Pháp môn thực địa viên thông,
Quán Âm Bồ tát trải lòng bao la.
Phát tâm rộng khắp Ta bà,
Một lần khai ngộ chan hòa niềm vui.
Trong tín ngưỡng Phật giáo, có thể nói Quán Thế Âm là một vị Bồ tát đã lưu lại cho Phật tử chúng ta những câu chuyện cổ tích tốt đẹp, những xúc cảm tôn giáo làm lay động lòng người và nhiều bài học trí tuệ trong cuộc sống nhất.
Bồ tát Quán Âm là biểu trưng cho cái đẹp viên mãn, sống động; Ngài đem đến cho mọi người những lời chúc phước lành tốt đẹp nhất, sự che chở an ổn nhất; Ngài hiện đang có mặt trong thế giới tâm linh của mỗi chúng ta, giúp cho chúng ta đạt được sự khai ngộ thâm sâu hơn nữa.
Nơi nào có khẩn cầu thì nơi đó có cảm ứng
Kinh Hoa Nghiêm ghi lại rằng, đồng tử Thiện Tài nhận được lời chỉ dạy của Bồ tát Văn Thù nên đi về hướng Nam để tham học; trong hành trình gồm 53 lần tham học thì lần thứ 27 đồng tử Thiện Tài gặp một vị thiện tri thức; vị đó là Bồ tát Quán Thế Âm, ngoài ra còn có danh hiệu là Bồ tát Quán Tự Tại hay Quán Âm Như Lai. Quán Âm Như Lai hiện thân thành một vị Bồ tát ở Bổ Đà Lạc Ca Sơn, sau này người Trung Hoa đã đặt tên cho một ngọn núi trong quần đảo Chu Sơn là Bổ Đà Lạc Ca Sơn, rồi nói gọn lại là Phổ Đà Sơn.
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm thứ 25 (phẩm Phổ Môn Bồ tát Quán Thế Âm) có miêu tả nguyện lực thù thắng của Bồ tát Quán Âm. Trong thời đại Nam Bắc triều, phẩm kinh này được trích riêng ra và đặt tên là “Kinh Quán Âm”, kể về lòng đại từ đại bi tế độ chúng sinh trong biển khổ của Bồ tát Quán Âm. Con người ở đời lúc gặp bất cứ chướng ngại gì nếu như xưng niệm Bồ tát Quán Thế Âm thì được cảm ứng; lúc rơi vào cảnh khổ, nếu như xưng niệm Bồ tát Quán Thế Âm thì được an ủi; lúc bị thiên tai ách nạn, nếu như xưng niệm Bồ tát Quán Thế Âm thì được cứu giúp. Một người Phật tử lúc đi ngoài đường ban đêm, lúc đi ngang sông nước hay lúc đang ngồi trên phi cơ mà trong lòng sợ hãi, chỉ cần xưng niệm Bồ tát Quán Thế Âm thì tất được an ổn và gia hộ.
Trong kinh cũng có nói rằng một người tu hành nếu muốn được Đức Phật hiện thân hóa độ thì Quán Thế Âm Bồ tát liền hóa hiện ra thân Phật để thuyết pháp; nếu muốn được quốc vương hay tể quan hóa độ thì Ngài liền hiện thân thành quốc vương hay tể quan để hướng dẫn người ấy tu học; nếu muốn được cư sĩ, trưởng giả, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni hóa độ thì Ngài hiện thân cư sĩ, trưởng giả, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni đến hóa độ.
Cõi nhân gian đã có bao nhiêu Bồ tát Quán Âm?
Cuộc sống thật là kỳ diệu. Những lúc khốn khổ, nếu như có ai đó bên cạnh khích lệ bạn thì người đó chính là Bồ tát Quán Thế Âm; khi lớn khôn, có ai đó mách cho bạn một sáng kiến thì người đó chính là Bồ tát Quán Thế Âm. Nhưng khi bạn đưa tay cứu giúp người khốn khổ thì Bồ tát Quán Thế Âm là chính bạn và cũng là người ấy, vì Ngài hiện thân khốn khổ để độ bạn. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa sở dĩ được xem như một cành hoa hoàn mỹ vi diệu đều do đây mà thành tựu. Chung quanh chúng ta đây mỗi một người đều là Bồ tát Quán Thế Âm, mỗi một người thực sự đều là pháp môn Quán Âm, ở ngay trong cuộc sống mà hóa độ chúng hữu tình, cứu giúp những người khốn khổ.
