Từ khi tác phẩm Tây du ký của Ngô Thừa Ân
(khoảng 1500 – 1580) ra đời đến nay đã gây ra
nhiều sự hiểu lầm đối với nhiều người về ngài
Huyền Trang – bậc cao Tăng lỗi lạc đời nhà Đường
- mà người ta thường hay gọi là Đường Tăng hay
Đường Tam Tạng, nhất là trong những năm gần đây
có nhiều phim ảnh mang nội dung của cuốn tiểu
thuyết này được trình chiếu khắp nơi càng làm
cho người ta hiểu lầm ngài, thậm chí còn cho
ngài là một người nhu nhược, bất công, không
sáng suốt, mọi việc đều phải nhờ vào kẻ khác …
và có một xuất thân thật là thấp hèn, nào là cha
bị giết, mẹ bị hiếp, lúc nhỏ ngài đã bị bỏ trôi
sông, chưa đến tuổi trưởng thành đã báo thù báo
óan… Vẫn biết Ngô Thừa Ân không tự đặt ra câu
chuyện này, mà ông đã tập hợp nhiều tác phẩm
mang nội dung Tây du trước đó(1) để viết ra
truyện Tây du ký với nhiều mục đích chính
trị và xã hội, trong đó phản ảnh rất trung thực
những tiêu cực từ bề trái của cuộc sống con
người ở nhiều tầng lớp khác nhau, rút ra những
bài học rất giá trị cho nhiều thế hệ, nhưng việc
tiểu thuyết hóa theo chiều hướng xấu một nhân
vật lịch sử – một con người đạo đức đã được
người đời kính ngưỡng thật là việc làm không
đúng của ngừơi cầm bút.
Thực
ra,
ngài Huyền Trang là một ngôi sao sáng chói trong
lịch sử Phật giáo Trung Hoa, là vị sáng tổ của
Duy Thức Pháp Tướng tông thuộc Phật giáo Đại
thừa Trung Quốc, một học giả uyên bác thâm sâu
về Phật học, một dịch giả có công lớn nhất từ
trước đến nay. Tên thật của ngài là Trần Vĩ,
sinh năm 600 (2) ở huyện Hầu Thị châu Lạc Xuyên
(nay là huyện Uyển Sư tỉnh Hà Nam) Trung Quốc.
Xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc, cha
là Trần Huệ đã từng làm huyện lệnh ở Giang Lăng,
các thành viên trong gia đình đều là những Phật
tử thuần thành, ngài có bốn anh em, người anh
thứ hai là Trần Tiệp xuất gia ở chùa Tịnh Độ (Lạc
Dương). Có lẽ do những điều thuận lợi như thế
nên ngài Huyền Trang đã sớm có cơ hội gần gũi
Phật pháp ngay trong thời thơ ấu.
Năm lên 10 tuổi (610) ngài được gia đình cho
phép xuất gia trong một ngôi chùa ở Lạc Dương.
Ngài thọ giáo Đại Bát Niết Bàn Kinh với
Cảnh Pháp sư và Nhiếp Đại Thừa luận với
Nghiêm Pháp sư , đến năm 13 tuổi đã thông suốt
hai bộ kinh luận này lại được trúng tuyển trong
danh sách 27 vị tăng do triều đình tuyển chọn.
Qua năm 14 tuổi (614) ngài được sang Thành Đô
học bộ Tùy Đàm tập yếu với Cơ Pháp sư và
Tiềm Pháp sư, bộ A Tỳ Đàm Phật Trí luận (của
ngài Ca Chiên Diên) với Chấn Pháp sư. Ngài học
rất chuyên cần và tinh tấn nên chẳng bao lâu đã
liễu ngộ hai bộ luận nói trên.
