Là
đệ tử rất được Phật tổ yêu mến và là người đứng đầu Tăng già trong giáo
hội, Đại Ca Diếp là người đã đứng ra tổ chức lần kết tập kinh điển
Phật giáo đầu tiên và quan trọng nhất của Phật giáo. Chính vì thế,
người ta vẫn nhắc tới Đại Ca Diếp như một người có công lao đặc biệt
trong sự phát triển của Phật giáo sau khi Thích ca Mâu ni nhập diệt.
Thế nhưng, trước khi trở thành một đệ tử xuất sắc của Phật tổ, cuộc đời
tu hành của Đại Ca Diếp đã là một câu chuyện đặc biệt và thú vị…
Pho tượng bằng vàng
Đại Ca Diếp (Maha -
Kassapa) sinh ra cùng thời với Thích ca Mâu ni, người sáng lập nên Phật
giáo tại Ấn Độ. Người ta kể rằng, mẹ ông sinh ra ông khi đang đi dạo
trong vườn nhà. Lúc ngang qua gốc cây Pippali, thấy người bần thần mệt
mỏi, bà mới ngồi xuống gốc cây nghỉ ngơi rồi sinh ra ông. Bởi vậy, cha
mẹ ông mới đặt tên cho ông là Pippalayana (Tất Bát La Da Na), có nghĩa
là sinh ra dưới gốc cây Pippali còn Kassapa (Ca Diếp) là họ của ông.
Cha của Ca Diếp, ông Kapila là một người rất giàu có. Tương truyền,
số tài sản mà Kapia la có trong nhà còn nhiều hơn cả ông vua Bimbisara
của xứ Magadha (Ma Kiệt Đà). Chính vì sinh ra trong một gia đình giàu
có, Ca Diếp rất được cha mẹ cưng chiều. Khi Ca Diếp lên tám, theo luật
lệ của Bà la môn, cậu bé được người cha giàu có của mình mời danh sư về
nhà dạy học. Với trí thông minh thiên bẩm, Ca Diếp tiếp thu các môn
học rất nhanh và môn nào cũng rất giỏi. Có điều, ngay từ khi còn rất
nhỏ, Ca Diếp đã tỏ ra rất khác so với những đứa trẻ đồng trang lứa,
không thích các trò hoan lạc, ghét những chỗ ồn ào và thường chỉ muốn ở
một mình. Và sự khác biệt ấy bộc lộ đến cực điểm khi Ca Diếp đến tuổi
thành thân.
Khi thấy Ca Diếp đã lớn khôn, trở thành một thanh
niên tuấn tú, cha mẹ gọi Ca Diếp đến và nói rằng, ông đã đến tuổi kết
hôn và cha mẹ ông sẽ chọn cho ông một cô gái thật xinh đẹp, thùy mị nết
na về làm vợ. Nhưng ngay khi nghe đến chuyện lấy vợ, Ca Diếp đã vội vã
xua tay nói: “Thưa cha mẹ, con muốn sống một mình để được phụng dưỡng
cha mẹ. Và nếu được cha mẹ cho phép con chỉ muốn xuất gia đi tu mà
thôi. Nếu như lấy vợ thì sự tu hành của con sẽ không thành”.
Sinh ra trong một gia đình giàu có, lại là con trai duy nhất, nên tất
nhiên, điều mong muốn của Ca Diếp bị bố mẹ phản đối kịch liệt. Chính
vì vậy, để không phải kết hôn, Ca Diếp mới nghĩ ra một cách để làm khó
cha mẹ mình: Đưa ra yêu cầu về cô gái ông sẽ lấy làm vợ. Ca Diếp cho
người mời một nhà điêu khắc thật giỏi rồi dùng vàng để đúc thành một
bức tượng mỹ nữ tuyệt đẹp mà chàng ta tin rằng không có cô gái nào trên
đời có được sắc đẹp như vậy. Sau khi tượng đã được đúc xong, Ca Diếp
mới mang bức tượng đến trước mặt cha mẹ mình và nói: “Đây là người con
gái con muốn lấy làm vợ. Nếu như cha mẹ không tìm được người con gái
giống như bức tượng này thì con nhất định sẽ không kết hôn”.
