Đức
Phật sẽ làm gì nếu ngài sinh vào thời này? Và ngài sẽ làm gì cho các yêu cầu
nhân quyền và tự do tôn giáo trên khắp thế giới?
Những
câu hỏi trên thực sự là mô phỏng theo thói quen của những người Tin Lành Truyền
Bá Phúc Âm: mỗi khi họ có điều cần suy nghĩ chín chắn, thường câu hỏi tự nêu ra
là “Đức Chúa Jesus sẽ làm gì trước hoàn cảnh này?”
Trên
nguyên tắc, người Phật Tử đã có sẵn giới luật và các lời nguyện để tự hướng dẫn
mình hành động. Đặc biệt là khi xông vào cuộc đời, Phật Tử đời thường đã có sẵn
Ngũ Giới, Bồ Tát Giới, Tứ Hoằng Thệ Nguyện hay Phổ Hiền Hạnh Nguyện để hướng
dẫn hướng đi. Cho nên câu hỏi “Đức Phật sẽ làm gì” có khi làm không vui những
vị bảo thủ, bởi vì phước báu của mình làm sao mà so nổi với Phật mà lại đặt câu
hỏi như thế. Tuy nhiên, nếu tin rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là một vị Phật Sống,
như dân Tây Tạng tin ngài là hóa thân Đức Quan Âm, thì chúng ta có ngay một
điển hình trong thời này. Và cũng trong một cuộc chiến cho quyền tự do tôn giáo
trong một chế độ cộng sản, tuy nhiều phương diện khác thì Tây Tạng phức tạp hơn
nhiều nước khác. Hãy thấy, ngài không hề kêu gọi giải thể chế độ CS Bắc Kinh
hay đòi lật đổ bù nhìn Lhasa, thậm chí ngài còn kêu gọi hòa bình, nhưng hiển
nhiên là sức thuyết phục của ngài đã lan xa toàn cầu.
Tuy
chậm rãi, nhưng từng người một đang đứng về với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Bản tin
thông tấn ANI hôm 8-10 cho biết rằng người mới nhất đứng về với ngài là nữ tài
tử Mỹ Latin Jennifer Lopez, người nổi tiếng với phim “The Wedding Planner” và
đã quyết định chuyển sang Phật Giáo sau những lần nói chuyện về ý nghĩa cuộc
đời với tài tử Richard Gere.
Thật
sự, thêm một tài tử vào với Đạo Phật hay rời bỏ, thì chuyện này chỉ là do nhân
duyên nhiều đời và các cơ may trong kiếp này, tuy có góp phần cho lẽ thịnh suy
nhưng không ảnh hưởng thêm hay bớt gì tới thật lý của chánh pháp. Nhưng đối với
cuộc chiến nhân quyền, thì đây sẽ là một tiếp trợ rất là lớn. Cứ nhìn trường
hợp Richard Gere thì thấy, chính tài tử này đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho Phật
Giáo Tây Tạng để tiếp cận với xã hội Tây Phương, sau khi Gere trở thành môn đệ
của Đức Đạt Lai Lạt Ma và mỗi ngày đều tọa thiền...
Nhưng
Đạt Lai Lạt Ma là ai? Nhật báo Sun-Sentinel, số ngày 18-9-2004, bài viết nhan
đề “Dalai Lama, Superstar” (Đạt Lai Lạt Ma, Siêu Sao) của James D. Davis cho
thấy khía cạnh rất đa dạng, “Nhà thần bí, nhà tử đạo, nhà đạo đức, nhà chính trị, nhà hoạt động nhân quyền: Đối với tín đồ
và người ái mộ, Đức Đạt Lai Lạt Ma là tất cả như thế và còn hơn nữa.”
Gọi
ngài là siêu sao cũng đúng, vì chung quanh ngài toàn là siêu sao cả, như Richard
Gere và Uma Thurman.
Đời
ngài y hệt như chuyện trong sách cổ: được công nhận là hậu thân của một vị lạt
ma cao nhất nước Tây Tạng, thế là khi còn bé, ngài đã lên làm vua và giáo chủ.
Nhưng rồi ngài nhìn thấy đất nước mình bị xâm lăng bởi Hồng Quân Trung Quốc,
đạo binh hung bạo của những người vô thần, và rồi ngài chạy trốn sang Ấn Độ,
nơi ngài thành lập chính phủ lưu vong và trở thành một nhà hoạt động hòa bình
cho nhân quyền.
Ngài
là người thắng giải Nobel Hòa Bình 1989, và sách ngài viết về đạo học và ý
nghĩa đời sống đã bán chạy tại nhiều nơi trên thế giới. Cần ghi nhận, lập trường
hòa bình của ngài đã làm lay động lương tâm toàn cầu. Thử giả sử, nếu Đức Đạt
Lai Lạt Ma kêu gọi thành lập quân đội du kích, thì vai trò của ngài có cao lắm
thì cũng chỉ là một mô hình du kích của Xứ Tuyết, mà cũng chưa chắc đã thành công;
đó là chưa nói tới chuyện sát nghiệp. Mà đặc biệt, ngài cũng không dùng tới
ngôn ngữ hung bạo kiểu như “giải thể chế độ Bắc Kinh” hay “giải phóng Tây Tạng”
làm chi. Một lẽ, chính vì lập trường hòa dịu như thế, Giải Nobel Hòa Bình mới
được trao. Cần nhớ thêm, Nghị Hội Thanh Niên Tây Tạng đã nhiều phen phản đối,
và cả biểu tình chống lập trường hòa dịu của ngài, đặc biệt là khi ngài chính
thức nhượng bộ Bắc Kinh, chỉ còn xin tự trị một phần Tây Tạng, cụ thể là tự trị
về văn hóa và giáo dục, còn thì ngoại giao và quân đội xin giao hết cho Bắc
Kinh. Có lẽ điều nổi bật lớn nhất mà người khác không hiểu nổi tâm lượng của ngài:
Đạt Lai Lạt Ma còn là hóa thân Đức Quan Âm. Thậm chí, nếu chúng ta nhớ lại các
chuyện bổn sanh, trong một kiếp trước của Phật Thích Ca khi còn là đạo sĩ Nhẫn
Nhục, đã bị vua Ca Lợi chặt tay, chặt chân mà lòng không hề óán hận gì.
