Nhiều, rất nhiều năm trước tại nước nhỏ ở miền bắc Ấn Ðộ, một biến cố xảy ra đã làm thay đổi toàn thế giới.
Vua Suddhodana (Tịnh Phạn), thân phụ của Đức Phật trị vì một vương quốc
nằm ở ven sườn dãy núi cao ngất trời - Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn) - nằm
phía Đông-Bắc Ấn Độ, thủ phủ là Kapilavastu, nay là Népal.
Thân mẫu của Đức Phật là Hoàng hậu Màyà (Ma Da). Một hôm, trong thành
Kapilavastu có lễ hội Tinh Tú, vua tôi cùng nhau cúng bái. Hoàng hậu
Màyà sau khi dâng hương hoa trong nội điện và ra khỏi ngọ môn bố thí
thức ăn, đồ mặc cho dân chúng, bà trở về cung an giấc, mộng thấy một
tượng vương trắng 6 ngà từ trên hư không xuống, lấy ngà khai hông bên
hữu mà chui vào. Các bốc sư đều cho rằng Hoàng hậu sẽ hạ sinh một quý tử
tài đức song toàn. Nghe điều này, Vua Suddhodana rất vui mừng, vì từ
nay ngôi báu đã có người truyền nối.
Đến thời khai hoa nở nhụy, theo tục lệ thời bấy giờ, Hoàng hậu phải trở
về quê cha là trưởng giả Anjana ở nước Koly (Câu Ly) để an dưỡng, chờ
ngày lâm bồn. Trên quãng đường đi, Hoàng hậu Màyà vào vườn Lumbini
thưởng ngoạn mùa hoa đang đua nở. Bên tàng cây asoka (vô ưu) che rợp
mát, sắc màu tươi sáng, hương thoảng nhẹ bay, Hoàng hậu đã hạ sinh Thái
tử. Hoàng hậu Màyà qua đời sau 7 ngày hạ sinh Thái tử
Sự nuôi dưỡng đều được chăm sóc trực tiếp bởi dì Maha Pajàpati (Ma Ha Ba
Xà Ba Đề), em ruột của Hoàng hậu Màyà. Đạo sĩ già tên Asita (A Tư Đà,
ẩn tu trên Himalaya - người được kính nể nhất vì đạo hạnh dự báo rằng
Thái tử nhất định tương lai sẽ tu chứng Phật quả, và với lòng từ thương
xót chúng sanh mà truyền bá chính pháp trên thế gian này. Và ông khóc là
vì tuổi đã quá cao, không còn sống được bao lâu nữa để trực tiếp được
giáo hóa bởi Đức Thế Tôn tương lai này.
Vua đặt tên con là Siddhattha (Sĩ Đạt Đa-Tất Đạt Đa), họ là Gotama (Cồ
Đàm), với hàm ý là kẻ phải giữ chức vụ mà mình phải giữ; còn có nghĩa là
người được toại nguyện, mọi việc đều thành tựu. Ý nhà vua là muốn gởi
gắm tất cả vương quyền của mình vào đứa con yêu quý này. Thái tử
Siddhattha được nuôi nấng và dạy dỗ một cách toàn diện cả hai lãnh vực
văn chương và võ thuật. Càng lớn lên, Thái tử càng lộ vẻ trầm tư về cuộc
sống
Một ngày mùa xuân, Thái tử ra khỏi lâu đài cùng với vua cha. Hai người
xem cảnh một người nông dân cày ruộng thì thấy một con chim xà xuống
quắp một con giun bị người nông dây cày đất lộ ra
Ngài ngồi xuống dưới bóng cây và nghĩ về điều đó, tự nhủ: “Có phải tất cả sinh vật đều giết hại lẫn nhau"
Thái tử, người sớm mất mẹ, đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bi kịch của những sinh vật bé nhỏ này
Càng yêu thương quý trọng con, Vua Suddhodana lại càng lo sợ Thái tử sẽ
không nối nghiệp ngai vàng, mà sẽ xuất gia tìm đạo như lời tiên đoán của
đạo sĩ Asita. Bởi thế, vua cùng triều thần sắp đặt nhiều kế hoạch để
giữ Thái tử ở lại với ngai vàng. Vua Suddhodana đã cho xây 3 cung điện
nguy nga, tráng lệ cho Thái tử thay đổi nơi ở hợp với thời tiết quanh
năm của Ấn Độ. Hàng trăm cung phi mỹ nữ giỏi đàn ca hát múa được tuyển
chọn để túc trực hầu hạ Thái tử
Muốn ngăn chặn tất cả những hình ảnh của cuộc sống trầm thống khổ đau mà
kiếp người phải đeo mang không lọt vào mắt, vào tai Thái tử, để đứa con
yêu không có thời gian mà nghĩ đến ngày xích lại với quyết định xuất
gia; khi Thái tử vừa tròn 16 (19?) tuổi, Vua Suddhodana vội tiến hành lễ
thành hôn cho Thái tử với Công chúa một nước láng giềng - Yosodhara (Da
Du Đà Là) - con Vua Suppabuddha (Thiện Giác), một trang quốc sắc thiên
hương, với hy vọng hương ấm tình yêu thương đôi lứa sẽ buộc chặt đôi
chân của Thái tử ở lại với ngai vàng.