Năm 20 tuổi (620) , ngài Huyền Trang thọ giới Tỳ
kheo tại Thành Đô, sau đó ngài tiếp tục học kinh
luận và các bộ sớ giải của đất Thục. Ngài cũng
đi hành cước ở nhiều nơi để học đạo, ngài đi
Kinh Châu, Tương Châu, đặc biệt là đến Triều
Châu để học bộ Thành Thật luận với Thẩm
Pháp sư và đến Trường An để học bộ Câu Xá
luận với Nhạc Pháp sư. Ngài là người thông
minh xuất chúng học đâu biết đó, chỉ học qua một
lần đã nhớ mãi không quên. Thời đó ở Trường An
có hai vị Pháp sư nổi tiếng là Pháp Thường và
Tâm Biện, đây là hai giảng sư rất uyên thâm về
luận Đại thừa, hai ngài đã dẫn dắt ngài Huyền
Trang tu học, và cũng chính hai giảng sư này lại
nói rằng “Người nầy thật sự là con ngựa câu
ngàn dặm trong hàng Thích tử, chiếu sáng mặt
trời trí tuệ sẽ là bổn phận của người. Rất tiếc
chúng tôi đã lớn tuổi nên không chứng kiến được
sự thành công rực rỡ đó …”.
Ngài Huyền Trang sau khi học đạo ở nhiều nơi với
nhiều danh sư đã nhận thấy rằng trong những điều
đã học có nhiều điểm không tương đồng, thậm chí
còn tương phản với nhau, không thể lý giải được;
lúc đó lại có một vị cao tăng tên
Ba-pha-mật-đa-na ở chùa Na-Lan-Đà, học trò của
ngài Giới Hiền từ Ấn Độ đến Trường An bằng đường
biển để thuyết giáo. Sau khi gặp vị cao tăng này
cộng với những suy nghĩ trên nên ngài quyết định
phải du hành sang Ấn Độ để du học những điều
chưa hiểu biết và thỉnh về cho quê hương xứ sở
những bộ kinh mà Trung Quốc đang còn thiếu sót.
Mặc dù có lệnh của vua Đường Thái Tông cấm chỉ
việc Tây du, nhưng với ý chí cương quyết và tấm
lòng nhiệt thành với đạo, ngài đã lên đường sang
Ấn Độ vào tháng tám niên hiệu Trinh Quán thứ 3
đời Đường (năm 629). Điểm khởi hành là Trường
An, ngài đến Tân Châu, Lan Châu rồi Lương Châu ở
đây bị vị Đô đốc trấn nhậm xứ này giữ lại do
lệnh của Triều đình, nhưng đang đêm ngài lại lẽn
ra đi, ngài đến Qua Châu sang sông Hồ Lư rồi một
mình ra khỏi Ngọc Môn quan, trực chỉ đất Phật.
Trên đường đến Thiên Trúc (Ấn Độ) ngài đã băng
qua con đường dài thăm thẳm với những sa mạc
mênh mông, núi cao chớm chở, rừng rậm bạt ngàn…
với những sông sâu thăm thẳm, ghềnh thác cheo
leo, thú dữ đầy đàn, ác nhân chờ chực. Sau hai
năm đối mặt với hiểm nguy với nhiều lần thoát
chết ngài đã đến đất Phật thiêng liêng. Ngài tu
học ở chùa Na Lan Đà và tham quan nhiều nơi khác,
đã chứng đắc được giáo nghĩa thâm sâu của Phật
giáo đại Thừa, ngài đã liễu ngộ được mọi vấn đề
về chân không - diệu hữu. Cuối cùng ngài
đã mang cái thành quả tri thức này trở về Trung
Quốc – nơi quê hương xứ sở của ngài với sự đón
tiếp nồng nhiệt của Triều đình và dân chúng.
Tính vừa đi vừa về đúng 17 năm, ngài đã xuyên
qua một quãng đường gần 10.000 km.