Những
siêu sao tìm tới quanh ngài có phải vì bị thu hút bởi lập trường nhân quyền hay
tự do tôn giáo? Đó chỉ là những lời giải thích thôi, nhưng đúng nhất nên nói là
vì nhân quyền, và vì phước báu của ngài như thế. Một tổ chức đã giúp ngài tích
cực trong cuộc chiến nhân quyền là Tibet House (Nhà Tây Tạng, viết tắt TH), thì
lại toàn là bồ câu, và không thấy ai diều hâu cả. Một trong các sáng lập viên
TH là Richard Gere, học trò ngài hơn 15 năm nay. Phó chủ tịch TH là nhà soạn
nhạc Philip Glass. Trong hội đồng qủan trị có ca sĩ Natalie Merchant và nữ tài
tử Uma Thurman, con gái của dịch giả Robert Thurman cũng là chủ tịch và khoa
trưởng Tây Tạng Học tại Đại Học Columbia.
Những
siêu sao khác đã theo học với Đức Đạt Lai Lạt Ma còn có nữ tài tử Sharon Stone,
nam tài tử Steven Seagal, ca sĩ Adam “MCA” Yauch của ban Beastie Boys. Đặc
biệt, Seagal năm 1997 đã được xác minh bởi 1 lạt ma Tây Tạng là hậu thân của
một lạt ma nổi tiếng thời thế kỷ 17.
Ganden
Thurman (anh của Uma Thurman), hiện là giám đốc đề án của TH tại New York, giải
thích rằng các siêu sao kia nhìn thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma là biểu tượng của các
giải pháp hòa bình, “Những ngôi sao đang hoạt động từ thiện giúp người mà họ
thấy là đang làm lợi [cho nhân loại]. Và Đức Đạt Lai Lạt Ma là hiện thân của
giải pháp điền thế cho chiến tranh. Với tất cả những màn diệt chủng và tra tấn
mà dân tộc ngài đã trải qua, ngài là nhân vật đáng tôn kính thấy rõ đã đứng ra
bênh vực cho hòa bình.”
Có
một nghịch lý khó hiểu về giáo pháp: trong khi họ bị thu hút bởi nhân cách và
từ tâm của Đức Đạt Lai Lạt Ma, thì Phật Pháp và chính ngài cũng rao giảng rằng
tự ngã vốn không hề có, rằng sắc tức thị không, rằng tất cả đều vô ngã, vô tựï tánh...
Vậy thì cái gì ở ngài thu hút họ?
Đức
Đạt Lai Lạt Ma là một trong nhiều nhà tư tưởng được phỏng vấn bởi Paul Dietrich
cho một chương trình đặc biệt của đài PBS. Chương trình này tập trung vào chủ
đề “lòng tha thứ” (forgiveness), trong đó cũng phỏng vấn Billy Graham (mục sư
Tin Lành), cựu TT Nam Phi Nelson Mandela và Tổng Giám Mục Desmond Tutu (Công
Giáo).
Đạo
diễn Dietrich, người đã để cả một ngày với Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Ấn Độ hồi
tháng ba, có ấn tượng mạnh bởi triết lý chấp nhận của ngài -- một thái độ thâm
tín nhân quả trước một đạo binh chiếm đóng như Trung Quốc.
Dietrich
kể lại, “Ngài sống với lòng từ bi không chỉ là một công cụ để sử dụng, nhưng là
một cách để nhìn về thế giới. Hầu hết người ta từ bỏ căm thù từ quan điểm tự
ái, để không tự làm tổn thương mình. Bước kế tiếp là nhìn kẻ thù bằng lòng từ
bi, như một người cũng đời thường đầy lỗi lầm như mình.”
Phim
PBS đó dự kiến sẽ chiếu vào cuối năm 2005 hay đầu năm 2006.
Dietrich
kể thêm, “Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại, mỗi sáng, ngài tìm cách đón nhận vào tâm
ngài tất cả những căm thù của người Trung Hoa hướng về dân Tây Tạng. Và khi
ngài nghe vài chuyện tàn bạo của người Hoa, ngài tự trách mình đã không đón
nhận tất cả hết căm thù đó.” Dietrich cười, “Tôi không biết tôi có thể làm thế
không.”
Là
một tín đồ Công Giáo với “khuynh hướng”
truyền bá phúc âm, Dietrich nói là thấy có những đường song song giữa lời Đạt
Lai Lạt Ma dạy và Kinh Thánh Ky Tô.
Có
phải rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma không hề thực dụng và không hề hiệu qủa đối với
cuộc chiến hộ trì chánh pháp? Chắc chắn, người ta sẽ có nhiều câu trả lời dị biệt
nơi đây vậy.