dù chúng do
thực tế cung cấp. Các dữ kiện phải được phân tích, tổng
hợp như thế nào đó mới nói lên sự thực.
7.
Dựa trên một quan điểm là một tiêu chuẩn không thể chấp
nhận được, ngay ở ấn Độ thời Đức Phật, khi mà, các
cuộc tranh luận và hội thảo tôn giáo và triết học cũng
thường xuyên và sôi động như là “các cuộc thi đấu bóng
đá hiện nay vậy”. Trong những tranh luận và hội thảo như
vậy, người nào cũng giữ riêng và bảo vệ quan điểm của
mình, tất nhiên, nhưng không thể lấy quan điểm đó làm tiêu
chuẩn để phân biệt phải trái, hơn thua.
8.
Dựa trên lí thuyết mình vốn chấp nhận, cũng như dựa trên
quan điểm của mình không thể là căn cứ đảm bảo của
chánh tín.
9-10.
Dựa vào quyền uy, hay là dựa vào sự tôn trọng đối với
thầy học của mình, đều không thể là những chứng cứ
đảm bảo của chánh tín. Vì trong các cuộc tranh luận và
hội thảo về tôn giáo hay triết học, mỗi người tham gia
đều có thầy của họ, đạo sư của họ, và quyền uy của
thầy chỉ là chỗ dựa của họ. Nhưng đó là chỗ dựa tin
cậy của riêng mình. Không phải là chỗ dựa tin cậy của
người khác, đang tranh luận với mình.
Sau
khi đã giới thiệu 10 căn cứ không đáng tin cậy của niềm
tin chân chính, Đức Phật Thích Ca khuyến cáo những người
Kalamas hãy nên tự biết mình, tự mình thấy, chứ không nên
dựa vào quyền uy nào khác. Những điều gì là ác, là thiện,
là trái, đều phải thông qua sự kiểm nghiệm của tự thân
mình mới thấy rõ: nếu thực hiện những điều gì mà đem
lại đau khổ, bất hạnh lâu dài cho mình và cho người khác
thì đó là điều bất thiện, sai trái cần phải gạt bỏ
đi; ngược lại, nếu thực hiện những điều gì đem lại
hạnh phúc và an lạc lâu dài cho mình và cho những người
khác, thì đó là những điều thiện, đúng đắn, cần phải
duy trì và phát huy.
Tiếp
đó Đức Phật trình bày các điều bất thiện đều bắt
nguồn từ tham, sân, si còn điều thiện là do lòng không tham,
không sân, không si dẫn tới.
Để
kết thúc bài thuyết pháp, Đức Phật khuyên tất cả các
bậc đệ tử cao cả đã dứt bỏ được tham, sân, si hãy
phát triển bốn đức tính vô lượng từ, bi, hỉ, xả gọi
là bốn vô lượng tâm mà vị đệ tử cao cả có thể mãi
mãi sống an lạc và hạnh phúc, ở ngay kiếp sống này cũng
như các kiếp sống về sau.
Những
bạn đọc nào muốn xem toàn văn bộ Kinh, có thể dùng bản
dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu ở Tăng Chi Bộ Kinh,
tập I, tr. 212, bạn đọc cũng có thể kham khảo thêm bộ Kinh
Bhaddiya trong Tăng Chi Bộ Kinh, tập II B in róneo, tr. 218, nội
dung chủ yếu cũng giống Kinh Kalamas nhưng khác ở phần đầu
và ở phần kết thúc.
Các
bạn biết tiếng Pali và Anh ngữ cũng có thể tìm thấy bộ
Kinh này trong “Anguttara Nikaya III, p. 65 (Bản dịch của “Pali
text society”) “Gradual sayings I” the book of the Three, p. 170,
một bản Anh ngữ khác là của The Buddhist publication Society
(Hội xuất bản Phật giáo) trong tập san “The Wheel”, số
8 với đầu đề “Kalamas Sutta, The Buddha’s Charter of free Inquiry”
(Kinh Kalamas, hiến chương tự do nghiên cứu tìm tòi của Đức
Phật).
Minh
Chi
http://www.thuvienhoasen.org