Ngài trở về Trung Quốc vào tháng giêng, niên
hiệu Trinh Quán thứ 19 (năm 645). Khi về đến
Kustana (một nước giáp biên giới phía đông của
Trung Quốc), ngài đã viết thư sai người về kinh
đô trình Hoàng đế Trung Quốc báo tin ngài đang
trên đường về. Đường Thái Tông truyền lệnh cho
Tể tướng Phòng Huyền Linh sắp xếp và tổ chức đón
tiếp ngài. Phòng Tể tướng đã cử Hầu mạc Trần Đạt
(Đại tướng trấn nhậm xứ Hữu Võ Hầu) Lý Thúc Tông
(Tư mã Ung Châu ), Lý Càn Hựu ( Huyện lệnh Tràng
An) dẫn phái đoàn đến Tào Thượng để đón tiếp
ngài, lễ đón tiếp thật long trọng.
Các loại kinh tượng, pháp bảo, ngài mang từ Ấn
Độ về Trung Quốc gồm có:
1/ 150 hạt xá lợi Phật .
2/ 01 tượng Phật bằng vàng theo mẫu dùng trong
hang Long Khất trên núi Chánh Giác ở Ma Kiệt Đà,
tượng cao ba bộ bốn tấc Anh tính cả đế.
3/ Một tượng Phật bằng gỗ trầm hương tạc hình
đức Phật chuyển pháp luân lần đầu ở Varanasi,
tượng cao 3 tấc 5 Anh tính cả đế.
4/ Một tượng bằng gỗ trầm, mô phỏng tượng trầm
hương do vua Udayana ở xứ Kansamhi, cao 2 tấc 9
Anh tính cả đế.
5/ Một tượng Phật bằng bạc cao 4 tấc Anh tạc
hình Như Lai từ cung Trời giáng xuống thành Ca
Tỳ La Vệ.
6/ Một tượng Phật bằng vàng cao 3 tấc 5 Anh tính
cả đế , tạc hình Đức Phật đang thuyết kinh Pháp
Hoa ở núi Linh Thứu xứ Ma Kiệt Đà.
7/ Một tượng Phật bằng gỗ trầm hương cao 1 tấc 3
Anh tính cả đế, tạc hình Đức Phật đang khuất
phục mãng xà ở Nagaraha.
8/ Một tượng Phật bằng gỗ trầm hương, tạc hình
Đức Phật đang khất thực quanh thành Vaishali, và
một số tượng nhỏ khác.
9/ 224 bộ kinh, 192 bộ luận. Trong đó có 15 bản
Thượng tọa bộ, 15 bản Đại chúng bộ, 15 bản của
phái Chánh Lượng, 22 bản của phái Disatac, 27
bản của phái Ca Diếp tỉ la, 42 bản của phái Pháp
Mật, 67 bản của phái Nhất Thiết Hữu, 36 bản Nhân
Minh luận, 13 bản Thanh Minh luận. Tổng cộng có
520 hòm kinh sách, phải dùng 20 con ngựa để
chuyên chở.
Trong 20 năm kể từ khi về đến Trung Quốc đến
cuối cuộc đời, ngài đã dịch 75 bộ kinh luận gồm
1.335 quyển (đúng ra là 68 bộ, vì trong đó có
những bộ nhỏ được rút ra từ những bộ lớn). Ngoài
ra còn có một bộ hồi ký rất nổi tiếng là Đại
Đường Tây Vực ký thường được gọi là Đại
Đường Tây Du ký, bộ nầy ngài Huyền Trang
cùng ngài Biện Cơ (Khuy Cơ) hợp soạn theo lời
yêu cầu của nhà vua. Trong thời gian dịch kinh
ngài còn tổ chức truyền bá sâu rộng tư tưởng và
giáo nghĩa Duy thức dùng Thành duy
thức luận làm cơ sở, sau đó đã hình thành
Duy thức tông còn gọi là Duy thức Pháp
tướng tông, theo triết lý của tông này thì
không có pháp nào trong thế gian, phi thế gian
hay niết bàn mà lìa ngoài thức, và cứ mỗi thức
trong bát thức (Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý,
Mạt na, A lại da) đều có ba phần: Tướng phần ta
thường gọi là dữ kiện cảm quan; Kiến phần là cơ
quan tri thức; Thị chứng phần cũng chính là bản
thể của thức.