Kinh Lăng Nghiêm gọi đủ là Kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm. Kinh cũng có một phẩm đề cập đến Bồ tát Quán Thế Âm.
Trong giảng đường, chư Phật nói những pháp viên thông, Bồ tát Quán Thế Âm cũng nói về phương pháp tu hành thực địa của mình. Phương pháp tu hành này vô cùng tinh tế và hoàn mỹ, sau khi Bồ tát Quán Thế Âm tu hành những pháp siêu việt thế gian thì phát sinh ra được hai năng lực; trên cầu học đạo lý; dưới giáo hóa chúng sinh. Trên cầu học đạo lý có nghĩa là trên có được tâm giác ngộ mầu nhiệm của chư Phật mười phương; cùng có tâm thù thắng, tâm giác tỉnh như chư Phật trong mười phương; cùng có sức hộ trì, có tâm từ ái như chư Phật trong mười phương hóa độ chúng hữu tình. Dưới giáo hóa chúng sinh tức là cùng với mọi sinh linh trong sáu đường có cùng tâm trạng; sinh linh khổ là mình khổ, sinh linh đói là mình đói… Do điều này mà Bồ tát Quán Thế Âm hiển lộ được sự hoàn mỹ hóa hiện khắp nơi trong cõi nhân gian, dùng 32 ứng hóa thân mà hóa độ chúng hữu tình.
Kinh Vô Lượng Thọ trong Tịnh độ tam kinh cũng có đề cập đến Bồ tát Quán Thế Âm. Trong kinh này, Bồ tát Quán Thế Âm là vị Tôn giả đứng hầu bên hông Giáo chủ thế giới Cực Lạc, Đức Phật A Di Đà. Khi có người vãng sinh về thế giới Cực Lạc thì có lúc một mình Bồ tát Quán Thế Âm hiện ra trước mặt dẫn đường, có lúc thì một mình Bồ tát Đại Thế Chí hiện đến dẫn đường, cũng có khi cả ba vị tam thánh ở Tây phương cùng đến để dẫn đường; điều này do công phu niệm Phật hàng ngày của hành giả mà được quyết định.
Ngoài ra, các bộ kinh khác như kinh Thiên thủ Thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ tát quảng đại viên mãn vô ngại Đại bi Đà la ni cũng có nói về Bồ tát Quán Âm Thiên thủ Thiên nhãn; kinh Phật Thuyết thập nhất diện Quán Âm thần chú và rất nhiều kinh điển khác cũng có liên hệ đến hạnh nguyện của Đức Quán Thế Âm Bồ tát.
Như thế thì cõi nhân gian đã có bao nhiêu vị Quán Âm thị hiện? Có thể nói rằng Bồ tát Quán Âm không nơi nào là không thị hiện, Ngài có trăm ngàn vạn ức hóa thân, chỉ cần nghe đến nạn khổ của nhân gian thì Ngài xuất hiện, chỉ cần có người cần đến thì Ngài liền thị hiện trước mặt người ấy, chỉ cần có người cảm ứng với Ngài thì Ngài liền cảm ứng với người ấy, trong kinh điển đã ghi lại rất nhiều câu chuyện như vậy.