Tuy nhiên, yêu cầu của Ca Diếp không làm khó được cha mẹ ông. Một thầy
Bà la môn thân cận của ông Kapila, cha của Ca Diếp đã nhận lời tìm giúp
cô gái xinh đẹp giống hệt bức tượng kia. Ông ta biến bức tượng vàng
thành tượng nữ thần, để lên kiệu có lọng che rồi cho người khiêng đi
khắp các vùng nói rằng: “Đây là một nữ thần rất linh thiêng, các cô
thiếu nữ muốn cầu ước điều gì thì hãy đến trước mặt nữ thần để cầu khấn
sẽ được như toại nguyện”.
Khi bức tượng được đưa đến nước
Licchavi thì đúng dịp tết “đốt lửa” của người dân ở đây. Khi các cô gái
ở đây đến trước tượng nữ thần bằng vàng cầu khẩn thì mọi người đều ngỡ
ngàng khi nhận ra rằng pho tượng giống hệt với Bhadda (Diệu Hiền), con
một phú hộ trong làng. T
hầy Bà la môn thấy thế thì mừng lắm,
lập tức đến gia đình Diệu Hiền và đem câu chuyện “kén vợ” kỳ lạ của Ca
Diếp. Cha của Diệu Hiền nghe thấy cha của Ca Diếp là một vị phú hào
giàu có xứ Magadha nên đồng ý làm thông gia ngay. Tuy nhiên mặt Diệu
Hiền thì không hề cảm thấy vui vẻ, ngược lại mặt cô lúc nào cũng buồn
rười rượi từ khi nghe tin mình sẽ phải lấy chồng. Thế nhưng, ý cha đã
quyết nên Diều Hiền không còn cách nào khác, đành phải theo ông thầy Bà
la môn về Magadha để làm lễ kết hôn với Ca Diếp. Và đây cũng là thời
điểm diễn ra câu chuyện 12 năm không chung giường của vợ chồng Ca Diếp.
Vợ chồng 12 năm không ngủ chung
Sau khi lễ cưới kết thúc, mọi người đưa Ca Diếp và Diệu Hiền vào phòng
để làm lễ động phòng. Nhưng trong đêm tân hôn, cả Ca Diếp và Diệu Hiền,
không ai nói với ai lời nào, thậm chí cũng không nhìn mặt nhau, mỗi
người ngồi ở một góc, đeo đuổi một nỗi buồn xa vắng. Thời gian cứ như
vậy trôi qua, canh một, canh hai, rồi canh ba, canh tư… cho tới khi
hừng đông đã ló dạng mà cặp vợ chồng mới cưới vẫn tuyệt nhiên im lặng,
không ai nói với ai câu nào.
Cho đến khi trời đã sáng hẳn, Ca
Diếp lúc ấy mới nhẹ nhàng hỏi Diệu Hiền: “Nàng có điều chi phiền muộn
chăng?”. Diệu Hiền không trả lời, chỉ lẳng lặng ngồi khóc. Ca Diếp gặng
hỏi mãi, Diều Hiền mới nói: “Tôi chỉ muốn sống một mình phụng dưỡng
cha mẹ cho đến khi cha mẹ qua đời thì xuất gia đi tu. Giờ cha vì gia
đình ông giàu có mà gả tôi cho ông, ông đã phá hoại mong ước của tôi
rồi”.
Ca Diếp nghe thấy Diệu Hiền nói vậy thì mừng lắm, vội
nói với Diệu Hiền rằng, mình cũng có ý muốn xuất gia đi tu nhưng vì cha
mẹ bắt ép mới phải nghĩ ra kế pho tượng vàng để thoái thác, không ngờ
vị thầy Bà la môn kia lại tìm được cô giống hệt với pho tượng.
Sau cuộc nói chuyện đó, Ca Diếp và Diệu Hiền thỏa thuận với nhau rằng
vẫn sẽ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng sẽ không bao giờ nằm
chung giường với nhau để thực hiện chí nguyện tu hành của mình. Ca Diếp
cho người kê thêm một cái giường trong phòng ngủ để hai người có thể
ngủ riêng.