Và trong gần 13 (10?) năm, sau ngày cưới, Thái tử sống một cuộc đời hạnh
phúc trong nhung lụa, vô tư, không biết gì tới mọi nỗi khổ và bất hạnh ở
đời.
“Sự xa hoa của cung điện, thân mạng, thú vui tuổi trẻ này! Tất cả có ý nghĩa gì đối với ta?” Thái tử nghĩ
“Một ngày nào đó chúng ta bị ốm, trở nên già, chết. Chẳng có lối thoát nào cả”.
Lần lượt ra bốn cửa thành của hoàng cung, Ngài chứng kiến những sự thật
đen tối và đáng sợ! Một cụ già chân mỏi, gối dùn; một người bệnh hoạn
quằn quại; một thây ma hôi thối và một đạo sĩ ly dục nghiêm trang, tất
cả đã làm cho tâm tư Thái tử dao động đến cực độ.
Ngài càng nhận chân rằng tất cả những lạc thú, hạnh phúc mà mình đang
thọ hưởng đều mang tính giả tạm vô thường. Cộng với lần tiếp chuyện cùng
vị đạo sĩ ung dung, mà thoáng hiện đằng sau con người này một con đường
giải thoát, Thái tử Siddhattha quyết định thoát khỏi ngục vàng, tìm ra
một lối thoát, một cuộc sống chân thật có ý nghĩa và cao đẹp hơn; một
con đường dẫn tới giác ngộ, vĩnh viễn khắc phục mọi nỗi khổ đau và bất
hạnh của đời người và hướng đến an lạc.
Giữa lúc ấy, một tin đưa đến khiến Ngài không vui: Công chúa Yosodhara
vừa hạ sinh một hoàng nam. Thái tử đã thốt lên rằng: "Một trở ngại
(ràhu) đã được sinh, một ràng buộc đã xảy ra". Nhân câu nói này mà Quốc
vương Suddhodana đã đặt tên cháu là Ràhula (La Hầu La). Và rồi, với cõi
lòng nặng trĩu vì thương chúng sinh chìm đắm trong bể khổ; một đêm, sau
khi đến trước phòng nhìn lần chót người vợ và hài nhi yêu dấu đang say
nồng trong giấc ngủ...
Ngài cùng nô bộc Channa (Xa Nặc) dắt con tuấn mã Kantaka (Kiền Trắc) vượt thành ra đi.
Khi tới bên kia bờ sông Anoma, Thái tử dưâng lại, cạo bỏ râu tóc, trao y
phục và đồ trang sức cho Channa; và bảo người nô bộc trung thành ra về
tạ lỗi cùng phụ hoàng. Còn lại một mình, Thái tử ra đi với bộ áo màu
vàng giản dị của người tu sĩ, sống cuộc sống không nhà của người xuất
gia, ly dục ly trần, không nơi cố định.
Thái tử trên đường đi tầm đạo, đã tới thụ giáo với hai đạo sư danh tiếng
nhất thời bấy giờ là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Cả hai người đều
tu theo phép Du già và đều chứng được những cấp thiền định cao nhất
thời bấy giờ. Alara Kalama chứng được cấp thiền Vô sở hữu xứ, còn Uddaka
Ramaputta thì chứng được cấp thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đó là
hai cấp thiền thuộc Vô sắc giới, hai cấp thiền cao nhất mà tu sĩ Du già
thời bấy giờ chứng đạt được. Nhưng chỉ một thời gian ngắn tu học, Thái
tử cũng dễ dàng đạt được hai cấp thiền nói trên, và được hai đạo sư mời ở
lại, cùng với họ lãnh đạo chúng đệ tử. Thái tử biết rõ, các cấp thiền
mà Ngài chứng được chưa phải là chân lý tối hậu, Niết bàn, sự chấm dứt
sinh tử và mọi khổ đau. Cho nên, Ngài từ chối lịch sự, rồi lại lên đường
tiếp tục cuộc hành trình cầu đạo của mình.