Nơi nào mà nghe được tiếng gọi của con người thì nơi đó đều có Quán Âm hóa hiện, đó chính là cái hoàn mỹ của Quán Âm. Ở Trung Hoa, xuất hiện rất nhiều Bồ tát Quán Âm, trước hết chúng ta hãy tìm hiểu Thánh Quán Âm. Thánh Quán Âm là vị Quán Âm ở núi Bổ Đà Lạc Ca do kinh Hoa Nghiêm thuật lại. Vào năm ấy, đồng tử Thiện Tài đến núi Bổ Đà Lạc Ca để tham học, phát hiện ra rằng cây cỏ vườn rừng nơi đây rất đẹp, suối chảy róc rách, Thánh Quán Âm đang ngồi kiết già trên một tảng đá, Bồ tát trong mười phương đều tề tựu về nghe giảng pháp môn Quan Âm. Thiện Tài từ xa làm lễ, Thánh Quán Âm tán thán Thiện Tài về việc phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, rồi truyền dạy cho pháp môn Đại bi Đà la ni. Trong Mật tông thì Thánh Quán Âm có nhiều biến hóa thân như Quán Âm Thiên thủ thiên nhãn, Quán Âm Mã Đầu, Quán Âm Thập Nhị Diện, Quán Âm Chuẩn Đề và Quán Âm Như Ý Luân.
Quán Âm Thiên thủ Thiên nhãn được mô tả có 42 tay, biểu trưng cho ngàn tay ngàn mắt. Quán Âm Thiên thủ thiên nhãn trên những bức bích họa ở Đôn Hoàng trên tay hoặc là cầm giữ thánh điển, hoặc là cầm thanh kiếm, những lòng bàn tay còn lại đều có mắt, biểu trưng cho khả năng thấy tinh tường. Con người làm việc cũng cần phải có ngàn tay, ngàn mắt; lúc cầm nắm, lúc ăn uống, lúc tiếp đãi bạn bè, lúc lái xe, đều phải có bàn tay lao nhọc. Cũng như vậy, những lúc lái xe, dạy bảo con cháu, tiếp đãi bạn bè, cân lường đong đếm đều phải có con mắt. Đó chính là Quán Âm nghìn mắt nghìn tay. Chớ nên nghĩ rằng học được pháp môn Quán Âm rồi, có được ngàn tay ngàn mắt thì đâu có đẹp gì. Nên nhớ, đó là nương vào việc vẽ ảnh tượng để biểu trưng cho ý nghĩa của pháp tu mà thôi.
Sự hiểu biết trong sáng là căn bản của phước báu (…) Quán Âm Thập Nhất Diện có mười một gương mặt, ba gương mặt ở phía trước là tướng Bồ tát, gương mặt bên trái hiện tướng phẫn nộ, gương mặt bên phải hiện tướng Bồ tát, phía sau là gương mặt đại hoan hỷ. Đó là biểu trưng cho mười phương, có ý nói rằng con người đều có lúc tức giận và bất bình; lúc vui vẻ và tốt bụng; trong khi đó, Bồ tát Quán Âm, tuy ở trong mười phương, tuy hiện thân trong cảnh giới Ta bà, nội tâm lúc nào cũng thanh tịnh, từ bi, cùng với con người sống chung hòa hợp.
“Chuẩn Đề” có nghĩa là ý muốn thanh tịnh, Quán Âm Chuẩn Đề, Phật Mẫu Chuẩn Đề còn chỉ cho pháp môn thanh tịnh. Chuẩn Đề cũng có nhiều hình dạng: Chuẩn Đề hai tay, Chuẩn Đề bốn tay, Chuẩn Đề mười sáu tay, Chuẩn Đề hai mươi bốn tay…. Quán Âm Như Ý Luân tức là vị Quán Âm sáu tay, có cầm bánh xe như ý; tùy theo những hạng người khác nhau mà tuyên thuyết những giáo lý khác nhau. Thật sự đó là vị Quán Âm biết tùy thuận căn cơ mà giáo hóa chúng sinh.
Những vị Quán Âm đã trình bày trên đây đều khế hợp với cơ duyên mà có mặt trên đời này; những vị Bồ tát mà bạn thấy được đều xuất hiện trong từng niệm cần cầu của bạn; Bồ tát Quán Âm theo cách như vậy mà đi vào thế giới tâm linh của chúng ta, làm hứng khởi và gia hộ cho chúng ta.