Thế là từ đó, Ca Diếp và Diệu Hiền tiếng là vợ
chồng nhưng không bao giờ chạm tay nhau, cũng chẳng có lấy một cái nhìn
lưu luyến. Thế nhưng chuyện hai người không chịu nằm chung giường
chẳng bao lâu sau cũng đến tai cha mẹ Ca Diếp. Ban đầu, ông bà không
tin, cho đến một đêm, hai ông bà bất thần xông vào phòng ngủ của vợ
chồng Ca Diếp thì quả thực thấy hai vợ chồng nằm ở hai chiếc giường khác
nhau. Cha mẹ Ca Diếp giận lắm, nói: “Hai vợ chồng mày đã kết hôn, đã
thành vợ chồng mà lại kê hai chiếc giường nằm riêng biệt thì còn ra làm
sao. Ta phải cho người chẻ bỏ đi một cái xem chúng mày còn làm cách
nào mà ngủ riêng”.
Vốn là một người con có hiếu nên Ca Diếp không dám phản đối cha mẹ.
Tuy nhiên, Ca Diếp và Hiền Diệu vẫn kiên quyết theo đuổi sự nghiệp tu
hành của mình. Vì vậy, Ca Diếp nói với vợ rằng: “Bây giờ còn có một cái
giường thì chúng ta sẽ thay phiên nhau ngủ. Đâu hôm đến nửa đêm thì
nàng ngủ, con ta sẽ ngồi tĩnh tọa. Sau nửa đêm thì ta sẽ ngủ còn nàng
sẽ ngồi tĩnh tọa”.
Diệu Hiền nghe thấy chồng nói vậy thì đồng ý ngay nhưng cũng nói với
Ca Diếp rằng: “Sao chúng ta không tìm cách để xuất gia cho sớm! Cứ như
vậy mãi lỡ như chúng ta bị ngũ dục mê hoặc rồi đọa lạc thì làm sao”. Ca
Diếp an ủi vợ nói: “Ta cũng nghĩ như vậy, nhưng ngặt vị cha mẹ vẫn còn
mà ta lại là con một, không thể không phụng dưỡng cha mẹ già được.
Nàng hãy kiên nhẫn, nhất định sẽ có ngày chí nguyện tu hành của chúng
ta sẽ được thực hiện”.
Ngày tháng trôi qua, cho tới một hôm,
như thường lệ, Diệu Hiền đi ngủ trước còn Ca Diếp ngồi tĩnh tọa trong
phòng. Do Diệu Hiền ngủ quá say nên một cánh tay buông xuống mặt đất.
Đúng lúc đó thì một con rắn đen cực độc xuất hiện bò lại gần cánh tay
đang buông xuống của Diệu Hiền. Thấy nguy, Ca Diếp không còn cách nào
khác, đành lấy áo quấn lấy tay mình rồi cầm tay Diệu Hiền đặt lên trên
giường và xua con rắn đi. Hành động của Ca Diếp rất nhẹ nhưng cũng làm
cho Diệu Hiền giật mình thức giấc.
Thấy Ca Diếp đang nắm tay
mình, dù qua một lớp áo, Diệu Hiền lên tiếng trách móc Ca Diếp: “Chúng
ta đã thỏa thuận sẽ không sa đọa vào sắc dục để thực hiện chí nguyện tu
hành, sao anh còn làm vậy?”. Ca Diếp vội vàng xua tay giải thích mọi
chuyện với Diệu Hiền. Nhìn con rắn còn chưa bò đi xa, Diệu Hiền lúc này
mới yên lòng và vô cùng cảm kích Ca Diếp. Cuộc sống thanh tịnh của hai
vợ chồng cứ như vậy trôi đi, cho tới một hôm…
Người kế thừa Phật tổ
Đó là năm cả cha và mẹ của Ca Diếp đều đã qua đời. Hôm ấy, Diệu Hiền
sai mấy người nô bộc ép dầu mè. Nguyên trong mè có rất nhiều mọt nên
trong khi ép dầu mấy người nô bộc nói với nhau rằng: “Ép thế này làm
chết biết bao nhiêu là sinh vật, không biết rồi đây sẽ phải chịu quả
báo đến thế nào! Nhưng không sao, đây đâu phải là tội của bọn mình, mà
chỉ là làm theo mệnh lệnh của chủ thôi”.
