Khi Phật giáo chính thức du nhập vào Nhật Bản cho
đến ngày nay đã gần 1500 năm, với chiều dài lịch sử, với bao biến thiên
của thời cuộc khiến cho Phật giáo cũng biến đổi theo để phù hợp với
mỗi thời đại. Lịch sử Phật giáo Nhật Bản đã cho chúng ta thấy rằng trải
qua các thời đại khác nhau, Phật giáo được truyền bá bằng nhiều cách
khác nhau.
Song, triều đại nào cũng có những nét đặc sắc riêng. Có thể nói,
trong số các triều đại thì Phật giáo thời Liêm Thương là phát triển mạnh
nhất với sự ra đời của hàng loạt các tông phái mới như Tịnh độ tông,
thiền Lâm Tế tông, thiền Tào Động tông, Nhật Liên tông. Nhưng tiêu biểu
nhất là Tịnh độ tông do ngài Pháp Nhiên khai sáng.
Ngài Pháp Nhiên (1133 – 1212) là con của một vị quan võ đặc trách về
an ninh quốc gia. Thân phụ ngài đã bị giặc cướp giết hại vào ban đêm,
lúc đó Ngài mới vừa tròn 9 tuổi. Trước khi chết, cha ngài tỏ ý không
cho phép báo thù. Đau lòng trước cảnh sanh tử biệt ly và vâng lời cha
dạy, năm 13 tuổi ngài lên Tỉ Duệ sơn, theo Ngài Nguyên Quang xuất gia.
Sau đó, ngài còn tham học Thiên Thai với ngài Hoàng Viễn và ngài Duệ
Không. Ngoài ra, ngài còn chịu khó du phương học đạo với các vị danh
tăng. Ngài được khen ngợi là bậc thông tuệ trong rừng thiền. Năm 43
tuổi, trong tàng kinh các ở Hắc Cốc, khi đọc Quán Vô Lượng Thọ kinh sớ
của ngài Thiện Đạo đến câu “Nhất tâm chuyên niệm Di-đà danh hiệu” thì
tâm ngài bừng sáng và quyết chí hành trì pháp môn niệm Phật. Ngay sau
đó, ngài hạ sơn, đến Cát thủy ở Đông sơn thuộc Kinh đô bây giờ lập thảo
am chuyên trì danh hiệu đức Phật A-di-đà. Tại đây, ngài dạy tăng tín
đồ chuyên niệm hồng danh đức Phật A-di-đà để được vãng sanh. Tăng tín
đồ theo ngài càng ngày càng đông. Năm 53 tuổi, tại cuộc pháp luận về
Tịnh độ niệm Phật, ngài làm cho thính chúng đều thán phục. Năm 65 tuổi,
Ngài viết bộ Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tập. Qua bộ này, có thể
nói Tịnh độ tông chính thức được thành lập.
Khi Tịnh độ tông
được thiết lập, ngài Pháp Nhiên đã lập lại lời dạy của ngài Đạo Xước
(Trung Quốc), tác giả của bộ An lạc tập rằng, vào thời mạt pháp, cách
xa đại Thánh, căn cơ của người tu đạo kém cỏi, khó mà lãnh hội được lời
dạy của Phật Tổ, chỉ có một pháp môn niệm Phật là phù hợp với mọi căn
cơ, mọi thời. Tịnh độ tông của ngài lấy Vô lượng thọ kinh, Quán kinh,
A-di-đà kinh và Vãng sanh luận của ngài Thế Thân làm cơ sở. Tôn chỉ của
Tịnh độ tông có thể tìm thấy ngay nơi tiêu đề của bộ Tuyển trạch bản
nguyện niệm Phật tập do chính Ngài sáng tác. Bản nguyện ở đây có nghĩa
là các điều nguyện căn bản mà đức Phật A-di-đà khi còn là Pháp Tạng
Bồ-tát đã tuyển chọn từ điều nguyện thứ 18 trong 48 điều nguyện của đức
Phật A-di-đà: Chọn pháp môn niệm Phật làm điều nguyện căn bản cầu vãng
sanh. Đây là pháp môn xưng niệm danh hiệu của đức Phật A-di-đà, hoặc
suốt một đời, hoặc chỉ 10 niệm hay thậm chí chỉ một niệm cũng được vãng
sanh Cực Lạc. Ngài còn giảng dạy thêm cho tăng tín đồ hiểu rõ về tịnh
độ. Ngài nói: Tịnh độ có nghĩa là cõi nước của Phật, ngoài cái thế giới
trần tục mà chúng ta đang sống còn có vô số Tịnh độ. Đối với Tịnh độ,
thế gian này được gọi là uế độ. Nó có nhiều thứ bất tịnh và đầy những
chuyện phiền não. Nhưng nếu chúng ta tu hành đạt đến giác ngộ, giải
thoát thì uế độ này sẽ trở thành tịnh độ. Ngài còn cho rằng, cõi Phật ở
ngay tại đây và ngay trước mắt ta. Điều này đã được người xưa minh
chứng một cách rất xác thực rằng:
莫道西方遠
西方在目前
水流歸大海
月
落不離天
Âm:
Mạc đạo Tây Phương viễn,
Tây Phương tại mục tiền,
Thủy
lưu quy đại hải,
Nguyệt lạc bất ly thiên.
Tạm dịch:
Chớ bảo
Tây Phương xa,
Tây Phương trước mặt mà,
Nước chảy xuôi về biển,
Trăng
lặn, trời nào xa.
Tóm lại, Tịnh độ tông mà ngài khai sáng tại
Nhật Bản đã mở ra một trang sử mới cho Phật giáo Nhật Bản và là nền tảng
của Phật giáo thời Liêm Thương. Tịnh độ tông đã phát triển đến ngày
nay với tổng số tự viện là 6.932 và 6.032.789 tín đồ.
Nhuận Đạo