Có một vị Quán Âm Bất Không Quyến Sách tay thường cầm một dải lụa bền chắc đi cứu người trong biển khổ; mỗi khi khởi tâm muốn cứu người nào thì đều cứu được, vì vậy mà gọi là “bất không”. Đức tin được xem là mẹ của mọi công đức, khi học Phật chúng ta cần có đức tin bởi phước đức và phước báu do xưng niệm Bồ tát Quán Thế Âm thì rất sâu dày. Ngang qua Bồ tát Quán Thế Âm, chúng ta có thể khởi phát được trí tuệ và thấy được phương pháp tu học theo Phật, vì vậy nên đã xuất hiện vị “Quán Âm Bất Không Quyên Sách”. Hình tượng của vị Quán Âm này với nét mặt rất ưu nhã; bất kỳ là tượng chạm khắc hay tượng họa đều khiến cho người chiêm ngưỡng sinh tâm hoan hỷ và tự cảm thấy được cứu độ.
Quán Âm Chuẩn Đề kỳ thực là Phật Mẫu Chuẩn Đề. Chuẩn Đề tức là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh tức là tâm của Phật Mẫu; ngay lúc nội tâm của chúng ta thanh tịnh thì Bồ tát Quán Thế Âm đi vào thế giới nội tâm của chúng ta, chư Phật trong mười phương đồng đi vào tâm hồn thanh tịnh của chúng ta, cùng với chúng ta phát sinh cảm ứng; vì vậy Phật Mẫu Chuẩn Đề còn có danh hiệu là Phật Mẫu Chuẩn Đề Thất Câu Chi. Tại sao xưng gọi là Thất Câu Chi? Chi ở đây có nghĩa là một con số rất lớn, biểu trưng cho sự thanh tịnh vô tận; vị Phật Mẫu thanh tịnh vô tận là biểu hiện của sự hoàn mỹ vô tận, pháp môn vô tận. Thanh tịnh tức là buông xả, tức là luôn luôn sống động, luôn luôn hoan hỷ. Nếu trong tâm đã thanh tịnh thì cách suy nghĩ, cách đối xử với người đều không có thành kiến; vì vậy mà tâm thanh tịnh tức là cội nguồn của tất cả trí tuệ, tất cả phước báu.
Trong những vị Quán Âm xuất hiện ở Trung Quốc có một vị Quán Âm Ngọc Trắng, phong cách phiêu diêu, dáng vẻ thân thiện. Vị Quán Âm này tay trái dùng ngón cái và ngón vô danh cầm chuỗi ngọc, tay mặt dùng ngón cái và ngón vô danh lần đếm. Tư thế đó gọi là thủ ấn châu, có công năng thông suốt tất cả kinh chú. Ngoài ra còn có Quán Âm Thủy Nguyệt hiện thân nơi vườn rừng, hay suối nước… hòa nhập vào trong cảnh trí thiên nhiên. Thường thì phía sau đầu có một vầng trăng; Ngài đứng trên nước hay ngồi trên tảng đá, một chân thả lỏng xuống hay xếp bằng đều là những vị Quan Âm Thủy Nguyệt. Tô Đông Pha có bài thơ: “Khê thanh tận thị quảng trường thiệt. Sơn sắc vô phi thanh tịnh thân. Dạ lai bát vạn tứ thiên kệ. Tha nhật như hà cử tợ nhân”.
Suối reo tướng lưỡi rộng dài,
Núi cao thanh tịnh hiển bày Pháp thân;
Đêm về sao hiện kệ thần,
Ngày muôn vạn nẻo hóa thân mẹ hiền.
Bồ tát Quán Thế Âm còn có một biểu trưng nữa, người Trung Hoa xưng gọi là “Quán Âm Dương Chi”. Quán Âm Dương Chi tay cầm cành dương, tay cầm bình nước tịnh, ý nói là đang rải nước để làm sạch chướng ngại của 3 ngàn phiền não, tẩy trừ tam độc (tham sân si). Lại có một vị Quán Âm, tay cầm hoa sen, tay cầm bình nước tịnh, xưng gọi là “Quán Âm Bạch Y”; hoa sen biểu trưng cho sinh mệnh, bình nước tịnh biểu trưng việc tẩy rửa mọi chướng ngại cho chúng sinh.