Diệu Hiền nghe mấy
người nô bộc nói với nhau như vậy lập tức thấy tâm thần rúng động, kinh
hoàng, vội bảo họ ngưng việc ép dầu, rồi chạy nhanh vào trong phòng
đóng cửa lại, ngồi tĩnh lặng. Trong khi đó, Ca Diếp từ sáng sớm đã ra
ngoài đồng xem những người nông dân cày cấy. Trong lúc ngồi quan sát,
Ca Diếp đã thấy được nỗi khổ của con người cũng như các loài vật trong
cuộc đấu tranh sinh tồn. Chính vì vậy, Ca Diếp quyết tâm xuất gia tu
hành, mong thoát khỏi cảnh trần thế mạnh được yếu thua.
Khi Ca
Diếp về tới nhà thì gặp Diệu Hiền mặt mày ủ dột. Hai người tâm sự cho
nhau nghe những gì đã trải qua trong ngày. Nghe xong, Ca Diếp quyết định
đã đến lúc thực hiện chí nguyện của hai người, nên nói với vợ: “Bây
giờ nàng ở lại trông coi nhà cửa, ta sẽ đi trước để tìm thầy, sau đó sẽ
về đón nàng”. Diệu Hiền nghe thấy vậy thì không đồng ý, nói: “Em muốn
được đi cùng một lúc với anh”. Chính vì vậy, hai người quyết định đem
toàn bộ tài sản mà cha mẹ để lại phân phát cho họ hàng, người thân cũng
như nô bộc và những người nghèo khó rồi cắt tóc, cạo đầu mặc áo nhà tu
rồi mỗi người một ngả ra đi.
Năm ấy, Ca Diếp đã trên ba mươi
tuổi. Người ta nói rằng, ngày Ca Diếp rời nhà tìm thầy học cũng là ngày
Thích ca Mâu ni thành đạo nơi gốc cây bồ đề. Ca Diếp đi nhiều nơi, học
qua nhiều thầy nhưng vẫn chưa tìm được thầy ưng ý. Cho tới một hôm,
ông nghe có người mách đức Phật Thích ca Mâu ni mới thực sự là bậc đại
giác ngộ hiện thời.
Nghe theo lời đồn đại, Ca Diếp tìm đến
đạo tràng Trúc Lâm (Venuvana) nơi Thích ca Mâu ni cùng các đệ tử đang
mở đạo tràng giảng về Phật pháp. Ban đầu, Ca Diếp không đến gặp Thích
ca Mầu ni ngay mà chỉ đi theo những người mộ đạo đến nghe giảng để thử
xem có thực Thích ca Mầu ni là một thầy giỏi như lời đồn hay không. Cho
tới một hôm, sau khi đến nghe giảng về, giữa đường, Ca Diếp nhìn thấy
Phật Thích ca Mầu ni ngồi dưới một tán cây cổ thụ.
Tự nhiên,
Ca Diếp thấy có một sức hút kỳ lạ, ông vội quỳ xuống xin bái Thích ca
Mâu ni làm thầy. Phật Thích ca Mâu ni lúc này mới nói: “Như Lai nghe nói
về ông đã lâu. Như Lai biết rằng, rồi đây thế nào ông cũng đến đây xin
theo Như Lai tu học, và hôm nay chính là ngày ông được mãn nguyện. Sự
lưu truyền Phật pháp trong tương lai sẽ cần tới ông rất nhiều”.
Chỉ 7 ngày theo Phật Thích ca nghe giảng đạo, Ca Diếp đã hoàn toàn khai
ngộ, đắc quả trở thành A la hán, được Phật Thích ca rất yêu mến và sau
này trở thành người kế thừa y bát của Phật Thích ca. Tuy nhiên, vì khi
đó có nhiều vị A la hán mang họ Ca Diếp (Kassapa) nên mọi người mới
gọi Ca Diếp là Đại Ca Diếp (Maha - Kassapa). Và đó cũng là cái tên rất
nổi tiếng đối với những đệ tử của Phật môn cho tới tận ngày nay.
Theo Bằng Hư - PNTD