Thái tử đến một nơi gọi là Uruvela, thị trấn của Senàni. Ngài tìm được
một khoảnh đất đẹp và mát, có con sông nhỏ chạy qua giữa bờ cát trắng.
Gần đây, lại có làng nhỏ, có thể đi khất thực hàng ngày. Đúng là một nơi
yên tĩnh, đẹp đẽ, rất thích hợp với trầm tư mặc tưởng và tu tập thiền
định.
Cùng đến nơi đây tu tập với Thái tử còn có các tu sĩ Kondana (Kiều Trần
Như), Bhadhya, Vappa, Mahanama và Asaji. Kondanna vốn là vị đạo sĩ trẻ
tuổi nhất, trong số các đạo sĩ được vua Suddhodana mời tới kinh đô để
xem tướng Thái tử, lúc Ngài mới đản sinh. Thời bấy giờ, ở Ấn Độ có tập
tục và niềm tin rằng, người nào cầu đạo giải thoát, đều phải kiên trì tu
khổ hạnh, ép xác. Cũng theo truyền thống đó, Thái tử cùng với 5 người
bạn đồng tu trong 6 năm ròng rã, kiên trì khổ hạnh ép xác tới mức con
người Thái tử gầy khô như bộ xương, đôi mắt sâu hoẵm xuống, sức khỏe
giảm sút đến nỗi Ngài không còn đi vững được nữa.
Ngài nghiệm thấy, càng kiên trì khổ hạnh, chân lý tối hậu như càng lùi
ra xa, tâm trí càng mê mờ, thân thể càng suy yếu. Ngài thấy rõ, khổ
hạnh, ép xác không phải là con đường thoát khổ và cứu khổ. Thái tử quyết
định ăn uống bình thường trở lại. Năm người bạn đồng tu, vốn đặt niềm
tin và hy vọng tuyệt đối vào Thái tử, tưởng rằng Thái tử đã thoái chí,
bèn rời bỏ Thái tử, đến vườn Nai ở Isipatana gần thành phố Banares để
tiếp tục tu hành. Họ nói rằng, Thái tử đã trở về với cuộc sống tiện nghi
và dục lạc vật chất. Ở lại một mình, Thái tử quyết tâm tự mình phấn đấu
để chứng ngộ chân lý tối hậu. Ngài lấy lại sức, nhờ uống bát sữa, do
một thôn nữ tên là Sujata cúng dường.
Sau đó, Ngài tắm ở sông Neranjara (Ni Liên Thuyền). Tối đến, Ngài đến
ngồi dưới gốc cây Pippala, sau này được đổi tên là cây Bồ đề. Đức Phật
tự nhủ "Cho dù thịt nát xương tan, ta sẽ không dời bỏ nơi này cho đến
khi nào tìm được con đường giác ngộ"
với tâm định tĩnh, chính niệm, tỉnh giác, ly dục, đi vào sơ thiền (thời
niên thiếu, trong buổi lễ Hạ điền, Ngài cũng đã một lần vào thiền này),
nhị thiền, tam thiền và lần lượt nhập lên tứ thiền, sau đó hướng tâm đến
tam minh.
Với trực giác, Ngài thấy rõ nguyên nhân của khổ đau. Chính sự tập khởi
của 12 nhân duyên là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn. Ở canh một, Ngài
chứng Túc mệnh minh, thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của mình. Sang canh
hai, Ngài chứng Thiên nhãn minh, thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của chúng
sanh với các nghiệp nhân và nghiệp quả, thấy rõ con đường thọ nghiệp
của chúng sanh. Qua canh ba, Ngài như thật quán chiếu thấy khổ đau,
nguyên nhân của khổ đau, sự đoạn tận của khổ đau, và con đường đưa đến
đoạn tận khổ đau, và đã chứng Lậu tận minh. Sau cùng, Ngài chứng đắc quả
vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là vị Phật đầu tiên trong hiện
kiếp, lúc ấy sao Mai vừa mọc; và danh hiệu Đức Phật Gotama, Đức Phật
Thích Ca Mâu Ni được thế gian tôn xưng từ đấy.