Trên quần đảo Chu Sơn có một pho tượng “Bất Khẳng Khứ Quán Âm”. Vào thời kỳ Ngũ đại, một vị Tăng Nhật Bản tên là Tuệ Ngạc đến núi Ngũ Đài thỉnh tượng. Đang trên đường đưa tượng sang Nhật Bản thì gặp cuồng phong mà phải để lại quần đảo Chu Sơn; rồi tại đây xây dựng Viện Bất Khẳng Khứ Quán Âm trong khu rừng trúc tím. Núi Phổ Đà từ ngày ấy trở thành thánh địa của Bồ tát Quán Âm.
Sự cảm ứng của Bồ tát Quán Thế Âm không lệ thuộc thời gian và không gian nên mới có được ngàn tay ngàn mắt, ngàn vạn ức hóa thân. Cha mẹ, con cái, anh em, bạn bè… đều từ nơi hóa hiện của Bồ tát Quán Thế Âm mà có duyên gặp nhau, như thế thì mỗi người đều hoàn mỹ, và dù căn tánh khác nhau đều đáng được thương kính. Pháp tu Quán Âm thật là sinh động, biến hóa vô cùng. Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm có một đoạn đã nói rất rõ ràng về chỗ cứu cánh của pháp tu Quán Âm, đó là “Tùng văn tư tu, nhập lưu vong sở”(1) (Nương theo văn tư tu mà đi vào cuộc đời với tâm rỗng suốt). Văn tức là lắng nghe một cách rõ ràng, nghe rồi suy tư cẩn thận thì mới có thể thông suốt, trao đổi chuyện trò với người khác; tốt xấu, nên hư đều không làm cho tâm dao động. Con người sống trên đời nếu không bị sắc tướng và âm thanh ràng buộc kéo lôi thì có thể lắng nghe một cách đúng đắn; những điều nghe được thì trong sạch, lại còn có chỗ vượt qua, thì đó mới là từ bi chân thật.
Ý nghĩa của pháp môn Bồ tát Quán Thế Âm mang nhiều tính thẩm mỹ. Sự thị hiện của Quán Âm là cái đẹp của lòng từ bi, cái đẹp của sự bao dung. Bồ tát Quán Âm còn có cái đẹp của sự biến hóa, những biến hóa bất chợt trong cuộc sống đều đáng được trân quý, đặc biệt là cái đẹp của sự biến đổi quan niệm. Ở một bình diện sâu hơn, những xúc cảm thẩm mỹ vô tận lại thuộc về những xúc cảm tâm linh.
Qua hình tượng Bồ tát Quán Âm, chúng ta cũng cần nhìn lại cái đẹp “tự tại” nơi bản thân bởi mỗi chúng ta đều có sẵn trong mình cái đẹp hoàn thiện ấy. Bồ tát Quan Âm lúc tu hạnh Bát nhã Ba la mật, xem thấy năm uẩn là không, có nghĩa là Ngài đã thể nhập cái đẹp của đức tính tự tại. Cho nên khi chúng ta cứu người cùng khổ, giúp đỡ người khác là chúng ta có cái đẹp của đức tính Quán Âm.
Bồ tát Quán Âm và chúng ta cùng chia sẻ cái đẹp của lòng từ và năng lực biến hóa, của đức tính tự tại và tâm cứu khổ; khiến cho mọi người trên con đường tu tập, cầu phước được phước, cầu tuệ được tuệ. Mong rằng mọi người đều cố gắng tu tập pháp môn Quán Âm, đem cái đẹp của đức tính Quán Âm làm đẹp cho cuộc đời, gia đình, xã hội và đất nước. Được như vậy thì đó là lời chúc phước tốt đẹp nhất cho đất nước cũng như cho chính bản thân mình.
Trịnh Thạch Nghiên TIỂU VIÊN dịch
(1) Trong kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm, quyển thứ 6 thì “… Nhập lưu vong sở” có nghĩa là nương vào văn tư tu, chứng nhập thiền định rồi siêu việt cả động lẫn tịnh, cả năng lẫn sở đối đãi. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm nghĩa sớ chú, quyển thứ 9, thì câu “Nhập lưu vong sở…” tương đương với ý nghĩa của câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang.
theo chuyenphapluan.com
daibi.vn