Duy thức tông
tuy theo đường lối liễu tri tiệm ngô, nhưng đã
đáp ứng được một phần lớn về nhu cầu giáo lý ở
đời Đường, đã đưa ra chỗ bám víu tối cao mà
Tam luận tông không có. Chủ truơng của
Tam luận tông do ngài Cát Tạng sáng lập là “Duyên
khởi hữu, tính tự không“ với giáo nghĩa rất
cao siêu, nhưng cái khái niệm “tính không“
rất khó giải thích vào thời đó, các nho sĩ cứ
hiểu lầm bản thể là không, cứu cánh không có thì
tu làm gì. Đến khi cái thuyết A lại da duyên
khởi của ngài Huyền Trang ra đời đã bù lắp
vào chổ khó hiểu của Tam luận tông. Ngoài
ra Duy thức tông cũng đóng góp được phần
lý luận căn bản cho những người muốn nghiên cứu
về Thiền, vì Thiền tông chỉ chú trọng ở
phần chứng tri hơn ở phần liễu tri, chỉ đặt
trọng tâm ở phần tu chứng hơn là lý luận, chủ
trương của Thiền là “Bất lập văn tự, giáo
ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh
thành Phật” tuy rất hay nhưng đa số các học
giả hoặc tu sĩ còn nặng về nho học thật không
hiểu nổi. Duy thức luận ra đời đã đáp ứng
được vấn đề lý luận cơ bản nầy.
Trong khi Phật giáo đang đi vào thời
điểm cực thịnh ở Trung Quốc thì vào ngày mùng
bốn tháng hai niên hiệu Lân Đức (năm 664) tại
Ngọc Hoa cung ngài đã vĩnh viễn ra đi để lại bao
nhớ thương luyến tiếc cho hàng triệu tông đồ
Phật tử, trong đó có cả vua tôi nhà Đường. Cả
cuộc đời ngài Huyền Trang đã hiến dâng cho đạo
pháp, ngài đã vận dụng tất cả sự hiểu biết của
mình để dịch thuật kinh luận và soạn dịch các
kinh nghĩa đã có từ trước (trong đó có bộ Đại
bát nhã gồm 600 quyển), ngài cũng vừa thành
lập tông môn để truyền bá giáo lý Phật đà. Với
trí tuệ và công đức vô lượng đó, vua Đường đã
sắc phong cho ngài làm Quốc sư với tôn hiệu là
“Tam Tạng Pháp Sư”, và sau khi ngài viên tịch
Đường Cao Tông đã bãi triều ba ngày để tưởng
niệm; lễ tang của ngài đươc cử hành trọng thể,
có hơn một triệu người ở Trường An và các vùng
phụ cận đến tham dự, sau khi an táng còn có ba
mươi ngàn tông đồ và những người kính ngưỡng làm
lều ở cạnh mộ ngài để ngày đêm lo hương khói.
Trong lễ an táng ngài Huyền Trang, vua Đường Cao
Tông đã đau đớn tuyên bố “Trẩm nay vừa mất
một quốc bảo”, nhưng cho đến hôm nay – đã
hơn ngàn năm qua hình bóng thân thương của ngài
vẫn tồn tại và sự nghiệp lẫy lừng của ngài lúc
nào cũng còn đậm nét trong kho tàng Phật học của
chúng ta ./.
------------------------------
(1) Trước Ngô Thừa Ân đã có một số tác phẩm mang
nội dung Tây du như :
-
Đường Tam Tạng thủ kinh thi thoại, thời
Nam Tống.
-
Tây Du ký bình thoại, thời Nguyên.
-
Đường Tam Tạng Tây thiên thủ kinh tạp kịch,
thời Nguyên.
-
Tây du ký tạp kịch, thời Nguyên.
(2) Cũng có tài liệu ghi ngài Trần Huyền Trang
sinh vào niên hiệu Khải Hoàng thứ 16 đời Văn đế
nhà Tùy, nhằm năm 596 Tây lịch.