Thế gian tôn xưng Ngài là Đức Phật Gotama hay là Đức Phật Thích Ca Cồ
Đàm. Từ Pali, "Buddha" (Phật Đà) có chữ gốc "Buddh" là hiểu biết, giác
ngộ chân lý tối hậu, cứu kinh. Sách Pali gọi Ngài là Sammà Sambuddha,
với nghĩa là bậc Toàn giác, không gì không biết, không thấy; bậc Thánh,
không những giác ngộ đầy đủ cho bản thân mình, mà còn giác ngộ đầy đủ
cho tất cả mọi người khác, cho tất cả mọi chúng sinh, những người khác
gọi ngài là Đức Thế tôn
Sau khi đã quyết định truyền bá đạo lý cứu khổ cho thế gian, vì lòng
thương xót loài người và loài trời, Đức Phật nghĩ ngay tới 2 vị thầy cũ
của mình là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta, nhưng cả 2 ông này đều đã
qua đời cách đây không lâu. Với Phật nhãn, Đức Phật thấy năm người bạn
đồng tu xưa kia của mình đang ở tại vườn Nai gần Benarès và quyết định
họ sẽ là những người đầu tiên được nghe giáo pháp của Ngài. Rồi Đức Phật
lên đường đi Benarès. Tại đây, ở vườn Nai gần Benarès, Đức Phật thuyết
pháp lần đầu tiên cho 5 người bạn đồng tu ngày trước của mình. Sự kiện
đáng ghi nhớ này diễn ra vào một ngày trăng rằm, đúng hai tháng sau Đức
Phật thành đạo.
Trong bài kinh này, Đức Phật mở đầu bằng lời khuyên các tu sĩ không nên
mắc vào hai cực đoan: một cực đoan là đam mê thú vui nhục dục thế gian,
thực ra chỉ là những cái tầm thường, nhất thời, ngăn cản mọi tiến bộ tâm
lính. Một cực đoan thứ hai là khổ hạnh, ép xác vì nó làm mệt mỏi tinh
thần, mê mờ trí tuệ, do đó cũng có hại, vô ích. Đức Phật khuyến cáo nên
rời bỏ hai cực đoan trên, và theo con đường Trung Đạo dẫn tới cuộc sống
thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt và giải thoát tối hậu. Đó là con đường đạo
tám nhánh nổi tiếng, sách Hán thường dịch là Bát Chính Đạo.
Đức Phật và các đệ tử của Ngài được vua cha Suddhodana, quần thần và dân
chúng đón tiếp rất long trọng. Được nghe Đức Phật thuyết pháp, vua
chứng ngay Sơ quả (Tư đà hoàn). Khi nghe bài thuyết pháp thứ hai, nhà
vua chứng quả Thánh thứ hai, Sakkadagami (Tư đà hàm), còn bà dì Pajapati
Gotami thì chứng Sơ quả (Sotapana - Tu đà hoàn). Lần thứ ba, Đức Phật
giảng kinh Dhammapala Jàtaka cho vua cha, và vua cha chứng quả Thánh thứ
ba (Anagami - A na hàm).
Mahaprajapati, mẹ kế của Đức Phật, và công chúa Yashodhara, vợ cũ của
ngài và các thành viên khác trong dòng họ Thích Ca đã theo bước chân của
ngài
Trong 45 năm, Đức Phật đi nhiều nơi để thuyết pháp
Khi ngài 80 tuổi, tại Vaisali và trên đường từ Rajagriha đến Shravasti,
ngài bị ốm và biết dược rằng mình sẽ nhập Niết Bài 3 tháng sau đó.
Ngài vẫn tiếp tục hành trình cho đến khi tới Pava, nơi ngài bị ốm nặng
Đức Phật nói với Đại đức Ananda đi báo cho dân chúng Mallas biết là Như
Lai sắp nhập Niết bàn vào canh cuối đêm nay tại rừng cây Sala.
Được tin đông đảo dân chúng Mallas, đàn ông, đàn bà, người già, thanh
niên, trẻ con tấp nập kéo đến rừng cây Sala bày tỏ lòng tôn kính, thương
tiếc và vĩnh biệt Đức Phật lần cuối cùng. Và rồi Đức Phật nhập Niết Bàn
sau khi hoàn thành công việc của một vị thầy vĩ đại nhất
Theo PTVN